Sáu tướng chấn động trong chữ Hán gọi là Lục chủng chấn động. Nói về sáu thứ chấn động nầy, trong Kinh có nhiều chỗ nói khác nhau. Trong Từ Điển Phật Học Huệ Quang có dẫn ra 3 kinh nói về 6 thứ chấn động nầy.
Kinh Đại Phẩm Bát Nhã 1 nói rằng: sự chấn động của mặt đất tùy theo phương hướng mà có 6 tướng: Đông trồi Tây sụt, Tây trồi Đông sụt, Nam trồi Bắc sụt, Bắc trồi, Nam sụt, Bên trồi Giữa sụt và Giữa trồi Bên sụt.
Theo Kinh Hoa Nghiêm 16 ( bản tân dịch ) Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân 1 v.v… nói rằng: 6 tướng chấn động là: Động, Khởi, Dũng, Chấn, Hống và Kích. Động là lay động không yên, Khởi là từ thấp dần dần lên cao, Dũng là bỗng nhiên vọt lên, 3 thứ nầy chỉ cho hình thức địa chấn. Chấn là phát ra tiếng động ầm ỉ, Hống là tiếng rống mạnh của loài thú, Kích là phát ra tiếng dội ầm ầm, 3 thứ nầy chỉ cho âm thanh địa chấn.
Theo Kinh Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm thì cho rằng, 6 tướng chấn động là: 1. Diêu động, Cực diêu động, Biến diêu động; 2. Khấu kích, Cực khấu kích, biến khấu kích. 3. Di chuyển, cực di chuyển, biến di chuyển. 4. Dũng phú, cực dũng phú, biến dũng phú. 5. Xuất thinh, cực xuất thinh, biến xuất thinh. 6. Bên trồi giữa sụt, giữa trồi bên sụt, Đông trồi tây sụt…
Trên đây là chúng tôi y cứ vào trong các kinh nêu ra về 6 thứ chấn động. Tuy nhiên, qua câu hỏi của Phật tử là khi Phật ra đời mà cả đại địa đều chấn động (động đất) như thế, thì cả nhơn loại làm sao sống sót? Về điểm nầy, theo ngu ý của tôi, thì sự chấn động đó không phải nói về sự chấn động ở bên ngoài. Vì phần nhiều trong các kinh điển Đại thừa thường hay nêu ra nhiều ẩn dụ. Khi đọc kinh mà ta không hiểu được điều nầy, có đôi khi ta lại lầm nhận ý kinh. Chẳng hạn như trong Kinh Pháp Hoa có một phẩm gọi là “Tùng Địa Dõng Xuất”. Nghĩa là nói rằng, các vị Bồ tát từ lòng đất vọt lên v.v… Hay phẩm « Hiện Bảo Tháp » chẳng hạn. Đây là ý tại ngôn ngoại. Nếu chúng ta chỉ một bề y cứ vào phần sự tướng tiêu biểu đó mà hiểu, thì đôi khi oan cho ba đời chư Phật.
Cho nên khi nghiên cứu kinh điển của Phật giáo, ta phải lưu ý điều nầy. Nếu không, thì sẽ hiểu lầm nơi ý kinh, nói rõ ra là ta không hiểu thâm ý lời Phật dạy và như thế thì thật là đắc tội. Ở đây cũng thế. Trong kinh nêu ra 6 thứ chấn động đó, theo tôi, thì không phải là nói đất bên ngoài chấn động. Nếu nói thế, thì làm sao chúng ta có thể giải thích được. Nói đại địa chấn động đây, đó là một ẩn dụ.
Trong Kinh thường nói, bản tâm của chúng ta giống như là đất. Cho nên có một quyển kinh có tên là Tâm Địa Quán. Còn nói 6 thứ chấn động đó là ý nói ở nơi 6 căn. Vì tâm ta, khi tác động vào căn nào, thì có sự chấn động ở căn đó. Như tác động vào mắt, thì mắt thấy rõ; khi tác động vào tai, thì tai nghe rõ âm thinh v.v…. Các căn kia cũng như thế. Tâm ta thí như một dòng điện, tùy theo các bộ phận mà dòng điện vào, tất nhiên phát ra công dụng. Phật ra đời là nói khi tâm ta được giác ngộ bừng sáng. Khi bản tâm đã hoàn toàn giác ngộ, thì 6 căn trở nên một chấn động rất lớn. Bấy giờ chính 6 căn đó sẽ trở thành 6 lực dụng thần thông.
Ngược lại, nếu ta hiểu theo sự chấn động như động đất bên ngoài, thì như thế, rất là tai hại cho nhơn loại. Chả lẽ Phật ra đời làm cho nhơn loại phải chịu đau khổ như thế sao?! Thật là phi lý. Phật ra đời với mục đích là cứu độ chúng sinh, cho chúng sinh hết khổ được vui. Đằng nầy vui đâu chưa thấy mà thấy đau khổ trước mắt. Tất cả đều bị hủy hoại chôn vùi. Có trận động đất nào mà không gây ra cảnh chết chóc tang thương, nhà tan cửa nát? Hiện trạng nầy cả nhơn loại đã và đang kinh hoàng lo sợ.
Ra đời gây ra cảnh tang thương thống khổ cho nhơn loại như thế, thì thử hỏi Phật ra đời có ích lợi gì? Điều nầy, quả thật là trái ngược với lòng từ bi của Phật. Hiểu theo nghĩa chấn động bên ngoài, thì thật là không có lý lẽ và rất tai hại cho Phật giáo. Nói lên điều nầy, cũng chỉ là sự nhận hiểu nông cạn của chúng tôi mà thôi. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có những nhận định hiểu biết khác nhau. Tuy nhiên, sự nhận định nào cũng phải dựa trên thực tế và hợp với chân lý mà xét đoán luận giải.