Home > Khai Thị Phật Học > Su-Xuat-Hien-Cua-Duc-Phat
Sự Xuất Hiện Của Đức Phật
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Một con người duy nhất

Một ý thức phi phàm

Một giáo lý không hai Một bậc Thầy ba cõi.

Sự xuất hiện của đức Phật không phải là chuyện ngẫu nhiên, cũng không phải như người đời ngộ nhận: xoa dịu, an ủi hay tưởng phát lên câu nói bình thường, ban ơn cứu khổ chúng sanh! Không! Sự xuất hiện của Ngài đúng như kinh Pháp Hoa dạy: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Nghĩa là, chỉ bày cho chúng sanh thấy được, hiểu được tự tánh giác ngộ của mình, tự tánh giác thoát nơi ta, và cuối cùng trở thành chánh giác. Bởi vì không như vậy sẽ không thể cứu khổ thế gian được! Vì sao? Vì cái khổ con người là muôn thuở, cái khổ từ lúc Phật chưa có mặt ở cõi Ta Bà, cho đến Phật xuất hiện, rồi hoằng khai giáo pháp, rồi nhập diệt Niết Bàn, cho đến hôm nay, thì con người vẫn còn mãi KHỔ.

Cái khổ đó, là cái khổ chân lý, khổ không phải thế gian tưởng lầm: thiếu thốn vật chất, thiếu thốn tình thương, sợ hãi lo âu chết chóc. Khổ mà duy nhất chỉ có đức Phật mới thấy, là luân hồi trong ba cõi. Chính khổ như vậy Phật mới xuất hiện, rồi thị hiện diễn tuồng như một chúng sinh từ phàm chứng Thánh. Ngài thị hiện đóng vai Thái tử, rủ bỏ vương triều, biến thành đạo sĩ, truy tìm chánh đạo, giải phóng chính mình, diệt trừ đại ngã… đắc thành chánh quả.

Bức tranh tuần tự của Ngài chiếu hiện thế gian, nhắc nhở chúng sinh phải cần phấn đấu, hiểu rõ chính mình, nhận ra thế gian vô thường sinh diệt, cuối cùng mục đích là nhận thức giáo pháp Như Lai đã từng giác ngộ.

Như vậy dứt khoát mà nói, Phật xuất hiện là để cho chúng sinh thành Phật như Ngài. Chứ không xuất hiện thế gian để làm công việc: người giàu thương người nghèo, ban ơn bố thí; người trẻ giúp người già gánh vác công việc nặng nhọc; người lớn nuôi trẻ con thành người hữu dụng… hay bất cứ việc thế gian nào có khuynh hướng làm cho đẹp, làm cho vui, làm cho no ấm… Những điều như thế không phải là việc Ngộ nhập tri kiến Phật, tức là việc thấy được mình là Phật.

Thế thì lần nữa xin nêu rõ lý do; là vì bất cứ công việc nào thuần lương hữu ích ở thế gian, cũng chỉ giúp người giải quyết những khổ nạn, lo âu trong một giai đoạn khoảnh khắc tạm thời, hay nói đúng hơn một đời sống ngắn ngủi này. Nhưng dù đời sống ngắn ngủi như vậy, mà con người vẫn không cứu khổ được trọn vẹn. Vì người nghèo khi được đầy đủ họ lại bị khổ về tinh thần; còn người giàu thì có cái khổ tinh thần là xa cách người thương, hay thương yêu người không được v.v…

Chính sự thật của việc cứu khổ thế gian từ xưa đến nay, phải gọi là chỉ có xoa dịu, chỉ an ủi đau buồn, cuối cùng đâu cũng vào đó. Minh chứng điều này, là tâm ý con người trải quả mấy ngàn năm vẫn còn hung hãn, vẫn đấu tranh không dứt, trong khi hoàn cảnh môi sinh thế giới đang bị báo động, đang cần hợp sức cộng tác tìm phương giải nguy, vấn đề ô nhiễm, vấn đề ảnh hưởng thiên tai trên trái đất.

Bậc toàn giác không phải là phàm phu, tất không phải chỉ nói ra để chúng ta nhận thức hiểu biết theo phân biệt thường tình. Tình thương yêu của chúng ta chỉ trên đầu môi, chỉ ca tụng chỉ xưng tán dựa theo vọng tình, theo ý thức ô nhiễm, cho nên không chân thật. Không chân thật, cho nên người mình thương yêu hôm nay, cũng có thể sẽ thành kẻ thù ngày mai, và ngược lại. Cũng vậy việc giúp đỡ cứu nguy cứu khổ của nhân loại thường hay đi với điều kiện, với danh vọng thế gian, nếu có thật tình thương trong đó, thì cũng là tình thương của một phàm nhân chưa chứng Thánh. Tất nhiên con người đòi hỏi phải có tình thương tối thiểu, là nền tảng xây dựng bậc thang nhân đạo, thăng hoa đời sống. Nhưng tuyệt đối không thể phủ nhận, tánh chất tham giận si mê của một con người chưa học đạo giải thoát; thành ra vô số nhân nghiệp xây dựng trong đời, chỉ là loay hoay theo nghiệp nhân quả báo của Nhân Thừa, để tiếp tục tái sanh làm người tốt, người giỏi, người đẹp trong kiếp tới mà trong kiếp tới hay ngàn kiếp nữa, dù có làm tốt, làm giỏi cũng là những kiếp trong luần hồi vô tận mà thôi.

Kinh Phật thường dạy không gì khổ hơn bằng cái khổ bị luân hồi quả báo. Chư vị Bồ Tát bí mật thị hiện ở trần gian qua nhiều lớp hình, các Ngài chẳng màng đau khổ, lại lấy đau khổ thế gian xây dựng pháp tu chóng thành đạo quả. Làm được như các Ngài vì đã liễu được chân lý; đã chứng được từng phần quả vị Thập Địa Bồ Tát.

Nhân đây chúng ta hiểu thêm, từ ngộ đạo đến chứng đạo không phải là chuyện nói để mà nói, rồi hiểu một cách mông lung mù mịt. Thật sự việc ngộ đạo, liễu đạo, chứng đạo chỉ là việc của chư vị Thánh Tăng bậc Thanh Tịnh vô nhiễm, bậc tối thiểu đã dẹp được phiền não ở thế gian, mới giải thích dạy cho chúng ta rõ; chứ không phải như chúng ta, đa số chỉ dựa theo kinh rồi tự ý phát ngôn biện luận.

Ngộ đạo chỉ là nhận thức được giáo lý sinh diệt của Như Lai, bừng tỉnh thấy rõ các pháp hữu vi vô thường không thật, nên hoan hỷ trong lòng, hiện lên nét mặt, khiến mọi người gần gũi có thể cảm nhận niềm hoan hỷ này. Và người ngộ đạo đương nhiên đời sống sẽ luôn thuần theo chánh pháp. Tuy nhiên ngộ đạo tuyệt đối khác với chứng đạo, nghĩa là vẫn chưa gột bỏ được tánh phàm nhân, và phải bắt đầu tu trì hành đạo nghiêm mật hơn để được chứng đạo. Chứng đạo không cần giải thích, vì đơn giản hiểu rằng, đời sống bản tâm của người chứng đạo không phải những gì suy nghĩ tư duy ô nhiễm như chúng ta, cho nên miễn bàn.

Chư vị Thánh Tăng đi mãi trong luân hồi không sợ, vì đó là việc làm của quả vị Bồ Tát; việc làm đó chỉ có vui chứ không khổ. Và điều làm cho các Ngài vui là do chứng đạo. Ngược lại chúng sinh sanh trong luân hồi không biết sợ, là vì vô minh, không hiểu giáo lý Như Lai. Nhưng không phải không hiểu vô minh mà không sợ; cái đau khổ triền miên trong đời sống là cái sợ đó chứ! Chỉ vì chúng sanh không biết có con đường dứt khổ nên đành chịu đựng thôi! Ngoài con đường Như Lai, ngoài giáo lý giải thoát của bậc Toàn Giác ra, chúng sanh không thể tìm một khái niệm, một ý niệm nào thoát ly sinh tử, chứ đừng nói gì một hình ảnh cụ thể gọi là vui, là an lạc giải thoát ở trần gian này.

Xét cho cùng từ khi nhân loại ý thức có một sự sống, gọi là nhân loại xuất hiện ở hành tinh này cho đến nay, người ta chưa bao giờ nghe nói có một người nào được ca ngợi như đức Phật.

Một cách khách quan, lấy dân số thế giới để minh định, thì dù đạo Phật chỉ có gần nửa tỉ trong 6 tỉ người trên trái đất; nhưng trong 6 tỷ kia với nhiều tôn giáo khác, cũng chẳng có một giáo chủ nào cho nhân loại thấy được, hơn được một vị Phật lịch sử ở Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm.

Về phần giáo lý lại càng đáng nói, bởi chính giáo lý mà hình ảnh lịch sử của Ngài mới bất diệt; và hàng đệ tử của Ngài hiện nay chỉ có tăng chứ không giảm. Vậy giáo lý đó không thể nào không làm ta suy nghĩ, là phải giúp ta giải thoát cảnh luân hồi, chứ tuyệt đối không đơn giản là những điều đạo đức thông tục thế gian, để rồi sinh tử vẫn còn mãi mãi.

Trở lại việc Phật xuất hiện ở thế gian “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, là một thông điệp, một thông điệp duy nhất ở trần gian. Thông điệp đó, chân lý đó, nói lên một sự thật: Phật xuất hiện để mở màng bí mật, rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nghĩa là đều sẽ thấy được những gì Ngài đã từng thấy, đều sẽ trở thành được những gì Ngài đã trở thành. Và nhất định tương lai sẽ giống như Ngài, từ một chúng sinh trở thành bậc toàn giác.

Cầu nguyện cho tất cả chúng ta, sẽ không quên thông điệp quan trọng mà đấng toàn giác đã từ bi khai hóa ở thế gian này. Và cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh sẽ luôn thấm nhuần giáo lý giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

2008 –