Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa quý Phật tử!
Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý vị một câu chuyện trong kinh điển. Câu chuyện này được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng, quyển 4, trang 261a19 262c2, tên là ‘Gieo ruộng phước thì được phước đức, không nên phân biệt người già hay trẻ’.
Từng nghe rằng, trước đây có các thí chủ nhờ những vị tu hành mà họ quen biết, đến chùa cung thỉnh chư tăng về nhà, để cho họ được thành tâm cúng dường. Có điều, họ chỉ thỉnh những vị lớn tuổi, mà không mời những vị tăng trẻ tuổi. Trong lần được tín chủ cung thỉnh dự ứng cúng này, đúng ra là đến lượt các sa di, nhưng ngặt nỗi, họ không được mời.
Các vị sa di hỏi:
- Tại sao không mời những sa di như chúng tôi?
Những vị tu hành đó trả lời:
- Đây là do tín chủ không mời, chứ không phải ý của chúng tôi.
Tiếp đó, các vị tu hành liền nói một đoạn kệ, đại ý như sau:
“Những vị tu hành lớn tuổi thường có đức hạnh: Đầu tóc bạc trắng, đầy nếp nhăn, lông mày dài, răng thì cái có cái không, lưng còng, chân tay thì chậm chạp. Các thí chủ họ thích những vị có diện mạo như vậy, chứ họ không muốn nhìn thấy những người trẻ tuổi”.
Lúc này, ở trong chùa có một nhóm sa di đều đã chứng A la hán. Cũng giống như có người muốn chọc gan hùm, muốn leo lên lưng cọp, khiến cho nó gầm gừ dữ dội. Các vị sa di đó liền nói:
- Vị thí chủ này đúng là ngu muội vô tri, không biết nghĩ đến phước đức cúng dường, chỉ chạy theo tướng mạo bên ngoài của các vị lớn tuổi.
Lúc này, những sa di liền nói kệ rằng:
“Gọi là trưởng lão, không nhất định là những vị đầu bạc răng long, khuôn mặt toàn nếp nhăn, bởi vì những người như thế này có kẻ là ngu si, không có trí tuệ. Chính những vị có phước đức, đoạn trừ các ác nghiệp, phạm hạnh thanh tịnh, được người đời kính trọng, các vị đó mới thật sự là bậc trưởng lão. Nếu như có người phỉ báng chúng ta, chúng ta cũng không nên khởi lên tâm xem thường họ. Nếu như có người tán dương chúng ta, chúng ta cũng không vì đó mà khởi lên tâm đặc biệt được cung kính, hoặc vui mừng. Thế nhưng, bởi vì chúng ta còn trẻ mà làm cho thí chủ khởi lên tâm khinh mạn, khiến cho thí chủ mang tội. Thí chủ lại đối với ruộng phước của tăng chúng mà khởi lên tâm phân biệt trên dưới, tốt xấu, rồi hủy báng. Chúng ta nên nhanh chóng đến để thức tỉnh thí chủ đó, đừng để vì chuyện này mà khiến cho họ phải đọa vào ác đạo”.
Các vị sa di đó liền dùng thần thông biến dung mạo của mình thành những vị lớn tuổi, đầu bạc trắng, mặt đầy nếp nhăn, lông mày dài, răng cái có cái không, lưng còng, tay chống gậy, đi đến nhà của vị thí chủ đó. Vị thí chủ vừa nhìn thấy, lòng rất hoan hỷ, hạnh phúc, liền lên hương đèn, rải hoa để cung thỉnh các vị lớn tuổi an tọa. Chỉ được một lúc sau, những vị lớn tuổi đang an tọa ở trên ghế bỗng chốc biến trở về diện mạo của các vị sa di. Thí chủ nhìn thấy vô cùng kinh ngạc và lo sợ, lòng nghĩ: “Tại sao có thể như vậy được chứ? Chẳng lẽ các vị này uống được nước trời, nên bỗng chốc dung mạo trẻ ra?”.
Lúc này, các vị sa di liền nói:
- Chúng tôi không phải là dạ xoa, cũng không phải là ác quỷ la sát. Vì ông chỉ chọn cúng dường các vị lớn tuổi, có tâm phân biệt sang hèn, cao thấp đối với ruộng phước của tăng chúng, như thế sẽ thất tổn thiện căn của ông. Cho nên, chúng tôi mới biến hiện ra như vậy, hy vọng là có thể làm cho ông biết hối cải.
Rồi họ liền nói kệ rằng:
“Không thể dùng miệng của con muỗi để uống hết nước của biển cả; cũng vậy, ở thế gian này, không ai có thể đo lường được công đức của Tăng chúng. Tất cả mọi người ở thế gian này đều không thể đo đếm được công đức của Tăng chúng, huống hồ gì là một mình thí chủ. Vậy ông dám đứng ra làm cái việc đo lường công đức rộng lớn của tăng chúng.
Các sa di nói tiếp:
- Bây giờ ông không nên so đo hình tướng bên ngoài lớn nhỏ, già trẻ của tăng chúng. Người học đạo, không nên xem hình tướng bên ngoài của người khác, mà nên xem trọng trí tuệ của họ. Có những người tuy tuổi còn trẻ, nhưng đã đoạn trừ được tất cả phiền não, đạt được thánh đạo. Ngược lại, có những vị tuổi tuy lớn, nhưng lại phóng dật, giải đãi, không tinh tấn, những vị như vậy mới thực sự gọi là trẻ tuổi. Những suy nghĩ và hành động của ông không thỏa đáng chút nào, giống như muốn dùng bàn tay ngắn ngủn để mò tìm xuống tận đáy biển, là việc không thể nào làm được; ông cũng giống như vậy, muốn đem trí tuệ nông cạn của ông mà đo lường về phước điền, hi vọng biết được sự hơn kém về công đức của Tăng chúng. Chẳng lẽ ông chưa nghe qua lời dạy của Như Lai về bốn hạng người không được xem nhẹ hay sao? Đó là: Vị thái tử nhỏ, con rắn nhỏ, đốm lửa nhỏ, và chú sa di nhỏ, tất cả đều không được xem thường. Thế Tôn cũng đã từng ví dụ về quả đào, có quả bên trong còn sống, nhưng bên ngoài nhìn thì đã chín, có quả nhìn bên ngoài thì sống, nhưng bên trong thì đã chín. Vì vậy, không được tùy tiện đo lường sự sang hèn hay cao thấp của tiền nhân. Chỉ trong vòng một niệm, có thể đắc đạo. Giờ ông đã phạm một sai lầm lớn, nếu mà còn có nghi vấn thì ông cứ nói ra. Từ nay về sau, không được có tâm phân biệt đối xử đối với ruộng phước của Tăng chúng.
Các vị sa di liền nói kệ rằng:
“Công đức của tăng chúng như biển lớn, không ai có thể đo lường được, ngay đến đức Phật cũng còn khởi tâm hoan hỷ, tôn trọng đối với công đức của tăng chúng, dùng trăm bài kệ để tán tụng, huống hồ gì là chúng ta! Như vậy, làm sao chúng ta không xưng tụng và tán dương công đức của tăng chúng được chứ? Trong ruộng phước tốt lành rộng lớn của tăng chúng, gieo giống tuy ít, nhưng thu hoạch thì nhiều vô kể. Chúng Tăng, đệ tử của Phật là một trong Tam bảo, cho nên, chúng ta không nên lấy hình tướng bên ngoài mà nhìn người. Không thể chỉ dựa vào tên tuổi họ hàng, tướng mạo oai nghi, lời nói êm dịu, chưa xét được đức hạnh bên trong, mà chỉ xem vẻ bên ngoài rồi khởi lên tâm sùng kính và ngưỡng mộ.
Có nhiều người, nhìn bên ngoài tuy trẻ trung, nhưng thật ra, họ vô cùng thông minh, có trí tuệ hơn người, có phẩm hạnh cao tột. Chưa biết được phẩm tính bên trong của họ như thế nào mà đã sinh tâm khinh mạn, như vậy thì không được. Cũng giống như trong rừng rậm, có hương thơm của cây sơn chi, thì cũng có mùi hôi nồng nặc của y lan. Giữa các loài cây còn có cao thấp, lớn nhỏ không đồng đều, nhưng nếu được gọi là ‘rừng’ thì không có khác biệt gì hết. Trong tăng đoàn, tuy có người lớn kẻ nhỏ, nhưng cũng không vì vậy mà sinh tâm phân biệt. Lúc ngài Ca diếp muốn đi xuất gia, ngài đã vứt bỏ hết áo quần hoa lệ. Trước đó, ngài giàu có đến nỗi, nếu lấy một bộ y phục xấu nhất, tệ nhất trong tủ áo quần của ngài, thì giá trị cũng đã vài lượng vàng. Ruộng phước của tăng chúng cũng giống như vậy, dù cúng dường cho chúng Tăng một phần, thì cũng đạt được thiện quả gấp mười lần như vậy. Giống như biển lớn không dung chứa nổi một xác trôi, trong tăng chúng cũng vậy, không dung chứa những người hủy hoại cấm giới. Trong lớp phàm tăng, dù cho những người có thân phận thấp nhất, ít giữ gìn giới luật nhất, nhưng nếu có thể cung kính cúng dường cho họ, thì cũng đạt được công đức lớn. Cho nên, đối với tăng chúng, dù cho già trẻ, lớn nhỏ, chúng ta nên cúng dường bình đẳng, không nên khởi lên tâm phân biệt đối xử”.
Sau khi vị thí chủ nghe xong những lời này, toàn thân run rẩy, liền sụp xuống lễ lạy, cầu xin sám hối:
- Kẻ phàm phu ngu muội đã gây ra nhiều lỗi lầm, xin các ngài chấp nhận lời sám hối của con. Tất cả những nghi hoặc, xin các ngài giải đáp cho con.
Rồi ông liền nói kệ rằng:
“Các ngài có đại trí tuệ, có thể đoạn trừ tất cả những nghi hoặc mê lầm, nếu con không nhân cơ hội này mà thỉnh giáo, thì quả thật là thiếu trí tuệ”.
Lúc này, các vị sa di liền trả lời:
- Thí chủ cứ hỏi, chúng tôi sẽ trả lời.
Thí chủ hỏi:
- Bạch Đại Đức! Kính tin Phật và kính tin tăng, cái nào là thù thắng hơn?
Sa di đáp:
- Chẳng lẽ ông không biết có Tam bảo hay sao?
Thí chủ hỏi:
- Bây giờ con tuy biết Tam bảo, nhưng trong Tam bảo chẳng lẽ không có cái nào là thù thắng hơn cả sao?
Sa di trả lời:
- Tôi không khởi tâm phân biệt đối với Phật bảo và tăng bảo!
Liền nói kệ rằng:
“Có một vị thuộc giai cấp Bà la môn, tên là Đột la xà, thường có những lời lẽ hủy báng hay tán thán Phật, nhưng Phật đối với hai việc trên không hề có một niệm lay động. Ông ấy dâng thức ăn lên cúng dường Như Lai, Như Lai đã không nhận, thì trong tam giới càng không có một chúng sanh nào có thể tiêu thụ được. Phật bảo vị Bà la môn mang thức ăn cúng dường Như Lai vứt xuống dòng nước, lập tức, khói và lửa bốc lên ngùn ngụt. Di mẫu Kiều đàm di muốn dâng pháp y cúng dường Phật, Phật bảo hãy mang cúng dường cho tăng chúng. Vì câu chuyện này mà biết được Tam bảo là giống nhau, không hề sai khác.
Sau khi nghe xong, thí chủ liền nói:
- Nếu như Phật và tăng chúng không khác, vì sao lại mang thức ăn vứt xuống dòng nước mà không cúng dường cho tăng chúng?
Sa di liền trả lời:
- Như Lai không hề có ý luyến tiếc thức ăn, là vì Ngài cố ý làm như vậy để hiển bày ra sức công đức của tăng chúng. Vì sao như vậy? Phật quán xét thấy thức ăn cúng dường Như Lai này, trong tam giới không một chúng sanh nào có thể tiêu thụ được, vứt xuống dòng nước, nước phát ra lửa. Nếu Phật đổi sang bố thí cho tăng chúng, tăng chúng ăn vào mà không hề hấn gì, có thể tiêu thụ. Thế nhưng, bà Kiều đàm di đặc biệt chuẩn bị một pháp y để dâng cúng Phật, nhưng Phật lại muốn Kiều đàm di cúng lại cho tăng chúng, sau khi tăng chúng thọ nhận cũng không hề hấn gì. Vậy mới biết, tăng chúng có công đức lớn, có tiếng thơm lành, nên Phật và tăng không hề sai khác.
Sau đó, thí chủ nói:
- Từ nay về sau, đối với tăng chúng, dù cho già trẻ lớn nhỏ, con đều cung kính như nhau, không khởi tâm phân biệt.
Sa di đáp:
- Nếu ông có thể làm được như vậy, ngày thấy đạo của ông sẽ không còn xa.
Sau đó, các vị sa di liền nói kệ rằng:
“Đa văn và trì giới, thiền định và trí tuệ, có thể hướng đến tam thừa Thanh văn, Duyên giác và Phật, có thể hướng đến đạo quả, đạt được đạo quả (Thanh văn có bốn hướng và bốn quả).
Giống như sông Tân đầu chảy ra biển lớn, chư Hiền thánh cũng như vậy, cùng nhập vào biển lớn Tăng chúng.
Tỷ như trong núi Tuyết có đầy đủ các loại thảo dược, như trong ruộng tốt có thể làm cho các hạt giống được sinh trưởng và phát triển, cũng vậy, những bậc có trí tuệ đều được hun đúc từ trong Tăng chúng mà ra”.
Sau khi nói kệ xong, các vị sa di liền nói tiếp:
- Này thí chủ! Chẳng lẽ ông chưa từng được nghe trong kinh có nói đến ba vị thiện nam tử là A na luật, Nan đề, Kim tì la sao? Có vị đại tướng quỷ thần tên là Ca phù bạch với đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Tất cả các thế giới, bất luận là trời, người, ma, Phạm, v.v., nếu lúc nào trong lòng cũng nghĩ đến ba vị thiện nam tử này, thì đều có thể đạt được lợi ích và an lạc. Trong tăng chúng chỉ cần nghĩ nhớ đến ba vị này thì đều đạt được lợi ích, huống hồ là nghĩ nhớ đến đoàn thể tăng già!”.
Sau khi nói xong, các sa di lại nói tiếp kệ rằng:
“Bốn người trở lên mới được gọi là tăng, ba người thì cũng chưa được gọi là tăng già, lòng nghĩ nhớ đến ba vị này thì đã được lợi ích, giống như vị đại tướng quỷ thần đã nói: “Chưa cần nghĩ nhớ đến đoàn thể tăng già có bốn người trở lên, chỉ cần nghĩ nhớ đến ba người như A na luật thì đã có được lợi ích lớn, huống hồ gì là nghĩ nhớ đến đoàn thể tăng già có bốn người trở lên!”.
Cho nên, ông phải biết tất cả các công đức đều được bắt nguồn từ trong tăng chúng.
Cũng giống như rồng lớn làm mưa, chỉ có biển cả mới dung chứa nổi, tăng chúng cũng như vậy, có thể thừa tiếp được mưa chánh pháp.
Vì vậy, ông nên một lòng nghĩ nhớ đến tăng chúng, vì những tăng chúng như thế, chính là nơi tập hợp của tất cả những con người thiện, là một chúng đã đạt được giải thoát.
Tăng chúng giống như một đội quân hùng mạnh, có thể đánh dẹp tất cả các ác ma, oán tặc, kẻ địch. Những tăng chúng như thế, là nơi tập hợp của trí tuệ thù thắng.
Tất cả mọi điều lành, đều được làm ra trong tăng đoàn, hướng đến Thanh văn, Duyên giác và Phật thừa để được giải thoát, là bạn của kẻ chiến thắng phiền não ma quân”.
Sau khi sa di nói kệ tán dương tăng chúng xong, thí chủ và quyến thuộc của ông ta trong lòng rất vui mừng và đều đạt được sơ quả Tu đà hoàn.
Trong câu chuyện này, có vài chỗ đáng cho chúng ta thức tỉnh:
Phật dạy: “Không được xem thường hoàng tử nhỏ, con rắn nhỏ, đốm lửa nhỏ, và chú sa di nhỏ”. Nếu đắc tội với vị hoàng tử nhỏ, hoặc bị con rắn nhỏ cắn, tất cả đều có khả năng dẫn đến mất mạng. Một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu đốt cả cánh rừng, cũng như vậy, không được thấy vị sa di nhỏ tuổi mà xem thường. Đối với tăng chúng, bất luận là già trẻ, lớn nhỏ, chúng ta cũng không được khởi lên tâm phân biệt, cần phải cúng dường một cách bình đẳng.
Đức Phật cũng đưa ra ví dụ về trái đào, có trái bên trong thì sống mà bên ngoài nhìn thì như đã chín, có trái bên trong tuy đã chín, nhưng bên ngoài thì như còn non. Tăng chúng cũng như vậy, có người trong tâm còn phiền não rất nhiều, nhưng bên ngoài thì vô cùng uy nghi; có người trong tâm thanh tịnh, đã thành tựu được tất cả các công đức, nhưng bên ngoài thì không được trang nghiêm. Cho nên, không được tùy tiện phê bình người khác, mà nên tôn trọng đức hạnh tu tập, chứ không nên chỉ nhìn bên ngoài mà phán đoán. Nếu nhìn bên ngoài mà phê bình này nọ, thì chỉ tự làm tổn đức mình, lỗi lầm sẽ ngày một thêm lên mà thôi!
Trong kinh có nói:
Nếu có người có thể nghĩ nhớ đến ba vị tì kheo: A na luật, Nan đề và Kim tì la thì đạt được lợi ích an lạc.
Vì sao đặc biệt nhắc đến ba vị tì kheo này? Câu chuyện này xuất phát từ kinh Ngưu giác Ta la lâm trong Trung a hàm, nói về ba vị tì kheo sống hòa hợp không bao giờ tranh cãi. Nếu như có người khất thực về trước, nhìn thấy chậu nước hết thì sẽ tự động đi múc, nếu có nhiều đồ ăn thì sẽ phân cho các tì kheo khác cùng ăn.
Đức Phật hỏi họ:
- Cuộc sống của các vị an ổn chứ? Có thiếu thốn gì không?
Ba người đồng thanh trả lời:
- Thân, khẩu, ý của chúng con đều hướng về từ bi, nên cuộc sống rất an ổn, không thiếu thốn gì. Chúng con đều có thể làm chủ được bản thân, tùy thuận tất cả các hiền giả.
Vì ba tì kheo này luôn tán thán các tì kheo khác, hòa hợp không bao giờ có sự tranh cãi, tu tập cũng rất siêng năng, nên đều chứng được quả vị A la hán. Đức Phật dạy: “Bốn người trở lên mới được gọi là tăng. Chỉ cần nghĩ nhớ đến ba người A na luật thì có thể đạt được lợi ích lớn. Huống hồ là nghĩ nhớ đến đoàn thể tăng già có bốn người trở lên”.
Chúng ta nghĩ mà xem, dốc toàn sức lực để tu hành chưa chắc đã thành tựu, huống hồ còn phân tâm đi tranh cãi, như vậy thì càng không có hy vọng.
Trong kinh còn nhắc đến câu chuyện Kiều đàm di muốn dâng ca sa cúng dường Phật, Phật dạy bà mang đi cúng dường chúng Tăng. Kiều đàm di là di mẫu của đức Phật, mẹ của Ngài sau khi sinh Ngài ra thì bà đã vãng sanh, nên do một tay di mẫu Kiều đàm di nuôi dưỡng. Sau khi Thế Tôn thành Phật, Ngài trở về nơi chôn nhau cắt rốn để hóa độ cho dòng tộc Thích ca. Di mẫu của Ngài vô cùng vui mừng, chuẩn bị trước một ca sa bằng tơ vàng để dâng cúng dường Phật. Kết quả, Phật dạy mang dâng cúng cho chúng Tăng. Di mẫu buồn bã, bạch Phật rằng:
- Đây là chiếc áo mà tôi đặc biệt dâng lên cúng dường Ngài, vì sao Ngài không nhận?
Phật trả lời rằng:
- Ta biết di mẫu muốn tốt cho Ta, nhưng dùng tâm yêu thương ràng buộc để bố thí cúng dường, thì phước đức không được rộng lớn. Nếu di mẫu không dùng tâm yêu thương ràng buộc, mà dâng cúng dường chúng Tăng, thì phước đức sẽ rộng lớn hơn rất nhiều.
Những câu chuyện như vậy ở trong luận Đại trí độ cũng có nói đến, cụ thể là trong Đại Chánh tạng, quyển 25, trang 224a 225c.
Luận Đại trí độ ghi: Ngoài ‘niệm Phật, niệm pháp’ ra, cần phải ‘niệm tăng’, vì chúng Tăng là người dẫn đường và cũng là bạn của chúng ta trên con đường hướng đến niết bàn. Trước đây, những người bầu bạn với ta thường là bạn ác, hoặc vợ, chồng, con cái, kết quả không hướng đến con đường niết bàn giải thoát, mà là hướng đến ba ác đạo. Bây giờ có thể làm bạn với chúng Tăng, mọi người cùng nhau tu tập kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, có thể an ổn đạt được niết bàn, nên phải nên hoan hỷ, vui mừng.
Trong kinh nói:
Phật như vị lương y, pháp như liều thuốc hay, tăng như người chăm bệnh.
Phật giống như vị y vương, pháp như liều thuốc hay, tăng là người hộ lý, hay nhân viên kỹ thuật. Tăng chúng như người chăm sóc bệnh nhân, có thể giúp đỡ chúng ta đoạn trừ tất cả bệnh phiền não, như thế cũng là một trợ duyên rất tốt, cho nên chúng ta phải trân trọng.
Từ câu chuyện trên, mong mọi người cùng nhau cố gắng.
Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 09.01.2016