Học Phật và đã phát tâm xuất gia thì nhất định phải gánh vác sứ mạng hoằng pháp lợi sanh, nếu không thì thành tựu sẽ chẳng bằng người tại gia.  Hoằng pháp lợi sanh, một đời có thể học một hai bộ kinh thì cũng đủ dùng rồi, chẳng cần phải học quá nhiều.  Bộ kinh mà bạn chọn để tu học này, kinh văn và chú giải đều phải học thuộc lòng, nếu chẳng tuân theo phương pháp của các đại đức đời xưa truyền lại, thì sự thành tựu của chúng ta sẽ thua xa người đời trước.

Người đời trước học một bộ kinh không những phải học thuộc lòng kinh văn, mà còn phải học thuộc lòng chú giải.  Như trong Tông Thiên Thai họ phải học thuộc lòng ba bộ -- kinh Pháp Hoa, ‘Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm’, ‘Pháp Hoa Kinh Văn Cú’, những cuốn này tính là hai bộ; ngoài ra còn một bộ liên quan đến việc tu hành, đó là ‘Ma Ha Chỉ Quán’.  Ðây là điều kiện căn bản để học theo phái Thiên Thai; nếu chẳng học thuộc lòng ba bộ này thì chẳng có tư cách để học Thiên Thai.  Cho nên người ngày nay chẳng chịu học thuộc lòng kinh sách thì chẳng có cách nào để vượt hơn chư vị tổ sư.  Học kinh Vô Lượng Thọ không những phải học thuộc lòng kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ mà còn phải học thuộc lòng chú giải của kinh Vô Lượng Thọ.
Trong cả đời tôi chỉ gặp được một người vẫn còn dùng phương pháp dạy học thời xưa này, -- đó là Hải Nhân lão pháp sư ở Hương Cảng.  Năm 1977 tôi đến thăm ngài, qua năm sau thì ngài vãng sanh, vãng sanh lúc chín mươi mấy tuổi.  Ở Hương Cảng ngài chỉ có sáu học trò mà thôi; ngài chuyên nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, chuyên hoằng Lăng Nghiêm, ở Hương Cảng ngài được xưng là Thủ Lăng Nghiêm Vương.  Học trò của ngài phải học thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm, phải học thuộc lòng chú giải nên học trò của ngài chỉ có sáu người mà thôi.

Nếu muốn thực sự có thành tựu thì không thể không hạ thủ công phu ở chỗ này.  Muốn học kinh Vô Lượng Thọ thì Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ rất hay, tốt nhất là có thể học thuộc lòng cuốn này.

Nếu học kinh Quán Vô Lượng Thọ thì chọn ‘Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ’, đây là Sớ của Thiện Ðạo đại sư, phải học thuộc lòng cả kinh lẫn chú giải.

Nếu học kinh Di Ðà, kinh Di Ðà có hai thứ chú sớ: ‘Di Ðà Sớ Sao’ và ‘Di Ðà Yếu Giải’.  ‘Sớ Sao’ tốt nhất nên thêm ‘Diễn Nghĩa’, Diễn Nghĩa là để chú giải cuốn Sớ Sao.  Sớ Sao là do Liên Trì đại sư soạn, Diễn Nghĩa do học trò của Liên Trì đại sư là Cổ Ðức pháp sư soạn.  Sách Yếu Giải thì tốt nhất nên học thêm cuốn Giảng Nghĩa của Viên Anh pháp sư soạn.

Học Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm thì tốt nhất nên chọn ‘Biệt Hành Sớ Sao’, học thuộc lòng hết hai cuốn này.

Học Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương thì chọn Sớ Sao của Quán Ðảnh pháp sư.

Học Vãng Sanh Luận thì chọn chú giải của Ðàm Loan pháp sư.

Phải có khả năng học một môn, theo một nhà thì mới được, nếu chẳng dồn hết sức như vậy thì chỉ là giỡn chơi với Phật pháp mà thôi, chẳng thể tự độ, độ tha.  Thế nên đại đức thời xưa nói: ‘Năm năm học giới’, phục vụ những người thường trú tại đạo tràng trong vòng năm năm là tu phước, tu bố thí, tu nhẫn nhục; trong năm năm này bạn phải học thuộc lòng những kinh điển mà mình phải học.  Trong tòng lâm tự viện ngày xưa, năm năm này bạn chẳng có tư cách để nghe kinh.  Trong hoàn cảnh ngày nay, bạn có thể nghe kinh, nhưng bạn phải chú trọng vào việc học thuộc lòng kinh.

Năm kinh một luận nếu có thể học thuộc lòng càng nhiều thì càng tốt, chú giải thì tối thiểu phải chọn một loại.  Bạn phát tâm tương lai hoằng dương bộ kinh nào thì phải dồn sức vào kinh ấy, mỗi ngày đều đọc, đọc quen rồi thì tự nhiên sẽ nhớ nằm lòng, chẳng cần phải học cũng thuộc, giới định huệ của bạn có thể hoàn thành bằng cách tu học này.  Thực sự có thể dồn sức, dồn công phu vào việc này, thì bạn đâu còn thời gian để khởi vọng tưởng, kiếm chuyện thị phi?  Vẫn còn vọng tưởng, thị phi thì bạn chẳng thể tu học bằng phương pháp này.  Thế nên cổ đức xưa nay đều ‘chuyên công’ -- dồn sức vào học một môn, đều là một môn thâm nhập mà có được thành tựu.
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Niệm Phật Luận
Đại Sư Thái Hư

Mười Hạnh Nguyện Của Phổ Hiền Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Niệm Phật Luận
Pháp Sư Đàm Hư