Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!
Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý vị một câu chuyện trong kinh Phật. Câu chuyện này được trích từ phẩm ‘Uông thủy trung trùng’ trong kinh Hiền ngu, thuộc Đại Chánh tạng quyển 4, trang 443 444.
Quá khứ, có một thời, đức Phật trú tại núi Linh Thứu, thuộc thành Xá vệ. Bấy giờ, ở bên ngoài thành có một cái ao nước rộng chứa nhiều bùn lầy, chất bẩn, đầy phân và nước tiểu, hôi thối không sao tả nổi. Đa số những thường dân đều đem chất thải dơ bẩn đổ vào trong ao này. Có một con trùng to lớn, thân thể giống như con rắn, nhưng lại có bốn chân, ẩn náu ở trong ấy. Nó chạy đi chạy lại, lúc ẩn lúc hiện, qua nhiều năm thường ở trong ao nước hôi thối đó chịu đựng vô lượng khổ đau.
Một hôm, đức Thế Tôn dẫn các vị tì kheo đi ngang cái ao bẩn thỉu ấy. Đức Phật hỏi các vị tì kheo:
- Các ông có biết con trùng này trước kia đã tạo nghiệp gì không?
Các vị tì kheo suy nghĩ nhưng không ai biết, họ trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con không biết.
Lúc ấy, Phật nói:
- Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ nói cho các ông biết con trùng này đã tạo nghiệp gì.
Thời quá khứ, có đức Phật, hiệu là Tì bà thi thị hiện tại nhân gian, nhân duyên giáo hóa đã hết nên Ngài nhập Niết bàn.
Lúc đức Phật Tì bà thi giáo hóa, có mười vạn vị tì kheo tu học. Các vị tì kheo này phạm hạnh thanh tịnh, ưa thích chỗ thanh vắng, nên cư trú tại một ngọn núi tịch tĩnh. Bên sườn núi, có một khu rừng với nhiều cây cối, hoa cỏ sinh trưởng rất sum suê tươi tốt, giữa khu rừng có dòng suối thiên nhiên vô cùng thanh khiết mát mẻ, ai cũng thích thú.
Lúc bấy giờ, các vị tì kheo đều cư ngụ ở đó, các thầy đều vâng hành theo chánh đạo, tinh tấn tu học không biếng nhác. Họ đều đạt từ sơ quả cho đến tứ quả, không có một vị nào là phàm phu (chỉ trừ vị Chấp sự tăng là chưa chứng đắc quả vị).
Lúc ấy, có năm trăm vị thương buôn cùng nhau muốn đi ra biển. Trên đường, họ đi qua một con đường nhỏ, bắt ngang qua ngọn núi ấy, những thương buôn thấy các thầy tì kheo phạm hạnh thanh tịnh, nên họ vô cùng hoan hỷ, cung kính, muốn cúng dường các thầy. Các thương nhân cùng nhau đi đến thỉnh tăng chúng, hy vọng các ngài sẽ nhận sự cúng dường của họ. Tuy nhiên, hôm ấy đã có thí chủ thỉnh cúng dường tăng chúng rồi, các ngày kế tiếp cũng có thí chủ thỉnh cúng, đã sắp đặt đâu vào đấy. Vì thế, các thương nhân không thể làm như ý nguyện, họ đành hướng về tăng chúng từ giã, xin được tiếp tục lộ trình của đoàn. Họ nói:
- Nếu chúng con có thể bình an trở về, nhất định sẽ thiết trai cúng dường, hy vọng quý ngài từ bi hứa khả!
Khi ấy, chúng tăng im lặng hứa khả.
Các vị thương nhân ra biển, thu được số lượng châu báu rất lớn, sau đó đều trở về bình an. Đoàn thương buôn đến nơi cư ngụ của chúng tăng, trong số châu báu, họ chọn ra những thứ quý nhất đem cúng dường chư Tăng, tính toán đầy đủ khoản chi phí thực phẩm mà quý thầy cần dùng; nếu chư tăng cần dùng nhiều hơn thì cũng cứ tùy ý sử dụng.
Lúc ấy, tăng chúng thọ nhận đồ cúng dường rồi, đều trao cho vị tăng Chấp sự, để thầy bảo quản. Thời gian sau, thực phẩm chúng tăng cần dùng sắp hết, họ nói với vị thầy Chấp sự nên mang trân bảo mà các thương nhân đã cúng dường lúc trước ra để đổi thực phẩm, tiếp tục duy trì việc ẩm thực cho tăng chúng. Nhưng ông trả lời với đại chúng:
- Những trân bảo đó là ngày trước các vị thương nhân tự cho tôi, tại sao các thầy lại muốn lấy?
Thượng tọa Duy na nói với ông:
- Lúc đó, các thí chủ dâng trân bảo cúng dường đại chúng, mọi người tạm thời giao cho ông bảo quản mà thôi. Bây giờ, thực phẩm của đại chúng đã hết rồi, số châu báu ấy phải đem ra mua thực phẩm, bổ sung nhu cầu ẩm thực cho chúng tăng.
Lúc này, vị tăng Chấp sự chợt nổi tâm sân giận, mắng:
- Đám người các người muốn ăn thì lấy phân mà ăn! Số châu báu này là của tôi, các người dựa vào cái gì mà đòi lấy của tôi?
Tăng chúng thấy vị này đã sinh khởi lòng ác, nên đều bỏ đi.
Do vị tăng Chấp sự lừa gạt, phụ lòng phó thác của đại chúng, lại ác khẩu nhục mạ chúng tăng, nên sau khi chết, ông bị đọa vào địa ngục A tì, phải lặn ngụp trong phẩn tiểu nóng sôi, trải qua chín mươi hai kiếp, không dễ dàng gì mới thoát khỏi địa ngục. Sau khi thoát thân địa ngục, đầu thai lên lại bị đọa làm súc sanh trong ao phẩn tiểu này, trải qua thời gian lâu dài, vẫn không cách gì được giải thoát.
Tại sao nói như vậy? Vì thời quá khứ có đức Phật xuất thế, hiệu là Thi khí, Ngài dắt các vị tì kheo đi qua cái ao bất tịnh này. Đức Phật răn dạy chúng đệ tử, Ngài nói rõ đầu đuôi câu chuyện này cho mọi người hiểu.
Sau đó, lại có đức Phật xuất thế, hiệu là Tùy diệp (có khi dịch là Tì xá) cũng dắt các vị tì kheo đến nơi này, nói cho chúng tăng biết nhân duyên của vị tăng chấp sự. Nói rõ việc vị tăng này sau khi chết bị đọa vào địa ngục, trải qua muôn vạn ức năm, sau đó, lại tiếp tục đầu thai sanh vào ao phẩn tiểu này.
Sau đó, lại có đức Phật xuất thế, hiệu là Câu lưu tôn (có nơi dịch là Câu lưu tần), cũng dắt đại chúng đi đến bên ao này, khai thị cho các vị tì kheo, nói rõ nguyên nhân của sự việc.
Tiếp đó, có đức Phật xuất thế, hiệu là Câu na hàm mâu ni, cũng dẫn các đệ tử đến trước cái ao phẩn tiểu này. Sau đó, lại có đức Phật xuất thế, hiệu là Ca diếp cũng dắt đệ tử đến đây, vì đệ tử mà nói nhân duyên quả báo của sự việc.
Lần lượt đến vị Phật thứ bảy, là Phật Thích ca mâu ni Ta, bây giờ cũng dẫn các vị đến đây xem con trùng này, vì các vị mà giải thích nguyên nhân của sự việc. Giống như vậy, hiền kiếp, vị lai chư Phật, mỗi vị đều dẫn đệ tử đến bên ao phẩn tiểu này, chỉ vào con trùng và giảng nói nhân duyên tạo nghiệp trước đây của nó.
Lúc bấy giờ, các vị tì kheo nghe Phật khai thị, trong tâm mỗi người đều cảm thấy vô cùng kinh sợ, lông tóc dựng đứng, càng cẩn thận giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý. Mọi người đều tín thọ lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Câu chuyện này có một số điểm đáng để cho chúng ta phản tỉnh và cảnh giác:
Những vật quý giá mà tín chúng cúng dường lên chư tăng, đại chúng giao cho thầy Chấp sự bảo quản, nhưng thầy lại khởi tâm tham, muốn chiếm giữ cho riêng mình, đây là “tham”. Thầy không nghe tăng chúng khuyên bảo, lại còn khởi tâm sân giận nhục mạ tăng chúng, đây là “sân”. Thầy không tuân theo lời giáo huấn của đức Phật, không hiểu sự đáng sợ của nhân quả báo ứng, đây là “si”.
Do vị tăng chấp sự sinh khởi ba độc tham, sân, si, chiếm lấy vật của Tam bảo lại còn nhục mạ tăng chúng: “Đám các người là thứ ăn phân!”. Kết quả, sau khi chết, thầy bị đọa vào địa ngục, sau đó lại đầu thai sanh làm sinh vật trong ao phân, ngày ngày tự mình ăn đồ phẩn tiểu, nhân đó, trở thành đề tài để các đức Phật giáo hóa cho đệ tử.
Ở đây, liên quan đến vấn đề giới luật. Ngũ phần luật có nói: Nếu có người gửi tiền tài hoặc vật phẩm ở chỗ chúng ta, chúng ta khởi tâm muốn lấy cắp, không muốn trả lại, lúc chủ của vật ấy đến đòi chúng ta chối cãi, chẳng chịu trả lại. Sau đó, người chủ số tài sản này khởi tâm xả, họ nói: “Đồ vật này tôi không cần nữa!”, nhưng chúng ta vẫn phạm tội lấy cắp. Vì vậy, nếu có người gửi đồ vật ở chỗ chúng ta, hoặc chúng ta đến thư viện mượn sách, mong mọi người nhất định phải nhớ trả lại!
Ngoài ra, theo giới luật, nếu trộm cắp đồ vật của một người, thì chỉ kết tội đối với một người đó, còn nếu trộm cắp đồ vật của Tam bảo, thì đối với mười phương tăng, bạn đều có tội. Bởi vì đồ vật của Tam bảo thuộc về nhiều người, mỗi vị tăng đều có phần, nếu bạn lấy trộm vật của tăng chúng thì bạn có tội với mỗi một vị trong mười phương tăng, tội báo rất nặng, chúng ta phải thật cẩn thận.
Lấy cắp đồ của Tam bảo là tội rất nặng, ngược lại, nếu ai có thể dùng tâm thanh tịnh, tâm cung kính cúng dường Tam bảo thì phước đức sẽ rất lớn. Lúc cúng dường Tam bảo, chúng ta tha thiết nghĩ nhớ đến đức Phật, tri ân Ngài đã hạ sinh ở nhân gian này, chuyển đại pháp luân hóa độ chúng sanh, đây là cảm ơn “Phật”. Ngoài ra, đức Phật để lại chánh pháp như ngọn đèn soi sáng con đường tối tăm, dẫn dắt chúng ta đến con đường giải thoát, chúng ta nên phát nguyện cầu mong chánh pháp trường tồn ở thế gian, đây là cảm ơn “Pháp”. Lại nên cảm ơn tăng chúng, vì họ khiến chánh pháp cửu trụ, hoằng pháp lợi sanh, vâng theo người trước dẫn dắt người sau, chúng ta thành tâm cầu chúc chư tăng thân tâm luôn an lạc, hóa độ hanh thông, đây là cảm ơn “Tăng”. Nếu như chúng ta có thể thành tâm như vậy mà cúng dường Tam bảo thì có thể đạt được phước báu vô lượng.
Hy vọng mọi người đều vâng theo lời giáo huấn của đức Phật, tin sâu nhân quả. Bạn không tin nhân quả cũng không sao, nhưng nhân quả tin tưởng bạn! Chúng ta nên tiếp nhận những lời dạy của tăng chúng, đừng sinh khởi tam độc tham sân si mà tạo nghiệp ác. Ngàn vạn lần đừng đợi đến lúc nghiệp ác hiện tiền rồi mới hối hận, lúc ấy đã không kịp nữa!
Qua câu chuyện trên, mong mọi người cùng nhau cố gắng!
Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 08.11.2014