Xin chào quý Thầy, quý Cô cùng tất cả các Phật tử.
Hôm nay tôi chia sẻ cùng quý vị câu chuyện được trích từ kinh Hiền Ngu trong Đại Chánh Tạng quyển 4, trang 397a 398a.
Khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một khoảng thời gian, Ngài trú tại nước Xá Vệ vườn Cấp Cô Độc (Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên, còn được gọi là tịnh xá Kỳ Hoàn). Lúc ấy, người trong thành Xá Vệ rất đông, phòng ở vô cùng chật hẹp, nhà vệ sinh lại rất hiếm, nên không kể là đại tiện hay tiểu tiện đều phải ra bên ngoài thành mà đi, chỉ một số người có tiền của không muốn phiền phức, nên họ đi trong bô, rồi thuê người đúng giờ đến làm vệ sinh.
Lúc ấy, có người tên là Ni Đề (trong Luận Đại Trí Độ dịch là Ni Đà), ông Ni Đề vô cùng nghèo khổ thấp hèn. Vì không có tài năng gì nổi trội, ông chỉ biết làm nghề hốt dọn phân dơ, kiếm chút ít thu nhập để sinh sống.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn quan sát thấy thiện căn của Ni Đề đã thuần thục, có thể đến để độ ông ta. Do đó Ngài cùng thầy A Nan đi vào thành, để hóa độ Ni Đề, đi đến một con hẻm nhỏ, thì gặp Ni Đề, trên tay ông ta còn đang bê một chiếc lu sành chứa đại tiểu tiện, đang chuẩn bị mang đi đổ. Từ xa, Ni Đề nhìn thấy đức Phật, nghĩ rằng thân phận mình thấp hèn, lấy làm xấu hổ, nên rẽ qua đường khác, muốn lặng lẽ tránh đi nơi khác.
Trong lúc Ni Đề muốn đi ra khỏi ngỏ hẻm, không may lại gặp đức Thế Tôn, nghĩ đến giai cấp của mình, trong tâm của ông càng bối rối, nên lập tức đổi hướng đi vào một ngỏ rẽ khác, muốn lẩn trốn ngay, nên trong lòng cuống lên, trong lúc đang loay hoay, bất cẩn chiếc lu bằng sành va vào bức tường, bị vỡ nát nên phân và nước tiểu văng đầy trên thân thể của mình, khiến cho ông càng khó xử và xấu hổ vô cùng, không dám nhìn đức Phật. Lúc ấy, đức Thế Tôn bước đến đứng trước mặt Ni Đề, từ bi nhẹ nhàng hỏi ông ta: Ông có muốn xuất gia không?
Ni Đề đáp: Thân phận của Như Lai thuộc giòng họ của Chuyển luân thánh vương rất tôn quý, những người đệ tử thân cận Ngài đều là tầng lớp quý tộc, con thân phận hạ tiện đến cùng cực như thế này, thì làm sao có thể theo Thế tôn xuất gia giống như họ được?
Đức Phật nói với Ni Đề rằng: Giáo pháp thanh tịnh vi diệu mà Như lai giảng dạy, giống như nước tinh khiết, có khả năng rửa sạch tất cả các dơ bẩn; Nhưng cũng mạnh mẽ như lửa lớn, có thể thiêu đốt các vật, không kể là lớn, nhỏ, tốt, xấu, toàn bộ đều thiêu sạch. Phật pháp mà Như lại nói ra cũng như thế, rộng lớn vô biên, không kể là nghèo, giàu, quý phái hay bần cùng, dù nam hay nữ chỉ cần nương vào pháp mà thực hành, đều có thể đưa đến đoạn trừ tham dục.
Ni Đề nghe đức Phật khai thị, ngay lúc ấy sanh khởi tín tâm kiên định không gì sánh bằng, và khao khát được xuất gia. Đức Phật gọi thầy A Nan dẫn Ni Đề đi ra ngoài thành đến một con sông lớn tắm gội, sau khi tắm gội sạch sẽ xong, dẫn Ni Đề về tịnh xá Kỳ Hoàn, và giảng đạo lý Khổ đế cho Ni Đề nghe về luân hồi sanh tử khiến cho con người sợ hãi, chỉ có chứng đắc Niết Bàn mới thật sự vĩnh viễn được an vui.
Ngay trong giây phút nghe pháp ấy Ni Đề hốt nhiên khai mở tâm ý, chứng đắc sơ quả; Ni Đề bèn chắp tay hướng về đức Phật, cầu xin đức Thế Tôn cho phép ông được xuất gia làm Sa môn.
Đức Phật bảo Ni Đề: “Đến đây Tỳ kheo!” Râu tóc của Ni Đề tự rụng, khoác lên thân chiếc pháp y. Sau đó, đức Phật nói nội dung của khổ, tập, diệt, đạo tứ thánh đế cho Ni Đề nghe. Sau khi nghe pháp xong, Ni Đề lập tức đoạn sạch được tất cả phiền não, chứng đắc A la hán, tam minh, lục thông toàn bộ đều đầy đủ (tam minh là thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh; lục thông tức thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông và lậu tận thông).
Lúc ấy người dân trong nước Xá Vệ nghe tin Ni Đề đã xuất gia, mọi người đều sanh lòng không vui, than phiền, bàn tán khắp nơi: “Tại sao đức Thế Tôn lại chấp nhận cho giai cấp bần cùng gia nhập vào Tăng đoàn? Chúng ta sau này phải đảnh lễ hắn? Nếu muốn cúng dường đức Phật và Tăng chúng, mà con người đó đến, sẽ làm ô uế chỗ ngồi của chúng ta”. Những lời bàn tán đó dần chuyền đến tai vua Ba Tư Nặc.
Đức vua sau khi nghe tin này có một chút khó chịu, không giữ được, bèn ngồi xe được trang trí các thứ lông quý, cùng nhiều tùy tùng hướng đến vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, muốn được thỉnh vấn đức Thế Tôn, giải trừ mối thắc mắc trong lòng.
Cả đoàn người và ngựa đến trước cổng của tịnh xá, dừng chân nghỉ ngơi. Nhìn thấy bên ngoài cổng của tịnh xá có một khối đá rất lớn, thầy Ni Đề đang ngồi trên tảng đá ấy chắp vá chiếc y đã sờn, bên cạnh thầy có bảy trăm vị trời, mỗi vị trên tay dang dâng hoa cúng dường và hướng về phía bên phải đi nhiễu quanh thầy.
Vua Ba Tư Nặc nhìn thấy cảnh tượng như thế cảm thấy vô cùng hoan hỷ, bèn đi đến trước mặt thầy và nói rằng: “Trẫm muốn gặp đức Phật, xin thầy thông báo giúp.” Thầy Ni Đề lập tức dùng thần thông khiến cho thân thể đi ngang qua tảng đá, vào trong tịnh xá đến trước Thế Tôn, hướng về đức Phật và bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn, vua Ba Tư Nặc hiện đang ở bên ngoài, muốn vào bái kiến đức Thế Tôn, nên nhờ con vào đây thưa trước.”
Đức Phật: “Thầy dùng phương pháp ẩn thân, và đi ra bằng con đường như lúc thầy tiến vào đây, thưa với đức vua có thể vào được.”
Thầy Ni Đề vâng theo lời dạy của đức Phật, vận thần thông bay ra ngoài, trong phút chốc, lại từ trong khối đá hiện ra, như từ nước nổi lên, không hề có mảy may khó khăn.
Thầy Ni Đề tâu với đức vua rằng: “Tôi đã trình lên đức Thế Tôn rồi, Đại vương! Mời Ngài vào.”
Đức vua trong lòng suy nghĩ: “Những hoài nghi trước đây bây giờ tạm gác qua một bên, ta nay nên hỏi đức Phật: Thầy Tỳ kheo ấy tu phước đức gì, tại sao lại có sức thần thông kỳ diệu như thế?”
Vua Ba Tư Nặc vào trong tịnh xá Kỳ Hoàn, vừa nhìn thấy đức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi nhiễu quanh đức Phật ba vòng, sau đó ngồi một bên, thưa với đức Phật rằng: Tỳ kheo ấy có thần thông thật hy hữu, xuyên trong đá như vào nước, có thể từ trong tảng đá mà đi ra; không biết pháp danh của thầy đó là gì? Xin đức Thế Tôn nói cho trẫm biết.”
(Có thể trong lòng vua nghĩ: “Thế Tôn nếu Ngài muốn giáo hóa, nên độ những thầy Tỳ kheo có tài như thế! Thế Tôn tại sao lại đi hóa độ ông Ni Đề?” Đó chính là mối hoài nghi của vua Ba Tư Nặc).
Đức Phật nói với vua: “Thầy ấy là người giai cấp bần cùng của nước Xá Vệ, tôi đã độ thầy ấy, thầy ấy đã chứng đắc quả A la hán. Hôm nay đức vua đến đây, mục đích là vì muốn hỏi chuyện này chăng!”
Đức vua sau khi nghe đức Thế Tôn nói như vậy, những kiêu mạn trong lòng lập tức tiêu tan, cảm thấy một niềm vui sướng vô tận.
Đức Phật nói tiếp: “Người phàm phu ở thế gian, thân phận có phân tôn ti, quý tiện, gia cảnh có nghèo, giàu, khổ và vui, tất cả đều do trong quá khứ tự mình đã tạo ra những hành vi, mà hôm nay phải cảm lấy quả báo.
Nếu đối với người nhân từ, khiêm nhường, hòa thuận, cung kính với người trên, thương yêu lớp dưới, thì sẽ được sanh vào người có thân phận tôn quý; Nếu đối với người hung hăng, hỗn xược, không kể lễ nghĩa, ngạo mạn phóng túng, tự cho mình hay, thì sẽ sanh vào hạng hạ tiện.”
Vua bạch Thế Tôn: “Ngài vào đời, cứu tế hóa độ, vô số chúng sanh được thấm nhuần an lạc, cho dù là tầng lớp hạ tiện cũng có thể giúp họ nhổ sạch nỗi thống khổ, cho họ có hạnh phúc. Thầy Ni Đề vì nhân duyên gì, mà đời này phải sanh vào giai cấp thấp hèn? Và đã gieo trồng thiện căn phước đức gì, bây giờ có thể gặp đức Thế Tôn, lãnh thọ sự giáo hóa của Ngài, nghe pháp không bao lâu lại được chứng quả A la hán? Xin đức Thế Tôn giải thích cho trẫm được rõ.”
Đức Phật nói vua rằng: “Xin lắng lòng nghe, cần phải thọ trì! Tôi sẽ vì đức vua mà nói, hy vọng Ngài sẽ được sáng tỏ. Quá khứ có đức Phật Ca Diếp xuất hiện ở thế gian này, sau khi Ngài diệt độ, có chúng Tỳ kheo số đông trăm ngàn người, trong đó có thầy Tỳ kheo làm vị tăng tự tại (tự tại có nghĩa là tự tung tự tác, không chấp nhận sự gò bó, không bị người khác chi phối, tự mình làm chủ. Tăng tự tại cũng có thể là người quản tăng chúng, hoặc người đứng đầu trong một đại chúng mà thời nay gọi là trụ trì); Thầy tự tại bị bệnh, sau khi uống thuốc, thầy muốn đại tiện, nhưng vì tâm tánh ngã mạn, ỷ vào quyền thế, nên không đi ra bên ngoài để đại tiện mà cứ đại tiểu tiện trong bô làm bằng vàng, rồi sai đệ tử bưng ra ngoài đổ; không ngờ vị đệ tử ấy là thánh nhân đã chứng đắc sơ quả. Nguyên nhân là vì thầy Tỳ kheo trong quá khứ không biết khiêm nhường, hòa thuận, cậy mình có nhiều tài sản, quản lý việc Tăng, nên khi thân thể mệt một chút là lười biếng không muốn động thân, sai khiến ngay thánh nhân đã chứng đắc, sai thánh nhân dọn phân và nước tiểu cho thầy. Do vì nhân duyên này, nên thầy ấy không ngừng trôi lăn trong sanh tử luân hồi, không ngừng sanh làm hạng người thấp hèn, năm trăm đời làm người quét dọn phân, mãi cho đến hôm nay. Tuy nhiên, nhờ trong quá khứ thầy có duyên được xuất gia và nhờ công đức thọ giới, khiến hôm nay mới có cơ duyên gặp Như Lai xuất thế, nghe được chánh pháp chứng đắc đạo quả.”
Đức Phật nói với đức vua rằng: “Bệ hạ có muốn biết thầy tự tại lúc bấy giờ là ai chăng? Chính là thầy Ni Đề hôm nay vậy.”
Vua hướng về Thế Tôn thưa: “Như Lai xuất thế, thật là hy hữu hiếm có, giải bớt khổ đau cho vô lượng vô biên chúng sanh!”
Đức Phật: “Lành thay! Lành thay! Như lời bệ hạ nói.”
Đức Thế Tôn nói tiếp: “Chúng sanh lưu chuyển luân hồi trong tam giới không có giai cấp, thân phận cố định bất biến. Con người tích lũy thiện nghiệp, nhân từ hòa thuận, sẽ được sanh vào gia đình quý phái, nếu quen theo tạo ác nghiệp, phóng túng kiêu mạn, sẽ bị sanh vào gia đình giai cấp hạ tiện.”
Đức vua nghe xong sanh tâm hoan hỷ, không còn sinh tâm tự cao, bèn quỳ xuống đảnh lễ dưới chân của thầy Ni Đề, tự mình thành tâm sám hối những sai lầm, xin được tha thứ, cầu nguyện những nghiệp xấu được tiêu trừ.
Đức Phật nhân đây vì đại chúng tuyên bày nghĩa lý thâm sâu của Phật pháp, nói rõ nội dung, cũng như hướng dẫn sự bố thí, trì giới và nói đến sanh vào cõi trời. Hy vọng mọi người thể hội được tham dục là không thanh tịnh, chỉ có thoát ly tam giới mới là niềm an lạc chân chánh. Lúc ấy những người đến nghe đức Phật thuyết pháp, tất cả đều chứng đạo quả, tín thọ phụng hành.
Câu chuyện này có những điểm thức tỉnh chúng ta:
Pháp Phật thanh tịnh vi diệu, dòng pháp của Như Lai, có thể rửa sạch bụi bặm của phiền não; lại như ngọn lửa trí tuệ, có thể đốt sạch tất cả phiền não lớn nhỏ. Pháp Phật rộng lớn vô lượng, không phân biệt chủng tánh, nghèo, giàu, quý, tiện, nam, nữ, già, trẻ, người biết y vào pháp mà tu học, đều có thể được đoạn trừ phiền não, đạt đến giải thoát.
Thầy Ni Đề tuy xuất thân trong gia đình thuộc giai cấp nô lệ, làm công việc hốt phân thấp hèn, nhưng đức Phật vẫn bình đẳng hóa độ, sau đó thầy Ni Đề chứng đắc quả A La Hán. Đức Phật còn chỉ rõ nhân duyên Ni Đề bị sanh vào giai cấp nô lệ, vì trong quá khứ thầy ấy đã dùng quyền lực, ngã mạn tự đại, sai thánh nhân dọn phân cho mình, cho nên bị sanh vào giai cấp thấp hèn.
Đức Phật dạy: Nhân từ, khiêm nhường, hiếu thuận sẽ làm người tôn quý; là người hung dữ, phách lối, kiêu mạn, tự cao tự đại sẽ sanh vào giai cấp nô lệ. Chúng ta có muốn sinh làm người nô lệ không? Nếu không muốn bị làm người nô lệ, thì cần phải gạt đi tâm kiêu mạn, nên dùng lòng nhân từ, khiêm nhường, hiếu thuận đối với mọi người, tôn kính người lớn, thương yêu người dưới!
Chúng ta cùng nhau tinh tấn.
Phước Nghiêm 04.05.2013