XVIII.6.1. Lời dẫn

Trong hai loại trang nghiêm[123], trí tuệ là tối thắng. Trong ba phẩm thứ đệ[124], trí tuệ là Vô ngu. [101b] Cho nên, kinh ghi: “Năm độ trước nếu không có trí tuệ thì tợ như người ngu, kẻ mù. Sở dĩ Ba-nhã[125] hơn hẳn các pháp thế gian là vì có công năng phá trừ các hữu[126]”.

Thích luận lại chép: “Phật là mẹ của chúng sinh, ba-nhã là mẹ của chư Phật”. Thế thì, trí tuệ là bà của tất cả chúng sinh. Cho nên, ngoại thư[127] có ghi: “Thông minh, trí tuệ, khiêm cung, sáng suốt mới đúng là đức của Phóng Huân[128]. Nhân, nghĩa, lễ, trí chính là đạo của Tuyên Ni[129]”.

Thế nên, pháp trí tuệ này không thể không tu học, nhân giải thoát ấy không thể không huân tập. Bởi vì trí tuệ có năng lực phá trừ sự ngu tối như mặt trăng tròn đầy có khả năng chiếu sáng khắp ba đường ác, lại có công năng diệt trừ ba thứ độc tợ như thuốc ma-kì[130] có khả năng chế ngự các loài độc hại. Như vậy, lẽ nào hành giả mặc tình đắm chìm trong đường mê sinh tử để cho tâm chấp tướng buộc ràng, lòng chấp ngã mãi trói chặt, ái dục dẫy đầy, vô minh dày đặc; đã không rõ lý nhân duyên, lại không đoạn trừ phiền não, khiến cho núi ngã mạn cao ngất như núi Tung[131], núi Hoa[132], sông ái cuồn cuộn rộng sâu như biển cả hay sao!

Có người vọng chấp vào đoạn kiến[133] hoặc thường kiến[134]; hoặc chỉ bàn đến lý tức ly[135]; hoặc chấp thần vàng, thần trắng[136]; hoặc khởi tưởng “ta thấy, ta biết”.

Có kẻ thường thực hành các phép khổ hạnh của ngoại đạo như đứng một chân, phó hỏa[137], ăn cỏ như loài trâu, nuốt phân như loài chó.

Có người chuyên bàn luận về tục đế[138], thì làm sao biết đến lý trung đạo[139]?

Có kẻ chấp chặt vào bốn bộ Vi-đà[140] thì há có thể lĩnh hội được ý chỉ Đại thừa?

Có người cho rằng, minh sơ sinh ra giác…[141]; ngoài hai mươi lăm đế này, không cần biết thêm gì nữa, vì đây là lý tối cao của thế gian.

Có kẻ lại nói, đạt đến Phi hữu tưởng là chứng Niết-bàn[142]; hoặc cho rằng Tự Tại thiên[143] có khả năng sáng tạo ra thế giới v.v…

Những hạng người như thế đều là ngu si, mê muội, ngông cuồng, khó bảo, chỉ biết ôm cây đợi thỏ, chấp ngón tay là mặt trăng, chưa phân biệt được cỏ thơm và cỏ hôi, thì làm sao phân định được đậu và lúa? Dẫu rằng họ biết vui cười, nhưng khác nào dã nhân, chỉ biết suông trên ngôn từ thì đâu khác gì đười ươi. Đó đều là do họ chẳng hiểu rõ lý không, thường sống trong vô minh, đó là tâm điên đảo, đều gọi là kiến chấp sai lầm. Năm trụ phiền não[144] chưa từng giảm bớt, dù bằng mảy lông. Cho nên một trăm lẻ tám kết sử[145] dấy khởi mãi không ngừng.

Do đó, bậc Đại sĩ vì mong được nghe tám chữ[146] mà chẳng tiếc thân mạng, vậy mà còn sợ bị lui sụt khi gặp nghịch cảnh, chướng duyên. Thế nên, mỗi người phải tự nhiếp phục tâm mình để ý chí càng thêm kiên định.

XVIII.6.2. Cầu pháp

Kinh Hoa nghiêm ghi: “Bồ-tát vì cầu pháp, nên khi nghe người bố thí pháp hỏi:

– Nếu ông có thể gieo mình vào hầm lửa sâu bảy nhận[147], thì tôi sẽ nói pháp cho. Bồ-tát vô cùng vui mừng, tự nghĩ: ‘Ta vì cầu pháp mà không tiếc thân mạng, đã từng chịu vô lượng khổ ở trong các đường ác như địa ngục A-tỳ, sá gì vào hầm lửa bé nhỏ ở thế gian này mà được nghe pháp?’”

[101c] Kinh Tập nhất thiết công đức tam-muội[148] ghi: “Vào thời quá khứ lâu xa, Đức Phật Thích-ca là một vị tiên nhân đã đắc ngũ thông, tên là Tối Thắng”.

Luận Đại trí độ lại ghi: “Phật Thích-ca-văn khi còn làm vị bồ-tát tên là Nhạo Pháp. Bấy giờ, gặp thời không có Phật, không được nghe pháp lành, bồ-tát đi khắp nơi cầu pháp, tinh tiến không biếng nhác, nhưng hoàn toàn không gặp được.

Khi ấy, ma vương hóa thành một vị bà-la-môn nói với bồ-tát: ‘Ta có một bài kệ do Phật nói, nếu ông có thể lấy da làm giấy, lấy xương làm bút, lấy máu làm mực để viết bài kệ này thì ta sẽ nói cho ông nghe’. Ngay đó, Nhạo Pháp suy nghĩ: ‘Đời đời ta đã từng bỏ vô số thân mạng vẫn không được lợi ích như vậy’. Nghĩ xong, bồ-tát liền lột da đem phơi nắng cho khô, khi định viết bài kệ thì ma vương biến mất. Lúc này, biết được lòng thành của bồ-tát, từ phương dưới Phật hiện lên, diễn nói pháp mầu cho bồ-tát. Ngay đó, bồ-tát chứng được Vô sinh pháp nhẫn”.

Kinh Niết-bàn ghi: “Bồ-tát vì cầu pháp mà khoét thân làm đèn, lấy vải quấn làm tim, đổ dầu mỡ vào, rồi đốt lên. Đang lúc chịu khổ cùng cực như vậy, bồ-tát vẫn tự nhủ mình: ‘Nỗi khổ này so với cảnh khổ ở địa ngục chưa bằng một phần trong trăm nghìn vạn lần. Trong vô lượng trăm nghìn kiếp, thân này đã chịu đau đớn cùng cực mà vẫn không được lợi ích gì, nếu không chịu được chút khổ này thì làm sao cứu vớt chúng sinh đang đau khổ trong địa ngục?’ Khi bồ-tát ma-ha-tát khởi quán như vậy, thì thân không biết đau, tâm không lui sụt, không dao động cũng không lay chuyển. Bấy giờ, bồ-tát tự biết rõ: ‘Ta nhất định sẽ đắc quả A-nậu Bồ-đề’.

Lúc này, tuy chưa dứt sạch phiền não, nhưng vì cầu pháp nên bồ-tát bố thí cho chúng sinh đầu, mắt, tủy, não, tay, chân, máu, thịt; lấy đinh đóng vào thân, gieo mình nơi vách núi, xả thân vào hầm lửa. Tuy bồ-tát chịu vô số thống khổ như thế, nhưng tâm Ngài vẫn không lui sụt, không dao động, cũng không lay chuyển. Bồ-tát nhận biết: ‘Nay ta đã có tâm không lui sụt thì nhất định sẽ đắc quả A-nậu Bồ-đề’”.

Kinh Đại tập ghi: “Bồ-tát vì nghĩa của một chữ một câu mà đem châu báu trong mười phương thế giới dâng cúng pháp vương, vì một bài kệ mà bỏ cả thân mạng. Tuy trải qua vô lượng hằng-hà-sa kiếp, thực hành bố thí, nhưng không bằng vừa nghe pháp giác ngộ, tâm sinh vui vẻ. Do thích nghe, thích giảng chính pháp, nên được chư Phật, chư thiên gia hộ; nhờ thần lực gia trì của các ngài mà hành giả thông đạt hết thảy kinh điển, sách, luận trong thế gian”.

[102a] Kinh Đại phương tiện báo ân ghi: “Bồ-tát luôn mong cầu thiện tri thức để được nghe Phật pháp, chỉ cần nghe một câu, một bài kệ, một nghĩa, thì phiền não trong ba cõi thảy đều tiêu diệt. Khi mong cầu pháp Phật, bồ-tát tha thiết không tiếc thân mạng, cho dù phải vào những sắt nóng, lửa dữ, cũng không lo sợ. Bồ-tát vì một bài kệ còn không tiếc thân mạng, huống là mười hai thể loại kinh, vì một bài kệ còn không tiếc thân mạng, huống là của cải. Nhờ nghe giáo pháp, thân được an vui, lòng tin vững chắc, tâm ý ngay thẳng, hiểu biết đúng đắn. Khi gặp pháp sư, bồ-tát vui mừng như gặp cha mẹ, tâm không kiêu căng. Vì chúng sinh mà bồ-tát chí tâm nghe pháp chứ không phải vì lợi dưỡng, cũng không vì lợi ích riêng mình; vì chính pháp mà bồ-tát không sợ mọi điều như nạn vua, đói, khát, lạnh, nóng, hổ, beo, thú dữ, giặc cướp v.v… Trước hết, bồ-tát tự nhiếp phục phiền não, điều phục các căn sau đó mới nghe pháp”.

Kinh Hoa nghiêm ghi: “Bồ-tát cầu pháp bằng cách như thế, bao nhiêu châu báu có được đều không xem trọng, luyến tiếc, không có ý tưởng khó xả bỏ. Nếu được nghe một câu pháp chưa từng nghe thì còn hơn được châu báu khắp trong ba nghìn thế giới; được nghe một bài kệ còn hơn được ngôi vị Chuyển luân thánh vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm thiên vương. Bồ-tát suy nghĩ: ‘Nếu ta được nghe một câu pháp thì dẫu phải gieo mình vào hầm lửa lớn bằng ba nghìn đại thiên thế giới, lửa cháy lên tới cõi Phạm thiên, ta còn làm được, huống là ngọn lửa bé nhỏ. Ta còn chịu hết tất cả nỗi khổ trong chốn địa ngục để cầu pháp, sá gì một chút khổ não ở nhân gian’. Vì cầu pháp, bồ-tát phát tâm như thế; sau khi nghe pháp, tâm luôn vui vẻ, chắc chắn đạt được chính quán”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Nếu không xa lìa sáu điều này thì không thể dứt trừ trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, đó là:

Không thích nghe pháp
2. Tuy nghe pháp nhưng không chú tâm lắng nghe.
3. Không vì sự hiểu biết mà nghe pháp
4. Không chịu khó tìm cầu pháp chưa được nghe.
5. Không khéo giữ gìn pháp đã được nghe
6. Không thành tựu Thuận nhẫn[149].

Ngược lại, xa lìa sáu điều này thì dứt trừ được trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh”.

Kinh Vị tằng hữu ghi: “Xưa kia, trong núi Tỉ-đà ở nước Tỳ-ma, có một con dã can bị sư tử đuổi bắt, rớt xuống một cái giếng ở gò hoang. Trải qua ba ngày, vui vẻ chấp nhận cái chết, dã can bèn nói kệ:

Tất cả đều vô thường,
Tiếc không cho sư tử,
Sao lúc thân gặp nguy,
Tham sống, chết lãng phí.
[102b] Vô ích đáng giận rồi,
Còn làm bẩn giếng người,
Sám hối mười phương Phật,
Xin soi xét lòng con.
Các nghiệp ác đời trước,
Kiếp này xin trả hết,
Từ nay gặp minh sư,
Tu mãi đến thành Phật.

Đế Thích nghe bài kệ, liền cùng với tám mươi nghìn chư thiên đến bên giếng nói:

– Đã từ lâu, chúng tôi không được nghe thánh giáo, ở mãi trong chốn tối tăm. Những lời kệ vừa rồi thật cao siêu, xin ngài giảng lại cho chúng tôi nghe.

Dã can đáp:

– Đế Thích thật vô lễ, không biết phép tắc. Pháp sư ở dưới, còn mình thì ở trên, hoàn toàn không biết cung kính mà đòi học hỏi yếu chỉ của giáo pháp.

Đế Thích nghe vậy, liền thả áo trời xuống kéo dã can lên khỏi giếng, và cúi đầu sám hối. Đế Thích nhớ lại xưa kia từng thấy người ở trần gian trải tòa cao trước, sau đó mới thỉnh pháp sư.

Bấy giờ, chư thiên liền cởi y báu xếp làm tòa cao. Dã can bước lên tòa nói:

– Có hai nhân duyên lớn, một là thuyết pháp giáo hóa trời người được phúc báo vô lượng; hai là báo đáp ân bố thí thức ăn, được phúc báo vô lượng.

Đế Thích hỏi:

– Cứu ngài thoát khỏi nguy hiểm dưới giếng, công đức ấy rất lớn, vì sao ân ấy không bằng?

Dã can đáp:

– Sống chết tùy theo quan niệm mỗi người, có người tham sống, có người thích chết, có người ngu si không biết sau khi chết sẽ sinh lại kiếp khác, nên sống không đúng theo Phật pháp, không gặp minh sư. Người này tham sống sợ chết, sau khi chết bị rơi vào địa ngục. Người có trí tuệ quy kính tam bảo, gặp bậc minh sư, bỏ ác làm lành. Người như thế ghét sống thích chết, sau khi chết được sinh lên trời.

Đế Thích nói:

– Như lời ngài dạy thì việc tôi cứu sống ngài không có công đức gì. Vậy chúng tôi xin được nghe về việc bố thí thức ăn và bố thí pháp.

Dã can đáp:

– Bố thí các thức ăn uống cứu được mạng sống trong một ngày, bố thí châu báu giúp thoát khỏi sự thiếu thốn trong một đời, chỉ kéo dài sinh tử. Người thuyết pháp giáo hóa có thể đưa chúng sinh ra khỏi đường sinh tử, đắc quả Tam thừa, ra khỏi ba đường ác, được sự an lạc ở cõi trời, người. Cho nên, Phật dạy bố thí pháp được công đức vô lượng.

Đế Thích hỏi:

– Hiện tại ngài mang thân hình dã can là thân nghiệp báo hay thân ứng hóa?

Dã can đáp:

– Là thân tội báo, chẳng phải là ứng thân.

Đế Thích nói:

– Tôi nghĩ ngài là bậc thánh. Tôi vừa được nghe thân này là nghiệp báo, nhưng chưa biết nguyên nhân, xin ngài kể cho.

Dã can đáp:

– Xưa kia, tôi làm con của một gia đình nghèo dòng Sát-đế-lợi sống trong thành Ba-đầu-ma nước Ba-la-nại. Thuở nhỏ, tôi vốn là người thông minh, hiếu học. Năm mười hai tuổi, tôi vào núi tìm thầy học đạo, siêng năng tu tập không bỏ phí thời gian. Trải qua năm mươi năm, tôi thông đạt tất cả chín mươi sáu loại kinh thư, đó là nhờ ân của hòa thượng. Công ơn ấy thật khó đáp đền. Nhờ trước đây đã tu huệ, nên tôi biết được kiếp trước của mình, do làm một vị vua tham đắm dục lạc nên khi phúc báo hết, mạng chung bị đọa vào địa ngục, súc sinh…

[102c] Bấy giờ, Đế Thích cùng tám mươi nghìn chư thiên xin thụ mười điều thiện, rồi cùng nói:

– Nay, chúng tôi trở về thiên cung, bao giờ hòa thượng mới bỏ thân tội báo này được sinh lên trời?

Dã can đáp:

– Có thể bảy ngày sau tôi sẽ bỏ thân này, sinh lên cõi trời Đâu-suất, các ông cũng có thể sinh lên đấy. Chư thiên ở cõi trời đó phần lớn được bồ-tát thuyết pháp giáo hóa.

Bảy ngày sau, dã can mạng chung, sinh lên cung trời Đâu-suất, còn biết được đời trước của mình đã từng tu tập mười điều thiện”.

Lại nữa, kinh Hiền ngu ghi: “Trong khu rừng ở nước Ba-la-nại, Đức Phật giảng nói diệu pháp cho chư thiên và bốn chúng nghe. Bấy giờ, trên không trung có bầy chim nhạn năm trăm con nghe được tiếng giảng pháp của Phật, ưa thích liệng quanh, muốn sà xuống để nghe. Lúc đó, có người thợ săn giăng lưới, cả bầy nhạn sa vào lưới và bị thợ săn giết chết, nhạn sinh lên cõi trời Đao-lợi, từ đầu gối của cha mẹ và lớn bằng đứa bé tám tuổi, thân tướng xinh đẹp không ai sánh bằng, sáng ngời như núi vàng. Nhạn suy nghĩ: ‘Vì nhân duyên gì mà ta được sinh lên đây?’. Biết được kiếp trước nhờ mến mộ Phật pháp mà được phúc báo này, bầy nhạn cùng mang hoa bay xuống cõi Diêm-phù-đề, đến chỗ Thế Tôn, đỉnh lễ và bạch Phật:

– Chúng con nhờ nghe pháp âm của Ngài mà được sinh lên cõi trời thù thắng, xin Ngài giảng lại cho chúng con nghe.

Đức Phật giảng giáo lý tứ đế. Nghe xong, chúng đắc quả Tu-đà-hoàn, rồi về lại cõi trời.

Có bài tụng rằng:
Thuyền bè, cầu bến,
Phương tiện qua sông,
Muốn thoát tử sinh,
Trước nhờ phúc huệ,
Huệ thấu tam luân[150],
Trí lắng lục tế[151],
Ngựa thuần nhờ cương,
Vàng ròng nhờ luyện,
Vật sạch nhờ nước,
Thảo hệ tì-kheo[152],
Ngũ nhẫn[153] là thềm,
Tứ cần[154] chuyên nhất.
Sóng tâm lắng trong,
Bụi lòng giũ sạch,
Nghiệp duyên đã hết,
Đạo tràng là đây”.

—————————————-
[122] Văn-thù-thi-lợi 文殊尸利: tức ngài Văn-thù-sư-lợi.
 
[123] Hai loại trang nghiêm (nhị chủng trang nghiêm 二種莊嚴): trí tuệ trang nghiêm và phúc đức trang nghiêm.
 
[124] Ba phẩm thứ đệ (tam phẩm thứ đệ 三品次第): ba môn vô lậu học giới, định và tuệ.
 
[125] Ba-nhã 波若 (Cg: bát-nhã; S: prajñā): trí tuệ chân thật được hiển hiện do tu tập tám chính đạo và sáu hạnh ba-la-mật. Trí tuệ này cao sâu, thấy rõ tất cả sự vật và đạo lý, nên gọi là bát-nhã.
 
[126] Chư hữu 諸有: vạn tượng sai biệt của cõi mê. Tất cả những nghiệp do chúng sinh gây tạo, từ nhân sinh quả, những nhân duyên và quả báo này thật có, không hư dối; cho nên gọi là hữu.
 
[127] Ngoại thư 外書: Phật giáo gọi những loại sách ngoài kinh điển của Phật là ngoại thư, ở đây chỉ cho sách Nho.
 
[128] Phóng Huân 放勛: tên của vua Nghiêu.
 
[129] Tuyên Ni 宣尼: tên của đức Khổng Tử.
 
[130] Ma-kì 摩柢: loại thuốc có công năng chế ngự được các loài rắn độc.
 
[131] Núi Tung (Tung sơn 嵩山): ngọn núi nổi tiếng nằm cách huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khoảng hơn 5km về phía bắc.
 
[132] Núi Hoa (Cửu Hoa sơn 九華山): núi nằm cách huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy về phía tây nam 20km, là một trong bốn núi lớn nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc.
 
[133] Đoạn kiến 斷見: kiến chấp chủ trương các pháp thế gian và ngã đều phải đoạn diệt.
 
[134] Thường kiến 常見: kiến chấp chủ trương thế giới là thường trụ bất biến, tự ngã của con người là bất diệt; tự ngã này sau khi chết cũng không tiêu diệt, có khả năng tái sinh và tái diễn lại hiện trạng tương tục, tức nói Ngã là thường trụ.
 
[135] Tức ly 即 離: pháp môn bất nhị. Sự, lý không hai là “tức”; sự, lý sai biệt là “ly”. Tông Thiên Thai dùng “tức và ly” này để phân biệt sự cạn sâu của Biệt giáo và Viên giáo.
 
[136] Thần vàng thần trắng (thần hoàng, thần bạch 神黃神白): thần sát-lợi màu vàng, thần bà-la-môn màu đỏ, thần tì-xá màu trắng, thần thủ-đà màu đen (Theo Đại thừa tứ luận huyền nghĩa Kí 9).
 
[137] Phó hỏa 赴火 (nguyên bản: ngũ biên trường chích 五邊長炙): pháp tu khổ hạnh của ngoại đạo, Ấn Độ thời xưa, nướng thân trên lửa, hoặc hơ lỗ mũi, cam chịu sự nóng bức để làm nhân chứng đạo.
 
[138] Tục đế 俗諦 (S: saṃvṛti-satya): lý sinh diệt được thuyết minh tùy thuận theo sự hiểu biết của thế gian.
 
[139] Trung đạo 中道 (S:madhyamā-pratipad): con đường trung chính, lìa bỏ cực đoan, không thiên về bất cứ một bên nào hoặc một quan điểm, một phương thức nào. Trung đạo là lập trường căn bản của Phật giáo, được Đại thừa lẫn Tiểu thừa xem trọng.
 
[140] Vi-đà 違陀 (Cg: Phệ-đà; S: Veda): thánh điển căn bản của Bà-la-môn giáo Ấn Độ.
 
[141] Minh sơ sinh ra giác (nguyên văn là minh sơ sinh giác 明初生覺): đế thứ nhất trong hai mươi lăm đế của học phái Số Luận ở Ấn Độ thời cổ đại.
 
[142] Phi hữu tưởng là chứng Niết-bàn (Phi hữu tưởng thị chứng Niết-bàn 非有想是證涅槃): một trong sáu mươi hai kiến chấp của ngoại đạo ở Ấn Độ thời cổ đại. Đây là một loại thường kiến sinh khởi do chấp trước đời vị lai.
 
[143] Tự Tại thiên 自在天 (Gđ: Đại Tự Tại thiên; S: Maheśvara): thần thủ hộ của Phật giáo, trụ ở tầng trời Đệ tứ thiền, cũng là chủ thần Thấp-bà, một trong ba chủ thần của Bà-la-môn giáo.
 
[144] Ngũ trụ phiền não 五住煩惱: năm phiền não như kiến nhất thiết xứ trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa, hữu ái trụ địa và vô minh trụ địa. Vì năm hoặc này là sở y, sở trụ của tất cả phiền não và có khả năng sinh ra phiền não, nên gọi là trụ địa.
 
[145] Kết sử 結使: tên khác của phiền não. Kết là các phiền não trói buộc chúng sinh làm cho không thể ra khỏi sinh tử; “sử” là các phiền não sai khiến làm não loạn chúng sinh.
 
[146] Tám chữ (bát tự 八字): sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc. Câu này nghĩa là sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui.
 
[147] Nhận 刃: đơn vị đo chiều dài thời cổ Trung Hoa, bằng tám thước của nhà Chu, khoảng sáu thước bốn tấc tám phân ngày nay.
 
[148] Tập nhất thiết công đức tam-muội kinh 集一切功德三昧經: theo Đại chính tạng là Tập nhất thiết phúc đức tam-muội kinh.
 
[149] Thuận nhẫn 順忍: chỉ cho bồ-tát từ địa thứ tư đến địa thứ sáu. Hàng bồ-tát ở giai vị này thuận theo quả Bồ đề mà hướng đến quả Vô sinh.
 
[150] Tam luân 三輪: người bố thí, người nhận thí và vật thí. Khi thực hành pháp bố thí, hành giả phải trụ vào Không quán, tức tâm không chấp vào ba thứ này.
 
[151] Lục tế 六蔽: sáu thứ ác tâm che lấp tâm thanh tịnh của chúng sinh. Tâm san tham, tâm phá giới, tâm sân hận, tâm biếng trễ, tâm tán loạn, tâm ngu si.
 
[152] Thảo hệ tì-kheo 草繫比丘: tì-kheo bị trói bằng cỏ, dụ cho tì-kheo nghiêm trì cấm giới.
 
[153] Ngũ nhẫn 五忍: năm nhẫn như phục, tín, thuận, vô sinh và tịch diệt:
 
1. Phục nhẫn: chỉ cho hàng tam hiền trước thập địa, ở giai vị này chưa đoạn trừ được vô lậu, phiền não nhưng có thể ngăn chặn phiền não khiến không cho sinh khởi.
 
2. Tín nhẫn: chỉ cho giai vị Bồ tát từ Sơ địa đến địa thứ ba. Bồ-tát ở giai vị này đã được niềm tin vô lậu, tùy thuận pháp tính không có tâm nghi ngờ.
 
3. Thuận nhẫn: chỉ cho bồ-tát từ địa thứ tư đến địa thứ sáu. Hàng bồ-tát ở giai vị này thuận theo quả Bồ đề mà hướng đến quả vô sinh.
 
4. Vô sinh nhẫn: chỉ cho bồ-tát từ địa thứ bảy đến địa thứ chín. Hàng bồ-tát ở giai vị này đã dứt trừ tất cả những vọng hoặc, rõ biết các pháp thảy đều không sinh.
 
5. Tịch diệt nhẫn: chỉ cho bồ-tát địa thứ mười và Phật quả, bậc đã đạt được ở giai vị này dứt trừ được các hoặc, thanh tịnh vô vi, trong lặng thường tịch.
 
[154] Tứ cần 四勤 (Gđ: tứ chính cần; S: catvāri prahāṇāni): vì đoạn trừ việc ác đã sinh mà siêng năng tinh tiến; vì khiến cho việc ác chưa sinh đừng sinh mà siêng năng tinh tiến; vì khiến cho việc thiện chưa sinh phát sinh mà siêng năng tinh tiến; vì khiến cho việc thiện đã sinh càng thêm tăng trưởng mà siêng năng tinh tiến.
 
Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về
2 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về

Phước Báo Và Trí Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Trí Huệ Là Gì...?
Hòa Thượng Thích Nhất Chân