Phật Học Vấn Đáp


Niệm theo không nổi thì vọng niệm lại tái khởi dậy. Vậy con phải làm sao, thưa Thầy?
Cách thứ ba rất tốt nhưng rất tiếc là chỉ niệm được chừng bốn mươi phút hoặc sáu mươi phút là mõi mệt. Khi đó niệm theo không nổi thì vọng niệm lại tái khởi dậy. Vậy con phải làm sao, thưa Thầy?

8/19/2022 2:30:58 PM

Có cách thứ tư, tự làm hay nhờ bạn làm giúp, hoặc tôi sẽ làm cho một CD thường hoặc CD MP3 giọng niệm của liên hữu. Niệm một câu ngưng một chút, niệm câu thứ hai ngưng một chút, tiếp niệm câu thứ ba…. nghĩa là niệm không liên tục có gián đoạn. Mở máy, bình tĩnh, lắng lòng nghe máy niệm. Máy ngưng niệm, mình niệm, khi máy niệm mình lắng lòng nghe. Luân phiên niệm như vậy mình đủ sức niệm hai, ba, bốn, năm giờ liên tục mà không mệt mỏi.

Ban đầu máy niệm một câu, mình niệm một câu, sau quen dần, máy niệm một câu, mình niệm hai, ba câu. Tập niệm từ thấp lên cao dần dần như sau: ban đầu mình niệm lớn tiếng (cao thanh trì), khi quen, chuyển niệm nhỏ tiếng (đê thanh trì), khá quen chuyển niệm thầm có nhép môi (kim cang trì), xong tiến lên niệm thầm không nhép môi (mặc trì), cuối cùng tiến đến niệm bằng ý (ý trì).

Nên viết lớn, đậm nét bốn chữ A Di Đà Phật (hoặc sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật) trên tờ giấy như sau:

A

DI

ĐÀ

PHẬT

Để Thánh hiệu này trước mặt (vừa tầm mắt), mắt nhìn bốn chữ A Di Đà Phật trong suốt thời gian nghe máy niệm và mình niệm, mục đích là nhiếp nhãn căn (nhìn thánh hiệu để không nhìn cái gì khác, đơn giản vậy thôi). Không cần phải tập trung tư tưởng để chú ý quán sát bốn chữ này (nếu chú ý quan sát là lạc vào quán tưởng rồi).

Lưu ý: Tiếng máy niệm và tiếng mình niệm phải liên tục như giòng nước chảy, không có kẽ hở (vì có kẽ hở thì vọng niệm sẽ dậy khởi).

Không bắt buộc phải ngồi trước bàn thờ Phật, phải ngồi kiết già hay bán già, mà nên ngồi thoải mái trên ghế, để có thể ngồi năm giờ liền không mệt mỏi.

Mặt khác, ban đêm ngủ, hoặc đang làm việc gì khác, (ngoài thời khóa) nên để máy niệm Phật suốt thời gian. Trường hợp này tiếng niệm Phật (của máy) phải liên tục, không gián đoạn.

Thực hiện được như vậy, thân, khẩu, ý niệm Phật năm giờ liên tục mà không có vọng niệm, là đắc “chỉ” của Thiền, là đắc “tịnh” của Tịnh Độ, huân tập nhiều lần như vậy, thì làm sao mà không nhập tâm được chứ?

Tám vị nhập Phật thất tại tu viện Tịnh Luật áp dụng cách niệm Phật này mà được

nhập tâm trong vòng bảy ngày hành trì (nêu trong câu đáp 6A).

Cách niệm Phật theo máy.

Hát cd niệm Phật có gián đoạn và thực tập như sau:

1.  Bình tĩnh, lắng lòng nghe máy hát (niệm) một câu, máy ngưng, mình niệm một câu; máy hát câu kế tiếp, máy ngưng, mình niệm một câu nữa. Máy và mình luân phiên niệm như vậy thời gian ngắn vài ba phút hay dài hơn tùy người.

2. Khi niệm như vậy quen rồi, thì khi nghe máy hát (niệm) đến chữ đà thì mình bắt đầu niệm A di đà Phật. Như vậy để khi máy hát chữ Phật là mình đã niệm chữ A, mục đích là hai chữ Phật và chữ A nối liền nhau không có kẽ hở.

3. Mình niệm sao cho chữ Phật của mình cũng nối liền với chữ A của máy, nghĩa là cũng không có kẽ hở.

Chú ý: khi niệm quen rồi, mình linh động niệm ngắn hơn hay dài hơn bình thường một chút để câu Phật hiệu mà mình niệm không có kẽ hở đầu và cuối câu.

4. Các câu Niệm Phật của mình và máy nối liền nhau không có kẽ hở thì vọng niệm không khởi dậy được (Tâm vô nhị dụng nghĩa là Tâm một lúc không thể làm hai việc. Tâm bận niệm Phật thì tuyệt đối không có niệm gì khác, không có vọng niệm). Nhờ vậy nên có thể niệm năm giờ liên tục, mà không có một vọng niệm nào cả. Đây là yếu tố đưa đến Nhập tâm.

5. Khi máy và mình niệm Phật, lỗ tai lắng nghe, miệng niệm hoặc ý niệm (ý trì), ý theo dõi tiếng niệm này. Đây là nhiếp nhĩ căn, thiệt căn và ý căn.

6. Khi máy niệm và mình niệm, mắt nhìn vào bốn chữ A Di Đà Phật để trước mặt, đây là nhiếp nhãn căn vào Phật hiệu. (Nhớ là nhìn chứ không phải quán).

7. Thân ngồi ngay ngắn chỉnh tề đây là nhiếp thân căn vào cảnh giới Phật.

8. Mũi ngữi mùi hương cúng Phật đây là nhiếp tỷ căn vào cảnh giới Phật.

9.  Thực hiện được như vậy là đã nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp, theo đúng lời chỉ dạy trong Kinh Lăng Nghiêm, thì làm sao mà không nhập tâm được chứ?

10.  Hành giả nên đọc kỹ, cố gắng tập sẽ quen dần, có gì không rõ hãy điện thoại cho tôi, để được góp ý thêm.

Quyết định phải thành tựu Tịnh nghiệp, Vãng sanh Cực Lạc, Thành Phật, Độ chúng sanh.

Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Từ Ngữ Phật Học Trong Phần Vấn Đáp



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật