Xin chào quý Thầy, quý Cô và toàn thể Phật tử!
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng quý vị, một câu chuyện được trích từ Kinh Đại Trang Nghiêm Luận, trong Đại Chánh Tạng quyển 4, trang 302c 304a.
Người chân chính có đức hạnh nên được cúng dường, là người xứng đáng để người trí tôn kính.
Ngày xưa, có đức vua nước A Việt Đề tên là Nhân Đề Bạt Ma. Đức vua có một người em tên là Tu Lợi Bạt Ma, vì muốn tranh giành ngôi vua, nên hai anh em thường khởi quân đánh nhau.
Có một lần, Tu Lợi Bạt Ma dùng một tấm lưới săn thú lớn, trùm lên đầu của anh mình, sau đó xiết chặt tấm lưới. Nhân Đề Bạt Ma trong lòng rất hoảng hốt, ngay lúc đó liền phát nguyện: Nếu hôm nay được thoát chết, tôi sẽ tổ chức cúng dường bình đẳng theo lễ nghi của Phật giáo, không kể là người tại gia, kẻ phàm phu, hàng thánh nhân, nghèo hèn hay tôn quý, đều bố thí cúng dường.
Đức vua phát nguyện xong, tức khắc những sợi dây của lưới bị đứt ngang; từ đó đức vua đối với Tam bảo Phật, Pháp, Tăng càng có niềm tin vững vàng, sanh tâm cung kính, hạ lệnh cho đại thần Phù Giả Diên Mật Đa, chuẩn bị cho đại hội cúng dường.
Đại thần tuân theo lệnh của đức vua, tổ chức đại hội bình đẳng bố thí và cúng dường, vật phẩm cúng dường đại chúng toàn là những vật thực quý hiếm.
Lúc bấy giờ, đại thần ngồi gần bên cạnh các vị thượng tọa, nhìn thấy một vị thượng tọa chừa lại trong bát một nửa phần thức ăn; Vị ấy chúc phúc cho thí chủ xong, liền trút thức ăn còn lại vào chiếc bình bát của mình, sau đó rời khỏi chỗ ngồi, tình hình cứ liên tiếp diễn ra. Đại thần thấy cử chỉ của thầy Tỳ kheo như thế, khởi tâm bất tín Tam bảo, trong lòng suy nghĩ, thầy Tỳ kheo này, chắc chắn là không thanh tịnh rồi. Nên mang sự việc này kể cho đức vua nghe.
Đức vua hỏi: Ông có niềm tin rất sâu nơi Tam bảo Phật, Pháp, Tăng chăng?
Đại thần đáp: Một chút niềm tin cũng không có! Vì sao, vì nhìn thấy hành động chừa một nửa thức ăn rồi đứng lên rời khỏi đạo tràng của thầy Tỳ kheo. Vị này chắc chắn muốn mang thức ăn về cho người đàn bà của ông ấy, vì thế mà tôi sanh tâm hoài nghi.
Đức vua nghe xong đầu đuôi câu chuyện, vội vàng bịt hai tai lại, nói với đại thần rằng: Không nên nói những lời như thế! Ông không thể tùy tiện đánh giá người khác như thế. Ông không có đủ trí tuệ, thì làm sao mà nhận xét những người trước mắt là người như thế nào? Làm sao biết được chính xác như lời đức Phật đã dạy: Nếu tùy tiện phê bình chúng sanh, thì sẽ làm tổn hại đến bản thân. Ông đừng có sanh những suy nghĩ tà kiến điên đảo như thế nữa.
Đức vua bèn nói một đoạn kệ, có đại ý như sau: Giới, định và tuệ có công năng diệt trừ phiền não, cần phải nghe nhiều chánh pháp mới có thể ngộ được trí tuệ, vị này là đệ tử của đức Thế Tôn, ẩn tàng nhiều công đức, giống như than lửa được vùi trong tro.
Thế Tôn đã từng nói với một vị đã trải qua thời gian dài riêng an trú tu tập trí tuệ và giữ giới thanh tịnh: Ông không sống chung với người khác, thì làm sao biết rõ hành vi của họ được?
Đức Phật đã từng dùng trái am la để làm ẩn dụ cho bốn hạng người:
Hạng người thứ nhất: Nhìn bên ngoài trái am la như đã chín, nhưng thực chất bên trong nó vẫn còn sống; Cũng như có vị Tỳ kheo, nhìn bên ngoài có vẻ tu hành rất nghiêm túc, nhưng ngược lại trong lòng chứa đầy phiền não tham, sân, si, phá giới, hành vi bất thiện.
Hạng thứ hai: Trái am la nhìn bên ngoài có vẻ như còn sống, nhưng kỳ thực đã chín muồi; cũng như có Tỳ kheo nhìn bên ngoài trông có vẻ thô tháo không có oai nghi, hình tướng cũng không được trang nghiêm, nhưng bên trong lại có đủ giới hạnh, thiền định và trí tuệ của người xuất gia.
Hạng người thứ ba: Trái am la bên ngoài và trong đều vẫn còn sống; cũng như thầy Tỳ kheo hình thức ngoài thô tháo nội tâm chứa đầy các loại phiền não tham, sân, si và lòng đố kỵ v.v..
Hạng người thứ tư: Như trái am la trong ngoài đã chín muồi; cũng như một thầy Tỳ kheo từ hình thức đến nội tâm đã thuần thục thiền định, trí tuệ và giới hạnh được thanh tịnh. Chỉ những bậc Điều ngự trượng phu như đức Phật thì mới có thể nhìn thấy rõ ràng căn tánh của mỗi chúng sanh.
Đức Phật cũng từng nói: Chỉ có bậc ngang hàng với đức Phật, mới có thể đánh giá được người khác. Vì thế ông không nên tùy tiện phán xét đệ tử của đức Thế Tôn, không nên sanh tâm vọng tưởng phân biệt. Như có bảo vật bị chôn vùi trong cát, vì bị cát phủ kín trên mặt, thì ai mà biết được trong đất có chứa bảo vật?
Bây giờ, ông không cần thiết phải đến cúng dường, để tôi đến trước tìm hiểu xem; Bắt đầu từ hôm nay, tôi đích thân đến cúng dường chúng Tăng. Người thiếu hiểu biết, nghe Phật pháp, do sanh tâm nghi hoặc, lấy liều thuốc giáo pháp cho rằng là độc dược.
Từ đó, đức vua tự thân đến cúng dường đại chúng Tỳ kheo, tự tay sớt cơm và gắp thức ăn dâng lên cúng dường.
Lúc ấy, vị thượng tọa cũng như mọi hôm, giữ lại một nửa phần ăn, chúc phúc thí chủ xong, cầm bát lên rồi ra về.
Đức vua vội vàng chạy theo, và thưa cùng vị thượng tọa rằng: Thượng tọa, tuổi ngài đã cao, có thể để tôi giúp ngài ôm bình bát không.
Vị thượng tọa không nhận ý tốt của vua, không giao bình bát cho vua; nhưng đức vua nằng nặc muốn được ôm bát giúp thầy Tỳ kheo, nhưng vị thượng tọa vẫn không nhường bát cho đức vua ôm hai người đi thẳng về phía thôn Chân đà la. Lúc ấy, vị thượng tọa nói đoạn kệ, có đại ý: Tôi biết ông có lòng tin Tam bảo rất thanh tịnh, có lòng Từ bi thương xót, có thể cứu giúp, hóa độ chúng sanh. Ngài tuy sinh ra trong ngũ trược ác thế, nhưng dung mạo và cử chỉ của Ngài vô cùng nghiêm túc, cẩn thận và trang trọng. Ngày xưa, có nhiều vị vua có tiếng tăm, nhưng họ còn lâu mới sánh được với Ngài. Đức vua không hiểu được sự trì giới thanh tịnh của tôi, mà chỉ nhìn thấy hình tướng xuất gia của tôi. Trước đây, chúng ta chưa từng giao du với nhau, cũng chẳng có ân oán gì nhau để đền trả, nhưng Ngài lại một lòng thương yêu và tôn kính tôi, chẳng khác nào đang đền đáp công ơn dưỡng dục của chính cha mẹ mình, thậm chí còn hơn thế nữa.
Tuy tôi không thể thấy được trong lòng của Ngài, nhưng sáu căn của Ngài điềm đạm hòa nhã; chẳng khác nào mặt trời đã lên cao, nhưng bị lớp mây dày đặc đang phủ kín, không nhìn thấy được. Mặt trời tuy đã bị mây che lại, nhưng chỉ cần nhìn những đóa hoa đang nở, thì cũng biết được mặt trời vẫn đang hiện hữu.
Khó có vị quốc vương nào mà có niềm tin Tam bảo vững vàng như Ngài, điều này thật là kỳ diệu, từ trước chưa từng thấy qua. Ngài có thể khiêm tốn, cung kính hạ mình xuống, muốn giúp tôi ôm bình bát; Ngài đầy đủ phước báu có đầy đủ vinh hoa phú quý, mà không có tâm kiêu ngạo, phóng túng. Đa phần các quốc vương sau khi được nắm quyền lực trong tay, thường bị tâm kiêu căng ngã mạn làm mờ mắt, nên tạo nhiều ác nghiệp, dẫn đến sự suy đồi thảm bại.
Ngài có sức mạnh của trí tuệ, hiểu được vật chất là thứ không tồn tại lâu dài lại biết phát tâm bố thí cúng dường; có thể quan sát được sắc thân giả hợp không thật, như ánh nắng mặt trời làm tan sương mù; biết cách dùng tài vật nguy hiểm để đổi lấy pháp tài công đức vững vàng. Tóm lại mà nói, những thiện pháp đều từ đây mà tăng trưởng. Giống như Ngài có thể làm chủ được cái tâm của mình, lấy thân làm mô phạm. Đây là phương pháp giáo hóa có đủ sức thuyết phục nhất. Ngài đang tiếp nối sự nghiệp trước đây của những bậc thánh nhân, cũng mong sao tất cả chúng ta đều có thế tiếp bước theo dấu chân của các bậc thánh hiền.
Hôm nay, tôi đã thọ nhận sự cúng dường của quốc vương, Ngài lại khiêm hạ muốn giúp tôi ôm bát, Ngài cúng dường là đủ rồi, không cần phải giúp tôi cầm bát nữa.
Lúc ấy, đức vua cứ theo sát vị thượng tọa, muốn được ôm bát cho thầy.
Vị thượng tọa suy nghĩ: Chẳng lẽ có nguyên nhân gì chăng, tại sao đức vua cứ một mực muốn được ôm bát của ta? Vị thượng tọa liền nhập định và quan sát, biết được đức vua vì muốn thuyết phục đại thần, nên một lòng muốn được ôm lấy bình bát.
Thầy Tỳ kheo lập tức nói một đoạn kệ, có đại ý như sau:
Kẻ phàm phu ngu muội không rõ sự việc và chân lý, muốn làm lay động núi Tu di; Lúc này tôi phải trao bát cho đức vua, giúp đức vua toại nguyện độ vị đại thần. Đối với tôi, bất kể là hủy báng hay khen ngợi, tâm tôi chẳng mảy may dao động, nhưng nếu vì tôi mà khởi tâm bất tín, tức là làm tổn hại đến lòng tin Tam bảo của nhiều người.
Nói xong đoạn kệ trên, thầy Tỳ kheo liền trao bát cho đức vua. Đức vua nhận lấy bát, nhẹ nhàng cẩn thận như con voi dùng vòi đỡ lấy một đóa hoa sen mềm mại. Thế là đức vua ôm bát đi theo thầy Tỳ kheo đến nhà một người Chiên đà la (Chiên đà la là tầng lớp thấp hèn nhất của chế độ giai cấp Ấn Độ, chỉ người cha thuộc giai cấp Thủ đà la, mẹ thuộc giai cấp Chiên đà la, địa vị còn thấp hơn giai cấp Thủ đà la).
Lúc ấy, vị thượng tọa mời đức vua vào bên trong, nhưng Ngài không chịu vào, mà đứng bên ngoài cửa.
Người mẹ của vị thượng tọa đã chứng tam quả A na hàm từ lâu, đầy đủ thiên nhãn thông, biết được ý nghĩ cũng như nhân duyên thiện căn của người khác. Mẹ của vị thượng tọa thưa với quốc vương: Xin đức Vua chớ lo ngại, mời Ngài vào nhà của tôi. Sau đó, nói một đoạn kệ có đại ý như sau:
Ngài không cần phải nghi ngờ, nơi đây cho dù là nhà của giai cấp Thủ đà la hay Chiên đà la đi nữa? Đứa con lớn của tôi đã chứng đắc tứ quả A la hán, đứa con thứ ba chứng sơ quả Tu đà hoàn, còn tôi là đệ tử Ưu bà di của đức Thế Tôn bậc nhất thiết trí, tôi đã chứng đắc quả A na hàm.
Ngài chỉ nên quán sát sự tu hành trì giới của chúng tôi, không nên hỏi chúng tôi sanh ra từ giai cấp nào; chỉ cần nhìn đức hạnh của chúng tôi, không cần biết người thân quyến thuộc của chúng tôi là ai.
Sanh vào trong gia đình này, có những công đức thù thắng riêng của chúng, cũng như trong đống cát đá, có thể tìm thấy vàng thật vậy.
Mặc dù cây Y lan có mùi hôi thối, vẫn có thể đốt cháy thành ngọn lửa, trong vũng bùn bẩn thỉu tanh dơ, cũng có thể mọc lên hoa sen tinh khiết. Nhận xét một con người, nên quan sát những đức hạnh của họ, tại sao lại nhìn vào chủng tộc, giai cấp?
Bất luận là có mùi thối như Y lan, hay ngát hương như cây Chiên đàn, đốt lên đều có thể cháy mà nấu chín thức ăn, cả hai loại cây có tác dụng ngang nhau, công năng và hữu ích thật không hơn kém gì nhau.
Đức vua nghe người mẹ của thầy Tỳ kheo nói bài kệ xong, khen ngợi và nói: Ồ! Người mẹ này đích thực là người có công hạnh thanh cao trong Phật pháp. Đức Phật từ bi bình đẳng khiến cho người Chiên đà la cũng chứng đắc giải thoát, không còn luân hồi trong sanh tử. Không cần chọn lựa chủng tộc, đây chính là lời mà đức Phật từng dạy. Hôm nay, cuối cùng đã nghe được người thuộc giòng họ Chiên đà la, cất lên tiếng của sư tử hống nói pháp thậm thâm vi diệu (đến hạng người thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội cũng có thể cất lên tiếng hống của sư tử, để trình bày diệu pháp).
Đức vua lại suy nghĩ: Người ta thường cho rằng, nếu cúng dường cho người thuộc giòng họ thấp hèn, vì phước báu của họ rất ít, nên công đức có được cũng không nhiều; nhưng người Chiên đà la này thực sự có đầy đủ công đức, mình cúng dường những vị thánh có đủ đức hạnh, không nên khởi tâm phân biệt người đó có phải là người thuộc Chiên đà la hay không.
Đức vua sau khi suy nghĩ thâm sâu, liền nói đoạn kệ, đại ý như vầy: Chỉ nên cúng dường người có đức hạnh, mà không nên khởi tâm phân biệt thân phận và giai cấp, và xin dùng hình ảnh một vị Bà la môn để thí dụ.
Hoa sen sinh ra từ trong bùn lầy, nhưng chư thiên và A tu la đều rất cung kính hái hoa cài lên đầu.
Nếu người Bà la môn có làm điều sai, người có trí tuệ sẽ xa rời họ; Nếu xuất thân từ giòng tộc cao quý như Bà la môn mà làm việc ác, chẳng lẽ không có tội lỗi sao? Thật ra thì vẫn có lỗi vậy.
Còn người sinh ra trong gia đình Chiên đà la, nếu có đủ đức hạnh, không xứng đáng khen ngợi và noi gương sao? Người đó đích thực có công đức. Như người Chiên đà la có đức hạnh này, xứng đáng cho tôi cúng dường. Những người Chiên đà la vào trong rừng tu khổ hạnh, có thể gọi họ là bậc tiên nhân hoặc thánh nhân chứ không phải là người Chiên đà la thấp hèn.
Cũng như những con hươu bị người Chiên đà la giết, đức vua cũng có thể ăn thịt của hươu, cung tên của người Chiên đà la chế tạo ra, cũng có thể mang ra để đi săn! (người Chiên đà la giết hươu, vua có thể ăn; cũng thế, họ chế tạo cung tên, vua có thể sử dụng, không phải vật đó do người Chiên đà la làm ra mà vua không sử dụng).
Vì những nhân duyên đó, nên tôi nên tin theo lời dạy của đức Thế Tôn: trong giòng họ của Chiên đà la có người đầy đủ đức hạnh, tại sao không noi theo học hỏi?
Nói xong đoạn kệ trên, đức vua bèn tiến vào trong, quỳ xuống chắp tay, trong lòng suy nghĩ: Mình nên đảnh lễ người mẹ của vị thượng tọa, hay nên đảnh lễ đức Phật trước đây? Đức Thế Tôn đã dạy cho họ con đường chân chính, có thể đưa tất cả chúng sanh từng bước an ổn đi trên con đường chân chính, có lẽ mình nên đảnh lễ đức Thế Tôn trước.
Đức vua bèn nói bài kệ, đại ý như sau:
Kính đảnh lễ đấng y vương cao cả, vị tiên tu khổ hạnh Phật đà. Con hôm nay vì nhân duyên của đức Thế Tôn, mà đảnh lễ người thuộc giai cấp hạ tiện này (thường thì những vị quốc vương ở địa vị cao, họ không thể đảnh lễ người thuộc tầng lớp thấp hèn, nhưng vì vâng theo lời giáo huấn của đức Phật, cả bốn giai cấp đều như nhau). Cũng như đậu trên núi Tu di, cho dù là con quạ đen, hay con hươu màu nâu, lông của chúng đều biến thành màu vàng kim. Ngày trước tôi từng nghe qua những việc như vầy, nhưng mãi đến hôm nay, tôi mới tận mắt mình nhìn thấy (không kể là Bà la môn hay Chiên đà la, chỉ cần tinh cần thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn, đều có thể chứng đắc được quả vị giải thoát như nhau).
Nếu nương tựa vào đức Phật, thì cho dù sanh vào giai cấp thấp hèn, cũng trở thành cao cả. Trí tuệ của đức Phật đầy đủ và rộng lớn như biển cả, nếu chúng ta có thể tịnh hóa ý niệm của chính mình, thì có thể đến bờ bên kia, có trí tuệ rộng đầy đủ như đức Phật. Chỉ có đức Thế Tôn mới có đủ năng lực chuyển hóa thế gian, tình thương của Ngài đối với mỗi chúng sanh không khác nhau, dù chỉ là một suy nghĩ, xem tất cả chúng sanh như chính người thân của mình.
Đức Thế Tôn vì muốn dẫn chúng sanh cùng được giải thoát, nên đã tùy theo căn cơ mà nói nhiều pháp môn khác nhau để khai thị cho chúng sanh; còn hàng ngoại đạo thì ngược lại, chia thành giai cấp, lại đối xử phân biệt một cách không hợp lý.
Lúc ấy, đức vua nói bài kệ xong, đảnh lễ và ra về.
Câu chuyện này cảnh tỉnh chúng ta: Khi trí tuệ chúng ta chưa đạt đến nhất thiết chủng trí như đức Phật, không nên tùy tiện nhận xét hay phán đoán người. Cũng như trái am la xem bên ngoài vẫn còn xanh, nhưng bên trong đã chín muồi; cũng như vậy, vị tượng tọa nhìn hình tướng bên ngoài oai nghi không đầy đủ, nhưng nội tâm kỳ thật đã đầy đủ công đức của giới định tuệ. Không nên tùy tiện xem thường người và sanh tâm cống cao.
Chúng ta cùng nhau tinh tấn.
Phước Nghiêm 28.12.2013