Phật Học Vấn Đáp


Chỉ cần quán Vô sinh thì cách Phật không xa, tâm chính là Phật, đâu nhờ tìm cầu nơi khác?
Kinh Tối Thắng Diệu Định ghi: “Nếu có người nào xây dựng vô số chùa tháp, không bằng trong thời gian ngắn đoan tâm chánh niệm”. Lại trong các bộ kinh Đại thừa nói về lý Vô sinh, bảo người tu đạo học tuệ. Hỏi: Theo kinh này, Đức Phật ca ngợi Vô sinh là đặc biệt tối tôn, tối thắng trong các hành nghiệp, nhưng các kinh A di đà và Quán Vô Lượng Thọ thì lại khuyên vãng sinh Tây Phương, nhàm chán cõi Ta bà, nguyện sinh cõi Tịnh. Thế nhưng, sinh là đầu mối của tai họa, sinh chấm dứt thì họa diệt. Ở đây lại bỏ sinh để cầu sinh thì nhân của tai họa lại càng thêm lớn. Sao không tu tập hạnh Vô sinh để ngộ Pháp thân. Còn niệm thân tướng Phật mà nhân của sinh không diệt, dù có vãng sinh về cõi kia thì đâu khác gì sinh ở cõi này? Chỉ cần quán Vô sinh thì cách Phật không xa, tâm chính là Phật, đâu nhờ tìm cầu nơi khác? Hành nghiệp này Ngài đã thuần thục, xin được chỉ bày lý sâu xa?

8/31/2022 9:07:18 AM
Hạnh do giáo mà khởi, tất cả đều vì lợi sinh. Giáo thuyết bất đồng bởi do căn cơ sai khác. Vì sao? Luận chung về căn cơ, nêu sơ lược hai ý: Nghiệp sâu và Hành cạn. Hạng Nghiệp sâu có thể học pháp Vô sinh, còn kẻ Hành cạn cần phải cầu sinh về cõi Tịnh.
 
Luận về tu tập cũng có hai điều: trở lại và xuất ly. Trở lại là tuy học Phật pháp, nhưng chỉ vì tiếng tăm, không sợ mai sau sinh tử hiểm nguy; tham cầu sự hiểu biết thù thắng mà lại còn chấp nhân ngã, cho mình là đúng còn kẻ khác thì sai, không tu ba nghiệp, miệng nói vô tướng mà tâm chấp chặt tướng. Dù học pháp Vô sinh, nhưng chỉ là nghệ thuật xem chơi. Kẻ ấy thấy người khác niệm Phật liền giận hờn ganh tỵ, đến nỗi khiến cho người ta phải thoái tâm. Miệng họ thì nói thuốc hay mà sợ không dám uống, trở lại uống phải độc dược nên phát bệnh. Tâm này tạo nghiệp, tâm luôn ruổi rong, tâm đã không thật chưa thể chế ngự được mà tự nói ta ngộ. Khi nghiệm xét lại thì hoàn toàn trống không, bất chợt mạng chung, lại chìm trong sinh tử, chịu khổ triền miên, không biết khi nào thoát khỏi! Đây gọi là Trở lại.
 
Xuất ly có hai trường hợp là Vô sinh và Hữu tướng. Vô sinh tức là giữ tâm điềm tĩnh, phân biệt rõ ngoại duyên, khéo biết lấy bỏ hai tướng hữu vô. Chế ngự tâm, tự tại không trụ vào nhị biên , miệng nói tâm hành, theo việc mà suy xét; dù nghịch hay thuận tâm vẫn quân bình. Giống như ăn tro than không khác gì ăn món ngon. Đối với cảnh thuận nghịch đều đạt được, như vậy thì mới có khả năng ở lâu trong cõi Ta bà mà không thoái tâm, rồi chuyển cõi Ta bà ấy thành Tịnh độ. Công lực như vậy mới thành tựu sự xuất ly.
 
Hữu tướng tức là do duyên cấu uế hoặc chướng ngại sâu nặng, khó thành tựu Vô tướng. Nếu ở cõi này thì chồng chất thêm những khổ đau. Muốn tâm tĩnh lặng thì bị cảnh lăng xăng bên ngoài lôi kéo, tâm lại chạy theo cảnh thì biết khi nào mới ngộ được Vô sinh? Tâm nên duyên nhất Phật, quán niệm A di đà, không tạo nghiệp ác, cầu sinh cõi Tịnh; thấy người tu tập pháp môn khác thì khen ngợi tán dương, nghe nói lỗi người cũng không sinh tâm khinh chê; buộc tâm một chỗ, nghĩ đến cảnh Tây Phương, ba nghiệp hỗ trợ cho nhau thì nhất định được sinh về cõi ấy, cũng thành tựu hạnh xuất ly.
 
Xin các vị hãy dùng trình độ của mình để xét nghiệm giáo pháp, pháp nào phù hợp thì hành trì. Người hành nghiệp đã sâu, đạt địa vị Bất thoái, chẳng nhọc công chấp tướng, nguyện sinh về Tây Phương. Còn hạng căn cơ thấp kém, chưa thoát khỏi luân hồi thì cần phải chứng Vô sinh, mới được xuất triền . Rất nhiều người miệng nói Vô sinh mà không có ai chứng đắc. Vậy, muốn đạt được Vô sinh cần nương vào thắng cảnh . Vì thế, nên lấy việc cầu vô sinh thấy Phật làm duyên chứng ngộ.
 
Ở lâu trong cõi Diêm phù, thường gặp bạn tốt, tuy ngày đêm nghe chánh pháp, nhưng người thuyết vẫn còn là phàm, cho nên chưa chứng được lý. Kinh Duy ma ghi: “Suốt ngày thuyết pháp mà không thể khiến cho người khác chứng Diệt tu Đạo, đó chính là hý luận, chứ chẳng phải cầu pháp”. Cho dù đời tương lai có gặp bạn tốt, phát khởi nhân ngày nay thì cũng trở thành hý luận, chi bằng cầu sinh Tịnh độ, chấm dứt luân hồi, chứng nhập rừng báu, vừa nghe chánh ngữ, tức thời thành tựu vô số Pháp nhẫn. Xét kỹ hai duyên này thì chớ có do dự!
 

Trích từ:  Tây Phương Yếu Quyết . Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn


Thẻ
Nghiệp        Nguyện        Hạnh        Thập Niệm        A Di Đà       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật