Home > Khai Thị Niệm Phật
Trích dẫn kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


* Thà chịu khổ địa ngục,

Mà được nghe tên Phật.

Chẳng hưởng vô lượng vui,

Mà chẳng nghe tên Phật.

Lấy Phật làm cảnh giới,

Chuyên niệm, nhưng chẳng niệm.

Người ấy được thấy Phật,

Số nhiều như tâm lượng.

* Phổ Hiền Bồ Tát bảo các vị Bồ Tát và Thiện Tài rằng:

- Này thiện nam tử! Nếu muốn thành tựu môn công đức này thì nên tu mười thứ nguyện hạnh rộng lớn: Một là lễ kính chư Phật, hai là khen ngợi Như Lai, ba là rộng tu cúng dường, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỷ công đức, sáu là thỉnh chuyển pháp luân, bảy là khuyên Phật trụ thế, tám là thường học theo Phật, chín là luôn tùy thuận chúng sanh, mười là đều hồi hướng hết cả….

Nếu lại có người dùng tâm thâm tín, đối với các đại nguyện này thọ trì, đọc tụng, cho đến biên chép một bài kệ bốn câu, sẽ sớm có thể trừ diệt nghiệp Ngũ Vô Gián. Lúc sắp mạng chung, trong sát-na cuối cùng, hết thảy các căn thảy đều tan hoại, chỉ còn nguyện vương này chẳng hề bỏ lìa, trong hết thảy thời, nó luôn dẫn đường đằng trước, trong khoảng sát-na liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc.

* Kệ rằng:

Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung,

Trừ sạch hết thảy các chướng ngại,

Gặp gỡ đức Phật A Di Ðà

Liền được vãng sanh cõi An Lạc

Tôi đã vãng sanh cõi ấy rồi

Hiện tiền thành tựu đại nguyện này

Viên mãn hết thảy không còn sót,

Lợi lạc hết thảy chúng sanh giới,

Chúng hội của Phật đều thanh tịnh.

Khi ấy, tôi sanh trong sen đẹp

Tận mặt thấy Phật Vô Lượng Quang

Hiện tiền thọ ký Bồ Ðề quả.

Nhận định:

Theo kinh này, chỉ nghe được danh hiệu của Phật là đã gieo trồng cái nhân thù thắng. Chuyên niệm chẳng ngơi, lại phát hạnh nguyện rộng lớn, sẽ nhất định được vãng sanh gặp Phật. Ðiều này chứng tỏ danh hiệu Phật có công đức chẳng thể nghĩ bàn, công đức của hạnh nguyện cũng chẳng thể nghĩ bàn. Bởi thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, trước hết thuật hạnh nguyện Phổ Hiền để khuyến tấn hành giả. Xin hãy lấy Trì Danh làm Chánh Hạnh, dùng Tín Nguyện dẫn đường, nhất tâm chuyên niệm, chẳng xen tạp các nghiệp khác!