Home > Khai Thị Phật Học
Làm Thế Nào Để Giữ Gìn Công Phu
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Trong quá trình tu học đa số người học Phật đều gặp phải một vấn đề, đó là trong tâm có thể giữ được thanh tịnh lúc niệm Phật trong Niệm Phật Ðường, nhưng vừa trở về nhà, về chỗ làm việc thì không thể nào giữ gìn công phu được. Nếu chúng ta hy vọng trong đời này có thể tu học thành tựu thì đây cũng là một vấn đề to lớn, cấp bách, cần phải giải quyết nhanh chóng. Không thể giữ gìn công phu có hai yếu tố: thứ nhất, phiền não tập khí từ vô lượng kiếp đến nay quá nặng, không có năng lực khắc phục; thứ nhì, tâm sanh tử không thiết tha. Tại sao tâm sanh tử không thiết tha? Ðối với thế gian này nhận thức chưa rõ ràng, không biết thế gian này là hư ảo. Kinh Kim Cang dạy ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, ‘Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt, ảnh’. Trong kinh nói chân tướng sự thật, chúng ta gặp mặt trên mạng lưới internet càng dễ thể hội điều này. Chúng ta nói chuyện với nhau mặt đối mặt trên màn ảnh [máy vi tính], chuyện này cũng là mộng huyễn bọt ảnh, và cũng là một thứ hư vọng, nếu có thể từ phương diện này mà thể hội thì đã giác ngộ rồi, sau đó mới biết cho dù chúng ta đối diện với nhau thì cũng hư vọng, không chắc thật.

Những gì chắc thật có hay không? Có, nhưng chúng ta không nhìn thấy. Lúc nào mới nhìn thấy? Buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, buông bỏ hết đến mức ‘nhất tâm bất loạn’ thì có thể nhìn thấy sự thật. Chỉ cần chúng ta đạt được nhất tâm bất loạn, cảnh giới chân thật tự nhiên sẽ hiện ra, đây gọi là ‘Nhất Chân pháp giới’ trong Phật pháp.

Nhưng cho dù công phu tu học của mình có tốt hơn, định công sâu hơn nữa, chỉ cần trong tâm còn giữ một cái ‘Nhất Chân pháp giới’ thì sẽ không thấy Nhất Chân pháp giới. Công phu đến mức Tứ Thiền Bát Ðịnh vẫn chưa thấy được Nhất Chân pháp giới vì tuy đè nén được phiền não, nhưng vọng tưởng phân biệt chưa đè nén. Ðến mức Ðịnh Thứ Chín, ra khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi tam giới, sanh đến Tứ Thánh pháp giới: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật (Phật trong thập pháp giới là Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật trong Tông Thiên Thai) thì cũng chưa thấy được tướng chân thật, nguyên nhân là vì chưa đoạn dứt vọng tưởng, chấp trước. Cần phải nỗ lực thêm nữa, dùng định huệ đoạn dứt phân biệt (Trần Sa phiền não), phá thêm một phần vô minh (tức là vọng tưởng) đến mức này mới ra khỏi thập pháp giới, thấy được tướng chân thật, mới thực sự tương ứng với cảnh giới của quả địa chư Phật Như Lai. Phải mất bao nhiêu công phu mới đến mức này? Ngày nay một chút định lực chúng ta cũng không có!

Thí dụ [hằng ngày] phòng ăn ở Cư Sĩ Lâm có gần hai mươi món ăn, quá nhiều món ăn để trước mặt như vậy là một sự cám dỗ, chỉ thử mỗi món một chút thôi thì cũng no quá chừng. Người niệm Phật ăn đến mức ngày càng mập thêm thì không phải là một chuyện tốt, chúng ta phải tự khắc phục mình, trong nhiều món đồ ăn này chỉ gắp ba bốn món thì thôi. Trong việc ăn uống phải biết chế ngự, ăn cho điều độ thì mới có thể giữ thân tâm khỏe mạnh; không chế ngự nổi thì thân tâm sẽ không khỏe mạnh. Nếu ăn đến mập béo ra thì thân thể sẽ không khỏe mạnh; nhìn thấy những món ăn này rất dễ tăng trưởng tâm tham, lại tạo nên tâm lý không khang kiện. Tu hành là phải tu trong những sự việc này.

Cho nên trong tất cả hoàn cảnh phải biết khắc phục được vọng tưởng của mình, chế ngự phân biệt, chấp trước của mình, hết thảy [những việc này] đều là Phật pháp. Nếu có thể khắc phục, chế ngự được mình thì mới có thể bảo trì [giữ gìn] được công phu; nếu không thể khắc phục được mình thì không thể bảo trì công phu. Những đại đức thời xưa biết được tập tánh của phàm phu rất nặng, khắc phục mình rất khó, nên mới chủ trương, đề xướng ‘Nương dựa vào, noi theo đám đông’, mới tụ hợp lại tu tập chung với nhau, đốc thúc, cảnh tỉnh, khích lệ lẫn nhau, dụng ý là ở chỗ này.

Ðạo tràng tu tập chung với nhau cần phải có đầy đủ nhân duyên, trong đó quan trọng nhất là duyên phận, là phải nhờ vào người xuất gia dẫn đầu; người xuất gia càng nhiều, lòng tin của những người đồng tu sẽ càng tăng trưởng. Vì vậy nên người xuất gia phải phát lòng từ bi, không nệ khó nhọc, lãnh chúng trong Niệm Phật Ðường. Ðạo tràng có càng nhiều người xuất gia càng tốt, đây là sự thù thắng trang nghiêm chân chánh của đạo tràng.

Cho nên huân tập ở Niệm Phật Ðường trong một thời gian dài, hy vọng là có thể bảo trì được công phu, bất kỳ ở nơi chốn nào, trong gia đình, sở làm đều có thể giữ gìn tâm thanh tịnh, niệm Phật như thế mới gọi là đạt được mục đích.

Ngày nay số người ở Niệm Phật Ðường tại Cư Sĩ Lâm ngày càng nhiều, xây dựng và đẩy mạnh phong trào niệm Phật. Những người đến đó niệm Phật rất đông, đến mãi không ngớt, càng ngày càng nhiều. Chúng tôi hy vọng xây dựng một đạo tràng ‘giải hành tương ứng’, mỗi ngày giảng kinh không gián đoạn, niệm Phật không gián đoạn, làm gương cho đạo tràng ở những nơi khác. Thích hợp nhất cho những vị đồng tu đã về hưu, họ buông xuống công việc làm ăn, ở đó trường kỳ tham gia niệm Phật. Những người có gia đình, vẫn còn đang đi làm thì lợi dụng thời gian rảnh rỗi đến Niệm Phật Ðường để niệm Phật. Thế nên hiện nay khí phần (không khí hoàn cảnh tu học) ở Niệm Phật Ðường vô cùng tốt đẹp, vô cùng thù thắng. Và cũng vì khí phần tốt đẹp như vậy nên rất nhiều vị đồng tu vui vẻ đi đến, đến rồi đều không muốn đi về. Nếu có thể trụ ở đạo tràng như vậy trong vòng nửa năm, một năm, ba năm thì không thể nào không thành tựu được.

Trong ‘Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục’, ‘Vãng Sanh Truyện’ chúng ta thấy rất nhiều Bồ Tát vãng sanh bất thoái, thời gian niệm Phật phần nhiều là ba năm. Do đó có thể biết trong vòng ba năm thì có thể thành tựu. Nhưng không thể nói họ niệm Phật hết ba năm thì thọ mạng đều hết, mà vì công phu thành thục nên mới tự tại vãng sanh. Nếu những người có công phu thành thục không vãng sanh mà còn lưu lại trên thế gian này thì chỉ có một nguyên nhân duy nhất là để độ chúng sanh. Vẫn còn một số chúng sanh có duyên với họ, họ có thể giúp đỡ cho nên lưu lại thêm một thời gian nữa. Nếu không có duyên phần với những người ở đó thì tại sao không đi sớm hơn? Mỗi ngày chúng ta đều mong mỏi, trông về Tây phương Cực Lạc thế giới, mỗi ngày tưởng niệm đức Phật A Di Ðà, có thể gặp Ngài sớm hơn thì tốt biết mấy, tại sao cơ duyên đến lại phải kéo thêm vài ngày? Chúng ta muốn đi nhưng đi không được, nếu có năng lực thì đã đi sớm mất rồi.

Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ, quan sát người trên thế gian này ai cũng khổ. Chúng ta cảm thấy sanh hoạt, việc làm của mình quá khổ, thật ra những người làm sự nghiệp to lớn còn khổ hơn chúng ta. Gần đây tôi xem cuồn phim ‘Chiến tranh lạnh bắt đầu và chấm dứt’, nói về những người lãnh đạo quốc gia trong nửa thế kỷ vừa qua, mỗi ngày đều phải đề phòng không cho tai họa bộc phát, đặc biệt là những tai nạn do con người gây ra, làm thế nào tìm mọi cách để tiêu trừ [tai nạn]. Họ bận tâm, lo lắng quá nhiều, cuộc sống khổ quá đi thôi. Sau khi tôi coi xong mới biết muốn làm một người lãnh đạo quốc gia, đoàn thể thiệt là không đơn giản chút nào.

Thiệt ra đời sống của những người lãnh đạo có địa vị cao, những người làm ăn buôn bán giàu có không sung sướng chi cả. Nếu bạn đã nhìn thấy rõ ràng, minh bạch thì mới biết đời sống của họ còn sánh không bằng đời sống của một người ăn xin. Người đi xin ăn khi nào bụng đói thì đi xin ăn, ăn no rồi thì hết chuyện, tùy tiện tìm một chỗ để ngủ, không có bồn chồn lo lắng, [họ] thảnh thơi tự tại biết bao! Chuyện đau khổ nhất của con người là chuyện bận tâm quá nhiều, lo lắng quá nhiều, vướng bận quá nhiều, ngày tháng đích thật không thoải mái tí nào. Nếu họ có thể học Phật thì thiệt là phước báo to lớn!

Lúc trước tôi có khuyên đại chúng, gắng sức làm việc kiếm tiền trong một năm để có đủ tiền chi tiêu cho đời sống thì nghỉ không làm việc hai năm, chuyên tâm hết lòng niệm Phật; đây là người có trí huệ, có đại phước báo. Sau hai năm tiền xài hết thì đi kiếm công việc trở lại. Nếu bạn hỏi tìm công việc làm không dễ, đến lúc đó có thể tìm được hay không? Nhất định sẽ tìm được. Tại sao vậy? Chư Phật, Bồ Tát gia trì cho bạn, bạn nên tin tưởng chư Phật, Bồ Tát. Ở thế gian này nhờ vả người ta không được, nhờ vả Phật, Bồ Tát nhất định có thể được. Nhưng bạn phải có lòng tin tuyệt đối với chư Phật, Bồ Tát, tu học đúng như lý và làm đúng như lời dạy, làm sao không thành tựu được cơ chứ! Ðây cũng là một phương pháp bảo trì tâm thanh tịnh.

Nói tóm lại nguyên tắc quan trọng nhất để giữ tâm thanh tịnh là:

Thứ nhất phải có lòng tin vững chắc muốn rời khỏi Sa Bà, cầu sanh Tịnh Ðộ, đây là chân tâm.

Thứ nhì tuyệt đối đừng bị thế gian cám dỗ, có thể buông xuống, buông xả hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian.

Trong tất cả pháp thế gian và xuất thế gian chỉ lựa chọn một pháp mà mình cần, tuyệt đối không chọn quá nhiều, có câu rằng ‘biết đủ thì thường vui’. Tâm của bạn sẽ định, sẽ thanh tịnh; mới có thể bảo trì tâm thanh tịnh trong thời gian dài mà không mất. Ðiểm này vô cùng quan trọng. Những người tu hành thời xưa có thành tựu đều là nhờ yếu tố này. Có thể khắc phục dục vọng của mình, khắc phục vọng tưởng của mình, thiệt có thể làm đến mức nói trong kinh Kim Cang: ‘Không chấp vào tướng, như như chẳng động’. Trong đời sống chỉ lấy những gì mình cần dùng là đủ, như vậy mới không bị cám dỗ, mới giữ được tâm thanh tịnh.