Home > Khai Thị Phật Học
Truyện Bồ Tát Đề Bà
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính thưa quý thầy, quý cô, cùng tất cả quý Phật tử!

Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện kể về Bồ Tát Đề Bà. Câu chuyện này được trích từ “Đề Bà Bồ Tát Truyện” trong Đại Chánh Tạng quyển 50, trang 186c8 188a3.

Quê hương Bồ Tát Đề Bà thuộc phía nam nước Ấn Độ. Ngài xuất thân trong một gia đình Bà La Môn giáo, về sau lạy Bồ Tát Long Thọ làm thầy. Học vấn của ngài rất uyên bác, biện tài vô ngại, người dân xứ Ấn ít ai không biết đến, nhân dân các nước cũng đều quý trọng. Bồ Tát Đề Bà thâm cầu chân lý, thấu rõ nơi tâm, chánh trực cao thượng, không thẹn với lòng, chỉ có một điều chưa được như ý nguyện là mọi người không tin lời ngài nói, vậy nên còn lo lắng nghĩ ngợi. Thời đó, trong nước có một pho tượng thần Đại Tự Tại Thiên, được làm bằng vàng cao hai trượng. Ngày ngày có nhiều người đến, nhưng chỉ đứng bên ngoài cầu nguyện, mong trong cuộc sống mọi việc được như ý. Đề Bà cũng đến đây, muốn trực tiếp vào chiêm bái tượng thần. Biết được như vậy, người chủ miếu nói với ngài: Tượng thần này vô cùng linh nghiệm, có người được cho vào nhìn nhưng không dám nhìn thẳng, vì nhìn thẳng vào sẽ bị lực của thần chấn nhiếp mà ngã nhào, thất thần đến cả trăm ngày sau còn chưa thể hồi phục. Ông chỉ cần nêu ước muốn, cầu xin thần gia hộ và tạ ơn là tốt rồi, tại sao muốn phải tận mắt thấy tượng thần? Đề Bà đáp: “Nếu Thiên Thần linh thiêng như ông nói, như thế để tôi vào bên trong tận mắt xem tượng thần như thế nào, nếu như không giống lời ông vừa nói, thì há có phải là vị thần mà tôi muốn gặp sao?”.

Lúc đó, mọi người xung quanh hết sức ngạc nhiên, tán thán Đề Bà có khí phách, khâm phục tài hùng biện phân rõ đúng sai, tinh thần tìm cầu chân lý của ngài. Khi ấy có hơn ngàn vạn người hưởng ứng, hớn hở tranh nhau đi vào bên trong miếu tìm hiểu tượng thần. Đề Bà tiến vào bên trong, trực diện nhìn tượng thần. Lúc đó, hốt nhiên hai mắt thần chuyển động, ánh mắt sân giận, nhìn chăm chăm ngài không dứt. Đề Bà nói: Thiên Thần là bậc cao minh, lòng dạ nào có hẹp hòi như vậy. Thiên thần dùng oai đức thánh minh để cảm hóa mọi người; dùng trí tuệ, phước đức để thuyết phục lòng dân. Đằng này ông lại đem vàng kim dán đầy lên thân tượng rồi tự đắc, dùng đá thủy tinh tạo nên mắt thần rồi làm cho chuyển động để lừa người. Như vậy đâu có còn là thần nữa, cũng chẳng phải lòng dân mong đợi! Nói xong, Đề Bà dùng cầu thang leo lên đến ngang mặt tượng, gỡ mất đi một con mắt của thần. Những người xung quanh thấy vậy đều giật mình sửng sốt, trong tâm khởi lên nghi ngờ: "Đại Tự Tại Thiên tại sao lại bị một người Bà La Môn bé tí gây khó dễ như thế? Có lẽ vị thần này không có linh nghiệm như lời đồn, mọi người chỉ nghe qua rồi vội tin, thảo nào thần mang tiếng linh nghiệm đã bị lời lẽ của Đề Bà làm chao đảo”. Lúc đó, Đề Bà nói với mọi người rằng: Thần minh cao lớn, tiếng vang xa rộng khắp. Ngài cố ý tạo ra một tình huống để thử tôi. Tôi hiểu được ý của thần, cho nên đến bên pho tượng gỡ một mắt của ngài xuống, để cho mọi người hiểu rằng thần minh không cần mượn vàng kim làm thân hay đá quý để làm mắt rồi hiển hiện cho mọi người thấy. Đức độ không cần phải nhờ vào hình hài được trang điểm giả tạo như vậy. Tôi làm như vậy không hề có ý xem thường thiên thần, cũng chẳng có ý nhục mạ ngài. Nói dứt lời, Đề Bà rời khỏi miếu.

Suốt đêm đó Đề Bà chuẩn bị nhiều phẩm vật, để sáng sớm đến miếu dâng lên thần. Ngài vốn được nhiều nước tin tưởng, tôn kính, bây giờ lại thông hiểu được ý của thần, cho nên chỉ cần mở lời là mọi người đã hưởng ứng ý kiến. Chỉ trong một đêm, tất cả những lễ vật, những thức ăn cao lương mỹ vị được bày lên đầy đủ.

Lúc đó, Thiên Thần hiện thân làm người, thân cao bốn trượng, nhưng chỉ còn một mắt phải, mắt trái bị lõm. Thần đến ngồi vào bàn tiệc, nhìn tất cả lễ vật của Đề Bà, những món đặc sản, khen rằng ngon đẹp, từ trước đến nay chưa từng thấy. Thiên Thần cũng tán thán Đề Bà phước đức sâu dày, mới có thể soạn ra những món ăn thơm ngon, quý lạ như vậy, rồi bảo: “Ông mới thật hiểu được ý của tôi, những người kia họ chỉ nhìn tôi bên ngoài mà thôi. Ông mới thành tâm cúng dường cho tôi, những người kia chỉ làm ra vẻ dâng cúng mà thôi. Hiểu được tôi và cung kính tôi chỉ có ông, những người còn lại họ sợ tôi, làm méo mó hình tượng của tôi. Những thức ăn cao lương mỹ vị mà ông dâng lên đây, không có một món nào khác có thể sánh được. Nhưng những món này không phải thứ mà tôi mong muốn, nếu ông có thể tặng thứ mà tôi thật sự cần thiết, mới là bố thí cao thượng nhất!”. Đề Bà nói rằng: “Đại Tự Tại Thiên! Ngài có thể hiểu thấu lòng tôi. Ngài cứ nói, tôi sẽ vì ngài mà đáp ứng!”. Thiên Thần bảo: “Con mắt bên trái của tôi không còn, ông dám móc mắt trái tặng cho tôi không!”. Đề Bà đáp: “Được, tôi sẽ móc ra tặng ngài!”. Ngài lập tức đưa tay trái lên, móc con mắt bên trái của mình ra trao cho Thiên Thần.

Vì có lực của Thiên Thần, nên Đề Bà vừa mới móc tròng mắt ra, tròng mắt mới liền mọc ra. Cứ như thế, lấy cũ mọc mới, trong một ngày đêm, cả vạn cái tròng mắt được móc ra. Thiên thần tán thán: “Tốt lắm! Tốt lắm! Ông tuổi tuy còn trẻ nhưng rất bản lĩnh, nói được làm được! Như thế mới gọi là bố thí cao thượng! Ông có nguyện vọng gì chăng? Nhất định sẽ giúp ông được như ý”.

Đề Bà đáp: “Tôi không giấu gì ngài nguyện vọng của tôi. Tôi thì không chú trọng hình thức, chỉ cảm thấy xót thương chúng sanh quá ngây ngô, thơ dại, lại không tiếp nhận được lời dẫn dắt của tôi. Xin ngài giúp cho lời nguyện của tôi được viên mãn, là làm sao những lời tôi nói khiến cho mọi người đều tin nhận. Tôi chỉ có duy nhất một lời nguyện như vậy, những thứ khác không tham cầu”. Thiên thần bảo: “Tốt! Nhất định sẽ được như ý ông muốn!”.

Đề Bà sau khi rời khỏi miếu thần, đi đến bái kiến Bồ Tát Long Thọ, xuống tóc xuất gia, thân đắp pháp phục, đi khắp nơi hoằng dương chánh pháp.

Đương thời, vua nước Nam Ấn Độ thống lãnh các nước nhỏ. Quốc vương tin theo tà đạo, trong nước không hề thấy một bóng dáng bậc Sa môn họ Thích. Cho nên, cả nước trên cũng như dưới, xa cũng như gần, tất cả đều bị tà giáo đồng hóa. Đề Bà suy nghĩ: “Nếu không đốn tận gốc cây, thân cành khó mà ngã theo hướng mong muốn được. Cũng như vậy, nếu không hướng dẫn giáo pháp cho nhà vua trước, chánh pháp sẽ khó bề thực hiện trong quốc dân”.

Theo luật của đất nước này, triều đình theo định kỳ chi tiền tuyển chọn người bảo vệ cung điện. Đề Bà nghe tin, ứng thí vào vị trí tướng quân. Ngài mang giáo mác đi trước toàn quân, chỉ huy đội hình có trật tự, thứ lớp. Không cần ra vẻ oai nghi, nhưng đều khiến cho pháp lệnh được thi hành nghiêm túc, không cần hiển bày hết đức hạnh, nhưng toàn quân ai nấy cũng tin phục vâng lệnh. Nhà vua biết được chuyện, lấy làm vui mừng, bèn hỏi: “Người này là ai”? Người hầu cận đáp: “Người này đến ứng thí làm tướng quân, nhưng không nhận lương thực, và cũng chẳng nhận tiền cấp dưỡng của triều đình. Ông ta làm việc hăng say và có trách nhiệm, luyện tập lại rất nghiêm túc, hạ thần cũng không biết động lực nào khiến ông ấy đến đây?”.

Nhà vua cho người gọi Đề Bà đến gặp. Vua hỏi: “Ông là người thế nào?” Đề Bà đáp: “Tôi là người có trí tuệ thông suốt tất cả”. Nhà vua nghe xong giật mình, liền hỏi: “Lâu lắm mới có một bậc trí tuệ như thế xuất hiện, sao ông lại tự xưng mình như vậy? Làm sao để biết được những lời ông nói là thật”? Đề Bà đáp: “Muốn biết trí tuệ của tôi, từ những lời tôi thốt ra cũng có thể biết. Quốc vương, thỉnh ngài chất vấn tôi!”.

Nhà vua trong lòng nghĩ: “Ta là nhà đại luận sư có trí tuệ nhất trong vùng. Nếu câu hỏi của ta có thể đánh bại được người này, làm cho ông ta khuất phục, cũng chưa phải là xứng đáng để ca ngợi. Nhưng nếu không may ta thua ông ta, thì đây không phải là chuyện nhỏ. Tình cảnh này, nếu ta không đưa ra câu hỏi, thì ta đã chấp nhận thua trước rồi”. Nhà vua do dự cả buổi, cuối cùng bất đắc dĩ hỏi Đề Bà: “Những vị thiên thần trên trời trong lúc này đang làm gì?”. Đề Bà đáp: “Bây giờ họ đang đánh nhau với A Tu La”. Nghe tới đây, nhà vua có cảm giác như ăn thức ăn bị mắc nghẹn, muốn nuốt không xuống mà khạc cũng không ra. Muốn phủ nhận câu trả lời, nhưng khổ nỗi không có bằng cứ; muốn tán đồng với Đề Bà lại không có gì để chứng minh. Trong lúc nhà vua chưa biết nói thế nào thì Đề Bà tiếp lời: “Tôi không có nói suông, bệ hạ đợi một lát sẽ rõ”. Vừa dứt lời, vô số loại binh khí ngắn dài từ trên trời liên tiếp rơi xuống. Quốc Vương bảo: “Tuy mâu, mác, giáo, kích là những loại vũ khí dùng trong các cuộc chiến, nhưng làm sao ông có thể chắc chắn là họ đang đánh nhau?”. Đề Bà đáp: “Những lời tôi nói bệ hạ còn cho là không thật sao. Có lẽ dùng lời không bằng dùng việc thật để chứng minh!”. Vừa nói hết lời, trên không trung rơi xuống vô số tay, chân, ngón tay, ngón chân, lỗ tai, lỗ mũi của các A Tu La. Nhà vua vừa nhìn thấy, liền năm vóc đảnh lễ Đề Bà, một lòng tiếp nhận lời dạy của ngài. Tiếp đó trong cung điện có cả vài vạn người thuộc dòng tộc Bà La Môn đều xin xuống tóc xuất gia, vâng giữ giới pháp. Bấy giờ, Đề Bà tại hoàng thành dựng lên một pháp tòa cao và lập ra ba luận điểm:

Thứ nhất: trong tất cả bực thánh, Đức Phật là cao nhất.

Thứ hai: trong tất cả các pháp, giáo pháp của Đức Phật là vô thượng.

Thứ ba: trong những người cứu độ nhân loại, không ai bằng đức Phật và Chư tăng.

Các vị luận sư đến từ tất cả các nơi, nếu có bất kỳ ai lật bỏ được ba luận điểm này, tôi sẽ lập tức chặt đầu mình nhận thua. Bởi vì sao? Bởi vì tôi lập nên được những luận điểm này mà không trụ vững được, tức là ngu si rồi. Cái đầu ngu như vậy cũng không giữ lại làm gì! Chặt bỏ cái đầu này để chịu tội, cũng chẳng có gì lấy làm tiếc!

Các vị luận sư sau khi nghe Đề Bà nêu ra giao ước, tất cả tập trung lại trước mặt ngài, đồng lòng thề rằng: “Nếu như chúng tôi tranh luận thua, cũng sẽ tự chặt đầu. Cái đầu ngu si ấy cũng không cần đến nữa thì chặt đi cũng không có gì để tiếc”. Đề Bà đáp: “Giáo pháp của Đức Phật dạy tôi phải thấm nhuần lòng từ bi, thương yêu muôn loài. Nếu lập luận của quý vị không hơn tôi, chỉ cần cạo sạch râu tóc làm đệ tử đức Phật là đủ rồi, không cần phải chặt đầu đâu!”.

Giao ước được thỏa thuận xong, có nhiều vị luận sư từ nhiều nơi đến, chuẩn bị sẵn nghĩa lý thù thắng để biện luận cùng Đề Bà. Những vị thông minh nhưng chưa xuất sắc lắm, Đề Bà chỉ cần một câu là khuất phục được họ. Những vị tài trí lão luyện hơn, nhiều lắm cũng không hơn hai ngày, Đề Bà đã làm cho họ đuối lý cạn lời. Theo đà như vậy, có nhiều vị luận sư xuống tóc làm đệ tử Đức Phật. Cuộc biện luận vẫn cứ tiếp diễn, người thua cuộc càng ngày càng đông. Mỗi ngày nhà vua cho mười chiếc xe chở y áo và bình bát đến nơi, ròng rã trong suốt ba tháng trời. Tính đến ngày kết thúc, Đề Bà đã hóa độ được trăm vạn người.

Trong số những người thua cuộc, có đệ tử của một nhà ngoại đạo. Người này tánh tình hung dữ, ngoan cố. Thầy của ông ta đã bị Đề Bà đánh bại, khiến ông cảm thấy bị sỉ nhục, tuy ông không biểu hiện ra bên ngoài, giả vờ tùy thuận theo đại chúng, nhưng trong lòng chất chứa oán giận. Một hôm ông bèn ngậm dao phát lời thề: “Ông dùng lời nói để làm thầy tôi thua cuộc, tôi sẽ dùng dao để thắng ông. Ông đã dùng con dao vô hình để xâm phạm thầy tôi, tôi sẽ lấy con dao thật để trả thù ông!”. Sau khi phát ra những lời thề độc như vậy, lúc nào bên cạnh người này cũng mang theo một con dao bén, đợi thời cơ đến sẽ đâm Đề Bà. Bấy giờ tất cả các luận sư xuất chúng khắp nơi đều bị Đề Bà khuất phục. Xong việc, ngài đi vào rừng sâu tìm nơi yên tĩnh, viết “Bách Luận” gồm hai mươi phẩm, và soạn “Tứ Bách Luận” để đánh tan vô số tà kiến ngoại đạo. Những người đệ tử của ngài cũng ngồi xung quanh dưới các gốc cây, tọa thiền tư duy.

Vào một hôm, Đề Bà tọa thiền xong, đứng lên đi kinh hành trong rừng. Ngay lúc đó vị đệ tử của ngoại đạo đến bên cạnh ngài, tay cầm con dao rất bén có mũi nhọn, nói với Đề Bà: “Ông dùng lời để phá kiến giải của thầy tôi. Lời của ông làm sao mà thắng qua cái dao này đâm qua bụng ông!”. Vừa dứt lời, ông ta lập tức dùng dao đâm mạnh vào bụng, làm cho nội tạng của ngài rơi xuống đất. Đề Bà bị đâm xong, trước lúc nhắm mắt, ngài còn từ bi xót thương người thiếu trí ác độc này, bèn nói với ông ta: “Tôi có ba tấm y và một bình bát để ở chỗ ngồi của tôi, ông có thể cầm lấy rồi đi ngay. Nhanh tìm hướng có núi cao mà trốn! Đừng có chạy xuống phía đường lớn ở đồng bằng. Ở đó tôi có rất nhiều vị đệ tử chưa chứng đắc pháp nhẫn, chắc chắn họ sẽ tìm cách bắt ông, đến lúc đó nhà vua sẽ trói ông lại hành pháp.

Vì ông chưa thấm nhuần được hương vị của pháp, nên chỉ biết trân quý cái sắc thân, chấp tình còn quá sâu nặng, đối với danh tiếng còn quá quan tâm, quá chú trọng. Vì chỉ biết vì sắc thân này và danh tiếng, mà phải gánh lấy vô số đau khổ. Thân thể và danh dự là nguồn gốc của phiền não. Vì không nghe được Phật pháp nên người thiếu trí tuệ thường bị vọng tưởng làm điên đảo mà phạm sai lầm, quý cái thứ không đáng giá, thứ quý giá lại xem thường, như thế không phải quá đau lòng sao? Tôi đã thọ nhận giáo lý của đức Phật, nên không làm những hành vi khờ dại như thế. Điều khiến cho tôi bận tâm là ông đã bị tâm cuồng vọng đánh lừa, về sau phải chịu quả khổ không có chỗ dừng nghĩ, bị ác độc của sân hận phiền não thiêu đốt, đến đâu cũng chỉ biết khóc mà nhận lấy. Nhưng mà vốn dĩ không có người thọ quả báo, cũng không có chủ thể tạo nghiệp. Người và chủ thể đều không, thì bi thương khổ não là ai? Dùng thực thể để cầu vô thể, mà thực thể là không, thì thực thể ấy không có chỗ đạt đến. Người chưa thể ngộ được đạo lý này, dễ dàng bị tâm niệm cuồng loạn làm mê hoặc, bị những ý nghĩ sai lầm điên đảo làm chướng ngại. Bởi vì còn mong cầu, khiến cho tâm chấp trước bám vào trên sự tướng, nên mới có ngã (tôi), có đối phương, có khổ, có vui …vô số phân biệt như vậy.

Khổ và vui có mặt, đều do “xúc” mà sanh ra chấp trước (“xúc” là nhận thức được sanh khởi do sự hòa hợp của sáu căn, sáu cảnh và sáu thức. Nếu gặp được cảnh đẹp, lập tức cảm thấy vui, đến nơi không vừa ý cảm giác khổ có mặt). Nếu diệt trừ được chấp trước, thì có thể thấy được chân tướng của vạn pháp. Khi ấy những nhận thức sai lầm không có chỗ bám vào. Những sai lầm không thể tiếp tục sanh khởi thì sẽ không còn “khổ”, “khổ” không còn thì “lạc” cũng không. “Khổ” và “lạc” không còn sanh khởi, tịch tịnh sẽ gần kề”. Nói xong những lời này, một vị đệ tử hay tin trước tiên, đến bên cạnh ngài, nhìn cảnh tượng thật đau lòng, đau đớn la lớn tiếng. Những vị khác nghe được tiếng kêu la, từ trong rừng chạy đến. Những người chưa chứng đắc được pháp nhẫn hốt hoảng sợ hãi, đấm ngực đạp đất, gục tại chỗ than khóc: “Oan uổng quá! thảm khốc quá! cuối cùng là ai đã đối xử với thầy của tôi như vậy?”. Có người chạy đi như phát cuồng, muốn bắt cho được ác tặc. Mọi người chia nhau đi tìm, la lớn tiếng: “Nhanh đuổi theo ác tặc!”. Âm thanh vang dội đến khắp các khe núi yên tĩnh.

Bấy giờ, Đề Bà từ bi căn dặn các đệ tử: “Trong thật tướng của các pháp, có người bị oan sao? Ai là tàn khốc? Ai là giết người? Ai là thân thể bị cắt rời? Trong thật thể của các pháp, không có một người thọ quả báo, và cũng không có người gây hại. Ai là người thân? Ai là kẻ thù? Ai là ác tặc? Ai là người hành hung giết hại? Các thầy đã bị chất độc của ngu si làm lòa mắt, vọng tưởng sanh phân biệt chấp trước nên đã khóc than náo loạn, hạt giống thiện không được gieo trồng tưới tẩm. Thật ra, người đó chỉ giúp tôi chấm dứt những tội chướng, không hề làm tổn hại đến tôi! Các thầy cần phải suy xét lại, không được phát cuồng lên chạy đi rượt bắt ông ta, càng không nên đau lòng thống khổ vô ích”. Nói xong, Đề Bà an tường xả báo thân, tự tại vào Niết Bàn.

Bồ Tát Đề Bà do móc hết một mắt trao cho Thiên Thần, nên chỉ còn lại một mắt. Thời bấy giờ mọi người gọi Ngài là “Độc Nhãn Đề Bà” (nghĩa là Đề Bà một mắt).

Trong câu chuyện này có những điểm chúng ta nên nhớ để thức tỉnh chính mình:

Bồ Tát Đề Bà không tiếc thân mạng, vì pháp quên mình, phá tà hiển chánh. Ngài không phải cùng người tranh hơn thua, mà vì xót thương ngoại đạo không hiểu được chánh pháp, mong muốn hướng dẫn họ hướng đến chánh đạo, đạt được giải thoát.

Bồ Tát Đề Bà tuy chỉ còn một con mắt, nhưng không chú trọng tướng mạo bên ngoài. Ngài không còn chấp ngã, không còn tướng vô ngã, không còn tướng chúng sanh, chỉ có lòng từ bi, đối với người hại mình không khởi tâm sân giận, chỉ mong cho người ấy được trốn thoát, khuyên răn đệ tử không nên đuổi bắt. Đúng là từ trong vô ngã phát khởi tâm từ bi chân thật.

Đề Bà cặn dặn các đệ tử: Có nhân tạo nghiệp tức có quả thọ nhận. Khi chưa thọ quả báo mà không chịu tu tập, thì nghiệp lực không thể chuyển hóa dần được. Ngoại đạo giết tôi, chỉ giúp những nghiệp báo đời trước của tôi đến đây kết thúc, ông ta chẳng phải hại tôi!

Chúng ta thiết nghĩ: Người bình thường nếu gặp ai chửi tôi, giết tôi, hay có ai muốn báo thù, thì sẽ nghĩ: Tôi đối với người rất tốt, tại sao người lại đối xử với tôi như vậy? Suy nghĩ như vậy chỉ là nông cạn bên ngoài thôi. Nếu chúng ta bị người hại, có thể quán chiếu như Bồ Tát Đề Bà không?

Cùng quý vị chia sẻ đến đây, chúng ta cùng nhau tinh tấn!

Lớp giáo dục Phật Pháp Phước Nghiêm, ngày 09 tháng 11 năm 2013