Phật Đà Bạt Đà La
Minh Thành Tổ Chu Lệ | Đức Nghiêm Đức Thuận Nguyên Nhứt, Việt Dịch


Phật đà bạt đà la, Trung Hoa dịch là Giác Hiền, vốn họ Thích, người nước Ca tỳ la vệ, con cháu của Cam Lộ Phạn vương. Sư sớm mồ côi cha mẹ, ông nội chú của sư là Cưu bà lợi nghe sư thông minh và xót thương sự côi cút nên đón về độ làm sa di.

Năm mười bảy tuổi, sư cùng vài người bạn đồng môn chuyên tâm học hành đọc tụng. Cùng bản kinh ấy, mọi người học một tháng mới thuộc lòng, riêng sư chỉ học trong một ngày. Thầy sư khen:

– Giác Hiền học một ngày có thể bằng ba mươi người.

Đến khi thụ giới cụ túc, sư tinh tấn tu tịnh nghiệp, học tập và thông đạt rất nhiều kinh điển. Thuở thiếu thời, nhờ dốc lòng tọa thiền, trì luật mà danh tiếng sư vang khắp.

Sư và bạn đồng học là Tăng già đạt đa đi đến nước Kế tân, ở lại đây nhiều năm. Đạt đa tuy phục trí thông minh của sư nhưng chưa biết là thánh hay phàm.

Sau, Tăng già đạt đa vào mật thất, đóng kín cửa tọa thiền, chợt thấy sư đến, liền kinh ngạc hỏi:

– Huynh từ đâu đến?

Sư đáp:

– Vừa đến cõi trời Đâu suất[35] kính lễ Đức Di lặc trở về.

Nói xong, sư biến mất.

Đạt đa biết sư là thánh nhân, nhưng chưa lường được giai vị sâu cạn. Về sau, nhiều lần thấy sư hiện thần biến, Đạt đa hết lòng kính ngưỡng, thường theo học hỏi, mới biết sư đã chứng quả Bất hoàn[36].

Sư muốn đi du phương hoằng hoá, tìm hiểu phong tục khắp mọi nơi. Bấy giờ có sa môn Trí Nghiêm người Trung Quốc đến nước Kế tân, thấy chúng tăng nơi đây thanh tịnh, cảm thán hướng về Đông độ nói:

– Các pháp lữ của chúng ta đều có tâm cầu đạo, nhưng không gặp được bậc thầy kiệt xuất thì không thể nào ngộ được.

Thế rồi, sư Trí Nghiêm liền đi hỏi khắp các vị tăng trong nước xem ai có thể sang Đông độ giáo hoá. Mọi người đều nói:

– Chỉ có Phật đà bạt đà.

Trí Nghiêm khẩn thiết thỉnh cầu, sư bèn hứa khả.

Thế là, sư từ biệt thầy và đại chúng, mang hành lý lên đường sang đông. Suốt ba năm trời, trải biết bao gian khổ sư mới đến được Thông Lĩnh. Sư đi qua sáu nước, các vua đều cảm thương sư du hoá xa xôi, nên dốc lòng kính ngưỡng dâng phẩm vật cúng dường.

Đến Giao Chỉ, sư lên thuyền đi theo ven biển. Khi đi ngang một hòn đảo nhỏ, sư chỉ tay về đó và nói:

– Hãy cho thuyền dừng lại nơi này!

Thuyền trưởng nghe vậy liền đáp:

– Hành trình còn xa phải biết tiếc thời gian, khó gặp được ngày thuận gió như hôm nay, nên tôi không thể dừng được.

Đi được hơn hai trăm dặm, bỗng nhiên gió đổi hướng, đưa thuyền trở lại bên hòn đảo ấy. Thấy vậy, mọi người mới biết sư thần kỳ và đều phụng sự tôn kính. Từ đó thuyền đi hay dừng đều theo sự quyết định của sư.

Không lâu sau, thấy gió thuận chiều, các thuyền bạn đều nhổ neo. Sư nói với thuyền trưởng:

– Không nên đi!

Thuyền trưởng nghe theo.

Không bao lâu, những thuyền đi trước đều bị chìm, không một ai sống sót.

Sau đó, đang lúc nửa đêm, sư lại bảo các thuyền đều phải lên đường, những thuyền khác không chịu nghe theo, chỉ có thuyền của sư nhổ neo lên đường. Không bao lâu, giặc ập đến, những thuyền ở lại đều bị bọn giặc cướp bóc và giết hại.

Thuyền của sư đến được quận Đông Lai ở Thanh châu. Nghe ngài Cưu ma la thập đang ở Trường An, sư liền đến đó. Gặp sư, ngài Cưu ma la thập rất vui mừng, cùng nhau đàm luận pháp tướng, khai phát nghĩa lý huyền vi, sở ngộ của La thập nhờ vậy tăng thêm rất nhiều.

Bấy giờ, vua nhà Tần là Diêu Hưng rất sùng kính Phật Pháp, ông ta mời hơn ba ngàn vị tăng vào cung cúng dường. Tất cả đều đến đông đủ, riêng sư vẫn giữ cuộc sống an tĩnh, không tham dự.

Sau, sư nói với đệ tử:

– Hôm qua, ta thấy năm chiếc thuyền ở quê hương cùng khởi hành sang đây!

Sau đó, có một đệ tử thuật lại với mọi người. Các vị tăng kỳ cựu ở Quan Trung nghe được, cho rằng sư tự bày ra điều kì lạ để mê hoặc người. Các vị tăng như Đạo Hằng..v.v.đều nói:

– Phật vốn không cho phép nói ra chỗ chứng đắc của mình, ông ấy báo trước sẽ có năm chiếc thuyền đến đây, đều này là không thật, lại thêm đệ tử cũng mê hoặc dối gạt, đặt chuyện thị phi, đã trái với giới luật. Chúng ta không nên cho ở chung, phải trục xuất khỏi chúng, không được giữ lại!

Nghe vậy, sư nói:

– Thân tôi như cánh bèo trôi, đến đi rất dễ dàng, chỉ buồn vì hoài bảo chưa thành, nên cảm thấy vô cùng hối tiếc!

Thế là, sư cùng hơn bốn mươi đệ tử như là Tuệ Quán.v.v.., ý chí không hề lui sụt, sắc diện chẳng chút đổi thay. Những người thấu hiểu sự thật thảy đều tiếc nuối. Lúc sư ra đi, có hơn một nghìn người tăng kẻ tục tiễn chân. Diêu Hưng nghe sư ra đi lòng rất buồn bả, bèn nói với Đạo Hằng:

– Sa môn Phật Hiền mang Phật pháp từ ngàn dặm đến đây mong được truyền bá, nhưng chưa kịp xiển dương thì đã ra đi, thật đáng buồn! Đâu chỉ vì một lỗi nhỏ mà để cho muôn người không ai chỉ dẫn.

Thế rồi, Diêu Hưng lệnh sứ giả đi thỉnh sư trở về. Sư nói với sứ giả:

– Tôi thật biết ơn Đại vương, nhưng không thể tuân theo thánh chỉ!

Và rồi, ngay trong đêm tối sư dẫn đồ chúng theo hướng nam, đến Lư Nhạc[37]. Từ lâu, ngài Tuệ Viễn rất kính phục phẩm hạnh và khí tiết của sư. Nghe tin sư đến, ngài rất vui mừng, như gặp bạn cũ. Tuệ Viễn biết sư bị tẩn xuất là do lỗi của môn đồ. Đoán trước năm chiếc thuyền sẽ đến đây chỉ là nói ra từ ý, cũng không đến nỗi phạm luật .

Nghĩ thế, ngài Tuệ Viễn sai đệ tử Đàm Ung mang thư đến cho Diêu Hưng và chư tăng ở Quan Trung, để trình bày rõ sự việc sư bị trục xuất. Sau, Tuệ Viễn thỉnh sư dịch các bộ kinh về Thiền.

Vì lòng muốn du phương giáo hóa, nên sư không ở yên một nơi. Sau một năm ở núi này, sư lại lên đường đến Giang Lăng. Trên đường đi, sư gặp lại thuyền trưởng trong mộng trước đây, hỏi ra mới biết quả thật có năm chiếc thuyền từ Thiên Trúc sang, như sư đã thấy. Thế là dân chúng Giang Lăng tranh nhau đến lễ bái phụng sự. Mọi thứ cúng dường sư đều không nhận, chỉ mang bát khất thực, không phân biệt giàu nghèo.

Bấy giờ, Viên Báo ở quận Trần vốn là Trường sử cho Tống Vũ Đế lúc còn làm Thái úy. Tống Vũ Đế nam chinh đánh Lưu Nghị, Viên Báo cùng đi theo đến Giang Lăng. Sư bảo đệ tử Tuệ Quán đến phủ của Viên Báo khất thực. Ông ta vốn không có lòng kính tin Tam bảo nên đối đãi sư rất tệ. Ăn chưa no, sư đã từ biệt trở về. Báo nói:

– Hình như ngài ăn chưa no, hãy ở lại dùng thêm chút nữa!

Sư bảo:

– Thí chủ cúng dường không thành tâm, nên thức ăn dọn ra đã hết sạch rồi!

Viên Báo liền gọi gia nhân dọn thêm cơm, nhưng cơm quả thật đã hết. Viên Báo vô cùng hổ thẹn, hỏi Tuệ Quán:

– Vị sa môn này là người như thế nào?

Tuệ Quán đáp:

– Thầy tôi đức độ cao sâu, người phàm không thể nào lường được.

Viên Báo vô cùng thán phục, thưa việc này lên thái úy, thái úy cho người đến thỉnh. Gặp sư, ông ta hết lòng kính trọng, cúng dường rất nhiều vật dụng. Không lâu sau, thái úy về kinh đô, thỉnh sư cùng đi, và mời sư đến ở chùa Đạo Tràng.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ sáu (430), sư viên tịch, hưởng thọ 71 tuổi.