Home > Khai Thị Niệm Phật > Trich-Dan-Luoc-Luan-An-Lac-Tinh-Ðo-Nghia-Cua-Ðam-Loan-Dai-Su
Trích Dẫn Lược Luận An Lạc Tịnh Ðộ Nghĩa Của Ðàm Loan Đại Sư
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Ví như có người ở chỗ khuất khúc nơi đồng hoang gặp phải oán tặc vung gươm hùng hổ chạy thẳng đến toan giết. Người ấy rảo chạy, thấy phải vượt sông. Nếu vượt được sông thì đầu cổ mới còn. Lúc bấy giờ, chỉ nghĩ phương cách vượt sông: “Ta đến bên bờ sông, mặc áo mà lội, hay là cởi áo mà bơi? Nếu vẫn mặc áo, sợ chẳng qua nổi. Nếu cởi áo ra, e không kịp nữa!” Chỉ có ý niệm ấy, không còn duyên nào khác. Nghĩ cách nào vượt được sông chính là nhất niệm. Dụng tâm chẳng tạp như vậy thì gọi là thập niệm tiếp nối.

Hành giả cũng vậy, niệm A Di Ðà Phật như kẻ kia nghĩ cách vượt sông trong suốt mười niệm. Nếu niệm danh hiệu Phật mà không có tâm nào khác xen tạp, tâm tâm tiếp nối nhau cho đến mười niệm liên tiếp. [Ðiều này] tựa hồ chẳng khó, nhưng tâm phàm phu như ngựa hoang, thức còn quá khỉ vượn, rong ruổi sáu trần, chẳng thể tạm ngưng nghỉ. Hãy nên dốc lòng tin, tự hoạch định niệm sẵn để tích tập thành tánh, thiện căn kiên cố vậy. Như đức Phật bảo vua Tần Bà Sa La: “Người tích thiện hạnh, chết không có ác niệm; như cây đã ngả về Tây, lúc đổ, ắt sẽ rạp về Tây”. Giả sử một phen phong đao xảy đến, trăm nỗi khổ bức thân; nếu chẳng sẵn quen tập tành từ trước thì làm thế nào được?

Lại nên có năm ba người cùng chí hướng, ước hẹn với nhau, lúc sắp lâm chung, họ sẽ đến giảng giải, vì mình xưng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật, nguyện sanh An Lạc, từng tiếng tiếp nối khiến thành mười niệm. Lúc đoạn mạng ấy, một phen vào ngay Chánh Ðịnh Tụ, còn lo nỗi gì!

Nhận định:

Ðại Sư minh thị: Mười niệm tiếp nối liền được vãng sanh, nhưng cần phải dùng tâm chí tín, tự hạn định số lượng mà niệm sẵn khiến cho thành tánh, thiện căn kiên cố và mời bạn đồng chí lúc lâm chung đến trợ niệm khiến mười niệm được thành. Ðủ thấy rõ mười niệm chẳng phải là chuyện dễ, xin hãy tận hết sức tuân hành, chớ xem thường.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Trích Dẫn Lược Luận An Lạc Tịnh Ðộ Nghĩa Của Ðàm Loan Đại Sư