Home > Khai Thị Phật Học > Thien-Thu-61-Dao-Man-Luoi-Nhac
Thiên Thứ 61: Đạo Mạn (Lười Nhác)
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, Việt Dịch


Thiên này có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất PHẦN THUẬT Ý

Sở dĩ con người không đạt đến đạo, là bởi vì tâm thần tối tăm mê hoặc; sở dĩ tâm thần tối tăm mê hoặc, là bởi vì cảnh vật bên ngoài quấy nhiễu. Có nhiều cảnh vật quấy nhiễu, điều ấy sơ lược có ba: Một là quyền thế danh lợi phù hoa, hai là lẳng lơ không chịu gắng sức, ba là hưởng thụ dục lạc quá mức. Danh lợi phù hoa tuy là sử dụng hàng ngày mà đối với tâm chắc là không có lúc nào cảm thấy mệt mỏi, lẳng lơ không chịu gắng sức mới làm cho ngày càng sâu đậm, hưởng thụ dục lạc quá mức làm cho tích lũy thật khẩn thiết, tất cả mọi việc đều là cành lá của ba điều ấy mà thôi. Thánh nhân biết không đoạn dứt ba điều này do đó cầu đạo không biết từ đâu mà đạt được, giống như nước với lửa, dập tắt và đun nấu thích hợp thì hoạt dụng ấy càng hoàn thiện, tách rời và phân tán tùy tiện thì công lao của nó càng ít ỏi. Vì thế Luận nói: Tính chất tinh vi thì xu thế sâu nặng, tính chất thô kệch thì hình thế kém cỏi. Do đó suy nghĩ nhận thức kỹ càng, thật sự nhờ công lao chịu khó mà ngộ đạo; lười nhác khinh mạn tùy tiện, bởi vì tham đắm Sắc Thanh mà ngăn cách với Thánh Hiền. Vì lẽ đó, Thích Thị chấn động trống giáo pháp tại Lộc Uyển, Phu Tử truyền đi âm vang đạo đức ở Trâu Lỗ, hãy còn tai mắt mà không nghe thấy, lẽ nào tâm thức có thể hợp nhau ư?

Thứ hai PHẦN DẪN CHỨNG

Như trong Tát Bà Đa Luận nói: Giới là Ba la đề mộc xoa, trong năm đường mà nói, chỉ riêng loài người có được giới, bốn đường còn lại không có được. Như loài Trời vì say đắm dục lạc sâu nặng nên không có năng lực đạt được giới. Như xưa kia có một lúc, Đại Mục kiền liên vì đệ tử có bệnh, cho nên lên trên cõi Trời Đạo Lợi để hỏi Kỳ Bà, đúng lúc gặp chư Thiên đi vào khu vườn Hoan Hỷ. Lúc bấy giờ Mục kiền liên ở bên cạnh đường đứng chờ, tất cả chư Thiên không có ai ngoái đầu nhìn xem, chỉ riêng Kỳ Bà đến sau, nhìn thấy Mục kiền liên nên hướng về đưa lên một tay, cưỡi xe băng qua. Mục kiền liên tự nghĩ: Người này trước đây ở trần gian là đệ tử mình, nay được phước báo cõi Trời nhưng vì đắm say dục lạc cõi Trời mà đã mất đi tâm ban đầu. Liền dùng thần lực ghìm xe làm cho đứng lại, Kỳ Bà xuống xe lạy dưới chân Mục kiền liên. Mục kiền liên quở trách vì nhiều nhân duyên, Kỳ Bà trả lời Mục kiền liên rằng: Bởi vì con trước đây trong loài người làm đệ tử của Đại Đức, cho nên đưa tay lên chào hỏi, có thể thấy chư Thiên có ai như vậy không? Lúc ấy Mục kiền liên khuyên nhắc Thích Đề Hoàn Nhân rằng: Thời Phật khó được gặp, sao không thường xuyên gần gũi học hỏi tiếp nhận Chánh Pháp? Đế Thích mong muốn hiểu ý Mục kiền liên cho nên sai người truyền gọi một vị Thiên Tử theo lệnh mà đến. Nhiều lần gọi đến mà còn cố tình không đến, sau vì bất đắc dĩ mà phải đến. Đế Thích thưa với Mục kiền liên rằng: Thiên tử này chỉ có một Thiên nữ một món kỹ nhạc để tự mình vui thú, bởi vì say đắm dục tình sâu đậm, tuy là tôn trọng mệnh lệnh nhưng mà không thể nào tự cắt bỏ được, cho nên không chịu đến; huống là làm vị Thiên Vương, lâu dài cung điện nguy nga với vô số Thiên nữ, muốn ăn thì trăm vị tự nhiên hiện ra, có trăm ngàn loại âm nhạc vi diệu để vui thú tự nhiên, nhìn cái này quên cái kia hay sao? Tuy biết rằng thời Phật khó gặp Chánh pháp khó nghe, mà bởi vì đắm sắc dục lạc nên bị ràng buộc không tự tại được, biết nhưng làm gì được? Ba đường dữ đầy rẫy khổ đau tai họa không có duyên gì đạt được giới. trong loài người chỉ có ba thế giới là đạt được giới, Bắc uất đan việt không có Phật pháp cho nên không đạt được giới, bởi vì phước báo làm cho chướng ngại và vì ngu si cho nên không tiếp nhận được Chánh Pháp vi diệu.

Lại trong Thiện Kiến Luật nói: Lúc ấy có Lục quần Tỳ kheo, tự mình ở dưới thấp người thỉnh cầu pháp thì ở trên cao, mà thuyết pháp cho họ. Bởi vì khinh mạn đối với giáo pháp cho nên bị Đức Phật quở trách. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Xưa kia ở nước Ba la nại có một cư sĩ, tên gọi Xa Ba Gia, vợ cư sĩ mang thai nhớ đến quả Am La, nói với chồng mình rằng: Em nghĩ đến quả Am La, anh đi kiếm cho em nhé! Người chồng đáp rằng: Mùa này không có quả, anh làm sao kiếm được? Người vợ nói với chồng rằng: Nếu anh không kiếm được thì em nhất định phải chết thôi. Chồng nghe vợ nói trong lòng tự nghĩ rằng: Chỉ riêng trong khu vườn của nhà vua mới có quả cấy trái mùa, mình sẽ đến đó hái trộm. Dấy lên ý nghĩ này rồi, ngay trong đêm đi vào khu vườn của nhà vua, hái quả chưa được mà mặt Trời đã mọc, không ra khỏi khu vườn được, thế là leo lên cây ẩn trốn. Lúc ấy nhà vua cùng với Bà la môn đi vào khu vườn muốn ăn quả Am Bà La. Bà la môn ở dưới thấp, nhà vua ở trên tòa cao, Bà la môn thuyết pháp cho nhà vua. Người hái trộm quả trốn trên cây tự nghĩ rằng: Mình hái trộm quả thì việc này phải đáng tội chết, nhờ nhà vua nghe Bà la môn thuyết pháp cho nên nay mình được thoát nạn, nay mình không có cách gì nhà vua cũng không có cách gì, Bà la môn cũng không có cách gì, tại vì sao? Mình vì vợ cho nên hái trộm quả của nhà vua, nhà vua vì kiêu mạn cho nên bậc thầy ở chỗ ngồi dưới thấp, mình ở chỗ ngồi trên cao mà nghe thuyết pháp, Bà la môn vì tham lợi dưỡng chẳng tự mình ngồi ở dưới thấp mà thuyết pháp cho nhà vua. Nay mình gồm có ba người cùng với nhau không có cách gì, trước mắt mình được thoát nạn. Thế là tụt xuống cây đi đến trước mặt nhà vua mà nói kệ rằng:

Cả hai người không biết cách thức,
Cả hai người không thấy cách thức,
Người dạy không dựa vào cách thức,
Người nghe không hiểu biết cách thức,
Bởi vì tất cả do ăn uống,
Tôi nói là không có cách gì,
Tất cả bởi vì danh và lợi,
Mà phá hủy gia pháp của ông.

Nhà vua nghe kệ này bèn tha tội cho người hái trộm quả. Lúc Ta còn là phàm phu mà còn thấy điều phi pháp, huống là nay đã thành Phật. Các ông là đệ tử thuyết pháp cho người ở dưới thấp hãy nhớ đúng pháp. Người hái trộm quả lúc ấy chính là thân Ta bây giờ.

Lại trong Trí Độ Luận nói: Như thời Phật Ca diếp, có hai anh em xuất gia cầu đạo, một người chuyên trì giới tụng kinh ngồi thiền, một người cầu tìm nhiều đàn việt tu dưỡng các phước nghiệp. Đến khi Đức Phật Thích Ca xuất thế, một người sanh vào nhà Trưởng giả, một người làm thân voi trắng to lớn, năng lực có thể phá tan quân giặc. Con Trưởng giả xuất gia học đạo đạt được 6 thần thông thành tựu quả A la hán, mà bởi vì phước mỏng cho nên khất thực khó có được. Ngày nọ ôm bình bát đi vào thành khất thực, đi khắp nơi mà không làm sao có được, đến chuồng voi trắng thấy nhà vua cung cấp cho voi đầy đủ các loại, bèn nói với voi rằng: Tôi và ông cùng có tội lỗi. Voi liền cảm động tin theo mà bỏ ăn ba ngày. Người trông voi sợ hãi tìm kiếm Đạo nhân, gặp rồi hỏi rằng: Ông làm phép thuật gì khiến cho voi trắng của nhà vua lâm bệnh không thể nào ăn được vậy? Đáp rằng: Voi này là em trai đời trước của tôi, vào thời Phật Ca diếp cùng nhau xuất gia học đạo, tôi chỉ trì giới tụng kinh ngồi thiền chứ không thực hành bố thí, em trai tôi chỉ tìm cầu nhiều đàn việt làm những điều bố thí chứ không trì giới không học hỏi, bởi vì không trì giới tụng kinh ngồi thiền chẳng nay làm thân voi này, vì tu nhiều hạnh bố thí cho nên ăn uống đầy đủ các loại phong phù sung túc. Tôi chỉ hành đạo chứ không tu hạnh bố thí cho nên nay tuy đạt được đạo quả mà khất thực không thể nào có được. Bởi vì điều này vốn có nhân duyên khác nhau, tuy gặp được thời Phật xuất thế mà vẫn còn nghiệp duyên cho nên phải đói khát.

Lại trong Kinh Bách Dụ nói: Xưa vào ngày lễ hội chúc mừng của nước khác, tất cả phụ nữ đều mang hoa Ưu bát la để làm vật trang điểm cho mái tóc mượt mà. Có một người nghèo khó gặp người phụ nữ nói rằng: Nếu chàng có thể hái được hoa Ưu bát la mang đến cho em thì em sẽ làm vợ cho chàng, nếu không có thể hái được thì em bỏ chàng mà đi. Người đó từ trước đến nay thường có sở trường bắt chước tiếng hót của chim Uyên ương, liền đi vào hồ của nhà vua giả làm chim Uyên ương hót vang mà trộm lấy Ưu bát la. Lúc ấy người giữ hồ bèn lên tiếng hỏi rằng: Người nào ở trong hồ? Thế là người nghèo khó này buộc miệng đáp rằng: Tôi là chim Uyên ương. Người giữ hồ bắt được mang đến chỗ nhà vua, mà ở giữa đường lại tiếp tục hòa thanh làm tiếng hót của chim Uyên ương. Người giữ hồ nói: Trước đây ông không hót lên mà nay hót lên nào có ích gì? Người ngu si ở thế gian cũng lại như vậy, suốt đời làm thương tổn gây ra những ác nghiệp, không luyện tập tâm hạnh khiến cho điều thuận tốt lành, lúc sắp mạng chung mới nói bây giờ tôi muốn được tu thiện, ngục tốt mang đi giao cho Diêm La Vương, tuy muốn tu thiện mà cũng không còn kịp nữa, giống như người ngu si kia sắp đến chỗ nhà vua mới cất lên tiếng hát của chim Uyên ương.

Lại trong Kinh Bách Dụ nói: Xưa có Trưởng giả rất giàu, xung quanh muốn lấy lòng Trưởng giả cho nên đều hết mực cung kính. Lúc Trưởng giả nhổ nước bọt, người hầu hai bên lấy chân chà đi. Có một người ngu chà không kịp được, bèn dấy lên nói rằng: Nếu nhổ nước bọt xuống đất thì mọi người chà đi mất, lúc sắp nhổ nước bọt thì mình nên chà trước. Thế là đang lúc Trưởng giả muốn cho họ khạc, thì người ngu này lập tức đưa chân chà miệng Trưởng giả, làm cho tọac môi gãy răng. Trưởng giả nói rằng: Tại vì sao ông chà môi miệng ta? Người ngu trả lời đầy đủ nguyên cớ của mình, vì vậy nước bọt sắp nhổ ra đưa chân chà trước mong vừa ý ông ấy mà. Tất cả mọi điều cần phải hợp thời, lúc thời cơ chưa đến thì gắng gượng dốc hết công sức thực hiện đã không ích gì mà còn nhận lấy vô vàn khổ não. Vì nguyên cớ này, người sống ở thế

gian nên biết đúng lúc và không đúng lúc! Tụng rằng:

Nhác học hành mê muội ba Giáo, Người hỏi không biết một chút gì, Đài hoa khép lại không kết hạt, Hoa nở sao có được quả tròn?

Sống uổng phí tâm luôn cao ngạo,
Xúc phạm người toàn nghiệp sai trái,
Rơi vào nẻo u ám mịt mù,
Đóng cửa giam vào chốn tối tăm.
Một khi vào đến trăm ngàn năm,
Vạn ức khổ đau luôn bức bách,
Đứng trước biển khổ chẳng biết gì,
Còn bởi vì lười nhác phải chịu.
Thánh nhân khéo chọn lấy ví dụ,
Ngu trí cần phải biết rõ luật,
Anh hùng lúc khinh mạn phép tắc,
Làm sao biết hối hận hôm nay?

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra 8 chuyện: 1. Để Thế Thường phụng pháp thời Tấn; 2. Trang Tử; 3. Liệt Nữ truyện; 4. Văn Tử; 5. Tôn Khanh Tử; 6. Diêm Thiết Luận; 7. Tấn Bình Công; 8. Luận Hoành.

1. Thời nhà Tấn có Để Thế Thường, đến giữa thời Tấn Thái Khang có người rất giàu. Lúc ấy cấm người Tấn làm Sa môn. Thế Thường phụng pháp không sợ lệnh cấm đã ban ra, bí mật ở trong nhà xây dựng tinh xá cúng dường Sa môn. Lúc ấy Pháp Lan cũng ở trong đó, Tỳ kheo đến không ngại gì. Sau có vị Tăng đến, dung mạo hình dáng thô lậu áo quần rách rưới chân dính bùn đất, Thế Thường liền đến làm lễ, sai người hầu rửa chân cho Tăng. Vị Tăng nói: Thế Thường tự tay rửa đâu cần gì đến người hầu! Thế Thường nói: Bệnh không rửa được, để người hầu làm thay mình. Vị Tăng không đồng ý, Thế Thường ngầm mắng mà bỏ đi. Vị Tăng hiện ra thân hình cao tám thước, dung mạo uy nghi sáng ngời vút lên cao mà đi mất. Thế Thường vỗ ngực tự nhiên ngã nhào giữa bùn đất. Tăng Ni trong nhà và người đi đường khoảng năm mươi sáu mươi người, trông thấy giữa hư không mấy chục trượng rõ ràng, mùi hương kỳ lạ ngào ngạt còn lại trong nhà cả tháng.

2. Trang Tử nói: Người mà không học, nói đó là thân thịt hiện có; học mà không thực hành, thân mạng đó gọi là cái túi đựng vật mà thôi.

3. Liệt Nữ Truyện nói: Lạc Dương Tử ở vùng Hà Nam, đã từng đi đường nhặt được vàng người ta đánh rơi mang về đưa cho vợ. Vợ nói: Thiếp nghe bậc chí sĩ không uống trộm nước suối, người liêm khiết không chịu ăn thức ăn nơi khác đưa đến, huống hồ nhặt của rơi cầu lợi dưỡng để vấy bẩn đức hạnh của mình ư? Dương Tử hổ thẹn đem vàng bỏ ở ngoài đồng, đi xa tìm thầy mà học hỏi.

4. Văn Tử nói: Người bậc Thượng học thì dùng thần thức mà lắng nghe, người bậc Trung học thì dùng tâm tư mà lắng nghe, người bậc Hạ học thì dùng tai mà lắng nghe.

5. Tôn Khanh Tử nói: Không leo lên núi cao thì không biết Trời là cao, không nghe đạo lý của Tiên Vương nói ra thì không biết cái to lớn của sự học vấn. Cái học của bậc quân tử thì đi vào bằng lỗ tai mà giữ lại ở nơi tâm tư, tỏa ra ở tay chân mà thể hiện bằng động hay tịnh. Cái học của tiểu nhân ở trong bốn tấc hạn hẹp, đi vào lỗ tai rồi đi ra bằng lỗ miệng, lỗ tai làm sao đủ để làm cho đẹp thân hình bảy thước?

6. Diêm Thiết Luận nói: Bên trong không có tính chất ấy mà bên ngoài học theo văn tự ấy, cho dù có thầy giỏi bạn tốt, mà cũng giống như vẽ trên mỡ khắc trên băng, hao phí thời gian mất toi công lao. Vì vậy thầy giỏi không thể nào tô điểm thành Tây Thi, hồ thơm không thể nào chứa thêm Mô Mẫu.

7. Thuyết Uyển nói: Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng rằng: Năm nay tôi 70 tuổi mà muốn học, sợ rằng đã muộn rồi chăng? Trả lời rằng: Muộn sao không cầm đuốc vậy? Hạ thần nghe tuổi trẻ mà học thì giống như ánh mặt Trời mới mọc, tuổi trưởng thành mà học thì giống như ánh mặt Trời buổi trưa, tuổi già mà học thì giống như ánh sáng của ngọn đuốc. Ánh sáng của ngọn đuốc thì ai có thể che giấu được việc làm? Tấn Bình Công nói: Tốt lành thay!

8. Luận Hoành nói: Trong tay không có tiền mà đến chợ nhất định mua hàng hóa, chủ bán hàng hóa chắc chắn không bán cho. Người trong lòng không có học hành, cũng giống như trong tay không có tiền bạc vậy.