Phật Học Vấn Đáp


Có nên tin vào bói toán và phong thủy không?
Kính bạch thầy, con là nữ tuổi nhâm tuất con đang có dự tính mua một ngôi nhà hướng đông nam. Con xem trên sách báo thì hướng nầy không hợp với tuổi con. Nhưng nghe anh bạn là trưởng ban từ thiện mà con tham gia (anh nầy tu rất tinh tấn, đọc rất nhiều kinh sách) nói rằng, hướng nhà không có liên quan gì tới tuổi hết. Họa hay phúc đều do mình gieo nhân và nhận quả. Vậy bạch thầy cho con xin được tỏ tường? Kính chúc thầy sức khỏe luôn dồi dào.

8/1/2022 12:44:24 PM

Vấn đề bói toán hay xem phong thủy đây thuộc về lĩnh vực theo kinh nghiệm tín ngưỡng thuần phát của dân gian. Đối với những vấn đề nầy trong Kinh Di Giáo, Đức Phật đã cấm tuyệt người xuất gia không nên làm. Bởi nó không ích lợi gì cho việc tu học giác ngộ và giải thoát cả. Riêng về phong thủy nó là một học thuyết đã có từ lâu đời. Môn học nầy chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió (phong), hướng khí, mạch nước (thủy) có ảnh hưởng đến đời sống họa phúc của con người. Đây cũng là một môn học rất phức tạp, kết hợp nhiều yếu tố chung quanh vấn đề phong thủy để đoán định sự kiết hung, họa phúc, hanh thông v.v... mà nó thường xảy ra trong đời sống. Vì vậy nó không phải là một vấn đề đơn giản mà ai cũng có thể thông suốt hết được. Thú thật, đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của chúng tôi, nên chúng tôi xin được miễn bàn dong dài về vấn đề nầy.

Dựa theo câu hỏi của Phật tử và qua lời nói của một người bạn mà Phật tử nói, ông bạn nầy rất tinh tấn tu tập và đọc rất nhiều kinh sách, đã cho Phật tử một kết luận khẳng quyết là vấn đề tuổi tác không liên quan gì đến hướng nhà. Họa hay phúc đều do mình gieo nhân và nhận quả. Qua lời nói khẳng quyết đó, chứng tỏ ông ta là người Phật tử tin sâu vào thuyết nhân quả báo ứng trong nhà Phật. Và niềm tin nầy rất phù hợp với chân lý. Trong giáo lý nhà Phật gọi niềm tin đó là chánh tín hay chánh kiến. Như chúng tôi đã nói, niềm tin đối với con người thật là phong phú đa dạng. Tuy nhiên, bất cứ niềm tin nào cũng phải được đặt trên nền tảng chân lý nhân quả. Có thế, thì niềm tin đó mới thật sự có giá trị và mới được gọi là chánh tín, chánh kiến. Ngược lại, là chúng ta sẽ rơi vào quỹ đạo của mê tín tà kiến.

Riêng bản thân chúng tôi, lúc nào chúng tôi cũng tôn trọng niềm tin của mọi người. Ngay cả những người không có một niềm tin vào bất cứ tôn giáo nào. Dù họ không có đặt định niềm tin vào tôn giáo nào, nhưng ít ra họ cũng vẫn có một niềm tin nào đó. Nói thế để Phật tử thấy rằng, đối với người Phật tử chúng ta không thể tin một điều gì mà không có sự chứng nghiệm bởi chân lý nhân quả. Có thể nói, bất cứ hiện tượng nào trên thế gian nầy, cũng không thoát ngoài luật định nhân quả. Giáo lý nhân quả hướng dẫn và đặt định cho con người có một niềm tin vững chắc trên chiều hướng thăng hoa trong cuộc sống. Vì thế, trong nhà Phật có nêu ra sáu lĩnh vực để cho con người dựa vào đó để xây dựng và phát triển niềm tin. Sáu lĩnh vực đó là: "Tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả, tin sự và tin lý". Qua sáu lĩnh vực nầy nếu phải giải thích cho cặn kẽ thì rất là dài dòng. Ở đây, chúng tôi chỉ nói qua một cách đại khái sơ lược thôi. Nếu có dịp Phật tử nên tìm hiểu rõ hơn.

Tin tự là tin mình sẵn có tánh Phật. Tuy sẵn có, nhưng vì bị những thứ vô minh phiền não che đậy nên Phật tánh chưa hiển lộ được. Khi vô minh phiền não không còn thì thể tánh thanh tịnh sáng suốt tự tâm  sẽ hiện bày. Như vàng ròng ra khỏi quặng nhơ vậy. Chúng ta tin chắc như vậy thì gọi là tin tự.

Tin tha là chúng ta tin có chư Phật, Bồ tát tức những vị đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Nếu là người tu Tịnh độ, thì chúng ta tin có Phật Di Đà và cảnh giới Cực lạc. Nói gọn là chúng ta tin có chánh báo và y báo.

Tin nhân, tin quả là tin rằng mình gieo hạt giống nào thì sẽ kết thành quả nấy. Tin chắc nhân và quả một mảy may không hề sai chạy. Như vang theo tiếng, như bóng theo hình. Tùy hình và tiếng như thế nào thì bóng và âm vang như thế ấy.

Tin Sự là chúng ta tin vào phần sự tướng, vì tướng không ngoài lý tánh mà có. Như tin thế giới Cực lạc do đức Phật Thích ca Mâu Ni giới thiệu là có thật. Bởi lời Phật nói không có giả dối hay lường gạt chúng sanh. Vì Phật là đấng chơn thiệt ngữ, lời Phật nói là Thánh giáo lượng. Nếu hành giả tu theo pháp môn niệm Phật thì tin vào Sự nhất tâm là có thật.

Tin Lý là tin nơi mỗi chúng ta đều sẵn có Lý nhất tâm. Đó là một tâm thể sáng suốt hiện tiền vượt ngoài đối đãi. Đạt được tâm thể nầy gọi là đạt được Lý nhất tâm. Nói gọn, ta tin rằng Lý không ngoài Sự và Sự không ngoài Lý. Thể của vạn pháp là Nhất như. Tất cả đều có chung một thể tánh bình đẳng. Tin như thế gọi là tin "Sự Lý" viên dung vậy.

Đó là sáu lĩnh vực mà chúng ta y cứ vào đó để xây dựng củng cố niềm tin thật vững chắc. Tin như thế, là ta tin đúng hướng chân lý. Dựa vào niềm tin đó để ta thể hiện ứng dụng vào đời sống thực tế hằng ngày.

Kính chúc Phật tử có một niềm tin đúng theo chánh pháp để được nhiều lợi lạc vậy.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Tinh Tấn        Thập Niệm        Thiện       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật