Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!
Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một truyện cổ Phật giáo. Câu chuyện được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 302.
Trong kinh có dạy rằng, nếu không tập trung được tâm ý, đến lúc mạng chung thật khó bảo đảm vãng sanh vào cõi lành.
Câu chuyện kể rằng, có một người hầu cận của vua Bà tu tên là Đa sí na ca, vị đại thần này từng được nhà vua tin cẩn. Sau đó, do có người muốn gây chia rẽ ly gián, nên gièm pha, vì thế ông bị tống vào ngục. Họ vì muốn hãm hại Đa sí na ca nên dựng lên nhiều tin đồn thất thiệt về ông, truyền đến tai nhà vua, quốc vương nghe xong vô cùng phẫn nộ sai người đến giết ông.
Lúc ấy, những người thân quyến của
Đa sí na ca đến vây quanh ông, và nói:
- Ông là người rất thông minh, hiểu biết hơn người thường, thế nhưng giờ đây, tâm của ông tại sao lại nóng vội như thế? Bây giờ, đang cận kề cái chết, theo ông thứ gì là khổ nhất?
Na ca đáp:
- Vì sợ hãi tử vong, nên cảm thấy thật khủng khiếp, vì thế trong tâm không thể an định được.
Tiếp theo, ông nói một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Trước kia, tôi vì ly biệt mẹ cha, người thân và quyến thuộc, luôn cảm thấy vô cùng đau đớn, buồn tủi, nghĩ rằng đây là sự khổ nhất của thế gian. Mãi cho đến hôm nay, khi chính mình đối đầu với cái khổ của chết chóc, mới hiểu ra cái khổ của ái biệt ly thật quá nhỏ bé.
Tôi suy nghĩ, phân tích trong các thứ khổ, thì tử vong vẫn chưa phải là cái khổ lớn nhất, cái khổ vô bờ bến, là khi không biết chết rồi sẽ sanh về đâu, đây mới là nỗi khổ đích thực. Thân tâm của tôi bất an, sự nóng nảy bứt rứt này không gì có thể sánh bằng, giờ chết cận kề rồi, nhưng không biết sẽ đi về đâu?
Tự thân chưa lìa tham dục, thì có ai mà không sợ hãi, ai mà không hoảng hốt? Tâm ý tôi hoảng loạn, cảm thấy vô cùng khiếp sợ, chẳng khác nào người mù phải lặn lội đường dài, không biết sẽ đi về hướng nào? Bao nhiêu ý chí, nghị lực đều biến mất, chẳng khác nào đống cát bị sụp đổ, không thể níu kéo được.
Thật đúng như đức Phật từng dạy, phương hướng của tâm, là do tâm niệm thúc đẩy, mà bây giờ tâm tôi điên đảo hỗn loạn, thì càng khó mà được thác sanh vào cõi thiện.
Nếu như tâm niệm được tự tại, sẽ tùy ý vãng sanh vào cõi lành; thế nhưng, tôi bây giờ tâm phiền ý loạn, hoàn toàn không thể làm chủ, không thể điều khiển tâm cho an trụ được.
Trước đây, tôi quả thật quá ngu si nông cạn, say sưa trong thú vui ngũ dục, không biết trở về quán sát nội tâm, không biết đưa tâm về an trú trong thiện pháp.
An trú trong rừng núi, ngồi thiền, nhiếp hộ an trú tâm, những việc làm thù thắng như thế, đến hôm nay tôi mới nghĩ đến, mới mong ước; nếu có thể nhiếp tâm an trú thì sẽ đạt được bảo tạng thiền định, đây là do nội tâm được an lạc, được vắng lặng.
Tôi vẫn còn nhớ ý nghĩa của ba bài kệ mà đức Phật Thích ca mâu ni từng dạy:
Phóng dật, tạo tác ác hạnh, trái phạm giới luật, đây là việc người tu hành không nên làm.
Bỏ chánh hạnh đầy lợi ích, tham đắm cảnh giới đáng yêu; đợi đến lúc muốn tu thiện hạnh, thì bất tri bất giác, cái chết đột nhiên xuất hiện.
Cũng như xa lìa con đường bằng phẳng chánh trực, chạy theo ngõ hẹp nguy hiểm quanh co bất chánh, trục bánh xe bị gãy, xe lập tức dừng lại, chỉ biết đứng yên buồn bã chờ đợi.
Đi ngược với chánh pháp chân thật, làm việc trái với quy luật, kẻ ngu si chẳng khác nào trục xe đã bị gãy, chỉ còn sa đọa vào cảnh giới âu sầu, ở đó đợi tử vong đến.
Tại sao lại nói như thế? Vì trước giờ không khéo rèn luyện quán tưởng về tử vong, đợi đến lúc lâm chung mới hoảng hốt muốn luyện tập thiền quán, do đó, không thể trừ bỏ được sự chấp trước ngũ dục, không biết sẽ sanh vào nơi nào, nên mới hối hận, sợ hãi”.
Rồi ông ta nói tiếp một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Người có trí huệ cần phải giữ gìn chánh niệm, trừ bỏ sự tham đắm về năm thứ dục lạc. Nếu người biết tu tập tinh tấn, giữ gìn tâm niệm, thì đến lúc đối diện với cái chết, sẽ không cảm thấy hối hận.
Tập trung được tâm ý thì ý nghĩ sẽ thanh tịnh, cho nên người có trí huệ luôn nỗ lực giữ gìn chánh niệm, đến lúc lâm chung sẽ không bị tán loạn.
Nếu bình thường chỉ chuyên chú vào cảnh giới bên ngoài, không thực tập tâm cho chuyên nhất, thì lúc lâm chung tâm niệm chắc chắn sẽ bị loạn động.
Tâm niệm tán loạn cũng giống như huấn luyện ngựa, ngày thường, người chủ chỉ dạy cho nó đi vòng quanh cối để xay lúa, đến lúc ra trận, ngựa chỉ biết đi vòng qua vòng lại, không cách nào đi thẳng về phía của đối thủ.
Người không có khả năng quán sát tâm ý giỏi, không biết thâu nhiếp năm căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đến lúc kề cận với cái chết thì càng khó mà khống chế được chúng, chẳng khác nào đem áo giáp cất kỹ trong kho lâu ngày sinh rỉ sét, đợi đến lúc sắp đối đầu với kẻ địch mới xem tới thì áo giáp đã bị hư hoại thất lạc; người không biết làm chủ tâm ý, đến lúc lâm chung cũng chẳng khác gì.
Câu chuyện này, có nhiều điểm đáng để chúng ta học hỏi:
Chúng ta có bảo đảm rằng đời này có thể được giải thoát chăng? Hoặc tin chắc rằng, sau khi mạng chung, sẽ vãng sanh vào cõi lành, hoặc được vãng sanh về quốc độ của chư Phật?
Câu chuyện này có đề cập đến, nếu phát tâm thuần chánh, thì giống như đi trên con đường lớn đầy ánh sáng; nếu còn tâm bất chánh, sẽ đi vào con đường nhỏ lại khúc khuỷu và nguy hiểm, trên con đường nguy hiểm ấy, trục xe lại bị gãy rơi ra, sẽ cảm thấy lo âu, sợ hãi.
Trong Tứ phần luật tì kheo giới bổn có mấy ví dụ cũng tương tự như thế, tất cả có bốn ví dụ, những bài kệ này rất thâm thúy. Thí dụ thứ nhất:
Thí như nhân hủy túc,
Bất kham hữu sở thiệp,
Hủy giới diệc như thị,
Bất đắc sanh thiên nhân.
Dục đắc sanh thiên thượng,
Nhược sanh nhân gian giả,
Thường đương hộ giới túc,
Vật linh hữu hủy tổn.
Ví như người què chân,
Không thể đi đâu được,
Người phá giới cũng vậy,
Không thể sanh trời người.
Muốn được sanh lên trời,
Hoặc được sanh cõi người,
Thường phải giữ chân giới,
Đừng để bị thương tổn.
Ý muốn nói giữ giới thanh tịnh là nền tảng sinh ra các công đức, cũng như đôi chân của con người, một khi đôi chân bị thương, thì không thể bước đi được; giữ giới không thanh tịnh cũng như thế, sẽ không thể sanh lên cõi trời, cũng không thể được làm người. Nếu muốn đời sau được sanh lên cõi trời, hoặc thác sanh vào nhân gian để làm người, cần phải bảo hộ giới thanh tịnh, gặp bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được hủy phạm. Thí dụ thứ hai:
Như ngự nhập hiểm đạo,
Thất hạt chiết trục ưu,
Hủy giới diệc như thị,
Tử thời hoài khủng cụ.
Như xe vào đường hiểm,
Lo hư chốt, gãy trục,
Phá giới cũng như vậy,
Khi chết lòng sợ hãi.
Cũng giống như cưỡi xe ngựa trên đoạn đường nguy hiểm, chốt giữ cho xe được cố định bị rơi mất, một khi xe bị hỏng, chắc chắn vô cùng lo lắng, khổ não (vì xe không còn chạy được nữa); hủy hoại giới hạnh cũng như thế, lúc lâm chung không tránh khỏi buồn rầu, sợ hãi Thứ ba, thí dụ soi gương:
Như nhân tự chiếu kính,
Hảo xú sanh hân thích,
Thuyết giới diệc như thị,
Toàn hủy sanh ưu hỷ.
Như người tự soi kiếng,
Đẹp, xấu sanh vui buồn,
Thuyết giới cũng như vậy,
Vẹn, hỏng sanh mừng lo.
Cũng như lúc soi gương, thấy khuôn mặt của mình thật xinh xắn, trong lòng tràn đầy phấn khởi; nếu thấy vẻ mặt xấu xí, sẽ buồn bã chán nản; trì giới cũng như thế, nếu trì giới được thanh tịnh sẽ cảm thấy rất hoan hỷ, nếu hủy hoại giới hạnh sẽ cảm thấy rất sầu muộn.
Thứ tư, là thí dụ hai bên chiến đấu:
Như lưỡng trận cộng chiến,
Dõng khiếp hữu tấn thoái,
Thuyết giới diệc như thị,
Tịnh uế sanh an úy.
Như hai bên đánh nhau,
Gan, nhát có tiến thoái,
Thuyết giới cũng như vậy,
Tịnh, nhiễm sanh vui, sợ.
Lại như trong cuộc chiến của hai phe, bên nào mạnh thì thẳng tiến, còn phe yếu sẽ rút lui. Việc trì giới cũng không khác, nếu giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, thì trong lòng cảm thấy an ổn; nếu hủy phạm giới hạnh, sẽ cảm thấy áy náy, sợ sệt, trong tâm luôn bất an.
Thông thường, chúng ta miêu tả người có tâm thần bất an, không chuyên chú bằng cụm từ “tâm viên ý mã”. Nếu muốn được như nguyện, mong thác sanh vào cõi lành, hoặc vãng sanh về Phật quốc, thì bình thường chúng ta phải điều phục cho được tâm như ngựa của mình, khiến cho tâm chúng ta phải biết lắng nghe, phải nhu nhuyến. Nếu thường ngày cứ để tâm mãi dong ruổi, thì đến lúc lâm chung, tâm từ trước đến nay vốn tán loạn có thể tự tĩnh lặng chăng? Không thể có được! Nếu thường ngày chỉ biết khoái lạc trong ngũ dục, chưa một lần để tâm an trú trong thiện pháp, đến lúc lâm chung, tâm sẽ khủng hoảng, ý sẽ loạn động, lúc đó không biết đi về đâu. Kinh dạy: “Trực tâm thị đạo tràng” (Tâm chính trực là đạo tràng)! Cho nên, bình thường chúng ta cần phải có chánh niệm, chánh tri, luôn giữ gìn niệm thiện, niệm thiện này không phải vừa lóe sáng liền tắt mất, mà phải giữ cho nó sinh khởi liên tục thì mới được.
Chúng ta cùng tinh tấn!
Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 21.03.2015