Phật Học Vấn Đáp


Làm sao niệm A Di Đà Phật, có thể tương đương nhiều tiếng Phật hiệu?
Trong kinh nói có thể niệm Thánh hiệu Nam mô Đại Từ Đại Bi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Tam Thập Lục Vạn Ức Nhất Thập Nhất Vạn Cửu Thiên Ngũ Bách Đồng Danh A Di Đà Phật, có thể tương đương nhiều tiếng Phật hiệu. Xin có phải như vậy không? Có thể niệm như vậy không?

8/12/2022 1:15:00 PM

Bạn vẫn chưa học Phật, vẫn chưa niệm Phật, nên mới học kiểu đầu cơ trục lợi, cho dù thật có lợi ích thì tâm của bạn là tâm cầu may, có lợi ích với người khác nhưng không có lợi ích với bạn. Bạn cần gì phải niệm câu này, niệm câu này càng phiền phức, niệm quá nhiều chữ. “Khắp pháp giới hư không giới đồng danh hiệu A Di Đà Phật”, dễ niệm hơn, tốt hơn so với câu kia, câu kia vẫn có chữ số, câu này của tôi không có số. Các vị nhất định phải biết, niệm Phật là phải niệm bạt đi vọng tưởng tạp niệm của chính mình, đó là công phu, vậy mới có ích. Người biết niệm Phật thì hiểu được, ý niệm vừa khởi, người xưa nói "không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm", niệm là gì? Niệm là vọng niệm. Thiện niệm cũng vậy, ác niệm cũng vậy, thảy đều là vọng niệm. Ý niệm vừa khởi lên thì nhanh chóng A Di Đà Phật, câu Phật hiệu này đánh bạt ý niệm đó, đây gọi là công phu! Nhất định không để vọng niệm khởi lên, phải đề khởi chánh niệm của mình lên. Nếu không khởi vọng niệm, cũng không niệm Phật hiệu, vậy cũng được, đều là thuộc về chánh niệm, tâm của bạn là tâm thanh tịnh, là tâm chân thành, chính là tâm Bồ đề mà chúng tôi nói, tâm chân thành thanh tịnh bình đẳng giác hiện tiền, công phu như vậy mới đắc lực.

Người thường hiện nay niệm Phật, niệm được rất nhiều Phật hiệu nhưng vọng tưởng tạp niệm cũng rất nhiều. Trong Đại Thế Chí Bồ tát Niệm Phật Viên Thông Chương, Bồ tát dạy chúng ta bí quyết niệm Phật là “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). “Đô nhiếp lục căn” nghĩa là gì? Là thu hồi tâm lại, tâm của chúng ta, ở nơi mắt thì nhìn, ở nơi tai thì nghe, bạn thu hồi kiến văn giác tri lại, không được duyên theo bên ngoài, không hướng ra bên ngoài, đây gọi là đô nhiếp lục căn. Trong nhà Nho, học vấn của pháp thế gian cũng có đạo lý này, Mạnh Tử nói: “Đạo học vấn chẳng gì khác, chỉ là tìm lại cái tâm đã mất đi mà thôi”, cùng ý nghĩa với câu này. Đạo học vấn là gì? Là thu hồi tâm từ bên ngoài lại, là ý nghĩa này. Phóng tâm ra bên ngoài nghĩ Đông nghĩ Tây, nghĩ quá khứ, nghĩ vị lai, đó đều là sai lầm, cho nên thu hồi tâm trở lại. “Tịnh niệm tương kế”, bạn hãy chú ý chữ “tịnh”, tịnh là gì? Bạn xen tạp thì không tịnh, bạn niệm Phật mà trong đầu vẫn nghĩ Đông nghĩ Tây, vậy thì không thanh tịnh, có hoài nghi thì không thanh tịnh. Không hoài nghi, không xen tạp, đó gọi là tịnh niệm, “tương kế” là không gián đoạn. Không nhất định nói niệm Phật hiệu không gián đoạn, mà là công phu này không được gián đoạn, chính là không hoài nghi, không xen tạp, không được có những thứ này, bạn phải giữ gìn công phu này. Công phu này nếu không gián đoạn, vậy mới sinh ra sức mạnh, vậy mới gọi là công đức.

Nếu bạn hiểu đạo lý này thì không phải ở chỗ niệm Phật nhiều hay ít, niệm Phật nhiều đi nữa có tác dụng gì chứ? Đại đức xưa thường nói “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”. Khi nào niệm đến mức tâm địa của mình thanh tịnh rồi thì câu Phật hiệu sẽ hữu dụng, phải chú trọng điều này, đây mới là chánh niệm! Điều này không thể không biết.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Cực Lạc        Giới        Thập Niệm        A Di Đà        Tây Phương       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật