Phật Học Vấn Đáp

Người sanh về Cực Lạc nghe tiếng chim kêu đều vui mừng phát lòng niệm Phật, sao lạ vậy, thưa Thầy?
Kinh A di đà nói: “Người sanh về Cực Lạc nghe tiếng chim kêu, nước chảy, gió reo đều vui mừng phát lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, muốn nghe Kinh gì thì được nghe Kinh nấy, không muốn nghe thì không nghe (dù là có tiếng). Những điều này sao lạ vậy, thưa Thầy?

8/25/2022 7:51:32 PM
Kính xin giải đáp từng ý. 

1. “Người sanh về Cực Lạc nghe tiếng chim kêu, nước chảy, gió reo đều vui mừng phát lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.   
 
Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Bồ Đề Đạo Tràng nói: “Nếu có chúng sanh thấy cây Bồ đề, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị trái cây, chạm phải ánh sáng, hình bóng nó, nghĩ đến công đức của cây, thì được sáu căn thanh triệt, không còn có các não loạn”. Cụ thể là: 
  • Mắt thấy cây. 
  • Tai nghe tiếng từ cây phát ra. 
  • Mũi ngửi được mùi hương. 
  • Miệng nếm vị trái cây. 
  • Thân chạm phải ánh sáng, bóng cây. 
  • Ý nghĩ nhớ đến công đức của cây. 
Như vậy thì sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều được thanh tịnh, thoát mọi khổ não.  

Kinh Vô Lượng Thọ Phẩm công đức ao nói: “Nếu những chúng sanh cõi kia (Cực Lạc) đến tắm trong nước ấy (nước tám công đức) thì nước làm cho khai hiển thần thức, thân thể vui s ớng”. “Khai hiển thần thức” nghĩa là khai hiển thần trí sẵn có trong thức tánh, tức là minh tâm kiến tánh vậy. 

Nước tám công đức gột rửa cấu nhiễm của thân tâm, khiến tinh thần sảng khoái, thân thể an vui gọi là “thân thể vui sướng”. 

Nhờ minh tâm kiến tánh, thân tâm thường thanh tịnh, an lạc, luôn nghĩ đến Tam Bảo. Nên dù nghe tiếng gì như chim kêu, nước chảy, gió reo… đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng là vậy. 

2. “Muốn nghe Kinh gì, thì được nghe Kinh nấy”. 

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. 

Kinh Pháp Cú dạy: “Tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác các pháp…”. 

Người đời nói: “Tâm tưởng sự thành”.  Pháp môn niệm Phật có nhiều cách khác nhau. Có cách gọi là “Tất cả niệm Phật” hoặc “Toàn thân niệm Phật” như sau: Trước tiên dùng nhĩ căn niệm Phật, nghĩa là dù nghe bất cứ tiếng gì đều giả tá là tiếng niệm Phật. Ví dụ: Khi nghe tiếng mõ: „cốc, cốc, cốc, cốc”, ta cứ nghĩ là “A di đà Phật”, liên tục như vậy chừng năm, mười phút sau, ta không còn nghe “cốc, cốc, cốc, cốc” nữa mà là nghe “A di đà Phật”. Bản thân tôi và một số liên hữu chùa Tịnh Luật áp dụng kết quả như ý (100%). Ta bà đầy ưu bi, khổ não, phàm phu sát đất, nhĩ căn ô nhiễm nặng nề, nhưng chúng ta vẫn giả tá tiếng mõ thành tiếng niệm Phật được, huống hồ gì về Cực Lạc, sáu căn thanh tịnh rồi, thì nghe mọi âm thanh đều có thể khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng quá dễ dàng thôi.   
 
Hòa thượng Quảng Khâm nói: “Ngày đêm sáu thời, tất cả tạp âm như chim kêu, xe chạy Ngài đều nghe là tiếng niệm Phật” (sách Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng Pháp sư Đạo Chứng). Vậy thì, người ở Cực Lạc thân tâm thanh tịnh, minh tâm kiến tánh rồi, dù là tiếng gì, muốn nghe Kinh, thì được nghe Kinh đâu có chi là lạ! 

3. “Nghe Kinh gì theo ý muốn”. 

Đức Bổn sư Thích ca không học Phật pháp nơi vị thầy nào cả, mà trong bốn mươi chín năm ròng rã giảng pháp không ngăn ngại. Những thánh giáo ấy hoàn toàn lưu xuất từ chân tâm của Ngài. Bởi vậy, trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn đầy đủ các pháp”. 

Liên Tông cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư cũng đã nói:“Tất cả Phật pháp lưu xuất từ Chơn Tâm”.  Kinh Hoa nghiêm dạy: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ngăn che, nên Phật tánh không thể hiện bày”.  Kinh cũng dạy: “Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác (tam vô sai biệt)”. Những lý lẽ trên chứng minh rằng tất cả Phật pháp là cái vốn sẵn có trong tâm của chúng sanh. Khi chúng sanh dẹp sạch vô minh (vọng tưởng, phân biệt, chấp trước), đủ duyên, chúng (Phật pháp) sẽ hiện bày như ý.  Hiểu vậy, người ở Cực Lạc thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, muốn nghe Kinh gì thì được nghe Kinh nấy (từ tâm lưu xuất) là việc đương nhiên không gì kỳ lạ cả. 

4. Không muốn nghe thì không nghe (dù có tiếng). 
  • Người đời, khi thinh trần (âm thanh) tác dụng vào nhĩ căn (lỗ tai) nếu có tác ý thì sẽ nghe biết và phân biệt là tiếng gì. Bằng như không tác ý thì có nghe nhưng không biết, không phân biệt được là tiếng gì, gọi là “thính bất văn” (nghe mà không nghe, vì nghe mà không biết, thì coi như không nghe). 
  • Bản thân tôi và một ít liên hữu chùa Tịnh Luật đã áp dụng cách nói trên, gọi là “lấy động tu tịnh” để huân trưởng mức nhập tâm, thành quả như ý. (Xin đọc sách Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh Phần V Nhập tâm).  
  • Hành giả Tịnh nghiệp, đạt Sự nhất tâm bất loạn, khi nhiếp tâm thì ngoài âm thanh danh hiệu Phật, không còn nghe bất cứ âm thanh nào khác.  Người nhập Diệt thọ tưởng định, không còn nghe hay biết gì cả. 
  • Cư sĩ Bàng Long Uẩn, vợ và con (4 người) cùng hai vị thiền sư là Quang Huệ và Giới Diễn khi không còn muốn sống, liền thâu thần nhập diệt. Người ở Ta bà này mà muốn chết là chết liền còn được thay!  
 Qua những sự việc trên, chúng ta thấy rằng, người ở Cực Lạc, thân tâm đã thanh tịnh, làm chủ được mình, dù có tiếng, nhưng không muốn nghe thì không nghe, là việc hết sức bình thường, không có gì kỳ lạ cả.
 

Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ


Thẻ
Niệm Phật        Cực Lạc        Thập Niệm        A Di Đà       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Trở Lại Trang Câu Hỏi