Phật Học Vấn Đáp


So sánh sự hơn kém giữa Tây Phương Tịnh Độ và cung trời Đâu-Suất.
Tịnh Độ của Phật A Di Đà cách đây rất xa, cung trời Đâu Suất của Phật Di Lặc ở tại cõi Dục này, sao không nguyện sinh về Đâu Suất, mà lại hướng về Tây Phương? Bỏ dễ cầu khó, há chẳng phải là trở ngại ư?

8/30/2022 1:11:34 PM

Có rất nhiều điểm để so sánh hai cõi. Nay nêu sơ lược mười điểm sai biệt để đả thông các mối nghi:

  1. Thọ mạng có dài ngắn: Thọ mạng của chư thiên ở cung trời Đâu Suất chỉ 4.000 tuổi; còn thọ mạng của người ở cõi Cực Lạc đến trăm ngàn vạn ức na do tha [28] a tăng kỳ[29] kiếp.
  2. Chỗ ở có trong ngoài: Ở cung trời Đâu Suất, nếu trí huệ nhiều, liền được sinh vào Nội Viện, được làm thị giả đức Phật Di Lặc. Nếu phước nhiều mà huệ ít, thì sinh ở Ngoại Viện, không được gặp đức Từ Thị. Còn ở Tịnh Độ hoàn toàn không có trong ngoài, báo thân tuy có hơn kém, song đều là thánh hiền.
  3. Cảnh có tịnh uế: Nếu được sinh vào Nội Viện Đâu Suất thì thấy được thánh hội của đức Phật Di Lặc, thường phát khởi duyên thanh tịnh; còn ở Ngoại Viện thì tất cả các thứ hương hoa, lầu gác, âm nhạc đều làm khởi tâm đắm nhiễm. Còn Tây Phương Cực Lạc, khi sáu căn tiếp xúc với cây, chim, nước, lưới, âm nhạc thì đều nuôi dưỡng đạo tâm.
  4. Báo thân khác nhau: Chánh báo ở Đâu Suất thì nam nữ khác biệt, càng đắm nhiễm lẫn nhau, chướng ngăn đạo nghiệp. Người được vãng sinh Tây Phương đều là bậc trượng phu, thân mình và người đều thanh tịnh, không đắm nhiễm.
  5. Chủng tử và hiện hành có sai khác: Nếu người sinh về Đâu Suất thì chủng tử phiền não và hiện hành phiền não đều phát khởi, nhưng người sinh về Tây Phương Tịnh Độ, chỉ có chủng tử phiền não, hoàn toàn không có hiện hành phiền não.
  6. Việc tu tập có tinh tấn, lui sụt khác nhau: Nếu sinh về Đâu Suất, do có nam nữ, nên năng lực trí tuệ còn yếu kém, do đó đa số đều bị lui sụt. Còn sinh về Cực Lạc thì năng lực trí tuệ lớn mạnh, không còn các hoạt động của dục, chỉ chuyên tinh tấn tu hành.
  7. Giới và phi giới khác nhau: Sinh về Đâu Suất chưa lìa khỏi cõi Dục, nếu có nạn lửa phát khởi thì bị thiêu đốt. Còn sinh về Tây Phương hoàn toàn vượt khỏi ba cõi, các nạn nước, lửa, gió v.v… đều không thể hại được. Do ở cõi Tịnh có hình chất nên chẳng phải là cõi Vô Sắc; nương vào đất mà ở, nhưng không nhiễm cảnh sắc, cho nên chẳng phải cõi Sắc; không có dâm cho đến đoàn thực[30], cho nên chẳng phải cõi Dục.
  8. Hình tướng đẹp xấu trái nhau: Sinh về Đâu Suất thì nam nữ không đồng, đẹp xấu khác biệt. Nếu sinh về Tịnh Độ thì thân sắc vàng ròng, hoàn toàn sáng rỡ, đều là tướng đại trượng phu.
  9. Xả bỏ thân mạng để vãng sinh về hai cõi không giống nhau: Khi xả bỏ thân mạng sinh về Đâu Suất, không có người đến tiếp dẫn. Còn khi sinh về Tịnh Độ thì Thánh chúng đến đón rước.
  10. Kinh khuyến khích có nhiều ít: Khuyên sinh về Đâu Suất chỉ có kinh Di Lặc Thượng Sinh Đâu Suất, nhưng văn kinh không thiết tha ân cần, chỉ khuyên tu một cách sơ lược. Còn Tịnh Độ thì rất nhiều kinh luận khuyên sinh về, Đức Phật ân cần, hết lòng khuyên vãng sinh.

Lại hỏi: Tây Phương Tịnh Độ, cõi nước thù thắng, thời đại an ổn, tất cả hàng phàm phu căn cơ thấp kém làm sao được vãng sinh?

Đáp: Cõi Cực Lạc thanh tịnh nhiệm mầu, muốn vãng sinh về đó thật rất khó, nhưng nhờ sức Phật gia trì, nên vãng sinh trở nên dễ dàng!

_______________
[28] Na do tha: danh từ số lượng của Ấn Độ… Theo luận Câu xá, q. 12 thì 1 na do tha = 100 a dữu đa, 1 a dữu đa = 10 ức, cho nên 1 na do tha = 1000 ức. Trong kinh Phật thường dùng từ ngữ na do tha để nói về số lượng cực lớn (TĐPH Huệ Quang, t. III, tr. 2762).

[29] A tăng kỳ: một đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn, chẳng thể tính đếm được. Theo cách đọc thì một a tăng kỳ = 10 lũy thừa 47. Trong 60 đơn vị số mục ở Ấn Độ thì a tăng kỳ số thứ 52 (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 56).

[30] Đoàn thực: ăn thức ăn được vắt thành từng viên, chỉ cho tất cả thức ăn của cõi Dục. Bởi vì thức ăn của cõi Dục dùng ba trần hưong vị, xúc làm thể và phân chia từng phần, từng miếng mà ăn để nuôi dưỡng mạng sống. Đoàn thực có hai loại:

– Thô thực: như cơm, mì v.v…

– Tế thực: như dầu, bơ, gia vị và các đồ uống (TĐPH Huệ Quang, t. II, tr. 1535).

Trích từ:  Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy . Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn


Thẻ
Tịnh Độ        Nguyện        A Di Đà        Tây Phương       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật