Tam phước, sáu phép hòa kính, tam học, lục độ, mười nguyện. Những thứ... Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Xem: 656


Câu Hỏi

Chúng tôi biết được phương diện tu học của Phật pháp là ngay trong năm khóa mục lớn, dường như có cái gì là tam phước, sáu phép hòa kính, tam học, lục độ, mười nguyện. Những thứ này chúng tôi không thông hiểu lắm, có thể mời pháp sư vì chúng tôi khai thị được chăng?

Trả Lời

Đó là nói đến tu hành của cá nhân, còn vừa rồi chúng ta nói đến giáo học của Phật. Giáo học của Ngài phân làm năm giai đoạn, kinh luận giảng giải trong mỗi giai đoạn rất phong phú. Cho đến tu học của cá nhân, Phật cũng đều giảng cho chúng ta rất rõ ràng, từ tam phước mà khởi đầu. Tam phước được Phật nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, thực tế vô cùng quan trọng, hoàn toàn giống tư tưởng giáo học của nhà Nho.

Phật nói phước thứ nhất là phước báu nhân thiên, hay nói cách khác, nếu bạn muốn làm Phật Bồ tát, là làm một người minh bạch. Phật Bồ tát đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh thấu hiểu triệt để. Làm Phật Bồ tát không phải đi làm thần tiên, vì như thế thì biến thành tôn giáo. Một người hiểu rõ được vũ trụ nhân sanh, loại người này gọi là Phật, Bồ tát. Phật thấu suốt triệt để viên mãn. Còn Bồ tát thấu suốt nhưng chưa đạt đến cứu cánh viên mãn, so với trí tuệ thông suốt của Phật còn kém một bậc. Tuy nhiên họ đều là người minh bạch. Chúng ta phải mong cầu, phải phát nguyện vọng làm một người minh bạch, không nên làm người hồ đồ, phàm phu.

Phật dạy bảo chúng ta phải bắt đầu từ đâu? từ “hiếu thuận cha mẹ”. Việc này cùng với dạy bảo của nhà Nho cũng hoàn toàn giống nhau, cho nên phước thứ nhất chính là phước báu nhân thiên. Trước tiên chúng ta phải làm người tốt, sau đó mới có thể học Phật. Trong phước báu nhân thiên, Phật nói bốn điều. Thứ nhất “hiếu dưỡng cha mẹ”, thứ hai “phụng sự sư trưởng”, thứ ba “từ tâm bất sát”, thứ tư “tu mười nghiệp thiện”, đây là đại căn đại bổn của việc học Phật. Phạm vi của chữ hiếu sâu rộng vô cùng, đặc biệt trong văn tự Trung Quốc, chúng ta nên trân trọng. Tổ tiên cổ đại đối với hậu thế đã hết sức chăm sóc chúng ta về mọi mặt. Trí tuệ của họ, kinh nghiệm của họ, làm thế nào để truyền lại cho con cháu đời sau? Họ quá chu đáo khi dùng văn tự làm công cụ truyền lại kinh nghiệm trí tuệ cho đời sau. Công cụ này tràn đầy trí tuệ mà văn tự dân tộc quốc gia khác không tìm thấy được.

Trong chế tác văn tự Trung Quốc có sáu nguyên tắc, chúng ta gọi là lục thư. “Hiếu” là hội ý một trong sáu nguyên tắc đó. Cái phù hiệu này bên trên là chữ lão, bên dưới là chữ tử, bạn thể hội xem, ý nghĩa đời trước cùng với đời sau là một thể, tinh thần của chữ hiếu xây dựng trên nền tảng này. Cho nên hiện tại người ngoại quốc gọi là đại câu, đại câu là bất hiếu, đời trước với đời sau bị cách khoảng. Đời trước còn có đời trước, đời sau cũng có đời sau nữa, quá khứ vô cùng vị lai vô tận, đây mới là một chỉnh thể. Do đó người Trung Quốc kỷ niệm tổ tông mấy ngàn năm trước, vẫn nhớ tưởng, vẫn còn thờ cúng, người ngoại quốc không hiểu được đạo lý này. Thế nên nhà Nho cùng giáo học của Phật pháp đều xây dựng trên nền tảng hiếu đạo. Nói cách khác, thành Phật cũng vậy, chính là đem hiếu đạo làm đến viên mãn thì thành Phật.

Trích từ: Khai Thị - Hòa Thượng Tịnh Không