Bất luận là xuất gia hay tại gia, hễ là đệ tử Phật tiếp nhận sự cúng dường tài vật nhất định phải đáp trả lại bằng pháp cúng dường. Lúc Phật còn tại thế dùng chế độ trì bát, lúc tiếp nhận cúng dường nhất định phải thuyết pháp cho người ta nghe, đây tức là báo đáp ân của thí chủ. Trong bất cứ trường hợp nào chúng ta tiếp nhận sự cúng dường đều phải biết quy củ, phải biết vì người thuyết pháp. Nếu chẳng có người khải thỉnh thì có thể không thuyết. Có người mời thì nhất định phải thuyết pháp. Nguyên tắc quan trọng nhất của sự thuyết pháp là chỉ rõ những lỗi lầm thông thường của đại chúng, giúp họ sửa sai, như vậy mới có ích lợi. Thế nên chẳng cần phải nói huyền thuyết diệu, chẳng cần phải nói những lời nói dư thừa chẳng có ích lợi.
Nhà Phật thường nói đến ‘khai ngộ’ và ‘tu hành’, mọi người đều biết danh từ thuật ngữ này, nhưng người hiểu được hàm nghĩa bên trong thì chẳng nhiều. Trong khi đọc kinh sẽ có chỗ ngộ, niệm Phật cũng sẽ có chỗ ngộ, thực ra trong đời sống, lúc đãi người tiếp vật cũng sẽ có lúc ngộ được. Chỗ ngộ được này nghĩa là gì? Nghĩa là phát hiện lỗi lầm. Phát hiện được lỗi lầm tức là khai ngộ, sửa đổi sai lầm trở lại tức là tu hành. Tu hành chẳng phải nói mỗi ngày niệm bao nhiêu cuốn kinh, niệm bao nhiêu Phật hiệu, lạy bao nhiêu lạy. Thật sự mà nói đó đều là hình thức, hình dáng mà thôi. Công phu chân thật là ‘biết lỗi’, ‘sửa lỗi’, có thể làm được bốn chữ này, ngày hôm nay bạn sẽ cảm thấy rất sung mãn, chẳng luống uổng.
Chẳng những người tu hành phải tuân thủ chặt chẽ, chúng ta xem trong Liễu Phàm Tứ Huấn người thế gian có ông Triệu Duyệt Ðạo mỗi ngày đều phản tỉnh, đều kiểm điểm, tìm lỗi lầm của mình để sửa đổi, chẳng để tái phạm. Nhưng người học Phật ngày nay trong miệng thì nói huyền thuyết diệu, thực tế công phu thì hoàn toàn chẳng có, cho nên chúng ta thấy người xuất gia thành tựu chẳng bằng người tại gia. Người tại gia học Phật đích thật có một số có thể buông xuống hết thảy; trái lại người xuất gia học Phật, trong miệng nói toàn là Phật pháp, đều là nói huyền thuyết diệu, nhưng những gì trong tâm suy nghĩ và hành động đều là nghiệp nhân luân hồi. Nói thì là phá mê khai ngộ, nhưng trên thực tế những gì tự mình làm đều là mê hoặc điên đảo.
Công phu chân thật phải bắt đầu từ việc kiểm điểm lỗi lầm, tiêu chuẩn này là những lời dạy của đức Phật trong kinh điển. Thế nên tại sao chúng ta phải học thuộc lòng kinh điển? Chính là để nhớ rõ tiêu chuẩn này, nếu nhớ chẳng rõ tiêu chuẩn ấy thì chẳng thể phân biệt thị phi, thiện ác, cứ thường xem sai cho là đúng, đúng cho là sai, đây tức là: ‘điên đảo, sai loạn’. Thế nên nhất định phải nhớ thuộc lòng kinh điển, phải hết lòng tự cứu mình. Nếu có thể siêu việt luân hồi ngay trong đời này, vãng sanh Tịnh Ðộ thì tự mình thực sự đã được cứu. Nếu chẳng thể vãng sanh Tịnh Ðộ, đời này đã luống uổng, những gì tu được trong đời này cũng chẳng có ích gì, tại vì chẳng bù nổi những ác nghiệp đã tạo -- khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều là tham, sân, si, mạn, đố kỵ, chướng ngại. Chư vị nghĩ coi nếu sức lực này mạnh thì sẽ đi vào tam đồ, muốn giữ được hai đường nhân, thiên chẳng phải dễ dàng đâu.