Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!
Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện cổ Phật giáo. Câu chuyện được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 326 327.
Trong kinh có dạy: “Cúng dường tháp của đức Phật được công đức rất lớn, vì thế, chúng ta cần phải tinh tấn, thành tâm cúng dường”.
Câu chuyện kể rằng: Một hôm, vua Ba tư nặc đến hầu thăm đức Phật, lúc hướng về đảnh lễ đức Thế Tôn, đột nhiên nhà vua ngửi được mùi hương rất thơm, không giống mùi hương của cõi trời mà trước kia nhà vua từng thưởng thức qua. Nhà vua quay sang bốn phía để tìm kiếm, nhưng vẫn không biết được mùi thơm kia xuất phát từ đâu, ông bèn hướng về đức Phật thỉnh giáo:
- Bạch đức Thế Tôn! Mùi hương kia tỏa ra từ đâu vậy?
Đức Phật hỏi:
- Bệ hạ muốn biết nguồn gốc của hương thơm đó chăng?
Vua đáp:
- Vâng! Bạch Thế Tôn, con muốn biết.
Lúc ấy, đức Thế Tôn dùng chỉ tay xuống đất, chỉ trong chốc lát liền xuất hiện một bộ xương khô, hình dáng giống như gỗ chiên đàn hương màu hồng, dài khoảng năm trượng.
Đức Phật bảo nhà vua:
- Hương thơm mà bệ hạ đang ngửi được, chính từ bộ xương khô này tỏa ra.
Vua Ba tư nặc bạch đức Phật:
- Nguyên nhân nào khiến cho xương khô có thể tỏa ra hương thơm như thế?
Đức Phật đáp:
- Được rồi, xin bệ hạ hãy lắng lòng nghe, Như
Lai sẽ nói rõ cho ông hiểu.
Thế Tôn kể lại rằng: “Thời quá khứ, có đức Phật hiệu là Ca diếp, khi việc hóa duyên đã hết, Ngài bèn nhập niết bàn. Lúc ấy, vua Ca xí thống lĩnh quốc gia, ông chọn xá lợi của đức Phật Ca diếp và xây dựng tháp thất bảo để cúng dường, chiều cao và bề rộng của tháp là hai do tuần. Quốc vương hạ lệnh: “Trong quốc gia có bao nhiêu hoa, người dân không được dùng vào việc khác, phải mang toàn bộ số hoa có được dâng lên cúng dường tháp của đức Phật”.
Bấy giờ, trong nước có người con trai của ông trưởng giả và cô dâm nữ lén lút tư tình với nhau, trong tâm trí của anh ta chỉ còn nghĩ đến việc dâm dục không thể quên được. Những đóa hoa phải dâng lên cúng dường tháp thờ xá lợi, nhưng anh ta bị dâm dục làm mù quáng, nên lén vào trong tháp của đức Phật Ca diếp, lấy trộm một đóa hoa, mang đến tặng cho người dâm nữ mà anh đang luyến mộ.
Lúc ấy, người con trai này hiểu rất rõ công đức của đức Phật, nhưng do không kiềm chế được lòng tham dục nên mới làm việc phi pháp. Sau khi làm việc phi pháp xong, anh ta rất hối hận việc mình làm vừa, nên ý niệm dâm dục liền biến mất.
Ngày hôm sau, nghĩ đến hành vi của mình, anh chán ghét một cách mãnh liệt, thầm nghĩ: “Tôi đã tạo ác, đã lấy trộm hoa cúng đức Phật đến tặng cho cô dâm nữ”. Ngay lúc ấy, do hối hận nên vừa bất an, vừa buồn rầu, toàn thân của anh bỗng nổi lên những mụt độc lở loét, lúc đầu chỉ lớn như hạt cải, nhưng chẳng bao lâu liền lan đi rất nhanh, cuối cùng đầy khắp thân thể, không trừ một bộ phận nào mà không có. Người con trai này bèn nói lên một đoạn kệ, đại ý như sau:
“Hôm nay, tôi đã gây các nghiệp bất thiện, làm trái với lời dạy của chư Phật, không biết hổ thẹn, đối với đức Phật, tôi đã không có tâm cung kính, còn vi phạm lời giáo huấn của Ngài, thật không xứng đáng làm đệ tử của đức Thế Tôn.
Hết thảy người dân trong nước, không một ai dám chống lại mệnh lệnh của quốc vương, thế nhưng tôi lại trái phạm quy định của pháp luật và của Phật pháp mà tôi tín ngưỡng, tôi thật không biết nhục nhã, so với súc vật, tôi có gì hơn chúng đâu!
Tất cả phước điền thù thắng, không gì hơn tháp xá lợi của đức Thế Tôn, thế nhưng, tôi vì ngu si, vì việc làm thấp hèn mà lấy trộm hoa cúng Phật.
Tại sao cánh tay của tôi không lập tức rơi xuống? Tại sao mặt đất không lún xuống, lại dung chứa thứ người như tôi để làm gì?
Thật ghê tởm! Vì tham dục bốc cháy, nên đã thiêu đốt hết thảy thiện căn; vì mê hoặc tham dục, nên mới bị rơi vào trong vực thẳm tăm tối, bị giặc cướp phiền não hãm hại.
Tôi vì bị tham dục khống chế, không quán chiếu được quả báo của tham dục, nên đã lén trộm hoa cúng Phật để lấy lòng cô dâm nữ, vì muốn thể hiện sự tôn quý của mình, sau này sẽ đọa vào địa ngục, mãi mãi chịu sự hành hạ.
Tôi thật sự rất hối hận! Trong lòng vô cùng đau đớn, toàn thân nóng hừng hực như đang bị thiêu đốt vậy”.
Lúc ấy, những mụt nhọt trên thân anh sưng lên và vỡ ra, máu mủ chảy ra dơ bẩn, mùi hôi thối bốc lên khắp nơi.
Một hôm, cha mẹ, anh chị em của anh đến thăm, thử lấy thuốc lạnh để điều trị cho anh, nhưng bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Họ mời thầy thuốc có danh tiếng đến, khám kỹ càng hơn, thầy thuốc bảo:
- Phải dùng hương Ngưu đầu chiên đàn, bôi lên thì bệnh mới hết.
Cha mẹ của anh ta nghe vậy, liền đi mua loại hương Ngưu đầu chiên đàn đắc nhất, thượng hạng nhất, bôi lên thân người con trai của mình, nhưng những mụt nhọt ngày càng lớn hơn, không có hiệu nghiệm.
Lúc ấy, anh ta đau đớn rơi nước mắt, ấp úng, sợ sệt thưa với cha mẹ:
- Xin cha mẹ đừng uổng công phí sức nữa, bệnh của con từ tâm mà sinh, đây không phải là bệnh của thân.
Người cha hỏi con trai:
- Bệnh tâm là bệnh gì, con nói đi?
Người con trai nói lên một đoạn kệ để trả lời cho cha, có nội dung như sau:
“Việc này nói ra thật đê tiện và nhục nhã, con vốn không muốn để cho cha mẹ biết, nhưng vì do sự khốn đốn của bệnh tật, nên không thể che dấu được sự xấu hổ của con.
Trước đây, con đã đến lấy cắp hoa cúng dường trong tháp của đức Phật, mang đến tặng cho cô dâm nữ, sau khi làm việc xấu xa này xong, con mới biết hối hận, tự dằn vặt lương tâm.
Lúc ban ngày thì lòng tham dục bốc cháy hừng hực, như cái nắng chói chang đang thiêu đốt, ban đêm mới tỉnh táo hiểu ra, nếu có thể sám hối lỗi lầm này, chẳng khác nào dùng nước lạnh dập tắt đám lửa đang bốc cháy.
Hiện giờ, thân tâm của con đang nóng rực, sau này lại phải vào địa ngục để chịu quả báo khổ, cũng giống như một khúc gỗ đã bị mục, chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng đủ thiêu cháy; tình trạng của con hiện tại cũng như thế, ngọn lửa của tâm thiêu đốt bốc cháy từ bên trong.
Giả sử có lấy các thứ như nước lạnh, cỏ ưu thi la, hoa sen xanh, trân châu, lúa mạch…, cho đến các loại chiên đàn, bôi lên trên thân, cũng không cứu được loại bệnh này.
Vì nỗi đau từ tâm sinh khởi, phải lấy thuốc xoa lên tâm thì mới đúng, còn nếu lấy thuốc bôi lên thân, làm sao có hiệu quả?
Xin cha mẹ đưa con đến bên tháp thờ xá lợi của đức Phật, giúp con chuẩn bị các phẩm vật, để con được dâng lên cúng dường tháp của Ngài, thì bệnh của con mới khỏi được”.
Cha mẹ và anh em cùng nhau khiêng anh ta trên chiếc giường, đến trước tháp của đức Phật. Lúc này, thân thể anh ta nóng rực, hơi thở dường như sắp tắt.
Khi đến trước tháp của đức Phật, người con trai một lòng chuyên niệm đức Ca diếp Như Lai Chánh đẳng Chánh giác. Khóe mắt đẫm lệ, dâng hương chiên đàn mà anh tự mang đến, hướng mặt về phía tháp của đức Phật, bi thương nói lên một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Đức Thế Tôn đại bi, xin cứu độ khổ nạn cho chúng sanh, Ngài từng giáo hóa, dạy chúng sanh nên làm các việc lành, nhưng con do bị tham dục mê hoặc, nên chẳng khác nào người mù cả hai mắt không còn nhìn thấy được. Con đối trước sự cứu tế chúng sanh của Ngài, gây nên các việc bất thiện.
Tháp giống như núi Tu di, con do si mê nên hủy phạm giới pháp, bây giờ đã không có danh vọng, sau này còn phải đọa vào đường ác.
Con không quán chiếu, tư duy cho cặn kẽ công đức của Ngài, nên bây giờ phải mang quả báo xấu, quả báo đó không chỉ ở hiện tại, mà mãi cho đến sau này nhất định phải tự chịu sự sầu muộn và đau đớn.
Người thông minh biết dùng huệ nhãn, tránh xa khổ não, biết đoạn trừ các loại tham dục; còn trong lòng con giờ đây tràn ngập lo lắng và buồn tủi, xin thành tâm hướng về quy y đức Phật.
Tội lỗi mà con đã tạo, xin nguyện được đức Phật gia hộ, cũng như một người bị té, phải dựa vào mặt đất chống đỡ, để có thể tự đứng lên”.
Khi đó, cha mẹ và quyến thuộc của người con trai khen ngợi anh ta:
- Lành thay! Lành thay! Con bây giờ đã biết thành tâm ca ngợi đức Như Lai, chỉ có đức Thế Tôn mới đủ khả năng chữa lành bệnh cho con.
Rồi họ nói một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Hôm nay đối trước đức Phật, con nên phát khởi tâm tín giải, tâm thọ trì; chỉ có công đức lớn lao của đức Phật mới cứu giúp con được.
Cũng như đang đi trên biển mênh mông, chiếc tàu bị thủng, số tài bảo có được tuy bị biến mất, nhưng chỉ cần thân này không bị chìm xuống (vẫn còn sống), thì vẫn còn cơ hội gầy dựng gia tài”.
Những người thân quyến tận mắt nhìn thấy thân của người con trai này mắc bệnh lở loét, hôi thối, họ đều sanh tâm nhàm chán sanh tử, nên đều đem các phẩm vật như hương hoa, hương bột, các thứ hương xông… đến dâng lên cúng dường tháp thờ xá lợi đức Phật Ca diếp, lại dùng hương Ngưu đầu chiên đàn khắc họa thân Phật. Lúc ấy, những mụt nhọt trên thân của người con trai từ từ biến mất, khiến cho anh ta cảm thấy vô cùng vui sướng, chứng bệnh nóng bức toàn thân cũng không còn nữa.
Lúc ấy, quả báo hiện đời của người con trai đã được xoay chuyển, anh sinh tâm vui sướng, biết rằng tội lỗi mà mình tạo nay đã được tiêu trừ, liền nói một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Như Lai đầy đủ Nhất thiết trí, đã đoạn trừ tất
cả phiền não, đức Như Lai Ca diếp có năng lực cứu độ tất cả chúng sanh.
Đức Phật là cha lành của chúng sanh, ở trong thế gian nguyện làm người bạn lành không thỉnh mà tự đến, chỉ có tâm từ bi của đức Thế Tôn mới được như thế.
Đối với đức Phật, con đã gây nên tội lỗi quá lớn, giờ đây ăn năn sám hối, cúi xin đức Phật từ bi tiếp nhận.
Con thành tâm phát thệ nguyện, cúi xin Ngài lắng nghe lời thệ nguyện của con.
Vì bị tham dục bức bách, con không có chánh niệm, nên mới tạo các nghiệp bất thiện như thế. Cúi xin đức Phật che chở cho con, nguyện đời đời xa lìa ái dục và giặc phiền não. Nếu không hàng phục sáu căn, thì cũng thô bạo như con ngựa hoang không được huấn luyện, nguyện cho con không còn gây tạo các việc ác, mà luôn được sự tịch tịnh của chánh đạo.
Hôm nay, dâng hương Ngưu đầu chiên đàn
lên cúng dường tháp của đức Phật, nguyện thân của con luôn tỏa ra hương thơm, không còn bị đọa lạc vào đường ác”.
Sau đó, người con trai của ông trưởng giả mệnh chung. Dù được sanh lên cõi trời hoặc thác sanh làm người, trên thân vị này thường tỏa ra hương thơm, từ thân thể cho đến tay chân đều được tướng tốt trang nghiêm, nên cha mẹ gọi người con trai là Hương Thân.
Về sau, Hương Thân chán ghét thân khổ báo có ra từ năm uẩn và mười tám giới, nên xuất gia tu học, chứng đắc Bích chi phật. Bộ xương khô này chính là di cốt của đức Bích chi phật, hương thơm kia chính từ di cốt của Ngài lan tỏa ra.
Vì vậy, mọi người nên cúng dường tháp đức Phật, sẽ được công đức lớn.
Câu chuyện này, muốn nhắc nhở chúng ta:
Không được trộm lấy vật của Tam bảo. Cổ đức có dạy: “Ái tích thường trụ vật, như hộ nhãn trung châu”, có nghĩa là chúng ta phải trân quý vật của Tam bảo, như giữ gìn đôi tròng mắt của mình vậy, tuyệt đối không được tùy tiện hủy hoại, càng không được trộm về làm vật riêng.
Ngoài ra, cần phải giữ gìn thân, miệng và ý cho được thanh tịnh; nếu có bị sai phạm, nên dũng cảm cầu xin sám hối. Phiền não từ tâm sinh khởi, tâm bệnh thì cần thuốc trị tâm, nếu chỉ dùng thuốc để bôi trên thân, làm đẹp vẻ bên ngoài, thì có tác dụng gì? Phải trị gốc bệnh sâu thẳm từ trong tâm, thì mới giải quyết được vấn đề.
Y theo lời dạy của đức Phật, phương pháp sám hối có ba điểm chính:
1. Tác pháp sám: Tức là dựa vào giới luật, y như pháp mà sám hối, không được tái phạm, phương pháp sám hối này thích hợp với ‘giới’.
2. Thủ tướng sám: Nghĩa là thành tâm đối trước đức Phật cầu xin được sám hối, mãi đến lúc thấy được các báo ứng lành, chẳng hạn thấy hào quang của đức Phật phóng ra, hoặc thấy đức Phật đến xoa đầu… Thì nghiệp chướng mới được tiêu trừ, đây là thích hợp với phương pháp sám hối của pháp môn ‘thiền định’.
3. Vô sanh sám: (còn gọi là thật tướng sám) Tức là thể ngộ được chư pháp vô sanh (không sanh ra cũng không diệt). Đây là sự sám hối phù hợp với ‘trí huệ’. Cổ đức có dạy:
Tội tùng tâm khởi tương tâm sám, Tâm nhược diệt thời tội diệc vong, Tội vong tâm diệt lưỡng cụ không, Thị tắc danh vi chân sám hối.
Tội từ tâm khởi, đem tâm sám,
Tâm đã diệt rồi, tội liền tiêu.,
Tội tiêu, tâm diệt thảy đều không.,
Như thế mới là chân sám hối.
Hoặc trong kinh Phật thuyết quán Phổ Hiền hành pháp có dạy:
Nhất thiết nghiệp chướng hải,
Giai từ vọng tưởng sanh,
Nhược dục sám hối giả,
Đoan tọa niệm thật tướng.
Chúng tội như sương lộ,
Huệ nhật năng tiêu trừ,
Thị cố ưng chí tâm,
Sám hối lục tình căn.
Tất cả biển nghiệp chướng,
Đều từ vọng tưởng sinh,
Nếu ai muốn sám hối,
Kiết già, niệm thật tướng.
Nghiệp tội như sương sớm,
Mặt trời huệ chiếu trừ,
Cho nên phải chí tâm,
Sám hối lục tình căn.
Như giọt sương lúc sáng sớm, chỉ cần ánh nắng mặt trời vừa xuất hiện, những giọt sương mai liền tan biến; cũng thế, tội nghiệp cũng như những giọt sương, không thể tồn tại lâu dài, chỉ cần trí huệ vô lậu vừa sinh khởi, tất cả tội chướng đều tiêu diệt.
Cho nên, nếu ai đã phạm giới, cần phải thành tâm sám hối, nhưng không được quá bi ai; vì bi ai sẽ gây chướng ngại cho sự tu tập. Tội từ tâm sinh khởi, phải sâu thẳm từ nội tâm mà chân thành sám hối, hiểu được tội đã tạo, nhờ sám hối mà được thanh tịnh, cũng nên hiểu rằng tâm tạo tội vốn là tánh không, không phải một khi phạm lỗi lầm vĩnh viễn mất thanh tịnh, không phải như thế! Khi thể ngộ được tâm không, tội cũng không, cả hai đều sẽ tiêu trừ, thì mới đúng là sám hối.
Kính chúc quý vị sáu căn thanh tịnh, không ưu phiền, không khổ não.
Chúng ta cùng nhau tinh tấn.
Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 25.04.2015