Thuyết nhân quả đâu có liên quan gì đến việc đời hay lòng người? Chu An Sĩ | Dịch Giả :Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến | Xem: 606


Câu Hỏi

Người ta sống ở đời nên theo học đạo lớn của Thánh Hiền, trên báo đền ơn nước, dưới lợi lạc muôn dân, như thế mới có thể gọi là đáng quý. Còn như thuyết nhân quả đó thì đâu có liên quan gì đến việc đời hay lòng người?

Trả Lời

 Lý nhân quả cũng chính là đạo của Thánh Hiền đó thôi.

Kinh Thư nói rằng: Người làm việc thiện, ban xuống điều lành, người làm việc ác, ban xuống tai ương. Làm việc thiện hay làm việc ác, đó là nhân, ban xuống điều lành hay ban xuống tai ương, đó là quả.

Kinh Dịch thì gọi là lành, dữ cát hung, tiêu mất hay tăng trưởng tiêu trưởng, thiên Hồng phạm trong Kinh Thư thì gọi là năm phước lành ngũ phúc, sáu khổ nạn lục cực, thiên Vô dật trong Kinh Thư thì gọi là sống lâu thọ hay chết sớm yểu, trong Phật Giáo gọi là nhân quả, thật ra cũng chỉ là cùng một nguyên lý mà thôi.

chúng sinh thời suy mạt thường buông thả làm theo các nghiệp xấu ác, không sợ luật pháp, không quan tâm đến liêm sỉ, nhưng cũng có lúc đêm khuya thanh vắng chợt suy nghĩ lại, trong lòng thấp thỏm lo sợ về lẽ nhân quả mà không dám làm chuyện xấu ác nữa, chỉ vì sợ rằng sau khi chết sẽ phải chịu quả báo.

Ôi, từ khi có Phật Pháp đến nay, thật không thể biết đã có biết bao nhiêu kẻ loạn thần tặc tử vì nghĩ đến nhân quả mà run sợ trong lòng, biết bao nhiêu người gian ác hiểm độc cũng vì nghĩ đến nhân quả mà khiếp đảm. Như vậy, thuyết nhân quả không thể cho là không có công đóng góp cùng Nho Giáo, giúp ích thêm cho giềng mối pháp luật.

Nếu cho rằng việc thiện việc ác đều không có quả báo, sau khi chết không có chuyện phải thọ nhận hình phạt, ắt người đời chẳng có việc gì phải né tránh kiêng sợ. Quan điểm như thế ắt cho rằng có nỗ lực làm Thánh làm hiền cũng chỉ uổng công tự khổ nhọc, mà kẻ chống lại người trên, làm loạn quy củ hóa ra lại là được việc.

Như vậy làm sao người trong thiên hạ lại không về hùa theo những kẻ phản loạn?

Tuy nhiên, người đời nay bàn luận đến đạo lý Thánh Hiền liền cho rằng không đề cập đến nhân quả mới là cao siêu, ý muốn khác biệt hoàn toàn với Đạo Giáo và Phật Giáo. Những kẻ như thế chỉ là tham muốn hư danh, kỳ thật đối với đạo lớn của Thánh Hiền thì dù nằm mơ cũng chưa thấy được chút gì.

Đời Tấn, vào niên hiệu Vĩnh Gia năm thứ tư, Cao Tăng Ấn Độ là Ngài Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương, thấy Thạch Lặc là người hiếu sát nên tìm đến muốn giáo hóa.

Thạch Lặc hỏi: Đạo Phật có những gì linh nghiệm?

Ngài biết Thạch Lặc chưa hiểu gì về giáo lý đạo Phật nên trước hết liền hiển lộ thần thông để nhiếp phục. Ngài cầm trên tay một bát nước, đốt hương niệm chú giây lát liền bỗng nhiên hóa sinh trong bát một đóa hoa sen xanh.

Thạch Lặc nhân đó tin phục. Từ đó, mỗi khi có người bị tội chết, Ngài liền đem việc nhân quả báo ứng mà giảng bày cho Thạch Lặc, nhờ đó có rất nhiều người được cứu thoát.

Lại như vào thời Nam Bắc triều, Chu Ngung thấy Minh Đế của nhà Lưu Tống thường giết hại nhiều người tàn nhẫn nhưng không dám trực tiếp khuyên can, liền tụng đọc các đoạn Kinh nói về tội phúc, nhân duyên cho ông ta nghe. Minh Đế nghe qua rồi có sự thay đổi hối cải.

Ôi, không dùng phần thưởng mà khuyến khích được người, không nổi giận mà vẫn đầy uy vũ, giúp người dân tự nhiên mỗi ngày hướng về điều thiện mà không cần biết do ai dẫn dắt. Đó là những điều tôi thấy được khi nhìn vào Giáo Pháp của Đức Như Lai.

Trích từ: An Sĩ Toàn Thư Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại