Home > Khai Thị Phật Học > Bao-ho-sau-can-nhu-rua-thau-than
Bảo hộ sáu căn như rùa thâu thân
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính chào quý thầy, quý cô, cùng tất cả quý Phật tử!

Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng đại chúng một câu chuyện. Câu chuyện này được trích từ Kinh Pháp Cú Thí Dụ trong Đại Chánh Tạng, quyển số 4, trang 584b10-c4.

Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có một vị đạo nhân tu tập dưới một gốc cây cạnh bờ sông, trong suốt 12 năm, nhưng lòng ham muốn vẫn chưa được đoạn trừ, vọng tưởng vẫn còn nhiều, nên tâm chưa được định và ý cũng chưa được an trụ.Tuy mỗi ngày ngồi thiền dưới gốc cây bên bờ sông, nhưng vẫn còn tham đắm, chấp trước; tham muốn của sáu căn vẫn còn sanh khởi, đó là: mắt nhìn hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi các hương, miệng nếm mùi vị, thân tiếp xúc ngoại cảnh, tâm vọng tưởng các pháp. Có nghĩa là chưa nhiếp phục được sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng vẫn còn bị chi phối bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Thân tuy ngồi yên ở đó, nhưng tâm của vị này đã vân du khắp nơi, không biết lưu lạc vào cảnh giới nào; khi tâm không an trú được, dù có trải qua mười hai năm tu tập, cũng không thể nào chứng đạo.

Đức Phật biết vị này nhân duyên sắp chín muồi, nên cần được hóa độ. Ngài liền hiện thân làm vị Sa môn và đi đến đó, ở dưới gốc cây cùng ông tu tập trong một đêm.

Màn đêm buông xuống, trăng dần lên cao, có một chú rùa từ bờ sông bò đến phía gốc cây. Ngay lúc đó, có một con rái cá rất đói, đang trên đường đi kiếm thức ăn, gặp được rùa liền nghĩ chặn rùa lại, làm một miếng là no nê. Rùa liền nhanh nhẹn rút đầu, đuôi và tứ chi vào trong mai của mình, đương nhiên rái cá không thể ăn được rùa rồi. Không còn cách nào khác, rái cá giả vờ bỏ đi. Bấy giờ rùa bèn nhô đầu, đuôi và bốn chân, từ từ di chuyển. Thấy vậy rái cá lập tức chạy đến chụp lấy rùa, nhưng rùa cũng tức khắc thu thân vào nằm yên trong mai, rái cá không làm gì được nên đành bỏ đi. Nhờ thế mà rùa thoát nạn!

Thấy vậy, vị đạo nhân nói với vị Sa môn rằng: “Con rùa nhờ có cái mai làm giáp nên bảo toàn tính mạng, do đó rái cá không đe dọa được mạng sống của nó”. Vị sa môn liền trả lời: “Tôi thấy con người ở thế gian có điểm còn không bằng con rùa này. Chúng ta vì không hiểu biết vô thường, nên cứ để sáu căn buông lung, các ma bên ngoài thừa dịp sáu căn sơ hở mà chui vào. Hình hài này sau khi mục nát, thần thức sẽ lìa xa và chịu sanh tử luân hồi trong năm đường ác, không lúc nào ngừng, lãnh lấy muôn vàn sự khổ đau, tất cả đều do tâm ý tạo ra. Vì thế chúng ta tự mình phải biết sách tấn, ra sức tu học để được an nhiên giải thoát”.

Lúc đó vị Sa môn nói một bài kệ, có đại ý như sau:

“Thân thể của chúng ta, tuy có hình hài nhưng phải chịu sự chi phối của vô thường, không thể tồn tại lâu dài, cuối cùng cũng phải trở về với đất, chỉ là một nắm đất vàng. Khi hình hài mục nát, thần thức cũng ra đi, như vậy thì chỉ tạm thời gởi gắm thân này nơi thế gian, có gì để mà tham đắm?”.

“Tâm sở hành xứ”, tức là chỉ cái tâm của chúng ta không ngừng thay đổi, không ngừng dạo chơi, hiện hữu khắp chốn, đến đến đi đi không có chỗ tận cùng. Trong khi các ý niệm của chúng ta sanh khởi, thường là tà niệm, tạp niệm và vọng niệm. Vì không có chánh niệm nên đã mang lại rất nhiều cay đắng và phiền muộn.

Những thứ này đều bắt nguồn từ tâm ý chúng ta mà sanh ra, không phải do bố mẹ tạo tác. Chúng ta cần phải có phương pháp nhìn nhận thật đúng đắn để tiến tới, cần phải vun bồi phước đức, không nên thay đổi tâm ý của mình và cũng không được thối lui.

Chú rùa này thâu nhiếp đầu, đuôi, và bốn chân; người tu cũng nên như thế. Chúng ta cần phải thâu nhiếp sáu căn, “phòng ý như thành”, tức là ngăn chặn những tạp niệm trong tâm thật kỹ lưỡng, cũng giống như giữ thành, không cho kẻ thù tấn công vào. Chúng ta cần phải bảo vệ tâm niệm vững vàng như tường thành vậy, không cho những con ma bên ngoài nhập vào; cần phải có trí tuệ để đối trị với bọn ma này. Nếu có trí tuệ đối đầu với chúng và được thắng, thì sẽ không còn phiền não.

Vị đạo nhân nghe thầy Sa môn nói xong bài kệ, tâm tham và vọng tưởng đều tan biến, liền chứng quả A La Hán. Sau khi biết được vị Sa môn chính là hiện thân của Đức Thế Tôn, vị ấy vô cùng cung kính, chỉnh lại pháp phục và đảnh lễ Đức Phật. Bấy giờ các hàng trời, rồng và quỷ thần đều rất hoan hỷ.

Có thể đối chiếu câu chuyện này với câu chuyện số 1167 trong Kinh Tạp A Hàm, thuộc Đại Chánh Tạng, quyển số 2, trang 311c9-26, để tham khảo thêm.

Nội dung chủ yếu của câu chuyện là muốn nhắc nhở chúng ta cần phải bảo vệ cẩn thận các căn, đặc biệt là thâu nhiếp: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, không được buông lung, nên giữ chánh niệm, tu định và cũng phải tu huệ.

Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực!

Lớp giáo dục Phật Pháp Phước Nghiêm, ngày 14 tháng 04 năm 2012