Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-9

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 9
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Xin mở kinh ra, trang 150, hàng thứ năm. “Nhược hữu chư long, nhạo xuất long luân, ngã hiện long thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”.

Đây là thiên long bát bộ, tuy có một vài năng lực nhỏ, trong Phật pháp gọi là tiểu thần thông, nhưng họ vẫn không thể thoát khổ, cho nên họ cũng hy vọng vượt thoát loại chúng sanh này. Bồ Tát rất từ bi, chỉ cần họ phát tâm, ngài nhất định đến giúp họ. Ở trước chúng ta nói đến trời, trời cũng muốn xa lìa thiên giới, huống gì bát bộ quỷ thần? Tâm này gọi là tâm giác, tâm giác ngộ. Biết cảnh giới mình cư trú không cứu cánh, có thể xả ly, đi cầu một cảnh giới càng tốt, càng thù thắng hơn. Nói tóm lại, hoàn cảnh này đều là vì tu hành chứng quả. Vì trong đường ác, chướng ngại của họ sâu nặng hơn chúng ta rất nhiều. Cho nên tuy là rồng, chúng ta nói có rất nhiều loại, mặc dù là thiên long họ cũng hy vọng đến nhân gian, có cơ hội tiến tu.

Loại thứ ba là dược xoa. “Nhược hữu dược xoa, nhạo độ bổn luân”. “Bổn luân” nghĩa là cùng loại với họ, họ cũng muốn siêu độ cùng loại với họ. “Ngã ư bỉ tiền, hiện dược xoa thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. “Dược xoa” là tiếng phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là khinh tiệp. Tiệp tức là tốc độ của họ rất nhanh; khinh tức là họ bay lượn trong không trung.

Trong kinh nói hạng quỷ thần này có ba loại, một là địa hành dược xoa, một loại ở hư không, loại thứ ba ở thiên cung. Địa hành dược xoa, họ có thể bố thí tài vật, họ không thể bay lượn. Thiên dược xoa, trong việc bố thí của họ có xe ngựa, đây là nói đến tu nhân. Có thể bố thí xe ngựa, cho nên họ đạt được quả báo là có thể bay lượn. Khi Phật chuyển pháp luân, địa hành dược xoa truyền tin tức này ra. Sau khi dược xoa bay trên không nghe xong, lại triển chuyển truyền tin tức này đến trời tứ vương, và truyền đến đại phạm thiên vương.

Trong kinh nói, thiên dược xoa cũng là quỷ thần giữ thiên cung. Tuy họ phục dịch ở cõi trời, nhưng vẫn là thân phận của quỷ thần.

“Nhược càn thát bà, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện càn thát bà thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. Loại này thuộc nhạc thần của trời đao lợi. Càn thát bà dịch sang tiếng Trung gọi là hương âm. Khi ở thiên cung cần họ tấu nhạc liền đốt hương, họ ngửi được mùi hương này liền tập hợp đến thiên cung. Tấu diễn nhạc trời cho thiên chúng tiêu khiển, là thuộc loại thần này, cho nên cũng là một loại quỷ thần.

“Nhược a tu la, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện a tu la thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. “Tu la” chúng ta hơi quen thuộc, vì nói đến lục đạo, họ là một trong sáu đường. Trong kinh này nói về tu la rất tường tận, ngoại trừ đường địa ngục không có, bốn đường khác đều có. Họ ở cõi nào, họ hưởng thụ nghiệp báo đại khái là tương đồng với cõi đó. Cho nên nói, nhân gian có a tu la, súc sanh và ngạ quỷ đều có a tu la, trời cũng có a tu la. Trong kinh điển thường nói đến ngũ thú, ngũ thú chính là năm đường, không tính a tu la, vì a tu la ở cõi nào có thể quy vào cõi đó. Nói lục đạo là chỉ thiên a tu la, chứ không nói nhân a tu la, là chỉ thiên a tu la, tính họ thuộc một cõi. Tu la dịch sang tiếng Trung nghĩa là vô đoan chánh, mặt mày đều rất xấu xí, cũng dịch là phi thiên. Ý này chính là nói, họ có phước báo thiên nhân, nhưng không có đức hạnh của thiên nhân.

Loại này họ tu hạ phẩm thập thiện nghiệp mà được quả báo, gọi là hạ phẩm thập thiện nghiệp, tức họ không thể đoạn trừ sân nhuế ngạo mạn. Vì thế, tuy tu thập thiện nghiệp đạo, hai loại phiền não này chướng ngại họ, tức không đoạn tận tập khí này. Vì thế mặc dù có phước trời, họ không thể được thân trời, mà được thân tu la ở cõi trời.

Chúng ta biết thiên tu la, chỉ cần là tu la, bất luận họ ở cõi nào, tuy phước báo lớn nhưng họ tạo nghiệp cũng khá nặng. Sau khi hưởng hết phước báo này, nhất định đọa lạc, đây là nỗi khổ của tu la. Một khi đã giác ngộ, họ cũng muốn lìa xa quả báo này. Đương nhiên Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giúp, khiến họ thành tựu.

“Nhược khẩn na la, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện khẩn na la thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. Loại chúng sanh này trong kinh cũng dịch nó thành phi nhân. Hình trạng của họ với người không khác nhau, nhưng trên đầu mọc một cái sừng, không phải mọc hai cái sừng, mọc lên một cái sừng. Họ và càn thát bà tương tự như nhau, là nhạc thần của trời đế thích.

Điều này nói rõ, trong thiên cung có hai loại nhạc thần, nhưng hai loại này có sự khác biệt. Càn thát bà chỉ tấu âm nhạc thế gian_nhạc trời hay hơn âm nhạc nhân gian chúng ta nhiều, nhưng họ không rành phạm âm, còn khẩn na la hiểu được phạm âm. Chúng ta cũng biết, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng thuyết pháp ở cung trời, Phật thuyết pháp trên thiên cung, Phật Bồ Tát cũng không ngoại lệ, cho nên cõi trời có Phật pháp. Khi thuyết pháp, trước khi thuyết pháp có diễn tấu phạm âm, khi thuyết pháp xong cũng có.

Chúng ta hiện tại, tất cả thuận theo hoàn cảnh hiện thực, đều lược bỏ hết. Nếu chiếu theo các buổi giảng kinh lớn, trước khi giảng kinh và sau khi giảng kinh hồi hướng, đều có tấu diễn phạm âm, nghĩa là có tán tụng. Khẩn na la sở trường về tán tụng phạm âm. Nói như thế, cõi trời cũng không tệ! Cõi trời quả thật tốt hơn nhân gian. Nhưng chư vị cần phải biết, Chư Phật Bồ Tát hoằng pháp lợi sanh tại nhân gian, thử nghĩ xem được mấy người khai ngộ? Mấy người được độ? Chư Phật Bồ Tát, chư vị tổ đức khô hơi rát cổ. Trong lục đạo, cơ duyên được độ, quả thật cõi người thù thắng nhất, mà trường hợp này lại ít như thế. Phật Bồ Tát giảng kinh ở cõi trời, người khai ngộ, được độ còn ít hơn nhân gian chúng ta.

Có thể quý vị muốn hỏi, thiên nhân rất thông minh, vì sao ít người được độ như vậy? Vì thiên nhân vui nhiều khổ ít, tuy Phật Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp nhưng không dễ khai ngộ. Thích Phật pháp là một việc, đó là thích về mặt cảm tình, rất khó lãnh ngộ, đương nhiên càng không dễ y giáo phụng hành. Nhưng chư vị phải biết, thiện pháp của thiên nhân thù thắng hơn chúng ta.

Tu học pháp xuất thế họ không bằng nhân gian, nhân gian chúng ta nói, tu hành pháp xuất thế thù thắng hơn cõi trời. Ngoại trừ điều này ra, nhân gian chúng ta tạo ra vô số tội nghiệp, cũng hơn hẳn cõi trời. Tuy thiên nhân không tinh tấn tu hành, nhưng họ không tạo nghiệp lớn. Hay nói cách khác, tiêu chuẩn đạo đức của họ cao hơn nhân gian rất nhiều.

Loại thứ bảy, “ma hầu la già”. “Nhược ma hầu la già, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện ma hầu la già thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”. Loại này dịch sang tiếng Trung nghĩa là đại mãng xà, chúng ta thường gọi là địa long, tức đại mãng xà, loại chúng sanh này là thần bảo vệ già lam. Sau khi họ quy y Phật, phát tâm hộ pháp. Rắn khổ hơn rồng rất nhiều. Mặc dù là đại mãng xà, chúng ta từng đọc truyện ký của ngài An Thế Cao, đồng học của ngài An Thế Cao đọa làm thân rắn, tức thuộc đại mãng xà. Thật không may, ông đọa làm thế gian chúng ta gọi là long vương. Chư vị biết, Ma tổ chính là long vương. Tuy hương hỏa rất thịnh, nhưng sát nghiệp rất nặng. Sau khi hưởng hết phước báo này phải tiếp tục đọa lạc, sự đọa lạc này mỗi đời mỗi tệ. Cho nên sau khi họ giác ngộ, cũng hy vọng nhanh chóng thoát ly thân súc sanh, đây là một loại súc sanh.

“Nhược chư chúng sanh, nhạo nhân tu nhân, ngã hiện nhân thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu. Nhược chư phi nhân, hữu hình vô hình, hữu tưởng vô tưởng, nhạo độ kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, giai hiện kỳ thân, nhi vi thuyết pháp, linh kỳ thành tựu”.

“Nhân thân”, điều này không cần nói nhiều, đây là cảnh giới hiện tại của chúng ta. Nhưng kinh điển thường nhắc nhở rằng: “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Hai câu này chúng ta nghe rất quen, nhưng có mấy ai thật sự giác ngộ thân người rất khó được? Thật sự giác ngộ nhất định họ quý trọng thân người, thân người đúng là khó được mà dễ mất. Được thân người thật không dễ, mất thân người lại quá dễ. Vấn đề này ở đây chúng ta cũng không cần nói nhiều.

Trong lục đạo khó được nhất là thân người, sở dĩ Phật tán thán thân người chính là vì dễ vào đạo nhất. Thiên nhân vui nhiều hơn khổ nên lơ là việc tu đạo. Ba đường ác khổ quá nhiều, vui quá ít, dù muốn tu hành nhưng gặp quá nhiều chướng ngại. Nhân gian gọi là khổ vui đồng đều, vì có khổ nên dễ tu đạo, vì còn có chút an ổn nên dễ tu đạo. Hoàn cảnh của nhân gian thích hợp cho việc tu hành nhất, chúng ta muốn được thân người, Bồ Tát liền hiện thân người nói pháp, khiến ta được thân người.

Hàng phi nhân, bao gồm phạm vi rất rộng lớn, như trong kinh nói: “hữu hình vô hình, hữu tưởng vô tưởng”, phạm vi bao quát quá nhiều. Đối với thế gian mà nói, mặt trời mặt trăng tinh tú, quỷ thần tinh linh đều bao gồm trong loại này. Thậm chí tinh thần hóa thành thổ mộc kim thạch, cũng bao gồm trong loại này. Nếu họ khởi niệm hồi tâm quy y Phật pháp, muốn thoát ly cõi này, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng phát tâm, hiện thân đồng loại giúp họ thành tựu.

Đến đây, đã giới thiệu sơ lược cho chúng ta tất cả 32 loại ứng thân, ở sau là tổng kết.

“Thị danh diệu tịnh, tam thập nhị ứng, nhập quốc độ thân, giai dĩ tam muội, văn huân văn tu, vô tác diệu lực, tự tại thành tựu”. Mấy câu này rất quan trọng, trong này có mấy chữ cần phải chú ý, đừng coi thường.

Ở trên nói về 32 ứng thân, cao nhất là Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hiện thân Phật, thấp nhất là có thể hiện các thân quỷ quái tinh linh. Đúng là không có thân nào không hiện, đều là Bồ Tát Quán Thế Âm biến hóa ra, gọi là phương tiện thiện xảo mà tùy loại thị hiện. Tuy thị hiện nhưng không lìa “diệu tịnh”. Diệu chính là tùy loại thị hiện, đây là diệu, cho nên gọi là diệu sắc thân.

Nếu quý vị muốn hỏi, Bồ Tát Quán Thế Âm như thế nào? Rốt cuộc Bồ Tát Quán Thế Âm là nam hay là nữ? Có rất nhiều người hỏi vấn đề này, đây đều do không hiểu Phật pháp mới đưa ra câu hỏi này. Nếu ta đã biết, Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra bất kỳ thân phận nào, không thể nói ngài là nam, cũng không thể nói ngài là nữ, vì sao vậy? Vì ngài tùy loại mà hiện thân, đây gọi là diệu.

Thế nào gọi là tịnh? Tịnh tức là tuy tùy loại hiện thân, sống hòa với tất cả chúng sanh, Bồ Tát vẫn thanh tịnh không nhiễm, đây gọi là tịnh. Nếu muốn học Bồ Tát Quán Thế Âm phải học ở điều này.

Tuy hiện tại chúng ta không như trong kinh điển nói, có cảnh giới thù thắng rộng lớn như vậy. Nhưng chư vị phải biết, trong Lục Tổ Đàn Kinh đại sư Huệ Năng nói cho chúng ta biết về tam thân. Thanh tịnh pháp thân là tự tánh của ta, viên mãn báo thân là trí tuệ của ta. Chúng ta thử hỏi xem, mình có tự tánh chăng? Căn tánh của sáu căn chính là tự tánh, là thanh tịnh pháp thân của mình, không hề mất. Tự tánh khởi tác dụng chính là viên mãn báo thân. Nếu ta dùng căn tánh của sáu căn đối với cảnh giới bên ngoài, đại sư Giao Quang gọi là xả thức dùng căn, đó là báo thân. Trăm ngàn ức hóa thân là gì? Mọi tư tưởng hành vi của chúng ta chính là trăm ngàn ức hóa thân.

Lục tổ Huệ Năng, từ trên thân chúng ta chỉ ra ba loại thân. Ngày nay ba thân này của chúng ta không được tự tại, vì ta mê mà không giác. Tuy mê mà không giác, nhưng diệu tịnh không bị mất, diệu tịnh vẫn còn không bị mất, do bản thân mê nên không nhìn thấy. Làm sao để ta thân chứng, để có thể thấy được, đây là vấn đề tu học quan trọng nhất hiện nay của chúng ta. Cho nên ở đây gọi là “32 ứng thân diệu tịnh”.

“Giai dĩ tam muội, văn huân văn tu”, đây là hiển thị việc tu hành ở nhân địa. Bộ kinh này chú trọng vào việc Bồ Tát tu hành thành tựu như thế nào. Nói cách khác cũng là làm mô phạm cho chúng ta, chúng ta muốn tu học pháp môn Quan Âm bắt đầu từ đâu? “Văn huân văn tu”, là nói về tam tuệ, nền tảng của tam tuệ là thiền định. Cho nên nói “giai dĩ tam muội”, tam muội là thiền định, từ trong định khởi tam tuệ văn tư tu. Ở đây nói đến văn, nói đến tu, tư bao hàm trong đó. Vì văn huân nghĩa là văn tư, huân là huân tập.

Phương pháp tu hành ở trước từng nói với quý vị: “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. Hay nói cách khác, ngài dùng căn tánh của sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài. Đây gọi là văn huân văn tu, chứ không phải dùng tâm tâm sở. Vì sao vậy? Vì tâm tâm sở, nó có năng có sở. Có tâm năng nhiễm, có chỗ sở nhiễm, chưa đoạn năng sở. Nếu dùng căn tánh của sáu căn, dùng tánh thấy thấy sắc tánh, tánh nghe nghe thanh tánh, trong này năng sở đều vong, như vậy mới có thể kiến tánh, đây là phương pháp tu học của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Hai câu sau nói về tác dụng sau khi ngài thành tựu. “Vô tác diệu lực”, đại dụng về quả. “Vô tác” nó không như nhị thừa hoặc quyền giáo Bồ Tát chứng được tịch diệt. Nhị thừa, Quyền giáo Bồ Tát chứng được gọi là thiên chân niết bàn. Họ vẫn ở trong hữu tác. Bồ Tát chứng được vô tác. Đây mới là đại dụng thật sự, từ thể khởi dụng không mang theo chút tình thức nào, đây gọi là đại dụng.

“Diệu” tức là vô nhiễm, có nhiễm trước, có năng sở tức không diệu. Lìa năng sở, nhiễm trước, đây là diệu. “Tự tại thành tựu”, đây là tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng. Bồ Tát cảm ứng đạo giao với tất cả chúng sanh, tuyệt đối không phải Bồ Tát khởi tâm động niệm, không phải.

Lại nói với chư vị, Bồ Tát cảm ứng khắp mọi nơi. Giống như trăng trên trời buổi tối vậy, không hề có tâm phân biệt, phổ chiếu khắp đại địa. Ở đâu có nước, ở đó hiện ánh trăng, giống như cảm ứng đạo giao. Chúng ta bưng một thau nước để đây, trong thau nước có ánh trăng. Chúng ta ví trăng như Bồ Tát Quán Thế Âm, bóng trăng này chính là 32 ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Được, chúng ta không có thau nước này, không có thau nước này mặt trăng có tồn tại chăng? Tồn tại, có nước nó hiện ra, không có nước nó vẫn tồn tại. Tồn tại nhưng sao? Nó không hiện ra, chư Phật Bồ Tát đích thực là như vậy. Cho nên tâm chúng ta thanh tịnh, giống như nước lắng trong vậy. Tâm ta thanh tịnh, trong tâm liền hiện tướng cảnh giới của Phật Bồ Tát, liền hiển hiện, đây gọi là cảm ứng đạo giao. Cho thấy, ứng của Chư Phật Bồ Tát là vĩnh hằng, không hề gián đoạn. Hiển hiện hay không đều do tâm mình, tâm ta thanh tịnh thì hiển, thần lực Chư Phật Bồ Tát gia trì khiến bản thân cảm nhận được, tự thân hiểu rõ ràng. Một phần rõ ràng có một phần cảm ứng, rõ ràng mười phần có mười phần cảm ứng. Khi tâm không thanh tịnh thì không có cảm ứng. Có thể thấy vấn đề cảm ứng đạo giao đều ở chúng ta, không phải do Phật Bồ Tát. Tuyệt đối đừng trách nhầm, con người tôi tốt như thế, rất cung kính đối với Phật Bồ Tát, sao Phật Bồ Tát không quan tâm tôi? Quý vị nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Đây gọi là tự tại thành tựu. Nếu họ có tâm, khởi tâm động niệm tức không tự tại. Cũng vậy, trong quá trình tu học cầu chứng, tâm ta có cầu tức không tự tại, chính là chướng ngại.

Tu học tất cả pháp môn, tuyệt đối không được chấp tướng tu học, chấp trước tướng tu học rất khó thành tựu. Tu hành gọi là tam luân thể không, không trước tướng tu hành, sẽ rất dễ thành tựu.

Đến đây đã giới thiệu xong 32 ứng thân. Bên dưới nói về 14 vô úy, mời xem kinh văn.

“Thế Tôn, ngã phục dĩ thử, văn huân văn tu, kim cang tam muội, vô tác diệu lực dữ chư thập phương tam thế, lục đạo nhất thiết chúng sanh, đồng bi ngưỡng cố, linh chư chúng sanh, ư ngã thân tâm, hoạch thập tứ chủng, vô úy công đức”.

32 ứng thân ở trước là trên hợp với đại từ đại bi của Chư Phật, đoạn này hợp với đồng nhất bi ngưỡng của lục đạo chúng sanh. Trong kinh văn nói một cách rất rõ ràng, họ có thể trên hợp với từ lực của Chư Phật, dưới hợp với bi ngưỡng của lục đạo chúng sanh. Đều nương vào “kim cang tam muội, vô tác diệu lực” mà đạt được, hai câu này đều nói về đại định. Chú trọng ở “kim cang tam muội”, còn “vô tác diệu lực” chỉ là tác dụng của kim cang tam muội mà thôi. Chúng ta đạt được tam muội, đương nhiên khởi tác dụng, cho nên đây là then chốt tu học của chúng ta.

Trong Phật pháp gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi pháp môn đều tu kim cang tam muội, đặc biệt là bộ Kinh Lăng Nghiêm này. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói về đại định Lăng Nghiêm, chính là ở đây gọi là kim cang tam muội.

Bi là thương xót mình trầm luân trong lục đạo, đây là nói lục đạo chúng sanh. Chư vị phải biết, đây đều gọi là chúng sanh giác ngộ, nếu không giác ngộ suốt ngày họ mê hoặc điên đảo, sao họ có thể than thở buồn thương mình trầm luân? Vì thế một người tự giác họ mới biết, vì sao Chư Phật Bồ Tát ở trong tam giới du hý thần thông, tự tại vô tác, còn chúng ta ngày nay đọa lạc trong lục đạo, sanh tử luân hồi. Có thể nghĩ đến điều này tức đã giác ngộ, có thể quay đầu rồi.

“Ngưỡng” là chờ đợi, hiện nay chúng ta đã giác ngộ, nhưng không có năng lực tự độ, chờ đợi Chư Phật Bồ Tát từ bi giúp chúng ta, đây là ngưỡng. Thế gian thường nói, cầu Phật Bồ Tát đến cứu độ mình. Trong Khởi Tín Luận nói đây là thỉ giác tri, có niệm này tức thỉ giác tri hiện tiền. Niệm này rất đáng quý, vì có niệm này liền có cảm ứng đạo giao với Phật Bồ Tát, Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ hiện thân ra. Vì sao vậy? Vì Chư Phật Bồ Tát và tất cả chúng sanh đều cùng một pháp thân, cho nên chúng sanh thương xót chính là Bồ Tát thương xót, Bồ Tát và chúng sanh đồng bi. Chúng sanh có tâm mong chờ, Bồ Tát cũng có tâm mong chờ như vậy, đây gọi là đồng thể đại bi, bởi vậy có thể cảm ứng đạo giao với Chư Phật Bồ Tát. Do đó, bi ngưỡng chính là căn bản của 14 loại vô úy. Nói cách khác, nếu ta không có tâm bi ngưỡng, dù thần thông của Chư Phật Bồ Tát lớn đến đâu, nguyện lực lớn đến đâu cũng không giúp được. Ngày nay chúng ta gọi là cầu Phật Bồ Tát gia trì, cầu Phật Bồ Tát bảo hộ. Nếu không hiểu đạo lý này, sự cầu nguyện này là hư vọng, là không thật. Tục ngữ thường nói: “Đệ tử Phật môn, có cầu tất ứng”, nhưng cầu có lý luận cầu, có phương pháp cầu.

Đoạn kinh văn này nói về lý luận và phương pháp cầu, mỗi câu đều rất thiết thực, được hiển lộ ra từ trong cảnh giới của mình, bản thân cần có chánh niệm mới có thể lý giải. Trong kinh nói với chúng ta phạm vi này, “tất cả lục đạo chúng sanh khắp mười phương ba đời”. Như trong 32 ứng ở trước, chúng ta cũng thấy sự mong cầu và nguyện vọng của những chúng sanh đó. Nhưng mong cầu và nguyện vọng của họ trong lúc bình thường, chứ không phải khi gặp khó khăn.

Ở đây nói: “tất cả lục đạo chúng sanh khắp ba đời mười phương”, đa phần ở trong hoạn nạn. Tuy nói lục đạo, ba cõi trên của lục đạo ít khổ nạn, huống gì thánh giả tam thừa? Do đây có thể biết, khổ nạn nhiều nhất là ác đạo. Có thể chư vị muốn hỏi, trong kinh điển có nói: “quả bạc nhược tồn, tuy La hán bất miễn”, chúng ta cũng thường gọi là định nghiệp.  Không những La hán không tránh được, khi Đức Thế Tôn tại thế, vẫn thị hiện đau đầu, thị hiện bị quả báo ăn thức ăn của ngựa, không độ được người trong giòng họ của mình. Giòng họ ngài gặp nạn của vua Lưu Ly, Phật đều không thể độ họ. Đây gọi là định nghiệp, chính là nói bậc thánh sao không gặp nạn được?

Ở đây chúng ta phải biết, Chư Phật Bồ Tát, Bích Chi Phật, La hán, dù họ có những nạn này, nhưng ít. Hơn nữa những nạn này đa phần đều là thị hiện, nói với chúng ta, định nghiệp không dễ chuyển, là nói rõ vấn đề này. Làm sao biết được? Như trong Kinh Phạm Võng nói, lần này Đức Phật Thích Ca Mâu Ni_đây là nói 3000 năm trước, ngài thị hiện thành Phật ở Ấn độ, là lần thứ 8000. Do đây có thể biết, Đức Phật đã thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa về trước. 1255 vị tỳ kheo tùy tùng của ngài, trong đó có rất nhiều vị đều là cổ Phật tái sanh, có rất nhiều vị là Đẳng giác Bồ Tát thị hiện, không phải thật. Đến quốc vương của nước Xá vệ, đều là tứ địa Bồ Tát tái sanh. Quý vị thử nghĩ xem, họ đến để diễn kịch, đến để biểu diễn, là làm gương cho chúng ta thấy, không phải cảnh giới chân thật. Chư vị phải biết, tuy biểu diễn, không phải cảnh giới chân thật của họ, nhưng là cảnh giới chân thật của chúng ta. Chúng ta là bác địa phàm phu, nếu sơ chứng La hán, sơ chứng Bồ Tát vị, định nghiệp vẫn khó tránh. Chúng ta tạo nghiệp không thể không cẩn thận, chúng ta phát tâm không thể không dõng mãnh.

Hôm qua trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đọc đến phần tinh tấn, phải dõng mãnh tinh tấn. Trong đời này chúng ta không cầu gì khác, chỉ cầu thế giới tây phương Cực Lạc, nhất định vãng sanh. Nói cho quý vị biết, nếu ta phát tâm này, ta là hạng người bậc nhất trong thế gian, không ai có thể sánh bằng. Chư Phật Bồ Tát luôn hiện thân trong tâm ta, giúp ta thành tựu. Huống gì Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, một trong Tây Phương Tam Thánh, làm gì có chuyện không đưa tay ra, không giúp đở. Chúng ta nhất định phải tin điều này.

Trong đoạn kinh văn này chú trọng ở chúng sanh, là những chúng sanh đang gặp khổ nạn. Có thể nói, chính là nói hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, trong kiếp nạn lớn trên toàn thế giới, chúng ta được coi là may mắn, nói lời này không quá đáng. Có một vài nơi trong xã hội an định hơn chúng ta, cuộc sống tốt hơn chúng ta, nhưng không có Phật pháp. Không có Phật pháp tức không được giải thoát, nơi không có Phật pháp, dù hoàn cảnh tốt đến mấy, cũng là một trong tám nạn. Chư vị biết, trong tám nạn có trời trường thọ, phước báo nhân thiên lớn hơn chúng ta nhiều, vì sao gọi là gặp nạn? Vì ở đó không có Phật pháp. Bắc Cu Lô Châu không có Phật pháp, Bắc Cu Lô Châu phước báo bậc nhất. Thọ mạng dài, sản vật tài nguyên phong phú, con người không cần lao tâm lao lực, phước báo tự nhiên, nhưng ở đó không có Phật pháp. Mọi người quá hưởng thụ, phước báo quá lớn, Phật pháp đến đó không có người tiếp thu. Nếu quý vị muốn hỏi Bắc Cu Lô Châu ở đâu? Trên địa cầu có không ít nơi tương tự với Bắc Cu Lô Châu, quý vị có thể đi xem, quả thật quanh năm họ sống trong hạnh phúc. Quý vị nói Phật pháp họ nghe không vào, đó chính là tương tự với Bắc Cu Lô Châu.

Trong kinh văn nói: “Linh chư chúng sanh, ư ngã thân tâm”, đây là nói rõ về thành tựu vô úy. “Ư ngã thân tâm”, “ngã” là Bồ Tát tự xưng. Vì khi Bồ Tát phản văn chứng tánh, ngài chứng được pháp thân thanh tịnh, đó là toàn thể pháp giới và tất cả chúng sanh cùng một tâm tánh, đây cũng là Bồ Tát chứng được lý viên thông. Trong sự bi ngưỡng của chúng sanh, ngài biết tất cả chúng sanh với Bồ Tát là cùng một tâm, vì vậy trong tâm chúng sanh khởi tâm động niệm, Bồ tát không có gì không biết. Ngài không khởi tâm không động niệm, chúng ta khởi tâm động niệm ngài có cảm ứng.

Câu sau cùng chính là nói về phương diện chúng sanh, nói chúng sanh đang gặp sợ hãi nguy nan, mà nhờ Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ, đây chính là công đức vô úy. Hiện nay chúng ta tu học là bố thí vô úy, sau khi ta kiến tánh, hoặc là công phu niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, đây gọi là công đức vô úy. Hiện nay chúng ta là bố thí vô úy, đến lúc đó gọi là công đức vô úy.

Bây giờ ta tu tài bố thí, tu pháp bố thí, tu bố thí vô úy, trên quả địa thành tựu vô số công đức trang nghiêm, nhân quả chắc chắn tương ưng. Hiện nay ta không nỗ lực tu học, chứng quả sẽ có chướng ngại. Không thể tu bố thí, không thể tu nhẫn nhục, sao có thể thành tựu 14 loại công đức vô úy?  Do đây có thể biết, ba loại bố thí là pháp môn Bồ Tát phải hành trì, tu học một cách dõng mãnh tinh tấn, như vậy mới có thể thành tựu.

Ở dưới tất cả là 14 điều. “Nhất giả, do ngã bất tự Quán Âm, dĩ quán quán giả, linh bỉ thập phương, khổ não chúng sanh, quán kỳ âm thanh, tức đắc giải thoát”. Chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý đến những điều này, cảnh giới quả địa của Bồ Tát Quán Thế Âm, hay nói cách khác, cũng là điều chúng ta cần noi theo khi ở trên nhân địa.

Trong Kinh Pháp Hoa nói, lúc vô lượng chúng sanh chịu vô số khổ não, nghe danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, hoặc nghe danh hiệu Chư Phật Bồ Tát khác, ở đây đặc biệt chỉ Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi gặp khổ nạn, nghe được danh hiệu Phật, nghe được danh hiệu Bồ Tát, đặc biệt là nghe đến danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm liền nghe âm thanh của họ, đều được giải thoát. Có thể tham khảo đoạn kinh văn này, đó là kinh văn trong Phẩm Phổ Môn.

“Do ngã bất tự Quán Âm, dĩ quán quán giả, linh bỉ thập phương, khổ não chúng sanh, quán kỳ âm thanh, tức đắc giải thoát”. Người đó lại có thể quán thế gian, có thể niệm Quán Âm, mà lấy từ lực gia trì họ, cho nên có thể gọi là chúng sanh khổ não. “Quán kỳ âm thanh, tức đắc giải thoát”, lời như thế chúng ta tin được chăng? Khi ta gặp khổ nạn, niệm Bồ Tát Quán Thế Âm niệm thế nào cũng không linh, Bồ Tát Quán Thế Âm không đến cứu mình.

Quý vị đọc nhiều lần đoạn kinh văn này, sẽ hiểu vì sao Bồ Tát Quán Thế Âm không đến cứu mình. Ta niệm mà không hợp lý lại không như pháp, cho nên không thể cảm ứng đạo giao. Giống như chúng ta cầu mặt trăng hiện bóng cho ta thấy, nhưng ta bưng ra không phải thau nước, mà bưng thau cát, ánh trăng có chiếu như thế nào thì bóng trăng cũng không hiện ra. Đệ tử Phật môn, có cầu tất ứng, câu nói này hoàn toàn chính xác, nhưng phải cầu như lý, cầu như pháp, mới có cầu tất ứng. Trái lý luận, trái với phép tắc, có cầu mà không ứng là sai lầm ở chính mình.

Quý vị xem ở đây nói: “Quán kỳ âm thanh, dĩ quán quán giả”. Chú trọng ở quán kỳ âm thanh, quán là quán tuệ, có khi nào chúng ta nghĩ đến quán chiếu? Ở đây quán kỳ âm thanh chính là dùng quán chiếu. Không biết quán chiếu, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng được, cũng có khả năng, đó là gì? Phải cực kỳ kiền thành. Thế gian thường nói: “thành tắc linh”, thành sẽ có cảm ứng, vì sao vậy? Vì thành tâm chính là tâm Phật.

Trong Quán Kinh Đức Phật dạy chúng ta, tâm bồ đề thứ nhất là tâm chí thành. Nếu ta không hiểu rõ lý luận và phương pháp, dùng tâm chí thành niệm sẽ có thành tựu. Tâm đến chí thành nhất định thanh tịnh, nhất định từ bi. Cho nên chí thành, thanh tịnh, từ bi của mình hoàn toàn tương hợp với Bồ Tát Quán Thế Âm, lúc này mọi tai nạn được tiêu trừ. Bản thân ta cho rằng, mình đã rất thành tâm, như vậy không được. Ta đã rất thành tâm, trong tâm mình vẫn còn cái rất thành tâm, vậy tức tâm chưa thành. Vì sao vậy? Vì trong tâm chí thành không có vọng tâm. Như lục tổ Huệ Năng nói: “Bổn lai vô nhất vật”, đây chính là tâm chí thành. Trong đó vẫn còn ta đã rất kiền thành, như vậy là có nhất vật, có nhất vật là tâm chưa thành, cho nên không đạt được cảm ứng.

Ở đây dạy cho chúng ta phương pháp, ta xưng niệm chính là trì danh. Khi niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm phải nhất tâm bất loạn, đây là dùng tâm chí thành, dùng tâm thanh tịnh. Nếu hiểu những lý luận và phương pháp, từ trong nhất tâm này lại quán âm thanh của họ từ trong cảnh giới. Gọi là nương văn tự bát nhã, khởi quán chiếu bát nhã. Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát là văn tự bát nhã, lại có thể khởi quán chiếu bát nhã, thật tướng liền hiện tiền, như vậy làm sao không giải thoát được?

Chúng ta niệm Phật A Di Đà, khi niệm Phật có sự có lý, có sự nhất tâm, có lý nhất tâm. Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng có sự có lý, cũng có sự nhất tâm, có lý nhất tâm, trong tâm không hề có vọng niệm. Câu danh hiệu này rành mạch rõ ràng, niệm niệm tương tục, đây là sự nhất tâm, suốt ngày không hề gián đoạn.

Nếu thật sự chiếu kiến, triệt để thông đạt, danh hiệu của âm thanh, duy tâm hiện ra, năng niệm sở niệm. Từ thể mà nói, chính là pháp giới, tuy năng sở vẫn tồn tại, lập tức năng sở đều vong, đây tức là lý nhất tâm. Sự nhất tâm có thể thoát mọi khổ nạn trên sự cảnh giới, lý nhất tâm có thể phá trừ vô minh phiền não.

Người cầu sanh tây phương Tịnh độ, niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm Phật A Di Đà, công đức như nhau. Quan trọng là phải biết niệm, phải hiểu đạo lý này, mới thật sự là bất kỳ pháp môn nào trong Phật pháp đều bình đẳng, không có cao thấp. Cho nên nói, quán âm thanh của họ liền được giải thoát.

Trong Kinh Pháp Hoa gọi là xưng danh, trong kinh này không nói. Trong Kinh Pháp Hoa nói quán kỳ âm thanh, dụng ý ở ứng, ứng của cảm ứng đạo giao. Ý nghĩa của quán kỳ âm thanh trong kinh này ở cảm. Kinh Pháp Hoa nghiêng nặng công đức hóa độ chúng sanh của Bồ Tát, còn trong kinh này Bồ Tát tự thuật về công đức tu hành chứng quả của mình. Cho nên hai bộ kinh này chúng ta phải hợp lại để xem, trước đây tôi từng in ba bản kinh của Bồ Tát Quán Thế Âm thành một bản, tiện lợi cho chư vị nghiên cứu và tu học.

Một loại khác chính là trong Kinh Hoa Nghiêm chương Quán Tự Tại Bồ Tát, đây là Quán Âm Tam Kinh. Cho nên trọng điểm của kinh này, là Bồ Tát khuyên chúng ta nên học theo phương pháp tu học của ngài, hy vọng chúng ta có thể chứng được nhĩ căn viên thông, dụng ý của ngài là đây.

Đoạn thứ hai là hỏa thiêu. “Nhị giả, tri kiến toàn phục, linh chư chúng sanh, thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu, nội ngoại tứ đại, thường tướng giao cảm”. Kiến giác thuộc về hỏa. Mắt chúng ta, trong ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, mắt thuộc về hỏa. Do đó, kiến nghiệp tướng giao, nhìn thấy lửa lớn, cho nên phương pháp tu học của Bồ Tát là “tri kiến toàn phục”. “Toàn phục” là quay đầu, không xoay chuyển theo cảnh giới bên ngoài, lúc này tiêu trừ kiến nghiệp, cho nên công đức này thành tựu “ hoả bất năng thiêu”. Hoặc có người sẽ hỏi: Bồ Tát “tri kiến xoay chuyển”, đó là việc của họ, sao có thể khiến chúng sanh thoát ly nạn lửa? Đây là vấn đề rất khó lý giải, đối với ngày nay cũng không dễ nói.

Chúng ta cũng biết, trong Phật pháp nói, nạn lửa có ba loại. Một là lửa quả báo, nạn lửa trong đại tam tai từ địa ngục đốt đến trời sơ thiền, đây là lửa quả báo trong đại tam tai. Thứ hai là lửa ác nghiệp, nạn này thông tam giới, tam giới đều không tránh khỏi. Lửa quả báo chỉ có thể đến sơ thiền, sơ thiền trở lên không có, nhưng lửa ác nghiệp thông tam giới. Loại thứ ba là lửa phiền não, phạm vi lửa phiền não càng lớn, không những tam giới có, A la hán có, Bích Chi Phật cũng có, quyền giáo Bồ Tát cũng có, thông tam thừa.

Bồ Tát cứu nạn lửa này, trong ba nạn lửa này là nói đến lửa ác nghiệp, lửa phiền não, nói đến điều này. Nạn lửa trong quả báo có nhân duyên đặc biệt, không phải bình thường. Có nhân duyên đặc biệt cũng có thể tránh, điều này không thường có. Nhưng chư vị phải biết, lửa quả báo này, nếu chúng ta dập tắt ác nghiệp lửa phiền não, dập tắt, diệt trừ. Cảnh giới bên ngoài của lửa quả báo chuyển theo tâm, quý vị nghĩ có thể tránh khỏi chăng? Đương nhiên có thể tránh khỏi, về lý luận có thể nói như vậy. Còn về sự thì sao? Về sự quả thật cũng có.

Nếu chúng ta thật sự thông đạt lý luận, thấu triệt phương pháp tu học, tất cả tai họa về phương diện quả báo cũng có thể tiêu trừ, cũng có thể vô úy, vấn đề này bản thân phải có định công tương đối. Chẳng hạn niệm Phật đạt đến nhất tâm, mặc dù không đạt được lý nhất tâm, cũng có cảnh giới của sự nhất tâm. Bất kỳ thiên tai gì họ cũng như như bất động, không bị cảnh giới xoay chuyển, cảnh giới này đôi lúc hiện ra rồi biến mất.

Trong vô lượng vô biên chúng sanh, chư vị phải biết, có cộng nghiệp có biệt nghiệp. Bởi vậy mới nói, trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, trong biệt nghiệp có cộng nghiệp, ở trước đã nói đến điều này. Những đạo lý này, quý vị suy nghĩ quan sát tường tận sẽ tin.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tạm dừng tại đây.

Hết tập 9

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về