Home > Khai Thị Phật Học > Khai-Thi-Cua-Hoa-Thuong-Quang-Kham-Ngay-3-Va-4-Thang-7-–-1974
Khai Thị Của Hòa Thượng Quảng Khâm Ngày 3 Và 4 Tháng 7 – 1974
Đại Sư Quảng Khâm | Ni Chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng, Việt Dịch


Sư phụ bắt đầu giảng dạy. Lúc ấy không có người ghi chép, bây giờ chúng tôi hồi ức lại lời sư phụ dạy, xin lược ghi ra đây:

“Cư sĩ đến chùa cúng dường tài vật là để tạo phước điền, phải nên bố thí không hình tướng thì công đức mới lớn, nghĩa là không thấy người bố thí, vật bố thí và người được bố thí.

Cư sĩ đến chùa tụng kinh bái sám phải thành tâm, phải buông xả. Không nên thân ở Chùa mà tâm lại lo nghĩ đến con cái ở nhà; con cái tự có phước báo của chúng, nên không cần quan tâm đến mà phải chuyên tâm học Phật. Nếu như còn để tâm lo nghĩ đến con cái và việc nhà, tức là người si mê.

Cư sĩ đem phẩm vật đến cúng dường chư Phật, vật ấy trở thành vật của Tam Bảo, không còn là vật của mình.

Giả sử trẻ con dẫn đến chùa đòi ăn trái cây cúng Phật hoặc đã cúng rồi, không thể tự tiện lấy cho. Vì phẩm vật ấy đã trở thành vật của Tam Bảo, không thuộc về mình. Muốn cho chúng thì phải có sự đồng ý của người xuất gia trong chùa.

Cư sỹ đến chùa tụng kinh bái sám, tham gia Pháp hội, phải sống hoà đồng, không nên chê thức ăn ngon dở, vì ở chùa không giống như ở nhà. Ở nhà có thức ăn ngon, còn đến chùa thì phải ăn thức ăn đơn sơ, đạm bạc mới đúng. Cư sỹ đến chùa phải giúp đỡ công việc trong chùa, không nên nhàn rỗi vô sự, không nên nói chuyện đông chuyện tây, bàn luận thị phi.

Người xuất gia ở trong chùa, đối với người tại gia đến chùa lễ bái, không được cùng họ bàn chuyện thế tục, cần phải hướng dẫn họ học Phật như thế nào. Vì mục đích của cư sỹ đến chùa là để xin nhờ người xuất gia giảng dạy Phật pháp, theo người xuất gia để học cách đốt hương lễ phật, niệm Phật. Mục đích của người xuất gia là liễu sanh thoát tử mà muốn liễu sanh thoát tử thì cần phải nỗ lực tu hành, nếu không khổ hạnh thì không thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, chắc chắn đời sau sẽ rơi vào sáu nẻo luân hồi. Trong 4 loài noãn, thai, thấp, hóa, người là thai sanh có linh giác trong vạn vật, rất thông minh, cho nên con người tu học Phật pháp tương đối dễ dàng. Còn các động vật khác thì rất ngu si, không thích ứng được với sự học Phật pháp.

Người xuất gia phải nên biết rằng, được làm thân người không phải là dễ, phải biết nắm lấy cơ hội được làm thân người để nỗ lực tu hành, mong cầu giải thoát. Nếu không thì tu chưa thành đạo lại sẽ phải tái sanh trong bốn loài, cũng chẳng biết sẽ sanh vào loài nào.

Giả như kiếp sau sanh vào loài chim (noãn sanh), loài cá (thấp sanh), loài sâu bọ (hóa sanh), trí tuệ của chúng thấp hoặc không có trí tuệ các loài ấy muốn tu học Phật pháp rất khó.