a. Thị hiện vãng sanh.

Trong Phật thất tại Dallas, lão cư sĩ họ Mã vãng sanh, chúng tôi nghe xong vô cùng hoan hỷ.  Trong ‘tam chuyển pháp luân’ - thị chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển, cụ Mã thị hiện vãng sanh trong Phật thất và đã chứng minh cho chúng ta.  Ðây là lợi ích, công đức thù thắng của sự niệm Phật, chúng ta nên noi gương và học tập.  Hết thảy pháp trong thế gian đều là giả, chỉ có vãng sanh bất thoái thành Phật là thiệt, chúng ta phải nắm chắc cơ duyên này.

Ðại Từ Bồ Tát nói: ‘Nếu có thể trong đời này khuyên hai người vãng sanh thì còn hơn tự mình tinh tấn, nếu có thể khuyên mười hoặc hai mươi người vãng sanh thì công đức vô lượng’. Khuyên người được càng nhiều thì càng thù thắng, công phu niệm Phật của mình dở một chút cũng có thể vãng sanh.  Thế nên giúp người vãng sanh là công đức lớn nhất trong thế gian và xuất thế gian.

b. Duyên

Lý do niệm Phật nhưng chẳng thể vãng sanh, thứ nhất là vì thiện căn, phước đức, và nhân duyên chẳng đủ.  Kinh Di Ðà nói: ‘Chẳng thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sanh cõi ấy’.  Thứ nhì là vì nghe kinh quá ít, đối với những đạo lý và chân tướng sự thật mà đức Phật đã dạy, chẳng khế nhập, chẳng thể lý giải, vẫn sanh hoạt trong phiền não, vọng tưởng, tạp niệm, cho nên công phu đã bị khấu trừ đi rất nhiều.  Công phu chẳng đắc lực và niệm Phật khó được thành tựu cũng chẳng vượt ra ngoài hai nhân tố này.  Thiện căn phước đức có thể thành thục hay chăng thì ‘duyên’ rất quan trọng.  Ðây cũng như lời dạy của Thiện Ðạo đại sư trong ‘Quán Kinh Sớ’: ‘Cửu phẩm vãng sanh đều do gặp duyên chẳng đồng’.  Nói cách khác nếu gặp được duyên thù thắng thì cho dù thiện căn phước đức kém một tí nhưng vẫn có thể bù đắp, đời này cũng quyết định vãng sanh.  Do đó có thể thấy ‘duyên’ đối với chúng ta vô cùng quan trọng.

Ðạo tràng là duyên, bạn tốt là duyên, nghe pháp là duyên, năm xưa lúc đức Phật còn tại thế, Ngài thị hiện cho chúng ta xem suốt bốn mươi chín năm mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp chẳng gián đoạn, đây là làm ‘tăng thượng duyên’ cho chúng ta, làm cho những người có thiện căn phước đức kém một chút dùng phương pháp nghe kinh để bù đắp thì ngay trong đời này có thể thành tựu.

c. Ðạo tràng chánh pháp

Ðạo tràng của nhà Phật từ xưa đến nay đều lấy việc giảng kinh, thuyết pháp, giáo học làm chính.  Phật pháp suy thoái thì cũng mới hai trăm năm nay mà thôi.  Nguyên nhân suy thoái chính là vì trong chùa không có giảng kinh.  Không có giảng kinh, chẳng hiểu lý luận, phương pháp tu hành, cho dù tu hành thì cũng là tu mù luyện đui, chẳng được chư Phật, Bồ Tát gia trì, ngược lại còn bị yêu ma quỷ quái nhiễu loạn, đây là nguyên nhân đạo tràng suy bại.  Chúng ta hiểu rõ, minh bạch nên hy vọng xây dựng một đạo tràng chánh pháp, báo ân Phật, báo ân chúng sanh.

Ðạo tràng chánh pháp phải giảng kinh mỗi ngày nhưng hiện nay pháp sư giảng kinh rất ít, chúng ta lợi dụng sự tiện lợi của khoa học kỹ thuật, lúc giảng kinh giữ lại băng thâu hình và thâu âm rồi làm thành CD, VCD để tặng miễn phí cho đại chúng.  Ðược vậy thì bạn có thể nghe kinh mỗi ngày.  Nếu bạn chẳng có nhiều băng thâu hình cứ nghe lại băng cũ, nghe mười lần, hai mươi lần, nghe hoài chẳng bỏ, thì sẽ từ từ hiểu được đạo lý, tâm ngày càng thanh tịnh, tâm ngày càng định, như vậy thì Ma sự sẽ giảm ít, Ma chẳng thể làm gì được, Ma muốn nhiễu loạn cũng chẳng tìm được cơ hội.  Chỉ cần bạn thực sự làm thì Ma cũng sẽ cảm động, không những Ma chẳng nhiễu loạn mà còn đến hộ pháp nữa, đây là việc chúng ta phải biết.  Thế nên nghe kinh quan trọng hơn bất cứ chuyện gì.

Ðạo tràng phải có Học, phải có Ðạo.  ‘Học’ là mỗi ngày đều giảng kinh, nghe kinh.  Chữ Ðạo ở đây là trì danh niệm Phật, Phật hiệu chẳng gián đoạn trong Niệm Phật Ðường, người niệm Phật chẳng gián đoạn.  Có Ðạo, có Học mới có thể ‘trên đền tứ ân, dưới độ tam khổ’.

d. Buông xuống

Cần phải buông xả những chuyện tạp nhạp trong thế gian và xuất thế gian, buông xuống chẳng phải buông xuống trên Sự tướng, mà là buông xuống trong tâm, trong tâm chẳng tiêm nhiễm mảy tơ.  Người xuất gia chủ trì đạo tràng phải hộ trì đạo tràng nên phải phát họa các hoạt động nhằm giúp đỡ mọi người tu học, đây là Sự;  Buông xuống là trong tâm chẳng lưu lại dấu vết, vĩnh viễn bảo trì ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’.  Tâm địa ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’, hành trì tự hành hóa tha, hóa tha là khi tiếp xúc hết thảy đại chúng đều tương ứng với ‘nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên’, được vậy thì chúng ta trụ trong chánh pháp.  Ðề ra mười câu này, mục đích là hy vọng chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, từng ly từng tí gì cũng đều tương ứng.  Làm thế nào mới có thể được tương ứng là học vấn, công phu, phải thường học tập, thường thể hội.  Nguyên tắc tu hành trong nhà Phật rất nhiều, tổng trì (tức là cương lĩnh) chẳng phải chỉ có một thứ; nắm chắc lấy mỗi cương lĩnh đều có thể quán thông hết thảy các pháp.

e. Sám hối

Ðối với những người nghiệp chướng sâu nặng thì sám hối rất quan trọng.  Tam Trọng Diệu Âm Tịnh Tông Học Uyển ở Ðài Bắc mỗi ba tháng cử hành phát lồ sám hối một lần, tất cả các đồng học tụ hợp lại kiểm điểm coi trong ba tháng vừa qua đã làm những chuyện gì sai, nói ra chẳng dấu gì hết, sửa sai đổi mới.  Trong Phật môn gọi việc này là ‘Tự tứ pháp hội’, lúc trước là một năm cử hành một lần, hiện nay chúng ta nghiệp chướng nặng, một năm làm một lần không đủ.  Tam Trọng Diệu Âm Tịnh Tông Học Uyển ba tháng cử hành một lần, cách làm này đáng được đẩy mạnh và truyền rộng ra.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở Tân Gia Ba chẳng phát lồ sám hối mỗi năm một lần, cũng chẳng phải ba tháng một lần, ông ta sám hối mỗi ngày, mỗi ngày đều phát hiện lỗi lầm của mình, mỗi ngày sửa lỗi nên hai năm gần đây đạo tràng nơi đó vô cùng hưng vượng, thù thắng.  Bất cứ người nào phê bình chúng tôi, chúng tôi đều vui vẻ tiếp nhận, hết lòng phản tỉnh, nếu có sai thì sửa, nếu không sai thì ngăn ngừa.  Ða số người phê bình đều rất ít tiếp xúc với chúng tôi, chẳng hiểu rõ, có rất nhiều sự hiểu lầm.  Nhưng họ nói ra cũng tốt, nếu chẳng có lỗi này thì chúng tôi cố gắng chẳng phạm; nếu có thì khi họ chỉ ra giúp chúng tôi, chúng tôi rất cảm kích, lập tức sửa đổi, họ đều là thiện tri thức.  Học Phật như thế thì cả đời đều sinh hoạt với tâm niệm biết ơn, đây thực sự là hạnh phúc mỹ mãn.  Có thái độ tu học tốt đẹp thì đạo nghiệp đời này mới có thể thành tựu, sanh hoạt mới mỹ mãn.  Nếu vừa nghe người khác nói ra lỗi lầm của chúng ta liền chẳng vui, như vậy là sai lầm to lớn, là mê hoặc điên đảo, lỗi lầm vĩnh viễn chẳng thể sửa đổi trở lại, đây là chướng ngại to lớn trên đạo nghiệp, làm sao có thể thành tựu cho được!  Những người thành tựu trong pháp thế gian và xuất thế gian đều mạnh dạn sửa sai, vui vẻ tiếp nhận sự phê bình của kẻ khác.
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Sám Hối
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Vòng 12 Nhân Duyên
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương

Thập Nhị Nhân Duyên
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Ý Nghĩa Hồng Danh Sám Hối
Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Quán Nhân Duyên
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Sám Hối
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa