Phật Học Vấn Đáp


Học Phật tinh tấn nhưng vẫn bị tai họa đột ngột mà chết, liệu có thuộc về oan gia trái chủ đòi nợ không?
Học Phật tinh tấn nhưng vẫn bị tai họa đột ngột mà chết, liệu có thuộc về oan gia trái chủ đòi nợ không ? Làm sao biết được tai họa đột ngột là thuộc về nghiệp nặng báo nhẹ hay là do học Phật làm thiện không như pháp, không thể cải tạo vận mệnh mà gây ra?

8/14/2022 8:37:13 AM

Bạn muốn biết những việc thế này, bình thường phải đọc Kinh nhiều, nghe Kinh nhiều, hiểu rõ lý rồi thì khi gặp việc lập tức có thể thông tỏ, có thể thông đạt tỏ tường. Ngoài điều này ra, trong thời đại hiện nay, bất luận là ở trong nước hay ngoài nước, có rất nhiều nhà ngoại cảm, đúng là có nhà ngoại cảm truyền đến những tin tức này. Việc này phải dè chừng, phải rất cẩn thận. Vì sao vậy? Trong giới ngoại cảm thì có thiện, cũng có bất thiện. Người bất thiện, họ nghe nói bạn tin tưởng quỷ thần, họ sẽ lừa gạt bạn, họ dẫn dụ bạn đi theo tà đạo, sự việc này là thường có, không thể không dè chừng. Nhưng những gì nhà ngoại cảm đưa ra, người học Phật chân chánh chúng ta phải giữ một tâm cảm ân, họ nhắc nhở chúng ta. Phương pháp giải quyết vấn đề, nhất định là nương vào Kinh giáo, vậy thì nhất định không sai. Ví dụ họ hi vọng chúng ta dùng tâm chân thành để sám hối hồi hướng, chúng ta phải dùng tiêu chuẩn trong nhà Phật. Tâm chân thành trong nhà Phật là gì? Buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng tôi thường nói, bạn có thể buông xuống hết thảy chấp trước đối với thế xuất thế gian, không tính toán với người nữa, vậy thì thật sự vào cửa Phật rồi; đây là tâm chân thành; đạt đến mục tiêu sau cùng, đó là chứng quả A La Hán, ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” là Bồ Tát Thất Tín Vị. Lại có thể buông xuống được phân biệt, không những không chấp trước mà còn không còn phân biệt nữa, đó chính là pháp giới Bồ Tát, pháp giới Phật trong Tứ Thánh pháp giới. Lại có thể làm được không khởi tâm, không động niệm thì tâm Bồ Đề sẽ hiện tiền, chân tâm hiện tiền. Đứng đầu trong tâm Bồ Đề là chân thành, bạn sẽ hiểu được, không chấp trước thì được ít phần chân thành; không phân biệt thì nhiều phần chân thành; không khởi tâm không động niệm là chân thành viên mãn. Cho nên Phật có tiêu chuẩn, người thế gian chúng ta không có tiêu chuẩn. Chính mình cho là chân thành, điều đó không được, đó vẫn là ở trong vọng tưởng, vẫn là ở trong vô minh, phải dùng Phật pháp để giải quyết vấn đề. Đó là nói về tâm chân thành.

Còn về sám hối, thế nào gọi là sám hối? Biết lỗi lầm của mình, sau không tái phạm nữa thì gọi là sám hối. Đây là điều mà Lão sư đã dạy cho tôi khi tôi mới học Phật. Mỗi ngày ở trước mặt Phật Bồ Tát đọc văn sám hối, sau khi đọc xong vẫn làm y như cũ, đây không gọi là sám hối. Cho nên Lão sư nói với tôi là Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức. Hình thức không quan trọng, thực chất mới quan trọng. Có thực chất, không có hình thức, có thể siêu độ chúng sanh. Chúng tôi ở trong “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” của Pháp sư Đàm Hư xem thấy câu chuyện “Tám năm chịu lạnh bên song cửa đọc “Lăng Nghiêm””, câu chuyện đó đã nói rõ đó là thật chứ không phải giả. Có một cư sĩ họ Lưu, khi pháp sư Đàm Hư chưa xuất gia, cùng mở một tiệm Thuốc Bắc với ba người bạn, cư sĩ Lưu là một trong số đó. Ông đọc “Kinh Lăng Nghiêm” đã được tám năm, trong tám năm, ngày ngày đọc “Kinh Lăng Nghiêm” nên tâm ông thanh tịnh, đã gặp phải oan gia trái chủ đến tìm ông, cầu ông siêu độ. Ông nói cách siêu độ thế nào? Chỉ cần ông đồng ý là được rồi. Ông nói: “Được, tôi đồng ý”, nói xong thì đã nhìn thấy hồn quỷ này bước lên đầu gối, bước lên vai của ông mà thăng thiên. Đây là thật. Siêu độ thông thường chỉ có thể siêu độ đến cõi trời Đao Lợi, liệu có thể siêu độ đến Thế giới Cực Lạc không? Nếu họ là người niệm Phật, chân thật sám hối, nhất tâm hướng Phật, vậy có thể vãng sanh. Chúng tôi tin việc này. Không có thiện căn phước đức này, cho dù có nhân duyên cũng không được. Nhưng siêu sanh đến cõi Trời cõi Người, đây là điều rất bình thường, không đọa ba đường ác. Cho nên vãng sanh là Phước báo hi hữu không gì sánh được! Chúng ta phải nhận thức cho rõ ràng điều này.

Bạn nói xem chúng ta có thiện căn hay không? Không có Thiện căn thì bạn sẽ không gặp được. Gặp được rồi, chân tín chân nguyện. Thế nào gọi là chân tín chân nguyện? Buông xuống vạn duyên là chân tín chân nguyện. Ta có Tín có Nguyện, nhưng vẫn không buông xuống được duyên đời, đây không phải là chân tín chân nguyện. Cho nên rất nhiều người nói bạn học Phật là giả học Phật, bạn phát nguyện là nguyện giả, trong Tín Nguyện của bạn xen tạp tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, xen tạp tham sân si mạn, vậy thì không phải là chân. Không phải chân, không phải là nói bạn không có chút gì; bạn có Tín có Nguyện, nhưng những phiền não tập khí trong bạn đã phá hoại Tín Nguyện của bạn, Tín Nguyện của bạn không khởi tác dụng. Là đạo lý như vậy, luôn phải rõ ràng, phải thấu suốt.

Lấy tiểu chuẩn này mà xem thì có mấy người thật sự tin Phật? Chính chúng ta hãy bình lặng mà phản tỉnh một chút, ta có tin Phật không? Ta có phát nguyện không? Ta tín rồi, ta có nguyện rồi liệu có xen tạp không? Có xen tạp. Có xen tạp thì Tín Nguyện của chúng ta chưa phải là thuần chánh. Có thể vãng sanh không? Một chút cũng không nắm chắc được. Khi tôi còn trẻ vừa mới xuất gia, gặp một số Lão hòa thượng, Lão hòa thượng nói lời thật trước mặt chúng tôi, niệm Phật niệm mấy chục năm rồi, tám chín mươi tuổi còn chưa nắm chắc phần vãng sanh. Tôi nghe rồi rất kinh ngạc, hiện nay chúng tôi hiểu rõ rồi, vì sao chưa nắm chắc phần vãng sanh? Xen tạp, công phu không thuần, tín tâm không thanh tịnh, vấn đề phát sinh ở chỗ này. Cho nên phải hiểu là, quá khứ, hiện tại, vị lai nhất định phải tu tâm thanh tịnh, nhất định phải nghe Phật pháp nhiều, dần dần các đạo lý bạn đều hiểu rõ, nắm bắt được nguyên lý nguyên tắc, gặp phải sự việc thì tự nhiên sẽ thông tỏ.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Nghiệp        Học Phật        Tinh Tấn       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật