Về nguyên tác mà nói thì trọng tâm của giới không sát sinh là không giết người. Cho nên giết người là tội nặng, giết các loại động vật khác là tội nhẹ. Chúng sinh cố nhiên là nhất loại bình đẳng như nhau. Nhưng chỉ có loài người là có thể gây nghiệp ác (còn gọi là "hắc nghiệp" nghiệp đen) mà bị đọa xuống làm quỷ hoặc xuống địa ngục. Cũng chỉ có loài người mới có thể tu hành nghiệp thiện (còn gọi là "bạch nghiệp" nghiệp trắng) mà được lên thiên đường, ra khỏi ba cõi, cho đến thành Phật. Còn các loài chúng sinh khác, trừ một số trường hợp ngoại tệ rất ít, nói chung là không biết thiện, ác là gì, chỉ có những hành vi tự nhiên tùy nghiệp mà chịu báo chứ không có tạo tác của tâm ý. Cho nên con người là khí cụ để chở đạo (Đạo khí) chỉ có con người mới có thể tu đạo và có thể hoằng đạo. Vì vậy giới sát lấy việc răn cấm không giết người làm căn bản.
Giết người phải có đủ ba điều kiện : 1 biết đó là người; 2 có dự định mưu sát; 3 giết chết. Không đủ ba điều kiện ấy thì chỉ gọi là làm bị thương hoặc ngộ sát, không hình thành tội giết người. Về con người, thì không kể tuổi tác, sang hèn, đã thành hình hay chưa thành hình người, đã có trí khôn hay chưa có trí khôn, đã khẳng định là người thì không được giết. Cho nên không được sát hại, cũng không được lấy danh nghĩa cái chết an lạc để xử lý cho người tự họ muốn tìm cái chết hoặc những người tàn phế đã trở thành vô tri vô giác.
Nếu làm trái với những điều đó tức là phạm tội giết người. Ngày nay giới y học hô hào những người có điều kiện cho các bộ phận cơ thể để ghép cho người cần thay thế, như lấy giác mạc của mắt, lấy quả thận và các bộ phận khác của cơ thể để ghép cho người khác. Đó là lấy một phần cơ thể của những người đã không còn khả năng xử dụng nó nữa, làm cho nó sống lại. Đó là việc làm đáng khuyến khích. Nếu họ cho khi còn sống có nghĩa là đã được sự đồng ý tự nguyện của họ. Nếu sau khi họ chết mới dùng để lắp ghép thì trước đó phải được họ xác nhận đồng ý khi còn sống. Nếu không làm như thế thì người chết có thể còn một phần quyến luyến, chấp trước đối với di thể của mình mà sinh tức bực oán giận, thậm chí còn ảnh hưởng tới ý nguyện chuyển sinh thiện đạo hoặc con đường vãng sinh tịnh độ của họ.
Những người chết một cách tự nhiên thì thông thường trong khoảng 12 giờ thần thức chưa lìa hẳn, vẫn còn phần tri giác. Theo quan điểm y học mà xem xét thì chưa hẳn là đã chết thực sự.
Nhưng nếu họ làm di chúc để lại nói rõ việc cho một bộ phận cơ thể của họ để cứu chữa tính mạng của một hoặc nhiều người khác thì đó là hạnh Bồ Tát xả thân cứu người. Vì vậy, nếu khi còn sống, người tự nguyện cho cơ thể có viết di chúc để lại thì việc lấy bộ phận cơ thể của họ để lắp ghép cho người khác không thành vấn đề phải bàn đến.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, vì lý do giữ gìn môi trường vệ sinh tất phải xử lý vấn đề diệt ruồi, nhặng, muỗi, kiến, châu chấu, bọ ngựa, chuột v.v… Điều này đã có định lệ ngay từ khi Phật còn tại thế. Trong nhà tắm của các Tỳ kheo do bồn tắm lâu ngày không dùng, nên đầy rẫy sâu nhỏ. Các Tỳ kheo làm công việc dọn dẹp không biết xử lý như thế nào ? Phật nói "phải làm sạch nước bẩn, dọn nhà tắm cho sạch". Tỳ kheo hỏi "sẽ làm hại đến sâu bọ". Phật nói : "đó không phải là làm hại đến côn trùng mà để duy trì môi trường vệ sinh của con người mà phải quét tước, dọn dẹp, không phải là mục đích sát thương loài côn trùng cho nên không coi là sát sinh. Đương nhiên không được phun thuốc có chất độc để giết hại côn trùng chỉ dùng các phương thức quét tước, dọn dẹp tiêu độc để phòng ngừa hoặc ngăn cản không cho côn trùng xâm nhập sinh sôi nẩy nở. Nếu môi trường vệ sinh được giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ và được tiêu độc thì dẫu có côn trùng cũng không nhiều lắm.
Trong lúc cày cấy cũng khó tránh khỏi làm tổn hại đến côn trùng, nhưng vì cuộc sống của bản thân chúng ta, không những lúc cày cấy mà cả khi đi, khi chạy thường ngày và khi làm các công việc khác chúng ta cũng vô ý giết hại côn trùng. Vì vậy chỉ có thường xuyên niệm Phật A Di Đà, nguyện cho các loài chúng sinh ngu si vô trí sau khi chết được chuyển sinh thiện đạo hoặc siêu sinh tịnh độ thì coi như không phạm giới sát sinh. Tất nhiên là nếu cẩn thận đề phòng, giảm bớt những cơ hội làm sát thương côn trùng thì đó là biểu hiện của lòng từ bi. Nếu đã biết rằng tự mình gây ra sát sinh mà trong lòng không hối hận thì tức là không có lòng từ bi.
Đối với các loài rắn độc, thú dữ cùng các loài côn trùng độc hại khác thì đó là do nghiệp kiếp trước của chúng khiến nên như thế. Chúng làm hại con người nhưng không có mưu mô định trước, tuy có hành vi ác nhưng không có ác tâm, vì vậy không xem chúng gây ra nghiệp sát sinh. Loài người cần có sự cảm thông và bảo hộ chúng.
Đối với xã hội ngày nay mà nói thì không những con người có khả năng phòng ngừa không để chúng gây hại mà còn có thể hoạch định một phạm vi không gian khiến cho chúng được sinh tồn, hoặc hạn chế khả năng sinh sôi nẩy nở quá nhiều của chúng để chúng khỏi trở thành mối đe dọa đối với con người. Ở đây chúng ta nên dùng các phương pháp phòng ngừa chứ không nên dùng phương pháp hủy diệt, không những nhằm bồi dưỡng lòng nhân từ của loài người mà cũng là để làm hết trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Nói chung người mới học Phật thường chưa hiểu rõ định nghĩa thế nào là chúng sinh. Hơn nữa ngày nay lại càng có người cho rằng thực vật cũng có sinh mệnh, thực vật cũng có tình cảm, nếu nói không sát sinh thì không nên sát sinh đối với động vật đã đàng, mà cũng không nên sát sinh cả đối với thực vật nữa. Kỳ thực thì sinh mệnh có thứ lớp của nó. Thực vật là loài chúng sinh vô tình, động vật là loài chúng sinh hữu tình. Cái gọi là chúng sinh có thể chia làm ba cấp : Loại cao cấp là loài người, có đủ 3 điều kiện : 1 có tế bào sống; 2 có phản ứng thần kinh; 3 có đủ tư tưởng và trí nhớ. Loại cấp thấp là thực vật chỉ có tế bào sống không có thần kinh và trí nhớ. Tuy có phản ứng về sống chết, không có cảm ứng vui sướng, đau khổ càng không có tư tưởng và trí nhớ, nên gọi là loài vô tình. Loại cấp trung là động vật. Chỉ có ít loài như chó, khỉ, ngựa, voi v.v… là động vật bậc cao, có một trí nhớ nào đó, nhưng không có khả năng tư duy. Còn các động vật loại thấp thì ngoài phản ứng thần kinh bản năng, không có tư tưởng và trí nhớ, nhưng chúng có thần kinh tức có cảm giác đau khổ, biết sợ chết, vì vậy loài sâu, kiến đều có bản năng tự nhiên biết trốn tránh khi có nguy cơ tử vong. Thực vật thì không như thế. Cho nên giới hạn định nghĩa sát sinh là các loại động vật biết sống chết không phải cả loài thực vật.
Phật răn cấm các Tỳ kheo không được chặt phá cây cỏ, đối với các loài vi sinh vật như vi khuẩn thì theo quan điểm sinh vật học vì đó là các loại sinh vật năm ở giữa động vật và thực vật, không có thần kinh, lại không có tư tưởng và trí nhớ, không thuộc chúng sinh hữu tình,, có thể nói đó là những thực vật có hoạt động, nên giết vi khuẩn không phải là sát sinh.
Đối với các loài vi sinh vật ở dưới nước thì ngoài các vi khuẩn ra còn có những sinh vật tương đối cao cấp tuy không có thần kinh nhưng có thể xếp vào loài động vật. Vì thế khi Phật còn tại thế các Tỳ kheo khi dùng nước đều dùng nước đã qua túi lọc nước, làm như vậy là để lọc ra những chúng sinh nhỏ bé nhưng tương đối lớn, còn những loại sinh vật tương đối nhỏ thì không đáng kể. Như vậy là dựa trên quan điểm từ bi, không nở lòng trông thấy các loài chúng sinh vật mà không cứu độ. Còn đối với những loài mà mắt thường không thể thấy, hoặc tuy trông thấy nhưng không phân biệt được là loại hữu tình hay loại vô hình thì không cần phải biết đến.
Phật giáo chủ trương không sát sinh chủ yếu ở tinh thần từ bi, coi chúng sinh đều bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có quyền sinh tồn và tự do. Mỗi người chúng ta đều sợ bị giết hại, đều lo sợ chết chóc, các chúng sinh khác đều như vậy. Các chúng sinh tuy phân biệt sang hèn, cao cấp. Nếu người người đều phát huy tinh thần từ bi bình đẳng đó thì thế giới của chúng ta nhất định sẽ hài hòa, hòa bình, giúp đỡ, kính trọng, yêu mến nhau, hòa hợp với nhau không có sự ngăn cách, sẽ không có một người nào bị cố ý giết hại. Tuy nhiên trong kinh Phật có nói : "Sát sinh thì chịu quả báo. Giết người thì phải đền mạng, ăn củ người nửa cân thì phải trả tám lạng". Điều đó đã nói rõ sự thực của luật nhân quả. Quả báo là có thực, nhưng cũng không phải là tuyệt đối không thể cải biến được. Bồi dưỡng tấm lòng từ bi mới là trọng điểm của việc không sát sinh, cũng chính là tinh thần của Phật và chư Bồ Tát giáo hóa độ thế.