Home > Khai Thị Phật Học > Bo-Thi-Voi-Tam-Thanh-Tinh-Qua-Bao-Kho-Luong
Bố Thí Với Tâm Thanh Tịnh Quả Báo Khó Lường
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính chào quý Thầy, quý Cô, cùng quý vị Phật tử!

Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng đại chúng một câu chuyện trong kinh Phật. Câu chuyện này được trích từ Kinh Đại Trang Nghiêm Luận, trong Đại Chánh Tạng quyển 4, trang 279c 280a.

Thực hành bố thí không phải ở chỗ vật chất nhiều hay ít, mà quan trọng là tín tâm có được thanh tịnh hay không? Dù cho, có khi chỉ bố thí hai đồng, nhưng phước báu có được khó đong lường.

Câu chuyện kể rằng, có một cô gái đến núi Trú Âm, thấy mọi người mở hội bình đẳng cúng dường. Không kể là người xuất gia hay tại gia, kẻ phàm phu hay thánh nhân, thấp hèn hay tôn quý, đều bố thí cúng dường không phân biệt. Lúc ấy, cô gái đến hội trường xin ăn, tận mắt nhìn thấy Tăng chúng, trong lòng cảm thấy rất vui không gì có thể sánh bằng. Không kiềm chế được dòng cảm xúc dâng trào, cô bèn thốt lên lời khen ngợi: “Lành thay! Thánh Tăng! Chẳng khác nào biển lớn, là nơi tập hợp bảo báu; Mọi người đều muốn cúng dường Tăng bảo, nhưng tôi nghèo xơ xác thế này, không có vật gì dâng lên cúng dường”. Nói dứt lời cô bèn tìm khắp toàn thân từ trên xuống dưới, thật sự không có một vật gì để cúng dường. Cô suy nghĩ một lát rồi reo lên: “A đúng rồi! Hôm trước mình có nhặt được hai đồng tiền kẽm ở trong đống phân”, cô bèn lấy hai đồng tiền kẽm ra dâng lên cúng dường chư Tăng. Lúc ấy, trong Tăng chúng có một vị thượng tọa đã chứng quả A la hán, biết được tâm niệm của chúng sanh. Vị thượng tọa này luôn giữ gìn chánh niệm, chánh trí trong mọi lúc mọi nơi, nên thấy được tín tâm của cô gái thật thâm sâu, muốn giúp cô có được phước báu càng lớn, vì thế thầy không đợi thầy quản Tăng đến thỉnh, đã chủ động đứng lên kính cẩn, tự mình đến chúc phúc cầu nguyện cho cô gái, đồng thời nói với đại chúng: “Kính thưa đại chúng! Xin lắng lòng nghe tôi nói!” Rồi thầy nói lên một đoạn kệ: “Tấm lòng của cô gái này thật rộng lớn, cho dù tất cả bảo vật trong thế gian, đều có thể cúng dường chúng Tăng (trong tâm của cô gái, đều có thể cúng dường Tăng chúng). Đại chúng hãy dụng tâm quán sát, muốn phước huệ song tu, hãy cầu mong cho cô gái đi đến con đường giác ngộ giải thoát, vĩnh viễn không còn chịu cảnh nghèo khổ”. Cô gái nghe xong, tín tâm càng sanh khởi mạnh mẽ: “Quả như lời của Thầy, tôi đã làm những việc khó làm, cùng với việc bố thí tiền tài, vật quý giá không khác” (cô gái tuy chỉ cúng dường hai đồng tiền kẽm, nhưng với tâm rộng lớn nên được công đức lớn như cúng dường tất cả tài bảo không khác). Trong sự xúc động và vui mừng lẫn lộn tuôn trào, cô đảnh lễ năm vóc sát đất và quy y Tăng chúng. Sau đó, đối trước đại chúng dâng hai đồng tiền kẽm lên trên bàn, nước mắt đầm đìa, nói lên một đoạn kệ: “Xin cho con đời đời kiếp kiếp, không còn chịu cái khổ của nghèo đói, thường được an vui và hạnh phúc, không còn bị xa cách người thân nữa, phước báu mà con cúng dường Tăng chúng hôm nay, chỉ có đức Thế Tôn mới biết, công đức bố thí này. Cầu cho ước nguyện của con sớm được thành tựu.”

Nhờ gieo trồng thiện tâm nhỏ bé như vậy, và nguyện trong đời này sanh khởi thiện căn; Nên khi cô gái xuống núi, ngồi dưới một gốc cây, bóng cây đứng yên không dịch chuyển, phía trên cây có một đám mây trắng đang bao trùm che lấy toàn thân cây. Lúc ấy, có vị Quốc vương vì Hoàng thê vừa mới qua đời, trong lòng thương nhớ, nên ra bên ngoài đi dạo, nhìn thấy đám mây trắng che phủ thân cây, phía dưới lại có một cô gái đang ngồi. Đức vua bỗng đem lòng yêu say đắm, bèn đưa cô gái về cung, phong làm Hoàng hậu.

Hoàng hậu trong lòng nghĩ: “Trước đây tôi có phát lời nguyện, hôm nay lời nguyện đã được như ý”. Bèn tâu với đức vua rằng: “Xin chuẩn bị trân bảo, các vật phẩm cúng dường, mang đến núi Trú Âm cúng dường Tăng chúng”. Nhưng lần này vị tượng tọa không đích thân đến làm lễ cầu nguyện. Đại chúng cảm thấy thật khác thường, bèn hỏi: “Cô gái ngày trước lúc còn nghèo khó, tuy chỉ cúng dường hai đồng tiền kẽm, thầy lại đích thân đứng lên làm lễ cầu nguyện chúc phúc cho cô ta. Giờ đây cô ấy đã trở thành hoàng hậu của quốc vương, và mang các loại bảo vật vô cùng quý giá đến cúng dường. Tại sao thầy lại không đích thân làm lễ cầu nguyện cho hoàng hậu?”

Lúc ấy, vị thượng tọa nói với đại chúng: “Ngày trước sở dĩ tôi đích thân đến làm lễ cầu nguyện cho cô gái, không phải vì cô ta cúng dường phẩm vật, mà vì thương cho cô gái tâm niệm tán loạn, cho nên tôi mới tự thân đến giúp đỡ”. Sau đó nói tiếp một đoạn kệ: “Không phải vì cúng dường phẩm vật nhiều, mà được phước báu lớn. Chính là nương nơi thiện tâm thù thắng, mới hưởng được phước báu rộng lớn.”

Cô gái này, ngày trước với lòng thành kính dâng tất cả tài sản cúng dường, cái tâm bố thí này, chỉ có trí tuệ của đức Phật mới thấu hiểu được, không phải chỗ mà tôi có thể tường tận được.

Hôm nay tuy cô ta mang đến cúng dường rất nhiều phẩm vật quý giá, nhưng công đức chỉ bằng một phần mười sáu của sự phát tâm.

Nếu bố thí mà mang tâm tạp niệm nhiễm ô, thì chẳng khác nào sự buôn bán trao đổi, đầu tư nhỏ nhưng muốn được lợi nhuận lớn. Bố thí tuy không bao nhiêu, nhưng với tâm thanh tịnh bố thí, mai sau chắc chắn nhận được phước báu rộng lớn vô lượng.

Như vua A Dục với tâm thanh tịnh cúng dường đức Thế Tôn một nắm đất; hoặc như cô gái nghèo trong thành Xá Vệ mang nước vo gạo ra cúng dường cho tôn giả Ca Diếp, phẩm vật cúng dường đều không phải là thứ quý giá. Song vua A Dục nhờ tiền kiếp cúng dường một nắm đất nhỏ, mà đời sau được làm vua thống lĩnh cả đại địa; Cô gái nghèo cúng dường nước vo gạo, được phước báu lớn thác sanh vào cõi trời. Có thể cho thấy phẩm vật bố thí tuy không nhiều, nhưng với tâm thanh tịnh rộng lớn, sẽ được hưởng phước báu khó lường. Cũng như chiếc áo trắng sạch, chấm một giọt dầu lên áo, vết nhơ của dầu sẽ từ từ lan rộng ra càng lúc càng lớn. Chẳng khác nào cho một giọt dầu vào trong hồ nước, giọt dầu lúc đầu rất nhỏ, nhưng sau đó lại lan rộng ra cả mặt hồ. Cho nên cần phải hiểu, “tâm niệm thành kính, phước báu mới được vô lượng.”

Trong bài kinh này có đề cập đến tiền kiếp của vua A Dục. Khi vua còn là một cậu bé, một hôm gặp được đức Thế Tôn và thầy A Nan trên đường ra ngoài đi khất thực, cậu bé này với tâm cung kính, đã vốc một nắm đất dâng lên đặt vào trong bình bát của đức Thế Tôn cúng dường. Tôn giả A Nan thấy vậy bèn lên tiếng: “Tại sao con lại lấy đất đặt vào bình bát? Chiếc bát này dùng để đựng thức ăn!”. Đức Phật biết được đứa bé phát tâm thanh tịnh, bèn nói: “Để cho cậu bé được cúng dường”. Vua A Dục vì tiền thân dùng tâm thanh tịnh cúng dường, nên đời sau được làm vua thống lãnh đất nước Ấn Độ, kinh điển đều ghi chép lại, cúng dường dù chỉ một nắm đất nhỏ nhoi, nhưng được phước báu làm vua cai trị cả một vương quốc.

Cô gái nghèo đúng thật là nghèo xơ xác, khi có người vo gạo, họ sẽ bỏ nước ấy đi, nhưng cô gái lấy chiếc bình sành đến hứng. Tuy vậy, có khi lại không hứng được, nên thường xuyên chịu đói khát. Nhưng Ca Diếp tôn giả nói: “Không sao đâu! Nước vo gạo cũng rất quý”. Cô gái cung kính cúng dường, sau đó được sanh lên cõi trời.

Câu chuyện này nội dung chủ yếu dạy chúng ta tâm thanh tịnh cúng dường mới quan trọng, được phước báu nhiều ít không phải ở chỗ phẩm vật cúng dường ít hay nhiều.

Chúng ta cùng nhau tinh tấn!

Phước Nghiêm 04.01.2014