Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Tap-Vang-Sanh

Lời Tựa


Đức Thế Tôn vừa thành Chính giác, Ngài liền nói pháp Phật thừa[2] cho tất cả chúng hữu tình nghe. Sau đó, nhận thấy Phật thừa khó phù hợp với tất cả căn cơ nên từ trong pháp Nhất thừa, Ngài diễn nói thành pháp Tam thừa[3]; rồi từ trong pháp Tam thừa ấy trình bày pháp môn Tịnh độ.

Nay cách Phật ngày càng xa, tình trần ngày càng nặng, nên người siêng năng tiến tu không thể phát sinh sự tỏ ngộ để bước lên bậc thánh, còn kẻ biếng nhác thì lang thang trôi nổi trong hiểm họa trầm luân. Vậy, không nhờ vào pháp môn Tịnh độ này thì dựa vào đâu để chóng được thoát khỏi sinh tử? Thật vĩ đại thay! Bởi vậy nên nói, để trị chứng bệnh trầm kha trong thời mạt pháp ắt cần phải có vị linh dược hữu hiệu. Nhưng ngẫm lại, xưa hiệu nghiệm thì nhiều mà nay hiệu nghiệm lại rất ít; vậy lỗi ấy do đâu? Cũng là do miệng thì nói cầu sinh Tịnh độ mà tâm thì lưu luyến Ta bà, và vì lòng kiên trì, chí dũng mãnh, sự liễu ngộ không bằng người xưa. Nghe nói, ngày xưa có truyện Vãng sinh, nhưng trải qua nhiều năm bị thất lạc nên không còn thấy. Song cũng có nhiều đoạn còn sót lại được ghi rải rác trong sách của các nhà trứ tác trong và ngoài Phật giáo. Nay tôi theo sự hiểu biết của mình tùy trường hợp chọn lấy hoặc bỏ bớt, chỉ chọn những mẩu chuyện có nhân quả rõ ràng, trải qua nhiều ngày mới chép lại thành thiên sách này, và đây chỉ là một phần mười trong số trăm nghìn truyện mà thôi.

Nay nhằm năm Giáp Thân (1584) đâu dám so với quốc sư Trung Phong[4] ở nơi đô hội, tôi bế quan ở am Thượng Phương mới chọn lấy rồi theo từng loại trong số ấy và sắp theo thứ tự trước sau. Lại chứng minh pháp môn này các bậc thánh đều hướng về, và bổ sung vào các việc cảm ứng vãng sinh của người đương thời. Sách này tổng cộng có khoảng 166 truyện và xen giữa các truyện có lời giải thích để làm sáng tỏ cái nghĩa hàm ẩn trong đó. Vì thế đặt nhan đề là “Vãng sinh tập”, với mục đích khiến cho kẻ tăng người tục khi xem qua tập sách này liền nói: “Tôi cũng nhờ tu giải thoát như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ thuần nhất như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ cảm ứng tinh thần như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ đại bi, đại nguyện như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ sửa lỗi mạnh dạn chuyển cái nghiệp sắp bị đọa như thế mà vãng sinh, tôi nhờ như vậy mà sinh vào thượng phẩm, tôi nhờ như vậy mà sinh vào trung phẩm, hạ phẩm”. Tôi chỉ khảo xét lại chuyện xưa, kiểm nghiệm lại chuyện nay để làm chứng cứ cho người tu tịnh nghiệp.

Một hôm, có một vị khách đến thăm tôi, ông xem qua chưa được vài truyện, bỗng nói:

– Tịnh độ do tâm, ngoài tâm không có Tịnh độ, vãng sinh Tịnh độ là chuyện ngụ ngôn, ngài cho là thật có sinh ư? Như vậy há không trái với ý nghĩa vô sinh[5] sao?

Tôi đợi ông ta bình tĩnh lại, từ từ nói với ông ta:

– Nói sao dễ dàng thế! Nếu cho là vô sinh mà thôi thì tất cả đoạn diệt, chẳng lẽ còn có duy tâm. Nếu thật ngộ vô sinh thì sinh cũng đâu trở ngại gì! Sinh vốn đã không thật có, cho nên suốt ngày sinh mà chưa từng sinh. Vả lại, ông đã dứt hết tâm hữu lậu chưa?

Người khách đáp:

– Chưa.

– Ôi! Tâm hữu lậu chưa dứt thì mầm mống sinh vẫn còn. Nguồn gốc sinh chưa dứt thì phải sinh vào một nơi nào đó mờ mịt trong biển khổ của tam giới[6]. Vậy không cầu sinh về Tịnh độ thì sinh về đâu? Nhọc nhằn trong sáu đường[7], tiêu dao nơi chín phẩm[8], lợi và hại cách nhau một trời một vực, có lẽ vì ông chưa nghĩ tới mà thôi. Nếu dùng những lời lẽ hoa mỹ luận bàn để tranh cao thấp, việc ấy tôi cũng làm được, nhưng sở dĩ tôi không làm như thế là e sinh ra tranh cãi, đối với người biết giá trị của chính pháp thì tai nghe pháp, ba nghiệp phải thực hành. Nếu ông thật không cho lời nói của tôi là sai, thì ngay Tịnh độ là Phật thừa. Bởi vì chưa từng gián cách mảy lông thì làm sao có sự trái ngược.

Người khách kia ngồi ngay ngắn suy nghĩ, trong lòng hoang mang nên tự quên địa vị của mình, bất giác nước mắt tuôn đầm đìa, buồn rầu và nghẹn ngào, rồi chỉnh đốn y phục kính cẩn đọc đến hết quyển. Ngoài ra, ông còn chí thành lễ bái, tha thiết cầu xin được khắc bản sách này. Cuối cùng tập sách này cũng được khắc thành.

Tôi xin thuật lại việc này từ đầu đến cuối là như thế!

Mùa hạ, niên hiệu Vạn Lịch thứ mười hai (1584), sa môn Châu Hoằng[9] ở Hàng Châu ghi.

Kinh Sách Liên Quan