Home > Khai Thị Phật Học
Bố Thí Ba La Mật
Thượng Tọa Thích Trí Siêu


1. Thế nào gọi là Bố thí Ba La Mật?

Về Bố thí (Dàna) thì chúng ta đã được trình bày trong các phần trước rồi. Bây giờ chúng ta tìm hiểu chữ Ba La Mật (paramità).

Paramità dịch âm là Ba La Mật Đa. Nhưng ở đây chúng ta nói tắt là Ba La Mật (parami). 'Para' có nghĩa là bờ bên kia, 'mi' có nghĩa là đi đến. Bố thí Ba La Mật có nghĩa là băng qua con sông Bố thí (dànanadi) và đến được bờ bên kia. Chữ 'đến được bờ bên kia' quan trọng lắm. Vì sao? Vì có nhiều khi ta bắt đầu qua sông, nhưng đến nửa đường ta lại quay trở về, đó không gọi là Ba La Mật.

Ngoài ra 'bờ bên này' còn có nghĩa là bờ tham lam, bỏn xẻn, con sông là sự Bố thí, 'bờ bên kia' là bờ đại bi (mahakarunà).

'Bờ bên này' là bờ tà kiến chấp trước (mithyàdrsti), 'bờ bên kia' bờ Trí huệ (prajnà).

'Bờ bên này' là bờ sanh tử luân hồi (Samsàra), 'bờ bên kia' là bờ Niết Bàn giải thoát (Nirvàna).

Ngoài ra, Bồ Tát khi bố thí thấy rằng sự bố thí không sanh, không diệt, không có thiệt, tức là không thấy có người cho, vật được cho, và người nhận, đó gọi là Bố thí Ba La Mật.

Ở chỗ này ta nên dừng lại, phân tách một chút, vì đa số chúng ta đều lầm lẫn cho rằng mình Bố thí Ba La Mật nhưng thực sự thì không phải vậy. Ta thường được nghe giảng trong Kinh Kim Cang nói rằng bố thí mà không phải bố thí thì mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không chấp nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không thấy ta là người cho, đây là vật được cho, và kia là người nhận mới là bố thí, v...v...

Chữ Bố thí mà 'không thấy' ở đây không có nghĩa là bố thí mà nhắm mắt lại để khỏi thấy, hoặc bố thí mà tâm không dám nghĩ gì hết. 'Không thấy' ở đây là kết quả của một sự quán chiếu nhân duyên thấy được các pháp không có tự tánh. Vì thấy các pháp không có tự tánh nên thấy sự bố thí không có tự tánh. Như ta đã xem qua ở các phần trước, bố thí không thể là một cái gì tự nhiên có được, phải có đầy đủ ba yếu tố (người cho, vật cho, người nhận) hợp lại mới có nó. Nếu thiếu một trong ba thì không thể có sự bố thí. Do đó bố thí không có thiệt, nó chỉ là giả danh của một hợp thể (yếu tố). Xa hơn nữa, ba yếu tố vừa kể trên, chúng cũng lại là giả danh của một hợp thể nào đó. Như người cho và người nhận là giả danh của hợp thể ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), đồ vật được cho là giả danh của một hợp thể vô số chất liệu. Và cứ thế ta quán chiếu để thấy không có một yếu tố nào có thực tướng, nó hiện hữu vì vô số các yếu tố khác hiện hữu. Thấy được như vậy gọi là thấy 'Không' (sùnya). Đem áp dụng cái thấy 'Không' vào sự bố thí ta sẽ thấy không có cái gì thực sự là bố thí cả, mà chỉ có một sự biến chuyển, diễn tiến, sinh diệt của vô số nhân duyên, đây gọi là Bố thí Ba La Mật.

Chúng ta nên cẩn thận, đừng vội vã hấp tấp thực hành 'Bố thí Không', nếu ta chưa thực sự hiểu được 'tánh Không' (Sùnyatà), hay thấy được sự duyên khởi của các pháp. Tốt hơn là ta nên thực hành sự Bố thí trong sạch như đã nói ở phần trước. Còn nếu ta cố chấp cứ muốn bố thí theo kiểu (hiểu lầm) Kim Cang, tức là nhắm mắt để khỏi thấy ta, thấy vật, thấy người, hoặc bố thí mà tâm không nghĩ gì cả thì đó chẳng khác gì một người máy 'Rô bô' cầm hộp bánh bố thí cho một em bé. Đó gọi là Bố thí Rô bô máy, chứ không phải là Bố thí Ba La Mật! Dĩ nhiên là Rô bô chả được phước báo gì hết!

* Bồ Tát thực hiện Bố thí Ba La Mật ra sao?

Bồ Tát thực hiện tất cả các loại bố thí trong sạch, Tài thí, Nội thí, Ngoại thí, Pháp thí không bao giờ hối tiếc.

Bồ Tát bố thí một cách bình đẳng với tất cả mọi loài, không bao giờ nghĩ rằng:

Phải bố thí cho người lớn chứ không cho trẻ em.

Phải bố thí cho người tu hành chứ không cho người thường.

Phải bố thí cho người chứ không cho thú vật.

Phải bố thí cho Hòa Thượng chứ không cho chú tiểu.

Bồ Tát bố thí không cầu được phước báo.

Bồ Tát bố thí không kể ngày hay đêm, mùa đông hay mùa hè, trời tốt hay trời xấu.

Bồ Tát bố thí để thực hiện thực tướng (bhùtalaksana) của sự bố thí.

2. Bố thí và Sáu Ba La Mật

Trong sáu Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ) thì Bố thí đứng đầu, vì nó làm nền tảng cho cả sáu Ba La Mật.

I. Bố thí làm nền tảng cho bố thí

Bố thí gồm có ba trình độ: hạ, trung, thượng. Nghĩa là sao?

Khi mới bắt đầu bước chân vào Bồ Tát đạo, Bồ Tát tập bố thí trong sạch, nhưng chỉ bố thí những đồ vật tầm thường như: đồ ăn, thức uống, đèn, dầu, v...v... Đó gọi là bố thí hạ (avara).

Từ chỗ luôn luôn thực hành bố thí hạ, tâm của Bồ Tát bắt đầu phát triển, Bồ Tát tập bố thí nhiều hơn như: quần áo, thuốc men, nhà, cửa, vàng, bạc, những món đồ quý giá, v...v... Đó gọi là bố thí trung (madhya).

Từ chỗ thực hành bố thí trung, hảo tâm của Bồ Tát phát triển tới mức cùng tột, tức là bố thí tất cả những gì mà mình có (nội thí và ngoại thí) không ngần ngại hay hối tiếc như: đầu, mắt, tay, chân, v...v... Đó gọi là bố thí thượng (agra).

II. Bố thí làm nền tảng cho trì giới

Bồ tát biết rằng nếu ta tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt, không bao giờ biết làm phước bố thí cho ai, thì kiếp sau ta sẽ chịu cảnh nghèo khổ. Vì nghèo khổ nên ta có những ý tưởng trộm cắp, lường gạt.Và nếu đi trộm cắp hay cướp giật thì ta dễ phạm phải tội giết người. Vì nghèo khổ nên ta khó có thể thỏa mãn dục lạc, dục lạc không được thỏa mãn thì ta sẽ dễ phạm vào tà hạnh dâm dục.Vì nghèo khổ nên ta phải chịu làm những việc hạ tiện, hạ cấp. Vì hạ tiện, hạ cấp nên ta luôn luôn sợ chủ và ta sẽ dễ phạm phải tội nói dối, nịnh bợ, v...v... Như vậy, vì nghèo khổ, ta sẽ dễ phạm vào mười điều ác của thân, miệng, ý.

Ngược lại, Bồ Tát nghĩ, nếu thực hành bố thí, ta sẽ tái sinh trong cảnh giàu sang, tiền của đầy đủ, nhờ đó sẽ dễ giữ gìn giới luật.

* Chuyện tích con rắn, con ếch và con rùa (Jàtaka)

Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), trong một tiền kiếp xa xưa, là một con rắn. Con rắn này ở trong một cái lạch cùng với một con ếch và một con rùa, và cả ba con đều làm bạn giao du với nhau. Thế rồi một hôm hạn hán, nước ở trong lạch cạn dần và sắp hết, trong lạch chả còn gì để ăn. Mỗi con chia nhau ra đi kiếm ăn. Vì quá đói không tìm được gì nên con rắn đã nghĩ chuyện tính ăn con ếch. Nó bèn nhờ con rùa đi tìm con ếch lại nhà nó chơi. Đến khi rùa gặp được ếch thì ếch trả lời rằng:

Khi rơi vào cảnh nghèo đói, túng thiếu

Người ta thường quên hết nghĩa ban đầu

Không kể gì đến đạo đức, Chỉ biết làm sao Cho hết đói mà thôi!

Hãy nhớ những gì ta vừa nói và về bảo với rắn rằng: 'Con ếch sẽ không bao giờ trở về gặp rắn nữa đâu!'.

III. Bố thí làm nền tảng cho nhẩn nhục

Khi Bồ Tát thực hành hạnh bố thí mà đối tượng (người nhận) từ chối, xua đuổi, hay đòi hỏi hơn, hoặc xin không đúng lúc, hoặc không cần xin mà cứ xin. Lúc đó Bồ Tát sẽ nghĩ như vầy: 'Nay ta thực hành bố thí, cốt để cầu giác ngộ thành Phật; không có ai bắt buộc ta phải cho cả. Bố thí đây là làm cho chính ta, tại sao phải nổi giận?' Suy tư như vậy, Bố Tát thực hành nhẫn nhục.

Khi Bồ Tát bố thí mà người nhận không bằng lòng, nổi giận hay mắng chửi, thì Bồ Tát lại nghĩ như vầy: 'Nay ta cho tất cả những tài sản quý giá của ta. Ta tập xả bỏ những gì khó xả bỏ. Có lý đâu ta lại không chịu được những lời mắng chửi vô nghĩa lý này? Nếu ta không nhẫn nhục thì sự bố thí của ta sẽ không trong sạch. Bố thí mà không kiên nhẫn cũng giống như con voi trắng (bạch tượng), sau khi tắm ở dưới sông, vừa lên trên bờ lại nằm ềnh ra đất dơ.' Suy tư như vậy, Bồ Tát thực hành nhẫn nhục.

IV. Bố thí làm nền tảng cho tinh tấn Trong lúc thực hành bố thí, Bồ Tát cũng thực hành luôn cả tinh tấn (Vìrya). Khi mới bắt đầu thực hành bố thí, phước đức quả báo của Bồ Tát rất ít nên Bồ Tát không thể thực hiện nhiều sự bố thí. Nhưng vì muốn bố thí nhiều, cho tất cả mọi loài, nên Bồ Tát phải tinh tấn thực hành bố thí. Nhờ tinh tấn bố thí nên phước đức (Tài, Pháp) của Bồ Tát càng tăng trưởng khiến Bồ Tát lại càng say mê bố thí nhiều hơn, và cho nhiều người. Cứ thế Bố thí và Tinh tấn vừa làm nhân vừa làm duyên cho nhau.

V. Bố thí làm nền tảng cho thiền định

Người tu Thiền định, ban đầu luôn luôn gặp phải năm chướng ngại (ngũ cái): tham lam, giận tức, hôn trầm, trạo cử và nghi hối. Nếu không diệt trừ được năm chướng ngại này thì không thể tiến xa trong Thiền định.

Thực hành Bố thí trong sạch tức là đang diệt trừ năm chướng ngại. Vì sao?

Bố thí là diệt trừ tham lam, bỏn xẻn.

Bố thí trong sạch tức có nhẫn nhục, có nhẫn nhục thì tiêu trừ được giận tức.

Khi bố thí để cầu quả vị Phật, Bồ Tát cần nhiều Tài và Pháp để có thể bố thí rộng rãi cho tất cả mọi loài. Vì cần nhiều Tài, Pháp nên Bồ Tát phá trừ được lười biếng, giải đãi là nguyên nhân đưa đến hôn trầm.

Khi bố thí Bồ Tát khởi tâm trong sạch, tâm kính trọng người nhận, chú ý đến hành động của mình không dám suy nghĩ bậy bạ, nên luôn luôn tỉnh thức không chạy theo vọng tưởng, do đó diệt trừ trạo cử.

Khi thực hành bố thí, Bồ Tát biết chắc là sẽ gặt được phước đức quả báo vô lượng, vì thế nên Bồ Tát luôn luôn tìm cơ hội để bố thí. Nhờ bố thí nên được nhiều phước báo và từ đó lại càng tin nơi sự bố thí. Nhờ lòng tin vững chắc này Bồ Tát phá trừ nghi hối.

VI. Bố thí làm nền tảng cho trí huệ

Nhờ bố thí đời này qua đời khác, Bồ Tát gặt được nhiều phước đức, do đó Bồ Tát tin nơi Tam Bảo, nhờ tin nơi Tam Bảo, Bồ Tát phát tâm học chánh pháp, nhờ học chánh pháp, Bồ Tát phá trừ tà kiến, và vô minh, nhờ phá trừ vô minh mà trí huệ tăng trưởng.

Hơn nữa, khi thực hành Bố thí Ba La Mật, Bồ Tát luôn luôn suy tư về thực tướng của ba yếu tố (người cho, vật được cho, người nhận). Nhờ luôn luôn suy tư như vậy, Bồ Tát hiểu được thực tướng của Bố thí. Hiểu được thực tướng tức là trí huệ bát nhã.

Tất cả mười phương chư Phật đều bắt đầu con đường giác ngộ bằng một hạnh đầu tiên là bố thí. Cũng vậy, một ngàn vị Phật quá khứ của hiền kiếp, mỗi vị trong lúc phát Bồ đề tâm (tức tâm cầu thành Phật) lần đầu tiên, đều là đang bố thí cúng dường cho một đức Phật nào đó: có vị thì cúng dường một hoa sen, có vị cúng dường một cái áo, có vị cúng dường một cái tâm xỉa răng, v...v... và trong lúc cúng dường như vậy, các ngài đều phát Bồ đề tâm (bodhicitta). Do đó Bố thí là nền tảng của Phật đạo.

3. Những điều lầm lẫn về bố thí

Qua những phần trước, ta đã có một ý niệm về thế nào là bố thí trong sạch, hay không trong sạch, đúng đắn hay không đúng đắn. Nhưng đó là trên phương diện giáo lý tổng quát. Sợ có nhiều người tâm tính thành thật, chất phác không hiểu rõ, nên trong phần này ta hạy tạm lấy những thí dụ cụ thể xảy ra thường xuyên trong đời sống sinh hoạt của chùa chiền, để mọi người hiểu rõ hơn.

* Về Pháp thí:

Thường đi song song với pháp thí là sự khinh người. Nếu ta là một vị thầy, thì ta không thể thực hành tài thí được, mà chỉ có thể bố thí Pháp thôi.

Bố thí pháp là một việc rất tốt, nhưng nếu không khéo thì song song với việc bố thí ta sẽ nhiễm phải cái tánh khinh người. Tánh này là một tánh rất xấu, không những đạo Phật mà tất cả các đạo khác đều khuyên ta phải trừ bỏ nó. Trong một Hội Đoàn Phật Giáo, Tăng già khinh Tăng trẻ, Tăng trẻ khinh Phật tử già, Phật tử già khinh Phật tử trẻ thì hậu quả của nó sẽ ra sao? Hậu quả sẽ là Phật tử trẻ bất kính Phật tử già, Phật tử già bất kính Tăng trẻ, Tăng trẻ bất kính Tăng già. Và trong một Hội Đoàn mà từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên có một sự khinh thường và bất kính như vậy thì chắc là Hội viên sẽ sớm rút lui. Đạo phật không dạy ta khinh người, mà ngược lại dạy ta tánh bình đẳng, có nghĩa là kính trọng tất cả mọi người như nhau. Xưa kia đức Phật đâu có khinh ai, ngay cả đối với một em bé cũng vậy (Xem tích chuyện Asoka). Chúng ta hãy noi theo hạnh của Thường Bất Khinh Bồ Tát trong Kinh Pháp Hoa, gặp ai ngài cũng lễ lạy và nói: "Tôi chẳng dám khinh quý vị, vì quý vị đều sẽ làm Phật".

Nếu ta có cơ duyên học nhiều, hiểu rộng thì khi có người đến hỏi đạo, ta nên vui lòng chỉ dẫn. Trong trường hợp ta bận tu trì, tụng niệm hay nghiên cứu thì ta có thể dời lại khi khác, chứ ta không nên khinh người đến hỏi ta, cho họ là chúng sinh ngu tối không biết gì. Chính vì không biết nên họ mới đến hỏi, chứ nếu biết rồi thì họ đâu có đến, mà nếu họ không đến thì làm sao ta có cơ hội bố thí pháp? Vì vậy ta cần phải cảm ơn họ. Trước khi, trong khi và sau khi bố thí Pháp, ta cũng nên phát nguyện và hồi hướng. Nguyện cho người hỏi đạo trước mặt ta mau có được trí huệ sáng suốt và hồi hướng công đức pháp thí này cho sự giải thoát luân hồi, hoặc quả vị Phật (nếu ta là Bồ Tát).

Hoặc giả ta tu lâu năm, có chùa to mà khinh người mới tu, có chùa nhỏ, thì ta coi chừng sẽ có một ngày đức Phật hiện ra trách mắng ta đó! Nhưng chỉ sợ lúc đó ta lại không nhận ra đức Phật, hoặc nếu có nhận ra đi nữa ta cũng làm bộ nhắm mắt bịt tai không muốn nghe. Nếu vậy thì đức Phật cũng phải lắc đầu chịu thua.

Và nếu ta để ý một chút thì ta sẽ thấy danh từ "Tu" rất nguy hiểm, vì nó gây ra nhiều hiểu lầm và tai hại.

Đối với một người tánh tình chất phác, khi họ nghe nói ta tu lâu rồi, họ sẽ nể và kính trọng ta lắm, vì họ nghĩ rằng ta đã chứng được gì rồi, không chứng được A La Hán thì chắc cũng chứng được Thượng Tọa hay Đại Đức. Trong tâm họ, cho "Tu" là được cái gì, giống như đi lính vậy. Vì đi lính lâu năm thì được lên chức quan ba, quan năm, có quyền ra oai với lính binh nhì, binh nhất hay sĩ quan dự bị. Nhưng sự thực thì không phải vậy, Tu có nghĩa là sửa. Thí dụ ta có một chiếc xe hơi mới mua mà bị hư, thì ta phải sửa nó. Nếu ta là một người thợ giỏi thì chỉ trong một ngày là ta sửa xong. Nhược bằng sửa năm ngày rồi mà chưa xong, thì ta quả là một người thợ dở. Trong trường hợp này, ta sẽ không dám chạy cùng làng khắp xóm mà la lên rằng: 'Tôi sửa (xe) lâu rồi, tôi sửa lâu rồi'. Cũng như thế, khi ta nói với mọi người rằng ta Tu lâu năm rồi, đó có nghĩa là ta sửa lâu năm rồi. Sửa cái gì? Sửa những tánh hư, tật xấu, nhất là cái tánh ngã mạn của ta. Sửa xong chưa?

Ở đây có hai giả thuyết. Nếu xong rồi thì ai lại đi nó rằng tôi sửa (tu) lâu! Nếu nói rằng tôi sửa (tu) lâu tức là chưa xong. Nếu sửa chưa xong thì ta phải biết mắc cở chứ! Ta tu theo đạo Phật cốt để trừ bỏ cái tánh ngã mạn và khinh người của ta, nhưng không khéo ta lại để cho chính chữ "Tu" nó đánh lừa ta, làm cho lòng ngã mạn, khinh người của ta lại tăng thêm. Nếu ý thức được sự tai hại tạo nên do chữ "Tu" thì ta đừng ngần ngại thưa và đề nghị với quý Thầy từ nay trở đi không dùng chữ "Tu" nữa mà thay thế bằng chữ "Sửa". Hơn nữa chữ "Tu" là một danh từ Hán việt, còn chữ "Sửa" là tiếng Việt, nó chính xác, rõ ràng, và dể hiểu hơn, và nó lại có công năng rất lớn, khiến cho ta ý thức được luôn luôn là mình có những tánh hư tật xấu cần phải sửa cho xong, và cũng diệt được cái tánh ngã mạn, khinh người của ta nữa.

Chỉ có người dại dột mới hay khinh người. Vì sao? Vì khinh người tức là khinh mình vậy! Nếu ta khinh người thì người sẽ khinh lại ta, đó tức là ta khinh ta. Nhân quả là thế! Nếu ta hay khinh người mà lại thích người kính trọng ta thì không thể có được. Trừ ra trường hợp ta làm quan lớn dùng thế lực hay quyền hành bắt người khác phải kính phục ta thì có. Ngoài mặt thì họ kính phục ta, nhưng ta đâu có biết trong tâm họ chửi rủa ta. Và nếu ta không biết điều đó thì ta vẫn là kẻ ngu mà thôi!

Trên đây là nói về Pháp thí khinh người, đó thuộc vào loại Pháp thí không trong sạch (avisuddha dana). Trong trường hợp ta học nhiều, hiểu rộng mà lại có tài có tài ăn nói nữa, thì rất là may mắn cho đạo Pháp. Nhưng nếu ta ưa thuyết pháp với mục đích cho mọi người nể ta, kính trọng ta thì đó là Pháp thí cầu danh, cũng thuộc vào loại pháp thí không trong sạch.

Trong sự Pháp thí không trong sạch này, hiệu quả của nó cũng có hai loại: lợi và hại. Trước hết là xét về giáo lý mà ta bố thí, xem đúng hay sai với chánh pháp. Đúng, là khi người nhận nghe theo đó hành trì, tu tâm sửa tánh, tạo thiện nghiệp (kusalakarma), trong trường hợp này thì người nhận được lợi, còn ta chả được gì cả vì lửa ngã mạn đã đốt hết rừng công đức Pháp thí của ta. Trong trường hợp giáo lý sai với chánh pháp thì cả hai bên đều bị hại cả.

* Về Tài thí:

Là Phật tử tại gia tức Ưu bà tắc (Upàsaka), Ưu bà di (Upàsika), ta có bổn phận phải hộ trì Tam Bảo, có nghĩa là giúp đỡ và gìn giữ cho Phật giáo được dài lâu. Tại sao dài lâu? Vì ta biết rõ Phật giáo dạy ta con đường giải thoát, có lợi ích cho tất cả mọi người nên ta muốn nó dài lâu. Tùy theo khả năng cá nhân, ta có thể giúp đỡ, bố thí tiền của hay sức lực.

Như ta đã đọc qua các phần trước, bố thí là một việc rất tốt đem lại nhiều phước báu cho ta, và bố thí lại là một hạnh đầu tiên của Bồ Tát. Nhưng bố thí mà không biết cách bố thí thì không đem lại lợi ích gì cả! Ta hãy tự nhìn lại mình xem, sau bao năm bố thí, bây giờ ta thế nào? Ta bỏ chùa, ở nhà tu rị (tức là tu một mình) ta sợ đến chùa vì đến đó có người ra quyên tiền ta, rồi ta bất mãn rao lên rằng chùa này làm tiền, chùa kia làm tiền. Tất cả những cái đó có là do tại ta, vì trước kia ta đã không học cách bố thí. Gặp Thầy nào bố thí Thầy đó, nhất là hay ưa bố thí các Thầy tu lâu để được phước hay để lấy danh. Rồi Thầy muốn cái gì là ta dâng cái ấy. Dâng riết đến lúc hết dâng được thì ta chạy trốn luôn, không dám gặp Thầy nữa.

Khi đến chùa, gặp một việc kêu gọi bố thí hay cúng dường thì ít nhất ta phải suy tư một chút, xem việc đó nếu có lợi cho Thầy, cho ta, cho mọi người thì ta hãy vui lòng bố thí. Nếu việc đó không có lợi cho Thầy, hoặc cho ta mà có lợi cho tất cả mọi người thì ta cũng sẵn lòng bố thí (trong trường hợp ta là Bồ Tát).

Ngoài ra đúng theo như luật xưa đức Phật để lại thì bổn phận của cận sự nam (upasaka) và cận sự nữ (upasika) là bố thí cúng dường bốn việc cho chư Tăng: nơi ở, quần áo, thức ăn và thuốc men. Nơi ở thì có chùa, ta có thể đóng góp hàng tháng cho Hội, rồi Hội chi phí cho chùa. Quần áo thì ở xứ Tây phương này quý Thầy, người nào cũng rất là đầy đủ. Thức ăn thì ta xem chừng, lâu lâu mua gạo, hay mua rau cải đến tiếp tế, hoặc nếu không có thời giờ thì ta có thể đưa tiền cho vị Tri khố lo giùm. Còn về thuốc men thì ta cần lưu ý, vì ở bên Pháp này quý Thầy không đi làm chính thức nên không có 'bảo hiểm xã hội' (Sécurité sociale), tức là khi có bệnh tật gì thì quý Thầy ráng chịu. Vì lý do đó ta không nên bắt quý Thầy tụng đám, cầu an, cầu siêu nhiều quá, rủi quý Thầy cảm cúm, ho lao ... hay mệnh hệ nào thì ta không có đủ tiền lo thuốc men, lúc đó ta sẽ ân hận lắm đấy!

Đa số quý thầy ngày nay thường hay kêu gọi ta đóng góp để làm chùa to. Có nhiều người không hiểu, cho rằng thầy tu gì mà còn ham danh lợi. Sau đó đi rao là chùa làm tiền hoặc chùa giàu, vv... Là Phật tử chúng ta nên hiểu rằng quý thầy do lòng từ bi muốn độ nhiều chúng sinh, đền đáp ơn Tam Bảo, hoằng truyền chánh pháp mà bất đắc dĩ phải làm như thế. Nếu quý thầy ích kỷ chỉ lo ngồi yên trong một cái cốc nhỏtự tu tự độ thì đỡ khổ cho quý thầy biết mấy. Kêu gọi như vậy vừa nhọc mệt lại thêm mang tiếng, đâu có vui thú gì!

Khi Ta bố thí cho chùa, ta phải tập ý thức việc làm của ta, có nghĩa là ta biết lý do và mục đích của sự bố thí, còn có nghĩa là ta phải biết phát nguyện và hồi hướng công đức bố thí của mình. Được vậy thì ta sẽ không ân hận, hay hối tiếc, mà ngược lại sẽ cảm thấy vui vẻ và an tâm. Đây gọi là Ý thức bố thí.

Khi bố thí (cúng dường) cho quý Thầy. Cũng vậy, ta phải tập ý thức việc bố thí của mình. Quý Thầy là đối tượng của sự bố thí, còn gọi là ruộng phước (punyaksetra). Vì sao? Vì chính nơi quý Thầy là chỗ để ta gieo hạt giống phước nên gọi là ruộng phước.

Khi ta thương hại hay tội nghiệp một vị Thầy nào đó, tu hành khổ cực mà ta bố thí, thì vị Thầy đó trở thành ruộng phước nhỏ, vì được gieo bởi những hạt giống thương hại (karunà), nên sẽ cho ta cây lúa nhỏ.

Khi ta kính trọng một vị Thầy nào mà ta bố thí, thì vị Thầy đó trở thành ruộng phước lớn, vì được gieo bởi những hạt giống kính trọng (satkàra), nên sẽ cho ta những cây lúa lớn.

Nếu ta vừa kính trọng vừa thương hại mà bố thí thì ta sẽ gặt được cả hai loại lúa lớn có nhỏ có.

Trước khi cúng dường cho quý Thầy ta biết được vì thương hại hay kính trọng, và khi đang cúng dường ta cũng biết được là ta đang cúng dường, cúng dường xong ta biết hồi hướng công đức mà ta vừa tạo cho sự giải thoát sinh tử của mình, hay cho quả vị Phật (nếu ta là Bồ Tát). Đó gọi là Bố thí trong sạch và ý thức. Ta đừng lầm lẫn 'ý thức' với 'chấp trước'. 'Ý thức' ở đây có nghĩa là chánh niệm, biết ta đang làm gì, phải làm gì, sẽ làm gì. Còn bố thí chấp trước không nằm trong bố thí trong sạch, vì khi bố thí cho rằng ta đây là người cho, đây là vật bố thí, còn kia là người nhận, rồi khởi tâm ngã mạn khinh người, hoặc trước khi bố thí đã có cái tâm cầu danh hay ngã mạn rồi, nên khi vừa tác động thì sự bố thí đã là bố thí chấp trước rồi.

Khi gặp một vị Thầy nào, ta lấy tài của ra gọi là cúng dường hoặc có nhiều khi ta đưa cho vị Thầy ấy mà chả nói chả rằng gì cả, thì đó là bố thí vô tâm và vô ý thức. Bố thí vô ý thức ta đã thấy ở trên rồi. Còn vô tâm là sao? Vô tâm ở đây cũng có nghĩa là vô ý thức nhưng thêm vào vô ký và vô tư. Ta học trong Kinh Kim Cang thấy nói rằng bố thí mà không bố thí mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không thấy có ta là người bố thí, đây là vật bố thí, và kia là người được bố thí. Học như vậy xong nên khi bố thí ta không dám nghĩ gì cả, vì sợ suy nghĩ thì rơi vào chấp trước, hoặc có bố thí thì làm sao cho nhanh để khỏi kịp ý thức được việc làm của mình, hoặc trong lúc bố thí thì miệng nói, mắt nhìn chổ khác. Đó gọi là bố thí vô tâm. Bố thí vô tâm cũng phát xuất từ một tấm lòng tốt, nhưng vì không hiểu đạo nên phước báo của nó thuộc loại hữu lậu.

Ta không nên lầm lẫn vô tâm bố thí với Tánh Không bố thí. Vô tâm bố thí là tâm không nghĩ và không ý thức được sự bố thí trong lúc đang bố thí. Còn tánh không bố thí thì hiểu và thực hiện được tánh Không của sự bố thí trong lúc đang bố thí. Tánh Không bố thí chính là Bố thí Ba La Mật (dànaparamità), nghĩa là thấy cả ba yếu tố tạo ra sự Bố thí đều không có tự tánh. Trước khi thực hành Tánh Không bố thí, ta cần phải thực tập quán chiếu nhiều về lý nhân duyên, tức thấy được sự tương duyên tương sinh của mọi vật, thấy rằng các pháp phải nương vào nhau mà hiện hữu, nên không có một tự thể riêng biệt. Khi ta quán chiếu thuần thục về Tánh Không của các pháp rồi, ta đem sự quán chiếu đó áp dụng vào việc Bố thí, đó gọi là Tánh Không bố thí.

Khi thực hành bố thí, ta hãy nên thành thực với chính ta, xem lại ta còn chấp trước hay không chấp trước, có lầm tánh Không với Vô tâm không? Nếu có thì ta sửa lại, vì đó là việc nội tâm của mình, bên ngoài không ai hay cả, cũng không có ai chấm điểm hay thưởng phạt ta cả, chỉ có chính hành động của ta thưởng phạt ta mà thôi.

Cũng cần nói thêm về Tánh Không (Sùnyata). Tánh Không là con dao hai lưỡi. Nếu ta hiểu được nó thì nó giúp ta sớm chặt đứt các giây vô minh trói buộc ta. Còn ngược lại, nếu ta hiểu lầm thì nó sẽ khiến ta tạo những hành động vô phước. Vì thế Cổ nhơn có câu: 'Thà chấp có như núi Tu Di còn hơn chấp không như hạt cải'. Nếu ta chưa hiểu được tánh Không thì ta cứ thực hành hữu tướng bố thí, tức là phát nguyện, ý thức, và hồi hướng, trước khi, trong khi và sau khi bố thí. Đó gọi là biết cách bố thí.

Trên đây là nói qua trường hợp bố thí vì thương hại hay vì kính trọng một vị Thầy mà ta bố thí. Còn trong trường hợp đối với một Thầy từ xa mới đến mà ta chưa quen biết thì sao? Thì đó lại là một việc dễ xử đối với ta, vì ta không biết quá khứ riêng tư của Thầy đó, nên ta dễ khởi tâm kính trọng mà bố thí. Và trong lúc bố thí ta có thể nguyện như vầy: 'Con thành tâm cúng dường Thầy, cầu cho Thầy mau đắc đạo để cứu khổ chúng sinh'. Ta có thể niệm thầm hoặc nói thẳng ra ngoài được thì càng tốt. Đây là một sự bố thí trong sạch và quả báo của nó sẽ vô lượng. Vì sao? Vì người cho thành tâm và người nhận được kính trọng . Người nhận được kính trọng hay không là tùy ở nơi tâm người cho. Nếu ta khôn khéo biết được phước bào do sự bố thí của mình sẽ vô lượng hay hữu lượng tùy ở nơi tâm người cho thì ta sẽ luôn luôn khởi tâm kính trọng người nhận. Đó là biết cách bố thí vậy.

Bây giờ nếu có trường hợp ta không thương hại, không kính trọng, mà cũng không ưa một vị Thầy nữa thì ta phải làm gì? Có phải bố thí không?

Ở đây lại là một vấn đề khác. Ta cần tự xét lại mình trước. Tại sao không ưa? Không ưa chỗ nào? Sau khi xét lại nội tâm xong ta có thể xin đến gặp vị Thầy đó để giải tỏa những điều thắc mắc đã tạo ra sự bất hòa (khi có một sự bất hòa thì cả hai bên đều có lỗi cả). Trong trường hợp thầy và trò đều có chí cầu tiến và phục thiện thì tốt quá. Nhưng nếu cả thầy lẫn trò đều nhận thấy mình là đúng và người kia sai thì lúc đó đường ai nấy đi, ta được quyền rút lui nhưng phải có trật tự, nghĩa là không được tạo khẩu nghiệp. Sau khi rút lui xong ta nên đi tìm một vị Thầy khác để nương cậy. Vì sao? Vì ta là một cận sự nam hay cận sự nữ. Cận sự có nghĩa là ở gần để giúp đở và học hỏi.

Không phải vì không ưa một Thầy mà ta ghét tất cả các Thầy khác. Không phải vì không ưa một chùa mà ta xa lánh tất cả các chùa khác. Nếu làm như vậy thì gọi là 'Vơ đũa cả nắm'. Thái độ nầy không tốt vì nó làm cho ta không mở mang được kiến thức, không thực hiện được các hạnh tốt, cùng lúc đó thì cái gọi là 'ngã kiến' của ta sẽ tăng trưởng. Và nếu ta cứ giữ mãi thái độ 'Vơ đũa cả nắm' thì ta sẽ biến thành 'Con ếch ngồi đáy giếng'.

* Lầm lẫn bố thí với trả công

Bố thí là một hành động phát ra từ tấm lòng thành, muốn cho người nhận được an vui hạnh phúc.

Còn trả công là một hành động vô tình, tức là không có tình nghĩa gì cả, nó dựa trên một sự đổi chác.

Khi ta đi ra ngoài đường gặp một người nghèo xin ăn, ta lấy năm cắc ra cho họ. Ta cho vì ta thương hại, chứ không phải vì người đó làm gì cho ta. Ta cho mà không cần được trả lại, ta chỉ cần người đó nhận cho là ta đã vui rồi. Đó gọi là bố thí.

Còn trả công thì khác, nó là kết quả của một sự đổi chác. Thí dụ như ta là ông chủ một hãng. Đến cuối tháng ta phát tiền cho nhân viên. Hành động phát tiền của ta không được gọi là bố thí mà phải gọi là trả công. Vì sao? Vì suốt một tháng vừa qua nhân viên đã làm việc cho ta, nên bây giờ ta phải trả lương cho họ. Và khi ta đưa tiền cho họ, trong tâm của họ đâu có mang ơn ta, vì họ biết đó là tiền của họ phải được. Trong tâm ta cũng vậy, tuy nhân viên làm việc cực nhọc suốt tháng vừa qua cho sự sản xuất của hãng ta, nhưng ta cũng đâu có mang ơn họ, vì ta trả tiền cho họ rồi mà! Giữa hai bên không có tình nghĩa gì hết, cũng không ai mang ơn ai cả. Ta đưa tiền vì người kia đưa công, người kia đưa công vì ta đưa tiền.

Sau khi hiểu rõ thấy được sự khác biệt giữa bố thí và trả công rồi, ta hãy đưa mắt nhìn về chùa của mình xem sao? Xem mình có phạm cái lỗi lầm đó không?

Ngày thường ta chả bao giờ đến chùa, tự nhiên đến bố thí hay cúng dường các Thầy. Đến khi trong gia đình có cha mẹ chết, lúc đó ta mới đến chùa thưa thỉnh lễ phép rước Thầy về nhà tụng Kinh cầu siêu cho cha mẹ ta. Rồi sau khi đám sám xong, ta rút vài tờ giấy bạc bỏ vào phong bì cúng dường cho Thầy. Làm xong việc như vậy, ta ra về thở phào nhẹ nhõm, trong tâm nghĩ rằng đã làm xong bổn phận đối với cha mẹ, đã làm xong bổn phận đối với ông Thầy, và cùng lúc lại làm phước nữa chứ! Thử hỏi hành động của ta được gọi là gì? Tuy nhiên trong cuộc thì cũng có người được chút ít. Đó là người được thí, tức ông Thầy: ông Thầy có được vài trăm bỏ túi đi xe lửa. Vì lầm lẫn như thế nên ta cứ tiếp tục bố thí cái kiểu trả công. Riết rồi ban đầu Thầy đi xe lửa, sau đến xe hơi, rồi đến tàu bay. Tới lúc đó thì ta la lên rằng chùa giàu! Chùa giàu hay nghèo đều do ta cả. Ta phải tự hỏi ta chứ! Chùa giàu để làm gì? Nghèo để làm gì? Nếu ta ý thức rằng sự phát triển của chùa có lợi cho chúng ta nên phải cần tài chánh thì ta làm cho chùa giàu. Còn nếu thấy cần nghèo thì ta làm cho chùa nghèo. Giàu không phải là một cái tội, nghèo cũng không phải là một cái phước.

Tiền dùng đúng tiền hiền như Phật,
Bạc xài lầm bạc ác hơn ma.
Phật, ma cũng tại người ta
Chớ tiền bạc nó vốn là vô tri. (Thanh Sĩ)

Ngoài ra ta phải thông cảm cho quý Thầy chứ! Ban đầu vì lòng từ bi mà Thầy đi cầu siêu. Cầu siêu xong ta lại bố thí cái kiểu trả công cho Thầy. Vì sự si mê của ta, ta đã biến lòng từ bi của Thầy, ban đầu vô giá, dần dần xuống giá còn khoảng hai ba trăm bạc. Rồi tội nghiệp quý Thầy, cứ phải è cổ ra nhận tiền của người chết. Ta đã biến quý Thầy thành giống như các nhà Hòm (pompes de funèbre) tức là sống nhờ người chết. Thật đáng buồn cho đạo Phật! Sao ta có thể nhẩn tâm được như vậy?

Nói như vậy không có nghĩa là từ nay về sau ta không cầu an, cầu siêu cho cha mẹ ta, hoặc cầu siêu xong ta không trả công cho quý Thầy nữa. Ta vẫn tiếp tục làm, nhưng phải biết các, thêm vào nữa là lâu lâu ta lui tới chùa xem trong chùa có cần gì giúp đỡ không thì ta phát tâm bố thí cúng dường, không phải chờ đến khi có ai chết hay đau mới tới. Còn trong trường hợp rước Thầy đi tụng đám xong mà ta muốn cúng dường thì ta phải tập suy nghĩ như vầy: 'Thầy đã vì lòng từ bi tụng niệm cho cha mẹ ta, công ơn thật vô cùng, ta chỉ biết thành tâm phát nguyện tu học Phật để mau thoát sinh tử luân hồi và hồi hướng công đức (bố thí, phát nguyện) này cầu cho cha mẹ ta được siêu sanh Cực lạc'. Từ lúc trước khi, trong khi, và sau khi cúng dường, ta phải lập đi lập lại như vậy. Ta thành tâm, phát nguyện và hồi hướng, cùng lúc đó ta xem vị Thầy trước mắt tượng trưng cho Từ bi (chứ không phải thợ tụng) và ta hết lòng kính trọng. Nếu làm được như vậy thì ta đã biến sự trả công thành sự bố thí trong sạch.

* Không phải chỉ có chùa chiền mới là nơi cho ta thực hiện hạnh Bố thí

Ta có thể thực hiện bố thí ở khắp nơi với tất cả mọi loài: như cho con chó một khúc xương, con chim một mẩu bánh mì, con kiến một hạt đường, v...v.... Cụ thể nhất là khi ta đi ngoài đường bố thí cho người xin ăn. Tuy nhiên khi bố thí ta cũng phải tập bố thí cho đàng hoàng không được khinh người. Bố thí đàng hoàng hay trong sạch là ta biết phát nguyện, ý thức, và hồi hướng trước khi, trong khi và sau khi bố thí. Thí dụ như ta gặp một bà lão ở trong góc Metro đứng xin tiền. Ta lại gần lấy tiền ra, nhưng không đưa liền, đứng ngay lại sửa soạn phát nguyện. Có hai trường hợp:

Ta xem đối tượng tức bà lão là một vị Bồ Tát hóa thân làm bà già để ta thực hiện bố thí. Như vậy ta sẽ phát nguyện thành Phật để cứu độ chúng sinh và hồi hướng công đức bố thí này cho quả vị Phật.

Nếu ta không thể xem bà lão là một hóa thân Bồ Tát được thì ta nguyện như vầy: 'Nguyện cho bà mau thoát khỏi cảnh khổ của sinh, già, bệnh, chết, và ta hồi hướng công đức bố thí này cầu mau giải thoát sinh tử, hoặc mau thành Phật' (nếu ta là Bồ Tát).

Có một điều lầm lẫn mà ta hay phạm phải, đó là khi ta không ưa một vị Thầy nào rồi thì ta ngưng luôn việc bố thí! Một vị Thầy không phải là đối tượng duy nhất của sự Bố thí. Ta có thể về nhà bố thí cho con cho cháu, cho gia đình họ hàng, hay cho bạn bè, xa hơn nữa là bố thí cho các Hội Từ Thiện (Croix Rouge, Unicef, Médecins du Monde, Médecins sans frontières, ...) hoặc cho những loài khác như chim, gà, kiến, ... Đối tượng của sự bố thí rất rộng rãi và bao la, quan trọng ở chỗ là ta có muốn bố thí hay không? Nếu muốn thì ta luôn luôn tìm thấy đối tượng, còn không thì ta sẽ chả thấy ai là người đáng cho ta bố thí cả.

* Ta nên bố thí trực tiếp

Lâu lâu nhớ đến Phật, ta mua hoa quả đem vào chùa cúng dường cho Phật. Nhưng khi vào chùa ta không nên đưa hết cho vị Hương đăng mà nói rằng: 'Này, cô hay chú cúng hộ tôi cho Phật'. Làm như vậy mất cả tình nghĩa của ta đối với Phật. Và hơn nữa là ta sẽ không có cơ hội phát nguyện và hồi hướng công đức của sự bố thí. Như thế thì dù cho ta có mua mấy xe hoa đem vào chùa cúng Phật, cũng chả được phước đức gì cả, nhiều lắm là làm cho chùa thêm vui mắt mà thôi. Ở ngoài đời người ta còn biết nói 'của ít lòng nhiều', huống chi ta là con Phật mà lại bố thí 'của nhiều lòng ít' hay sao?