Phật Học Vấn Đáp


Làm thế nào để hoằng pháp lợi sanh?
Giảng Kinh ở trong phòng thu đương nhiên có thể thông qua Internet đồng thời tạo phước cho xã hội, nhưng ở Trung Quốc và trên thế giới có rất ít đạo tràng có phòng thu và dạy học trực tuyến từ xa, mà có rất nhiều người có tâm học tập theo Sư phụ thượng nhân, làm thế nào mới có thể đáp ứng được nhu cầu của đại chúng ạ?

8/14/2022 7:49:26 AM

Đây chính là duyên phận của mỗi người không như nhau. Mặc dù duyên phận không như nhau, nhưng nếu thật sự muốn học thì nhất định sẽ được Tam Bảo gia trì. Đây là chắc chắn. Bởi vì nguyện mà Phật đã phát thì không có nguyện nào là nguyện suông, từng lời đều thực hiện được. Trong nhà Phật có một câu nói: “Trong cửa nhà Phật không bỏ người nào”, chúng ta phải tin tưởng điều này. Không có người Thầy tốt thì ta ngày ngày cầu Phật Bồ Tát phù hộ, chỉ cần là chân tâm thành ý thì sẽ thật sự gặp được cao nhân. Không bỏ người nào! Nếu chân tâm mong cầu mà cả đời không gặp được duyên thì chẳng lẽ Phật Bồ Tát bỏ rơi rồi sao? Đâu có loại đạo lý này! Hiện nay, chúng ta thông đạt đạo lý này rồi thì chúng ta một chút cũng không hoài nghi, vì sao vậy? Phật là từ đâu tới? Là tự tánh biến hiện ra. Ta cầu A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đến rồi, tự tánh Di Đà; ta cầu Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát đến rồi, là tự tánh Quan Âm, vậy vì sao lại không cầu được? Vì sao các Ngài không hiện tiền? E là tâm cầu của bạn không chân, không chân thành, hoặc là xen tạp tự tư, xen tạp danh lợi, sẽ không có cảm ứng, nếu không thì không gì là không cảm ứng. Nói chung bạn phải tin tưởng, cho nên người hiện nay, nói lời thật thì người không tin Phật quá nhiều. Một ngày từ sáng đến tối ở bên cạnh tôi nhưng không tin! Đây là thật, không phải giả. Họ tin vào vọng tưởng của chính mình, họ không tin Phật pháp.

Nhiều năm nay tôi gặp rất nhiều nhà ngoại cảm, họ khích lệ tôi; nếu nói người xung quanh tôi là đệ tử của tôi thì tôi đã sớm bị thối tâm rồi. Những nhà ngoại cảm này đến khích lệ tôi, họ nói thật sự có người theo Thầy học, là ở đâu? Ở trên mạng, ở trước ti vi, thật sự có! Không phải ở bên cạnh Pháp sư, bên cạnh pháp sư không có ai. Tôi tin tưởng! Còn gì nữa? Nói ra thì người thông thường bảo là mê tín, thật ra không phải, linh giới, chúng sanh chín pháp giới đang cùng học tập với chúng ta thành tựu rất nhiều. Điều này tôi tin tưởng. Cho nên mỗi ngày tôi học rất hứng thú, giảng bài cũng rất phấn khởi, nguyên nhân là ở chỗ này. Nếu tôi không học nghiêm túc thì có lỗi với bản thân, có lỗi với cha mẹ, có lỗi với Lão sư. Nếu tôi không giúp người khác, không đem những sở học của tôi giảng cho rõ ràng, giảng cho tường tận thì tôi có lỗi với chúng sanh. Cho nên phải thật làm!

Câu hỏi: Nếu nước ta và thế giới áp dụng ý tưởng Bồi dưỡng nhân tài Thánh giáo của Sư phụ thượng nhân, xây dựng phòng thu, ba năm cắm gốc, mười năm nhất môn thâm nhập, mỗi ngày ở trên mạng chia sẻ tâm đắc học tập, nhưng nếu người tu học không ở bên cạnh Sư phụ thượng nhân thì có phải là trong quá trình dạy học khó tránh việc xen tạp ý của chính mình không ạ? Nếu như vậy thì ở trên mạng, tâm đắc của người giảng khác nhau sẽ thể hội khác nhau, liệu có gây ra phân vân bất nhất về tri kiến, làm nhiễu loạn đầu óc của người sơ học không ạ? Phải giải quyết như thế nào ạ?

Việc này không có cách gì giải quyết, chỉ có mạnh ai nấy nói. Người nghe thì phải có trí huệ để phân biệt, đây chính là “Tứ Y Pháp” mà Phật dạy chúng ta, “Y pháp bất y nhân”, nhất định là lấy Kinh điển làm y cứ; “Y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức”. Bạn có thể nắm được giáo huấn này của Phật thì không có vấn đề gì, điều sợ nhất là dùng tình cảm làm việc. Dùng tình cảm làm việc thì trong đây không thể tránh được sai lầm, cho nên phải lý trí. Nguyên tắc chỉ đạo chung chính là dạy chúng ta buông xuống phân biệt chấp trước, đây là tổng cương lĩnh cao nhất. Mười sáu chữ mà bình thường tôi khuyến khích đồng học, đây là nhập môn, buông xuống Tự tư Tự lợi, Danh văn Lợi dưỡng, Ngũ dục Lục trần, Tham Sân Si Mạn. Buông xuống mười sáu chữ này thì bạn nhập môn. Không buông xuống được mười sáu chữ này thì chưa nhập môn. Chưa nhập môn thì những thứ bạn học tập, đi khắp nơi giảng là nghe đồn nói nhảm. Người xưa có đức hạnh này, không dám nói tùy tiện, đa phần người hiện nay đều rơi vào Danh văn Lợi dưỡng. Vậy thì vẫn phải thọ báo, quả báo. Nhưng đã nghe đến Phật pháp thì luôn có chỗ tốt, tội báo của họ báo hết rồi thì hạt giống kim cang này trong Phật pháp vĩnh viễn không hoại, sau này gặp duyên chánh pháp thì vẫn tiếp tục tu tiếp.

Nói thật ra, những gì chúng ta gặp được trong đời này cũng đều bắt nguồn từ đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, đời này gặp được duyên. Không gặp được duyên thì đời sau có duyên sẽ lại tiếp nhận, là sự việc như vậy. Chân tướng sự thật này bạn phải biết, phải rõ ràng. Nếu không muốn làm việc luân hồi, luân hồi thật ra là rất đáng sợ, rất khổ, quá phức tạp. Chúng ta muốn thành tựu ở ngay trong đời hiện tại thì nhất định phải buông cho sạch sẽ những thứ này. Phải biết những duyên này, đối với chúng ta mà nói không có chỗ tốt, chúng ta nhất định phải học với Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Phật Ngài cả đời đều là khuyên người làm thiện, làm ra tấm gương tốt cho người xem, không có Tự tư Tự lợi, không có Danh văn Lợi dưỡng, không tham luyến hưởng thụ Ngũ dục Lục trần, không Tham Sân Si Mạn. Chúng tôi nói mười sáu chữ này, Ngài không có một chữ nào, đây là làm ra tấm gương tốt cho chúng ta xem.

Câu hỏi: Liên quan đến vấn đề xây dựng đạo tràng, họ cũng có ba câu hỏi nhỏ. Thứ nhất là Tổ sư Đại đức nói: “Phật môn lấy vô sự làm hưng thịnh”, nếu đạo tràng có người bên ngoài đến tham học rất nhiều thì liệu có nhiễu loạn chốn thanh tu của chúng thường trụ không ạ? Liệu có nên đóng cửa không tiếp khách không? Hay là có phương pháp nào giải quyết tốt hơn ạ?

Thời xưa thì Tự Viện Tùng Lâm là trường học, hơn nữa là trường học chuyên khoa, bởi vì đạo phong và học phong của đạo tràng đều là nhất môn thâm nhập. Thanh chúng ở trong Đạo tràng chính là người tu hành, không tiếp khách. Người tiếp khách là ai? Là Thầy tri khách, tri khách, giống như nói họ có một nhóm nhỏ, nhóm nhỏ này hoàn toàn phụ trách việc tiếp khách. Thế nhưng trước đây không có nhiều khách, đạo tràng đều xây dựng ở trong rừng núi, cách làng mạc tương đối xa, cũng phải năm dặm, mười dặm đường, hơn nữa đều phải leo núi. Không phải là người thật sự kiền thành mộ đạo đến để tham học thì họ không muốn lên núi. Hơn nữa đời sống trên núi vô cùng thanh khổ, người thông thường không chịu được, lên núi không có đãi ngộ riêng, ai chịu nếm trải những tháng ngày khổ sở này chứ? Hiện nay không như vậy, hiện nay đạo tràng là thắng cảnh tham quan du lịch, du khách càng nhiều càng tốt, thu nhập hương hỏa nhiều, tâm của họ không đặt ở đạo nữa. Cho nên bạn sẽ hiểu Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta, chân tu hành thì sao? Xây dựng am tranh nhỏ, hai mươi người, không nên vượt quá hai mươi người, ai nấy đều thành tựu. Bạn phải làm đạo tràng lớn làm gì chứ? Xây dựng ở một nơi nhỏ, căn bản là không có ai biết, tùy duyên không phan duyên. Bên cạnh có một mảnh đất nhỏ, tự mình có thể trồng rau, tự mình có thể trồng lương thực. Chúng ta không thể trồng lúa, không thể làm ra gạo nhưng chúng ta có thể trồng đậu phộng, có thể trồng khoai, có thể trồng bắp, dùng những thứ này để thay thế cho thức ăn chính. Lại trồng thêm một ít rau, như chúng tôi hiện nay ở Úc, chính là tự trồng lương thực. Thật sự gặp phải tai nạn thì chúng ta không có vấn đề. Những rau củ quả mà chính chúng tôi trồng trong ruộng đất của mình cũng đủ để đạo tràng chúng tôi sinh sống. Chúng tôi ước tính rau củ trồng trong khu vườn này có thể cúng dường cho ba trăm người, đạo tràng đó hiện nay của chúng tôi không đến một trăm người. Trồng trọt thì phải học hỏi nông dân, chúng tôi nhờ nông dân ở gần đó khai khẩn đất đai nơi này cho chúng tôi, chúng tôi học tập theo họ. Sau khi học biết cách rồi thì chúng tôi không cần dựa vào họ nữa. Đây là tư tưởng của người xưa, gọi là vừa làm nông vừa học tập, chính mình phải bắt tay làm.

Đạo tràng này hiện nay, hình như là vào những năm tám mươi, lần đầu tiên tôi về nước, đi thăm Bắc Kinh, đã gặp mặt Triệu Phác Lão. Chúng tôi rất có duyên, nói ra thì đều là đồng hương. Lần đầu tiên gặp mặt, ông đã dùng bốn tiếng đồng hồ để tiếp đãi chúng tôi. Khi đó có mười mấy vị đồng tu đi theo tôi, đại bộ phận trong đó là đồng tu Hồng Kông, họ nghe thấy đều rất kinh ngạc, bình thường Phác Lão tiếp khách đều không quá ba mươi phút. Ông đã mời chúng tôi cùng ăn cơm, hai vợ chồng ông đều ngồi cạnh chúng tôi, chúng tôi trò chuyện suốt bốn giờ đồng hồ. Tôi đã bàn đến vấn đề đạo tràng hiện nay, đạo tràng ở Trung Quốc đều là di tích lịch sử, đều là chùa chiền mấy ngàn năm, mấy trăm năm. Đã tham quan du lịch thì nhất định họ sẽ không bỏ qua địa điểm này, nhất định phải đến tham quan. Nói cách khác, những đạo tràng này không thích hợp để tu hành. Không thích hợp để tu hành thì dứt khoát phải mở cửa để tham quan du lịch, là cơ hội giáo dục. Khách tham quan chính là tín đồ, khi họ đến thì giảng giải Phật pháp cho họ, để cho họ trồng một chút thiện căn, điều này tốt biết bao! Không cần giảng cả bộ Kinh, giảng chuyên đề hoặc là trích lục một đoạn nhỏ trong Kinh văn để giảng mấy câu. Họ trả những chi phí này, chi phí để đến đây du lịch, đây giống như đóng học phí vậy, họ cũng thật sự học được một chút gì đó mang về. Phật pháp thật sự phải xây dựng lại đạo tràng mới. Hiện nay giao thông thuận tiện, thông tin phát triển, cho nên không cần phải xây thật nhiều đạo tràng. Tôi đề nghị với Phác Lão xây mười đạo tràng, Phật giáo Trung Quốc có mười tông phái, một tông phái xây một đạo tràng. Không cần xây dựng kiểu cung điện nữa, xây kiểu gì? Xây trường học. Tôi nói với ông bắt chước theo các thành phố Đại Học ở nước ngoài, một trường học chính là một thành phố, chia thành hai bộ môn, một là bộ môn nghiên cứu, là học viện, giống như Tịnh Tông Học Viện trong Tịnh Độ Tông của chúng ta; một là bộ môn tu hành, là Tịnh Tông Học Hội. Tên gọi cũng thay đổi, đổi thành danh từ hiện nay, Học Viện, Học Hội, không nên dùng Tự Viện Am Đường, để người ta nghe thấy mới mẻ. Đây không phải là mê tín. Ông rất tán thành, rất hoan hỉ. Khi chúng tôi gặp mặt, tuổi tác của ông quá lớn rồi, thật sự là tâm có thừa nhưng sức không đủ. Nhưng đúng thật là phải phát triển theo phương hướng này, cũng phải hiện đại hóa.

Tu hành ở quy mô nhỏ đó đúng là Tịnh Độ Tông thích hợp, Ấn Tổ nói phương pháp này vô cùng hay. Nhiều năm nay, tôi thường hay giới thiệu như vậy, đạo tràng nhỏ thì hai, ba người hộ trì là đủ rồi, không tiếp bất kỳ người nào, đóng cửa lại niệm Phật nghe Kinh. Mỗi ngày có thể nghe Kinh bốn giờ đồng hồ, không cần nghe nhiều nghe tạp, một bộ Kinh, nghe “Kinh Vô Lượng Thọ”, nghe xong một lần lại nghe lần thứ hai, nghe lần thứ hai xong thì nghe lần thứ ba, nghe một trăm lần, nghe một nghìn lần, càng nhiều càng tốt, không tạp; một câu A Di Đà Phật, không ai mà không thành tựu. Đây gọi là đạo tràng chân chánh. Đạo tràng này thì có Phật Bồ Tát gia trì, Long Thiên Thiện Thần tán thán, Thần Hộ pháp chăm lo. Không thể không biết điều này, vô cùng thích hợp với xã hội hiện đại. Đạo tràng lớn thích hợp với tiếp dẫn đại chúng, là cơ hội giáo dục.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Giới        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật