Home > Học Phật Căn Bản > Thien-Thu-17-Kien-Giai
Thiên Thứ 17: Kiến Giải
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Gồm có hai phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Xét rằng thức tâm biến chuyển, theo lẽ bất thường; lẫn sáng đắp đổi, Thánh trí khó đoán lắng thần chiếu suốt, hiện rõ ngay cơ. Aáy gọi là tịch diệt bất động, cảm ứng liền thông. Ngộ đạo nhờ duyên, mới mong thần hóa. Do đó, văn tự có công năng dẫy đầy vũ trụ, biến hóa tùy phương, bao trùm pháp giới. Nếu chẳng phải là bậc Thánh có đủ lục thông, liệc có thể giáo hóa trọn vẹn cả năm đường?

Thứ hai: PHẦN DẪN CHỨNG

Như luận Phân biệt công đức nói: “Đức Phật sở dĩ bảo các đệ tử đều đáng đệ nhất (đứng đầu), vì trong giáo pháp để lại ở tương lai, tứ chúng xuất gia, kiến giải bất đồng, cùng nhau tranh luận, cho mình là hơn, kẻ khác là kém. Những người này thật nhiều vô số. Dự phòng như thế, nên đức Phật mở lối cho họ tự lực tự cường, cố gắng tu tập. Như trong ánh sáng thì mặt Trời đệ nhất, trong tinh tú thì mặt trăng đệ nhất, trong sông ngòi thì biển cả đệ nhất, trong cõi Trời Lục Thiên thì ma vương Ba tuần đệ nhất, trong mười tám Trời ở Sắc giới thì Trời Tịnh Cư đệ nhất, trong chín mươi sáu hạng thì Tăng già đệ nhất, trong chín mươi sáu đạo thì đạo Phật đệ nhất. Như trong năm trăm đệ tử thuộc hàng Thanh văn thì thần thông và kiến giải đều khác biệt, không thể kể hết”. Sau đây chỉ liệt kê một vài chục vị, vô số vị còn lại có chép đủ ở các sách khác.

1/ Luận nói: “Như Tỳ kheo Câu lân đến thọ pháp “Thiện lai” trước tiên, khi đức Phật mới bắt đầu giáo hóa, nên gọi là đệ nhất. Tỳ kheo Kiều phạm bát đề khôn ngoan, biết giữ mình khỏi mọi chê cười, bằng cách lên ẩn thân trên Trời, nên gọi là đệ nhất”. Thế nên luận

công đức nói: “Tỳ kheo Ngưu cước có hai lý do không thể ở dưới thế gian: Tỳ kheo này có móng chân như móng bò và ăn no xong, ói ra nhai lại. Nếu bọn ngoại đạo trông thấy, sẽ sinh lòng phỉ báng, bảo các Sa môn ăn uống vô độ, nên đức Phật sai lên Trời, ngồi tọa Thiền trên giảng đường Thiện pháp. Tỳ kheo Thiện Giác từng làm sứ giả của chư Tăng lên đó gặp Tỳ kheo này. Khi đức Phật đã nhập Niết bàn, Tôn giả Ca diếp đánh chùy tập họp chư Tăng, sai A na luật xem khắp thế gian có ai không đến. A na luật thấy tất cả đều hiện diện, chỉ còn Tỳ kheo Kiều phạm đang ở trên Trời. Ca diếp bèn phái Thiện Giác lên Triệu. Thiện Giác đến Trời Tam Thập Tam, gặp Kiều phạm đang nhập định tận diệt giữa giảng đường Thiện Pháp, liền dùng Thiền chỉ lay dậy: “đức Thế tôn nhập diệt đã mười bốn hôm, Ca diếp họp chúng, sai ta lên đây truyền lệnh mau xuống thế gian.” Kiều phạm đáp: “Thế gian đã trống vắng, trở về làm gì? Ta cũng sắp sữa nhập diệt”. Nói xong, lấy y bát nhờ Thiện Giác đem về trao lại cho chư Tăng rồi nhập diệt. Do nhân duyên khôn khéo giữ mình, an tọa trên Trời, nên Tỳ kheo này được gọi là đệ nhất”.

2/ Luận nói: “Ưu liên tỳ Ca diếp sở dĩ gọi là đệ nhất, vì từ tiền kiếp đến nay, có ba anh em thường có hàng nghìn đệ tử theo hầu, lại gặp đức Phật độ giúp, cùng chứng được quả A la hán, được cúng dường đầy đủ bốn thứ. Nhờ thế, phấn chấn hộ trì Thánh chúng, nên được gọi là đệ nhất về cúng dường”.

3/ Luận nói: “Xá lợi phất sở dĩ gọi là đệ nhất về trí tuệ, vì đức Thế tôn muốn biết trí tuệ của Thân tử (Xá lợi phất) nhiều ít thế nào, bèn lấy núi chúa Tu di làm nghiên, lấy nước bốn biển lớn làm mực, lấy tre gỗ trong bốn thế giới làm bút và lấy tất cả chúng sinh trong bốn thế giới làm để diễn tả trí tuệ của Thân tử nhưng không thể nào tả hết. Huống chi những kẻ chỉ có năm phép thần thông làm sao có thể ước lượng nổi? Do đó mới gọi Xá lợi phất đứng đầu về trí tuệ”.

3/ Luận nói: “Đại Mục kiền liên sở dĩ gọi là đệ nhất về thần thông, vì khi Đức Phật bảo là tam tai nổi lên, chúng sinh bị đói khổ, Đại Mục kiền liên bèn muốn lật mặt đất lên để lấy chất dinh dưỡng để nuôi sống chúng sinh. Đức Phật ngăn lại không cho, sợ tổn thương tín mạng của chúng sinh. Đức Phật ngăn lại không cho, sợ tổn thương tính mạng của chúng sinh. Đại Mục kiền liên liền muốn đưa một tay giữ chúng sinh, một tay lật đất, đức Phật cũng không chấp thuận. Do đó mới biết Đại Mục kiền liên đệ nhất về thần thông”.

Kinh Mật tích cương lực sĩ nói: “Thế giới Quang Minh Phan ở phương Tây có đức Phật Quang Minh Vương Minh đang thuyết pháp, Mục Liên vâng mệnh đức Thế tôn đến đó để ước độ của Phật âm thanh. Đức Phật ấy cao bốn mươi dặm, các Bồ tát cao hai mươi dặm, bát của các Bồ tát ấy cao một dặm. Mục liên đi trên miệng bát. Các Bồ tát ấy bạch đức Phật Quang Minh Vương: “Ủa, thưa đức Phật, sinh vật nhỏ bé này từ đâu đến, mặc áo Sa môn và đi trên miệng bát?” Đức Phật ấy đáp: “Các đệ tử thân yêu! Đừng khinh rẻ hiền giả ấy! Hiền giả trẻ tuổi ấy tên Đại Mục liên, là để tử đệ nhất về thần thông trong hàng Thanh văn của đức Phật Thích ca văn đây!” Rồi đức Phật Quang Minh Vương bảo Mục liên: “Các Bồ tát và Thanh văn của thế giới ta thấy hiền giả nhỏ bé, sinh lòng khinh rẻ. Vậy hiền giả hãy hiển hiện thần thông, nương nhờ uy đức của đức Phật Thích ca văn”. Mục liên vâng lời, cúi đầu hành lễ dưới chân đức Phật ấy, đi vòng quanh bảy lượt rồi phóng mình lên giữa không trung, biểu diễn thần uy, xong xuôi, trở về đứng trước đức Phật ấy. Các Bồ tát đều khen ngợi lạ lùng chưa từng thấy. Đức Phật ấy bảo: “Hiền giả muốn thử âm hưởng của đức Phật Thích ca văn nên mới đến đây. Không cần phải thử âm hưởng của Như Lai, vì âm hưởng ấy thật vô hạn, bất kể xa gần, đều diệu vợi vô lượng. Không thể lấy gì sánh ví nổi”. Đức Phật ấy bảo tiếp: “Thần lực của hiền giả không thể giúp cho đến đây được, chính là nhờ vào uy đức của đức Phật Thích ca văn. Nên đứng đây lễ bái đức Phật Thích ca văn, tự nhiên sẽ về được bên ấy. Nếu hiền giả chỉ vận dụng thần lực của chính mình, suốt một kiếp chưa trở về được bên ấy!” Mục liên hạ chân phải xuống sát đất, hướng về phương đông đảnh lễ đức Phật Thích ca văn rồi chắp tay trở về. Chỉ trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, đã được về đến. Do đó mới biết Mục liên đệ nhất về thần thông”.

5/ Luận nói: “A na luật sở dĩ gọi là đệ nhất về thiên nhãn, vì khi đức Phật đang thuyết pháp giữa đại hội, A na luật ngủ ngồi. Đức Phật trông thấy, bảo: “Nay Như lai thuyết pháp, tại sao ông ngủ? Này, khi ngủ, tâm ý đều đóng lại, khác gì đã chết?” A na luật hổ thẹn, cố gắng cảnh tỉnh, không dám ngủ, lâu quá thành mù. Mọi chúng sinh đều cần 6 loại thức ăn. Mắt cần hai loại: Một là sắc tướng, hai là ngủ nghỉ. Ngũ tình cũng cần đến hai loại thức ăn. Khi được ăn, lục căn mới được bảo toàn. Mắt không được ăn nên bị mù lòa. Đức Phật sai kỳ vực chữa trị. Ông này thưa: “Vì mất ngủ quá lâu nên không chữa được. Nhục nhãn đã hỏng, không thể nhìn thấy”. Một dạo a na luật mày mò vá áo, chỉ hết phải xâu lại. Không biết nhờ ai, bèn gọi khắp hai bên: “Ai muốn cầu phúc, xin hãy xâu kim giúp cho!” Bỗng nhiên đức Phật bước đến trước mặt, cầm lấy kim: “Ta sẽ xâu dùm”. A na luật hỏi: “Ai đấy?” Ta là Phật đây”. A na luật hỏi: ” Đức Thế tôn đã đầy đủ phúc, sao còn cầu phúc?” đức Phật đáp: “Liệu phúc có thể chám nhàm chăng?” A na luật lập tức suy nghĩ, đức Phật còn cầu phúc, huống gì kẻ phàm phu? Trong tâm cảm kích, vội vàng chạy đến chiêm ngưỡng đức Phật. Do quá thành tâm, chứng được phép thiên nhãn: Triền miên suy đi nghĩ lại, chứng thêm quả A la hán. Khi chứng quả này, thường có ba loại nhãn: 1/ là nhục nhãn. 2/ là thiên nhãn. 3/ là tuệ nhãn. A na luật dùng tam nhãn quan sát, sợ nhục nhãn quấy nhiễu thiên nhãn tranh giành công năng tinh vi và thô lớn, gây rối quan sát, nên chỉ dùng thiên nhãn quan sát đại thiên thế giới, lớn nhỏ đều thấy rõ ràng. Do đó mới bảo A na luật đệ nhất về thiên nhãn”.

6/ Luận nói: “Ca chiên diên sở dĩ gọi là đệ nhất về phân tích nghĩa lý, vì Tỳ kheo này muốn biên tập bộ pháp tạng, trong lòng suy nghĩ, nếu để người hỏi han náo loạn, khó chuyên tâm tư duy, nên ẩn mình dưới đất suốt bảy ngày. Khi soạn xong liền đem trình đức Phật. Đức Phật ngợi khen: “Lành thay!” và chấp thuận trở thành pháp tạng, có ý nghĩa vi diệu, hàng phục được ngoại đạo. Do đó Tỳ kheo này được gọi là đệ nhất về nghĩa lý. Lại nữa, đức Phật còn ngợi khen là bậc hiền giả đệ nhất về phân tích và giải thích ý nghĩa”.

7/ Luận nói: “bà câu la sở dĩ gọi là đệ nhất về tuổi thọ, vì từ tiền kiếp xa xưa đã cúng dường sáu vạn đức Phật thường phát từ tâm khắp các quốc độ của chư Phật ấy. Đối với các loài nhuyễn thể hữu hình, càng tỏ lòng thương xót, không hề có ý giết hại. Đức Phật bảo A nan: “Như lai hiện nay có thọ mạng 80 tuổi vì muốn tùy thuận thích hợp với thế gian, không để khác biệt. Bà câu la nhờ phước đức từ tiền kiếp nên thọ mạng Tăng gấp đôi, được một trăm sáu mươi tuổi. Bởi vào thời quá khứ, khi đức Phật Tỳ bà thi ra đời có vị Trưởng giả tu hành tinh khiết, bản tính hiền thiện khiêm cung, phát tâm cúng dường đức Phật ấy và chư Tăng đầy đủ bốn thứ suốt bốn mươi chín ngày. Một Tỳ kheo đến xin thuốc. Trưởng giả hỏi: “Đau bệnh gì?” Đáp: “đau đâu”. Trưởng giả nói: “Bệnh này do trên cách mô ứ nước nên phát ra đau đầu”. Nói xong cúng dường một quả ha lê lặc. Nhờ uống quả ấy, Tỳ kheo hết bệnh. Do phước báo này suốt chín mươi mốt kiếp, Trưởng giả ấy không hề mắc bệnh. A nan hỏi Bà câu la: “Tại sao ông không thuyết pháp? Phải chăng vì không thông hiểu phép tứ biện nên không dám thuyết pháp?” Bà câu la đáp: “Chẳng phải ta không đủ sức thông hiểu phép ấy. Chỉ vì ta vốn thích tịch lặng, không chịu cảnh ồn ào, nên không thuyết pháp mà thôi”. Do đó, Bà câu la đệ nhất về thọ mạng và tịch lặng”.

8/ Luận nói: “Ưu ba li sở dĩ gọi là đệ nhất về giữ giới, vì khi năm trăm đệ tử thân thích xuất gia, vị cắt tóc lẹ làng đưa tay, không mạnh không yếu, tự nhiên tóc đều rụng sạch. Đức Phật bảo Ưu ba li: “Hãy đến đây!” Ưa ba li lập tức trở thành Sa môn. Đức Phật truyền giới xong, liền trở thành A la hán. Sau đó, đức Phật mới truyền giới cho năm trăm đệ tử thân thích. Ưu ba li được làm thượng tọa. Các đệ tử thân thích nói: “Người này vốn là nô bộc trong nhà, làm sao đảnh lễ được?” đức Phật bảo: “Đừng nghĩ thế, đạo không phân biệt sang hèn ai đắc pháp trước là anh!” Các đệ tử thân thích miễn cưỡng gật đầu, ép mình hành lễ. Đất Trời bỗng nhiên chấn động dữ dội. Chư Thiên hiện ra tán thán: “Hay thay, hay thay! Hôm nay các đệ tử thân thích đã chế ngự được thói cao ngạo, là điều rất khó, khiến đất Trời phải chấn động”. Bấy giờ, cũng có chín vạn chín nghìn dân chúng xin xuất gia vào đạo. Từ ngày thọ giới, Ưu ba li không hề phạm một tội nhỏ, nên được gọi là đệ nhất về giữ giới. Lại nữa, phía bắc Tinh xá kỳ hoàn có vị Tỳ kheo bị bệnh suốt sáu năm không bớt, Ưu ba li đến thăm, hỏi: “Ông đau bệnh gì? Có cần gì không?” Tỳ kheo ấy đáp: “Ta cần một thứ trái với giới luật, nên không thể nói ra”. Cứ nói, đừng ngại!” Tỳ kheo ấy thổ lộ: “Ta nhớ rượu quá, chỉ cần năm thăng là hết bệnh”. “Đợi một lát, ta đi hỏi đức Phật giúp cho” Ưu ba li quay về, bạch cùng đức Phật: “Có Tỳ kheo mắc bệnh, cần rượu làm thuốc. Nên cho uống chăng?” đức Phật dạy: “Giới luật của ta đặt ra cốt để trừ bỏ bệnh tật khổ đau”. Ưu ba li lập tức quay lại tìm rượu đưa cho Tỳ kheo ấy uống xong, liền hết bệnh. Lại thuyết pháp cho nghe, Tỳ kheo ấy chứng được quả A la hán. Đức Phật khen ngợi Ưu ba li: “Ông hỏi chuyện ấy, khiến Tỳ kheo mắc bệnh được lành, lại còn đắc đạo. Nếu không được độ, Tỳ kheo ấy sau này sẽ rơi vào ba đường ác, không thể nào ra. Thế nên chế ra giới luật cho các Tỳ kheo mai sau, phải biết cân nhắc nặng nhẹ, mới mong khỏi mọi tai ách hiểm nghèo. Oâng thực sự biết giữ gìn giới luật. Ta giao phó giới luật cho ông, đừng để thất thoát. Đừng đem nói hết cho các Sa di mới vào đạo”. Do đó, Ưu ba li được gọi là đệ nhất về giữ giới”.

9/ Luận nói: “Nan đà sở dĩ gọi là đệ nhất về trang nghiêm, vì các Tỳ kheo khác đều có tướng tốt không bằng. Như Xá lợi phất có bảy tướng tốt, Mục liên có năm tướng tốt, A nan có hai mươi tướng tốt, chỉ duy Nan đà có ba mươitướng tốt. Thân Nan đà ánh màu vàng, thân A nan ánh màu bạc. Đắp y sáng chói, mang giày dép bằng tỏ vàng, cầm bát bằng lưu ly xanh, đi vào thành khất thực mọi người trông thấy Nanđà đều sinh lòng vui thích. Ngoài đức Phật các đệ tử khác không ai sánh kịp Nan đà, nên được gọi là đệ nhất về trang nghiêm. Nàng nại nữ xin phép đức Phật được gặp Nan đà ngoài Tinh xá. Quá đỗi yêu mến, Nại nữ hành lễ dưới chân, lấy tay vuốt ve Nan đà. Tuy nhìn dung mạo đẹp đẽ nhưng tâm Nan đà lặng yên, không chút xôn xao. Tay chân nam nữ đụng chạm, Nan đà không chút bất tịnh. Nại nữ không biết điều ấy, cho rằng Nan đà còn lòng dục. Đức Phật hiểu ý, bảo Nại nữ: “Đừng nghi ngờ! Su khi hết kiếp bảy ngày Nan đà sẽ chứng quả A la hán”. Do đó, có thể nói rằng đức Phật biết rõ tâm Nan đà thanh tịnh bất biến, cho nên được gọi là đệ nhất về trang nghiêm”.

10/ Luận nói: “Tỳ kheo Bà đà sở dĩ gọi là đệ nhất về giải tỏa nghi trệ của người khác, vì chư Phật ba đời đều đem tám vạn bốn nghìn pháp môn ra giáo hóa. Chúng sinh đắc đạo, không nhất thiết phải thực hành hết các pháp môn. Cần tùy thuận nhân duyên ngộ đạo, lấy đó làm tôn chỉ tu hành. Bởi vì chúng sinh có căn cơ không giống, mang bệnh nặng nhẹ khác nhau, tích tập cấu uếu dày mỏng sai biệt, nên chư Phật mới đặt ra số lượng pháp môn như thế. Có khi một loại thuốc trị được nhiều bệnh. Có khi nhiều bệnh dùng chung một loại thuốc. Giống như lục độ thống lãnh tất cả, chuyên tu một phép, các phép khác đều phụ giúp theo. Một phép không chuyên tu, các phép đều phế bỏ, tùy bệnh phát ra, dùng thuốc thích hợp. Nếu tâm “thường” nổi lên, lấy tâm vô thường chữa trị. Nếu tâm “có” nổi lên, lấy tâm không chữa trị. Khi tâm vô thường làm chủ, vạn pháp đều trở nên vô thường, giống như phép bố thí tạo nên tám vạn công đức, tám vạn công đức đều tạo thành từ phép bố thí. Cũng giống như trong bát âm của Như lai thì nhất âm làm chủ tất cả bát hưởng. Nhất hưởng làm chủ bách giáo. Nhất giáo làm chủ bách nghĩa. Mỗi một nghĩa đều làm chủ, suy rộng đến hàng trăm vạn ức nghĩa. Nhất âm báo vạn ức, biến hóa vi diệu đến thế. Nói đại khái, các pháp môn cũng đều như thế. Tỳ kheo Bà đà chuyên nói đại lược, nên được gọi là đệ nhất về giải tỏa nghi trệ”.

11/ Luận nói: “Thiên Tu Bồ đề sở dĩ gọi là đệ nhất về mặc áo đẹp, vì trong hàng năm trăm đệ tử thân thích có hai vị tên Tu Bồ đề: Một vị thuộc dòng dõi hoàng tộc và một vị thuộc dòng dõi Trưởng giả. Vị tên Thiên Tu Bồ đề này thuộc dòng dõi hoàng tộc. Gọi là Thiên vì suốt năm trăm kiếp, thường sinh lên cõi Trời làm chư Thiên, đứng vào hàng Thanh văn, sau hạ sinh xuống dòng dõi vương gia, hưởng phước đầy đủ, không hề thiếu thốn. Khi đức Phật trở về nước, dạy phải xuất gia, vị này ép mình dưỡng chí, cơm hẩm áo thô. Lấy cỏ làm nệm, lấy phân làm thuốc. Nghe đức Phật giáo hóa nghiêm minh quá, thối chí muốn bỏ về nhà. Nhân khi đức Phật nhận lời mời của Quốc vương Ba tư nặc, vị này đến Từ biệt xin về. A nan bảo: “Ông hãy ở lại một đêm”. Thiên tu Bồ đề đáp: “Tịnh xá của Sa môn làm sao ở được? Hãy để tôi ra ngoài nghỉ tạm, rồi mai về nhà”. A nan bảo: “Cứ ở lại đây, ta sẽ thu xếp chổ nghỉ đàng hoàng”. A nan vào cung lấy đủ các thứ tọa cụ, phướn treo, bông hoa, dầu thơm bày biện tươm tất. Thiên Tu Bồ đề vào nghỉ ngơi rất vừa lòng. Tâm thần ổn định, tư duy về tứ đế. Đến khuya, chứng được quả A la hán. A nan vào bạch đức Phật: “Thiên tu Bồ đề đã chứng xong quả A la hán, đang bay bổng giữa hư không”. Đức Phật bảo: “Này, áo có hai thứ: có thể gần gũi và không thể gần gũi. Nếu mặc áo đẹp mà Tăng trưởng đạo tâm thì áo ấy có thể gần gũi. Nếu mặc áo ấy mà tổn thất đạo tâm thì áo ấy không thể gần gũi. Do đó, A nan! Nếu mặc áo đẹp mà đắc đạo hay mặc áo Tăng rách nát mà đắc đạo, chổ đắc đạo chính là ở bản tâm chứ không câu chấp ở áo”. Vì thế, có thể nói rằng Thiên tu Bồ đề đệ nhất về mặc áo đẹp”.

12/ Luận nói: “La vân sở dĩ gọi là đệ nhất về giữ giới không hư hỏng, vì có người từng bảo La vân thích nói dối và ham sân giận. Đức Phật từ bỏ ngôi báu xuất gia đi khất thực khắp nơi, La vân cho là điều đáng xấu hổ, lấy làm bực tức nên sinh ra nói dối. Như có người hỏi đức Phật hiện ở đâu. Nếu đức Phật đang ở Kỳ Viên, La vân trả lời đang ờ Trú Ám viên. Nếu đức Phật đang ở Trú Ám Viên, La vân lại trả lời đang ở kỳ Viên. La vân trả lời ngược lại với người đến hỏi. A nan bạch cùng đức Phật: “La vân nói dối”. Đức Phật cho gọi đến hỏi: “Người có nói dối không?” Thưa có”. Đức Phật bảo “Ta sở dĩ bỏ ngôi báu xuất gia vì biết tất cả đều vô thường không bền vững. Ngay cả ngôi vị đế Thích, Phạm vương cũng không bền vững, huống gì ngôi vua ở thế gian để ỷ y? Trước sau, ta đã từ bỏ không màng đến. Tại sao ngươi lại đem lòng hờn trách ta?” nói xong, đức Phật bảo: “Ngươi hãy múc nước đem lại đây”. La vân múc nước đầy bát mang lại. Đức Phật cầm bát bảo: “Ngươi thấy nước đầy chăng?” “Thưa, thấy rồi”. Đức Phật bảo: “Nước này thật đầy, không vơi một chút giống người giữ giới viên mãn không sơ suất”. Đức Phật đổ bớt một nửa, bảo: “Ngươi thấy nước vơi chăng?” “Thưa, thấy rồi”. Đức Phật bảo: “Nước này vơi mất một nửa, giống người giữ giới không đầy đủ”. Đức Phật đổ hết nước, đưa bát cho La vân xem rồi bảo: “Ngươi thấy bát hết nước chăng?” “Thưa đã thấy”. Đức Phật bảo: “Phạm hết mọi giới cũng giống như bát hết nước”. Đức Phật úp bát xuống đất, bảo: “Ngươi thấy bát này chăng?” “Thưa, đã thấy”. Đức Phật bảo: “Phạm hết mọi giới, sẽ bị đọa xuống địa ngục, giống như bát úp ngược xuống đất”. Từ khi được đức Phật giáo huấn, La vân không hề phạm một giới, dù nhỏ như tơ hào, nên được gọi là đệ nhất về giữ giới. La vân còn đệ nhất về hạnh nhẫn nhục. Có lần theo Xá lợi phất vào thành Xá vệ khất thực, một kẻ Bà la môn thấy La vân đi sau, bỗng nổi ác tâm, đánh La vân, vỡ đầu chảy máu đầy mặt. La vân tức giận, nuôi ý kiếm cách trả thù. Xá lợi phất biết được, đưa tay chùi sạch máu, bảo: “Nên nhớ ngày xưa, khi phụ vương ngươi còn làm vua, có người đến xin mắt, bèn móc mắt ra cho. Thậm chí, chặt tay chân cho người cũng không chút hối tiếc. Khi làm voi, rút ngà đem cho cũng không cảm thấy khổ sở. Cớ sao ngươi nay lại sinh ác ý?” La vân nghe nói, hết sức trách mình đã nổi sân giận với kẻ Bà la môn kia, lập tức nín thinh như đất, không còn máy động tơ hào hại tâm. Kẻ Bà la môn đánh La vân kia bị đọa xuống địa ngục vô gián. Do đó, La vân đệ nhất về giữ giới và nhẫn nhục”.

13/ Luận nói: “Tỳ kheo Bàn đà tuy ngu độn nhưng sở dĩ gọi là đệ nhất về biến hình vì được đức Phật dạy tụng hai tiếng quét chổi. Hể tụng tiếng chổi thì quên tiếng quét, tụng tiếng quét lại quên tiếng chổi. Suốt sáu năm ròng Tỳ kheo chuyên tâm tụng hai tiếng ấy. Chợt tỏ ngộ, liền suy nghĩ: “Chổi là chổi, quét là trừ bỏ, chổi ví với bát chánh đạo, bụi dơ ví với tam độc. Lấy bát chánh đạo trừ bụi dơ tam độc. Ý nghĩa của quét chổi, phải chăng là như thế?” Trầm tư hoài chân lý ấy, tâm bổng mở tung, chứng được quả A la hán. Có kẻ Bà la môn (còn gọi là phạm chí, Thế điển, vì đọc rộng, hiểu sâu mọi sách vở sấm truyền, thiên văn địa lý nên có tên ấy) tự cho mình đức cao mới Bàn đà nói chuyện, bảo: “Dám cùng ta thảo luận chăng?” Bàn đà bực mình đáp: “Ta còn đàm luận nổi với tổ phụ Phạm Thiên của người, huống gì với kẻ đui mù không mắt như ngươi?” Bà la môn nương theo, hỏi lại: “Đui mù và không mắt khác nhau thế nào?” Bàn đà lặng thinh không trả lời được, bèn vận dụng thần thông, phóng mình lên giữa hư không cao bốn trượng chín, ngồi kết già phu tọa. Bà la môn ngẩng nhìn, trong lòng nảy sinh tôn kính. Bấy giờ, Xá lợi phất biết hết sự tình, thấy cần hiện ra trả lời giúp, nếu không, sẽ không độ được Bà la môn ấy, bèn hóa thành Bàn đà và làm phép che giấu Bàn đà, rồi hỏi rằng: “Nhà ngươi là Trời hay là người?” “Là người” “Có phải người nam chăng?” “Đúng thế”. Xá lợi phất lại bảo: “Người là danh từ chung. Người nam là căn cứ theo giới tính. Sao không khác nhau? Hồi nãy nói đui mù nghĩa là không có mắt trí tuệ để trừ bỏ phiền não tối tăm”. Bà la môn ấy lập tức giải tỏa mê mờ, chứng được quả pháp nhãn tịnh. Do đó, Bàn đà được gọi là đệ nhất về biến hình”.

Như kinh Tăng nhất a hàm nói: “Bấy giờ, vào ngày rằm, đức Thế Tôn giảng thuyết giới luật, các Tỳ kheo Tăng và năm trăm Tỳ kheo thân thích, lén rời Kỳ hoàn lên hồ A nậu đạt. Long vương bay xuống bên đức Thế tôn, cúi đầu hành lễ xong, ngồi xuống một bên. Đại chúng vắng lặng, Xá lợi phất cũng không thấy ngồi. Đức Phật bảo Mục kiền liên: “Oâng mau tới chổ Xá lợi phất, bảo gọi đến”. Mục liên vâng lời, sang thành Xá vệ, bảo Xá lợi phất: “Đức Phật gọi ông đến, có Long vương A nậu đạt muốn gặp”. Xá lợi phất cởi đai áo cà sa trước Mục liên, bảo: “Oâng có thần lực, thử nâng đai này”. Mục liên đưa tay nhắc lên, đai không chút nhúc nhích. Mục liên rán sức nhắc lên, đến nỗi mặt đất chấn động dữ dội. Xá lợi phất bèn nhắc bổng Mục liên bay đến Đông Phất vu đãi, lấy đai quấn núi Tu di. Mục liên cố nhắc đai lên, đến nỗi rung rinh núi Tu di. Xá lợi phất lại lấy đai quấn tòa Như lai, Mục liên không thể nào lay động, bèn bỏ đai, bay về bên Long vương. Từ xa, đã thấy Xá lợi phất về trước, đang ngồi kiết già phu tọa, tâm chí hướng tới trước. Mục liên bạch đức Phật: “Tôi đã mất hết thần thông rồi chăng, nếu không, tại sao Xá lợi phất về sau lại đến trước?” đức Phật bảo: “Xá lợi phất dũng mãnh ấy có trí tuệ rất lớn lao”. Đức Phật bảo tiếp: “Nhiều Tỳ kheo không kính trọng ông, bảo thần lực của Xá lợi phất hơn hẳn ông. Nay trước mặt đại chúng ông hãy hiển hiện thần oai”. Mục liên đáp: “Thưa vâng”. Rồi vụt khỏi chổ ngồi, bay lên đỉnh núi Tu di, dang một chân lên khỏi Trời Phạm Thiên, một chân dẫm mạnh xuống núi Tu di khiến mặt đất chấn động dữ dội sáu lần. Bấy giờ các Tỳ kheo đều tặc lưỡi ngợi khen lạ lùng chưa từng thấy. Mục liên bèn nói kệ, khiến 60 Tỳ kheo đều giải thoát mọi phiền não”.

Lại nữa, kinh Văn thù sư lợi bát Niết bàn nói: “Đức Phật bảo Bồ tát Bạt đà la: “Bồ tát văn thù sư lợi này có tâm đại từ đại bi, thuộc dòng dõi Bà la môn tu hành ở thôn Đa la trong nước này. Khi sinh, trong phòng như có hoa sen nở, từ hông phải của mẹ ra đời. Thân thể óng ánh màu vàng tía, biết nói ngay như Đồng tử trên Trời, có tán thất bảo che đầu. Chín mươi lăm vị luận sư không thắng nổi, xin xuất gia đức Phật và an trụ vào đại định Tam muội thủ lăng nghiêm. Sau khi đức Phật nhập diệt bốn trăm năm mươi năm, Bồ tát sẽ đến tuyết sơn giảng thuyết mười hai bộ kinh lớn thọ năm trăm đạo sĩ, khiến họ an tâm không thối chuyển, rồi trở về dưới gốc cây Ni câu luật đà bên đầm lớn tại quê nhà, ngồi kết già phu tọa, nhập vào đại định Tam muội thủ lăng nghiêm. Các lổ chân lông phóng hào quang vàng óng chiếu khắp mười phương thế giới, cứu độ mọi chúng sinh có thiện duyên. Thân như núi vàng, cao một trượng sáu. vầng hào quang tròn hiển hiện trang nghiêm, lớn khoảng một tầm, trong đó có năm trăm vị hóa Phật. Mỗi vị đều có nă, Bồ tát hóa thân àm thị giả”. Đức Phật lại bảo Bạt đà la: “Bồ tát văn thù sư lợi này có vô số thần thông biến hóa vô cùng, không thể ghi chép hết. Nếu chúng sinh nào chỉ cần nghe tên Bồ tát này, sẽ tiêu trừ tội nghiệp sinh tử trong 1hai ức kiếp. Nếu kẻ nào lễ bái cúng dường, đời đời sẽ được sinh trong nhà thờ Phật. Nếu kẻ nào chưa gặp được Bồ tát này, nên tụng chú Thủ lăng nghiêm, đọc danh hiệu văn thù sư lợi, từ một ngày cho đến bảy ngày, Bồ tát này sẽ hiện xuống nhà. Nếu kẻ nào còn nghiệp nặng, trong mộng gặp được Bồ tát này, hiện kiếp chỉ cầu chứng quả thanh văn, sẽ chứng được quả Tu đà hoàn, cho đến quả A na hàm. Nếu người xuất gia gặp được Bồ tát này, trong một ngày đêm, sẽ trở thành A la hán. Nếu kẻ nào tin tưởng sâu sắc vào kinh điển đại thừa, sẽ được Bồ tát này giảng giải nghĩa lý cao siêu trong Thiền định, kẻ nào rối trí loạn tâm, sẽ được Bồ tát này giảng giải nghĩa lý chân chính trong giấc mơ, giúp họ vững tin vào đạo Vô thượng một cách dũng mãnh kiên cường, không thối chuyển. Sau khi ta diệt độ, tất cả mọi chúng sinh nghe danh hiệu Bồ tát này, được thấy hình tượng của Bồ tát này, sẽ không bị đọa vào đường ác suốt hàng trăm kiếp. Nếu kẻ nào thọ trì đọc tụng danh hiệu của Bồ tát này, dẫu có nghiệp chướng nặng nề, cũng sẽ không bị đọa vào biển lửa dữ nhất của địa ngục vô gián, và sẽ luôn luôn được sinh vào các quốc độ thanh tịnh khác, sẽ được gặp gỡ chư Phật, được nghe thuyết pháp và được chứng pháp vô sinh nhẫn”.

Lại nữa, kinh Hiền ngu nói: “Khi đức Phật ở trong núi Thứu đầu tại thành vương xá, Quốc vương Ba la nại là Ba la ma đạt nói có vị tể tướng sinh được một bé trai đầy đủ tướng tốt, thân thể vàng óng, mặt mũi khôi ngô. Tể tướng nhìn con, lòng càng hớn hở Phu nhân trước đây, bản tính không nhân hậu lắm. Từ khi mang thai, biết thương xót hoàn cảnh khó khăn, rộng lượng với dân chúng, ra tay cứu giúp che chở. Tể tướng mời thầy bói đến xem giúp. Thấy đứa bé thầy bói vui mừng, đặc tên là Di lặc. Đứa bé nổi tiếng khắp nước. Nhà vua nghe được, sợ sẽ mất ngôi, có ý trừ khử khi nó còn nhỏ, liền bảo: “Nghe ngươi sinh con trai tướng mạo thật kỳ vĩ. Hãy đưa đến đây cho ta gặp mặt. Tể tường và mọi người đều biết nhà vua nuôi ý đồ xấu hết sức lo sợ. Ông ngoại của cậu bé là Ba bà lê, làm quốc sứ bên nước Ba bà phú la. Là người thông minh học rộng sáng suốt đa tài, có năm trăm đệ tử thường theo hầu hạ. Tể tướng thương con, sợ bị mưu hại, lén cho người cưỡi voi đưa con sang bên đó lánh nạn. Quốc sư thấy cháu tốt tướng, lòng thêm quý mến thương yêu, khi cháu khá lớn, dạy cho học tập. Một ngày tiến bộ hơn trẻ khác một năm. Chẳng bao lâu đã thông thạo kinh sử. Quốc sư thấy cháu học rộng, muốn mở đại hội để khen tài, liền sai đệ tử sang Ba la nại báo cho tể tướng biết học lực của con và lấy tiền của về mở đại hội. Đệ tử đi được nửa đường, nghe nói đức Phật đạo hạnh vô lượng, lòng rất hâm mộ, bèn đến gặp ngài. Giữa chừng bị cọp bắt ăn. Nhờ thiện tâm ấy được sinh lên cõi thứ nhất trong Trời Tứ Thiên. Quốc sư phải tự mình dốc hết của cải mở đại hội. Mọi người đều đến tham dự. Xong xuôi, làm lễ phát chẩn, mỗi người đều được ban cho năm trăm đồng tiền vàng. Khi thức ăn đã phân phát hết, có kẻ Bà la môn tên Lao độ sai đi đến sau cùng, nên không được phần ăn, chỉ được phát số tiền vàng. Lao độ sai nổi giận hỏi “nghe đồn ông bố thí thức ăn, cớ sao chẳng thấy gì? Nếu trái ý, không cho ta ăn, bảy ngày sau, đầu ngươi sẽ bị vỡ thành bảy mảnh!” Sợ bị ác chú và độc thuật, quốc sư không dám coi thường, đâm ra lo âu hết sức. Đệ tử sai phái trước đây được sinh làm Trời, thấy thầy xơ xác tiều tụy, hiện xuống hỏi thăm. Quốc sư kể lại đầu đuôi. Vị Trời nói: “Lao độ sai là kẻ gian ác ngu si, chẳng có gì cao siêu, cớ sao phải sợ? Chỉ có đức Phật là bậc Vô thượng pháp vương siêu việt bậc nhất, rất đáng quy y”. Quốc sư nghe nói đến đức Phật, liền hỏi kỹ. Vị Trời cho biết đức Phật có vô lượng trí tuệ và đạo đức, hiện đang ở trên núi Thứu đầu tại thành vương xá. Quốc sư nghe ca tụng uy danh của đức Phật, chợt nhớ lại điều có ghi chép trong sách: “một khi sao Phí hiện ra, Trời đất chấn động, sẽ có bậc Thánh trí ra đời”. Điềm lành nay đã ứng hiện, liền sai nhóm Di lặc gồm 16 người đi xem tướng tốt của đức Phật và thử hỏi ngài thầy Ba bà lê của chúng tôi có bao nhiêu tướng tốt, bao nhiêu tuổi, họ gì, có bao nhiêu đệ tử. Quốc sư căn dặn, nếu đức Phật đáp đúng, ngài mới là đức Phật. Các ngươi nên quy y theo ngài rồi phái một người về cho hay. Nhóm Di lặc lên đường sang thành vương xá, đến núi Thứu đầu. Thấy đức Phật tỏa hào quang sáng láng, hiện đủ tướng tốt trang nghiêm, cả nhóm lòng rất hoan hỷ. Vâng lời thầy, đem mọi điều ra hỏi. Đức Phật trả lời không sai một mảy. Cả nhóm vô cùng kính ngưỡng, dập đầu hành lễ. Đức Phật thuyết pháp, mười lăm người đều chứng quả pháp nhãn tịnh, cùng xin xuất gia. Đức Phật bảo: “Mau đến đây!” lạ thay! Tóc râu đều rụng sạch và có đủ pháp phục trên mình. Đức Phật lại thuyết pháp, tất cả đều trở thành A la hán. Trong đó có người tên Tân kỳ ký, là con của chị ruột quốc sư, được phái về báo lại tin tức. Đến nhà, Tân kỳ ký thuật lại cặn kẽ mọi chuyện. Quốc sư hết sức vui mừng, quỳ xuống chắp tay hướng về thành vương xá chí tâm cầu xin đức Phật sang cứu độ. Thấu hiểu tất cả, nhấp nháy đức Phật đã hiện ra. Quốc sư hành lễ xong, nửa mừng nửa sợ ngẩng đầu chiêm ngưỡng Thánh nhân. Đức Phật thuyết pháp, quốc sư chứng được quả A la hán. Xong xuôi đức Phật lại trở về nứi Thứu đầu. Đức Phật bảo các Tỳ kheo: “Về sau, cõi Diêm phù đề này địa thế vuông vức, bằng phẳng rộng rãi, không có núi sông. Đất sinh cỏ mềm như áo chư Thiên. Chúng sinh hưởng thọ đến tám vạn bốn nghìn tuổi. Thân cao tám trượng, hết sức trang nghiêm. Tính hạnh nhân từ, tu thao thập thiện. Bấy giờ sẽ có vị Chuyển luân vương tên Thắng già. Lại có nhà Bà la môn sinh con trai tên là Di lặc. Thân màu vàng tía, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, phóng hào quang rực rỡ. Di lặc sẽ xuất gia tu hành, chứng quả Vô thượng chánh giác, chuyển xe pháp cứu độ chúng sinh. Tại đại hội thứ nhất, sẽ cứu độ chín mươi ba ức chúng sinh. Tại đại hội thứ hai, sẽ cứu độ chín mươi mốt ức chúng sinh. Tại đại hội thứ ba, sẽ cứu độ chín mươi ức chúng sinh. Những chúng sinh được cứu độ trong ba đại hội ấy đều là những kẻ trồng nhân lành từ di giáo của ta”. A nan bạch đức Phật: “Chẳng hay do nhân duyên nào được gọi là Di lặc?” Đức Phật đáp: “Do từ thời quá khứ xa xưa đã tu tập phép Tam muội Từ bi, định ý dịu hiền, lại không có lòng tàn hại, nên được gọi là Di lặc”.

Tụng rằng:

Thánh trí giữ chánh đạo, Yếu hèn chịu ngữa nghiêng. Thầy hay mới phát tuệ Soi sáng kẻ hữu duyên.

Ứng biến nhiều cơ khác, Linh tích chép đầy thiên. Pháp vương lên ngôi báu, Vang dội khắp tam thiên. Nổi trống chấn hưng pháp, Rồng bay hợp nhân thiên. Tịch lặng mà vi diệu, Cao xa tụng lẽ huyền.

Bốn chín năm thuyết giáo,

Mở hội dựng tràng phan, Băm hai tướng nổi bật, Rực rỡ Hoa lâm viên.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

1: Sa môn Cưu ma la thập đời Tấn.

2: Sa môn Thích Pháp Hiển đời Tống.

1: Đời Đông Tấn (317 419) Sa môn Cưu ma la thập ở Trường An vốn người Thiên Trúc, dòng dõi đời đời làm tể tướng. Tổ phụ là Đạt đa tài giỏi xuất chúng, vang danh khắp nước. Phụ thân là Cưu ma la diễm, thông minh mẫu mực. Khi sắp lên kế vị lại từ tạ xuất gia, vượt núi Thông lãnh sang đông. Vua Quy Tư nghe tiếng, rất hâm mộ, thân ra khỏi thành nghinh tiếp, mời làm quốc sư. Nhà vua có người em gái vừa hai mươi tuổi, thông minh sáng láng, nhìn qua đã nhớ, nghe qua đã thuộc. Trên mình có nốt ruồi son, hợp tướng sinh con Thánh trí. Các nước đến cưới, đều không chịu, gặp Cưu ma la diễm, rất bằng lòng, chịu về làm phu nhân. Khi mang thai ngài, phu nhân càng minh mẫn. Nghe đồn ở chùa cả Tước lê có nhiều cao Tăng, có vị đã đắc đạo, phu nhân cùng các sư đức hạnh, xuất thân từ hàng công chúa cao sang, suốt ngày đến cúng dường, giữ giới và nghe thuyết pháp. Tự nhiên phu nhân biết tiếng Thiên Trúc, lời lẽ đem ra chất vấn rất sâu sắc, khiếm mọi người phải thán phục. Vị La hán Đạt ma cù sa bảo: “Đây là điềm sinh con Thánh trí”. La hán dẫn chứng chuyện hoài thai của Xá lợi phất. Sau khi hạ sinh ngài, phu nhân mới quên tiếng Thiên Trúc. Được một thời gian, phu nhân có ý xuất gia, quốc sư chưa chịu, lại sinh thêm một bé trai là Phất sa đề bà. Nhân ra ngoài thành tham quan, thấy xương khô nằm ngổn ngang khắp các gò mã, phu nhân suy nghĩ sâu xa về gốc khổ, quyết định xuất gia. Rồi phu nhân phát thệ xuống tóc, không chịu ăn uống. Đến tối ngày thứ sáu, chỉ còn hơi thở thoi thóp, sợ không chịu đựng đến sáng nên quốc sư phải bằng lòng. Chưa được xuống tóc, phu nhân chưa chịu ăn uống. Quốc sư cho người thế phát, phu nhân mới bắt đầu ăn uống trở lại. Sáng hôm sau liền thọ giới, thực hành Thiền pháp rất tinh tiến. Chẳng bao lâu, chứng được sơ quả. Năm lên bảy, ngài noi gương mẹ xuất gia, theo thầy học tập kinh điển. Mỗi ngày thuộc hàng nghìn bài kệ, mỗi bài khoảng ba mươi hai chữ, tổng cộng đến ba vạn hai nghìn chữ. Tụng xong luận Tỳ đàm, thầy vừa giảng nghĩa, ngài liền thấu triệt mọi uẩn áo. Dân chúng Quy Tư biết phu nhân xuất thân từ hàng cao quý, cung phụng rất nhiều. Phu nhân ngần ngại, phải bồng ngài tránh đi. Năm lên chín, ngày theo mẹ vượt sông Tân hà, sang nước kế Tân, gặp pháp sư lổi lạc Bàn đầu đạt đa là em họ của vua nước ấy. Pháp sư học rộng tài cao, nhân từ độ lượng, tinh thông tam tạng, ngoại điển vào bậc nhất đương thời. Mỗi sáng làm hàng nghìn bài kệ, mỗi chiều cũng đọc tụng hàng nghìn bài. Tiếng tăm truyền tụng khắp các nước xa gần đều thờ làm thầy. Ngài đến xin làm đệ tử, theo học các bộ Trung và Trường A hàm của Tạp tạng, gồm khoảng bốn trăm vạn chữ. Pháp sư thường khen ngài là thần đồng và đem tâu lên, nhà vua mời ngài vào kệ kiến, tập họp các luận sư ngoại đạo đến chất vấn, mới gặp mặt, bọn ngoại đạo khinh thường ngài nhỏ tuổi, lên mặt nói năng ngã mạn. Ngài nhân đó bắt bẻ, bọn ngoại đạo đuối lý, xấu hổ ngậm miệng, nhà vua càng lấy làm lạ kỳ, kính nể hơn. Mỗi ngày ban cho ngan khô một cặp, mì sợi, bột cám mỗi thứ ba thăng sữa tươi sáu thăng. Đây là lệ cung cấp dành riêng cho người ngoại quốc. Lại phái thêm năm Sa môn, mười Sa di làm đệ tử chuyên lo hầu hạ, quét dọn. Ngài được nhà vua ưu ái đến thế. Năm lên mười hai tuổi mẹ ngài lại đưa về Quy Tư. Các nước đều mời làm quan lớn, nhưng ngài không màng đến. Bấy giờ, mẹ ngài đưa đến núi Bắc sơn ở Nhục Chi, có vị La hán trông thấy ngài, lấy làm kỳ dị, bảo mẹ ngài rằng: “Nên thường xuyên chăm sóc. Nếu đến năm ba mươi tuổi không phá giới vị Sa di này sẽ chấn hưng mạnh mẽ Phật pháp, cứu độ vô số chúng sinh, chẳng khác gì Ưu bà quật đa. Nếu giữ giới không toàn, sẽ chẳng làm được gì lớn, chỉ là một pháp sư tài giỏi mà thôi!” ngài đến nước Sa lặc, nâng bát của đức Phật đội thử lên đầu tự nghĩ: “Bát thấy thật lớn, nhưng sao lại quá nhẹ thế này?” Bát bỗng hóa nặng, không thể đội nổi. Ngài phải buột miệng kêu lên và hạ bát xuống. Mẹ ngài hỏi rõ cớ sự, bảo rằng: “Tại tâm con còn phân biệt, nên bát hóa ra nặng nhẹ đấy thôi”. Ngài ở lại Sa lặc một năm. Mùa đông đọc luận A tỳ đàm. Đến các phầm Thập môn và tu trí, không hỏi ai, vẫn lãnh hội mọi chổ vi diệu, đến các môn Lục túc, ngài đều quán thông, không chút bế tắc. Tam tạng pháp sư Hỷ kiến của nước ấy tâu lên nhà vua rằng: “xin đừng xem thường vị Sa di này, nên xuống lệnh cho mở pháp hội, sẽ có hai điều lợi: Một là các Sa môn trong nước xấu hổ vì thua kém, hẳn sẽ học hỏi nhiều hơn. Hai là nhà vua Quy Tư thấy vị Sa di này sang hóa đạo ở nước ta, nhà vua ấy vốn tôn kính vị Sa di này, hẳn phải tôn kính nước ta, chắc chắn sẽ cho người sang giao hảo”. Nhà vua bằng lòng, sai mở đại hội, mời ngài lên pháp đàn giảng kinh chuyển pháp luân. Nhà vua Quy Tư quả nhiên sai sứ sang tỏ tình hòa hiếu. Thuyết pháp rảnh rỗi, ngài tìm hiểu sách vở ngoại đạo, học kỹ bộ luận Vi đà xá đa, giảng rõ văn từ, đặt thêm các câu vấn đáp. Ngài cũng nghiên cứu các bộ luận Tứ vi đà điển và ngũ minh. Các môn thiên văn địa lý, ngài đều thông hiểu, biết rõ chuyện xấu tốt, tiên đoán đều đúng như in. trước ngài học tiểu thừa, sau mới chuyên chú đại thừa. Bản tính thẳng thắn, ngài nói: “Trước đây, ta học tiểu thừa, giống người không biết vàng, lấy quặng thau làm quý”. Muốn tìm ra nghĩa lý sâu rộng, ngài đọc tụng các bộ trung luận, bách luận và Thập nhị môn luận. Sau đó, ngài theo mẹ sang nước Ôn Túc thuộc phía bắc Quy Tư. Nước này có vị đạo sĩ giỏi tài hùng biện, nổi tiếng khắp lân bang. Đạo sĩ tự tay đánh trống chúa phát thệ: “nếu ai biện luận thắng ta, xin dâng đầu tạ tội!” Ngài đến nơi đem cả hai nghĩa ra kiểm chứng lại, đạo sĩ mù mờ đuối lý, cúi đầu xin quy y. liền đó, uy danh của ngài vang dội khắp miền Tây Vức ngoài Thống lãnh. Nhà vua Quy Tư thân hành sang Ôn Túc cung nghinh ngài về nước. Những pháp sư giảng các kinh lớn và lãnh tụ bốn phái lớn chẳng ai có thể sánh bằng ngài. Bấy giờ, công chúa con nhà vua là A kiệt da mạt đế vốn thông suốt tam tạng uyên thâm Thiền lý tự cho rằng đã chứng nhị quả, hớn hở thích nghe thuyết pháp, liền mở đại hội mời ngài đến hỏi han diệu lý của kinh điển đại thừa. Ngài phân tích các pháp đều là không vô ngã, ấm giới chỉ là giả danh không thật. Bấy giờ, toàn thể pháp hội đều xót xa hối tiếc liễu ngộ quá muộn màng. Năm lên hai mươi tuổi, ngài thọ giới trong cung, học luật Thập tụng với pháp sư Tỳ ma la xoa. Được một thời gian, mẹ ngài từ giã nhà vua Quy Tư để sang Thiên Trúc, bảo rằng: “Thế nước của nhà vua suy yếu quá, ta phải ra đi”. Dừng chân ở Thiên Trúc, mẹ ngài chứng đến tam quả. Khi chia tay, mẹ ngài bảo: “Giáo lý đại thừa rất cao thâm, cần phải xiển phát ra thật lớn, truyền bá thật rộng sang Đông độ. Điều ấy chỉ trông cậy ở sức con. Cố giữ bản thân đừng vụ lợi. Liệu có thể được chăng? Ngài đáp: “Phương châm của bậc đại sĩ là hy sinh mình làm lợi cho người. Nếu quyết chắc chánh pháp được lưu hành, giác ngộ được thế gian mông muội, dẫu thân này phải sa vào vạc lửa đớn đau cũng chẳng ân hận!” Rồi ngài ở lại trong chùa Tân Tự tại Quy Tư. Sau đó, trong cung cũ cạnh chùa, ngài tìm thấy trước tiên kinh Phóng Quang Bát nhã. Mới đem mở đọc, ác ma đến che mất chữ, chỉ thấy giấy không. ngài biết ác ma quấy phá, nên giữ tâm càng kiên cố. Ma phải bỏ đi, chữ lại hiện rõ, ngài bèn ung dung trì tụng. Bỗng nghe giữa không trung có tiếng nói: “Ông là bậc Thánh nhân, cần gì phải đọc tụng kinh này?” Ngài đáp: “Ngươi chỉ là con ma nhỏ xíu, mau đi khỏi đây! Tâm ta kiên cố như mặt đất, đừng hòng lay chuyển nổi!” Ngài ở lại đây ba năm, đọc tụng khắp các kinh luận, thấu tỏ mọi áo chỉ. Nhà vua Quy Tư sai tạo Sư tử làm tòa bằng vàng, phủ nệm gấm đại tần, rồi mời ngài ngồi lên thuyết pháp. Ngài tâu: “Sư phụ còn chưa đốn ngộ đại thừa, tôi muốn thân hành đi cung nghinh lễ bái, lẽ nào ngồi yên tại đây?” Bỗng đại sư Bàn đầu đạt đa tìm đến. Nhà vua hỏi: “Cớ sao đại sư lại đến đây?” Đại sư đáp: “Thứ nhất, vì nghe đệ tử liễu ngộ phi thường. Thứ hai, vì nghe nhà vua có lòng xiển dương Phật pháp, nên bần đạo không quản xa xôi, xông pha mạo hiểm đến với quý quốc”. Thấy sư phụ đến, ngài vui mừng toại nguyện, đem giảng thuyết kinh Đức Nữ Vấn, giải thích mọi nhân duyên không giả, là điều mà trước đây thầy trò đều chưa tin tưởng, nên phải đem ra giảng giải trước tiên. Đại sư thắc mắc: “Đối với đại thừa, con thấy có gì lạ lắm, đến nỗi phải tôn sùng như thế?” Ngài đáp: “Đại thừa sáng láng cao thâm, các pháp đều không. Tiểu thừa hạn hẹp, câu nệ quá nhiều vào danh tướng”. Đại sư bảo: “Con nói hết thảy các pháp đều không. Thật đáng sợ thay! Sao lại bỏ hữu để yêu không? Ngày xưa xó kẻ cuồng si thuê thợ kéo sợi tơ thật mảnh mai đẹp đẽ. Thợ kéo dồn hết tâm ý kéo thật nhỏ như vi trần. Kẻ cuồng si bực dọc cho là còn thô. Thợ kéo giận quá, chỉ vào hư không bảo: “Đây là sợ tơ mảnh nhất!” Kẻ cuồng si hỏi: “Tại sao ta không thấy?” Thợ kéo đáp: “Sợi tơ này quá mảnh, ta kéo khéo léo đến nỗi chính ta còn chưa thấy, huống gì kẻ khác như ông?” Kẻ cuồng si hết sức vui mừng, giao cho thợ dệt. Thợ dệt cũng bắt chước nói như thợ kéo, nên được thưởng cao, nhưng thật sự không có sợi tơ. Quan niệm về không của con cũng giống thế mà thôi!” Ngài phải hệ thống mọi chuyện, đem ra trình bày một cách mạch lạc, khổ công nhắc đi lập lại nhiều lần, suốt hơn một tháng, đại sư mới chịu khuất phục tin tưởng và than rằng: “Bấy lâu ta không thấu suốt, hiểu ngược sự lý, nay mới nghiệm ra!” rồi đại sư đảnh lễ, tôn ngài làm sư phụ, bảo: “Hòa thượng là sư phụ của ta về đại thừa, ta là sư phụ của Hòa thượng về tiểu thừa”. Các nước Tây Vức đều vô cùng kính phục thiên tài kỳ diệu của ngài. Mỗi lần thuyết pháp, các vua chúa đều quỳ mọp xuống để ngài dẫm chân bước lên pháp tọa. Ngài được tôn sùng đến thế. Bấy giờ, ngài đã thật sự truyền đạo ở Tây Vức và nổi tiếng khắp Đông xuyên. Khi vua Phù Kiên tiếm hiệu tại Quan Trung, Tiền bộ vương người ngoại quốc và em vua Quy Tư đều đến chầu, tâu lên: “Miền Tây Vức có nhiều sản vật quý hiếm xin nhà vua cho quân sang chinh phục làm chư hầu”. Tháng giêng năm Đinh Sửu, niên hiệu kiến nguyên thứ 13 (377) Quan thái sử tâu: “Sao lạ tự nhiên xuất hiện ở vùng Trời ngoại quốc, sẽ có bậc Thánh trí đại đức sang giúp nước ta”. Vua Phù Kiên phán: “Trẫm nghe Tây Vức có Sa môn Cưu ma la thập, Tương dương có Sa môn Đạo An, phải chăng là hai vị này?” Liền sai sứ giả đi mời. Tháng hai năm Kiến Nguyên thứ 17 (381), thiện Bộ Vương và Tiền Bộ vương lại xin đem quân chinh phục Tây Vức. Tháng chín năm sau, vua Phù Kiên sai Kiêu kỵ tướng quân Lữ Quang, Giang Lăng tướng quân khương phi cùng Tiền Bộ vương và Xa Sư vương đem bảy vạn quân chinh phục các nước Quy Tư và Ô Kỳ Lúc xuất quân, vua Phù Kiên tiễn chân Lữ Quang ở cung Kiến chương, dặn dò: “Xét rằng đế vương trị nước phải hợp ý Trời, lấy thương dân như yêu con làm gốc. Chẳng phải tham lam đất ấy mà chinh phục, chính vì hâm mộ bậc đại sĩ đó thôi. Trẫm nghe nước ấy có ngài Cưu ma la thập hiểu sâu pháp tướng tài giỏi thiện văn, là tôn sư của lớp hậu học. Trẫm rất lưu luyến. Bậc hiền triết là báu vật lớn nhất của quốc gia. Nếu khanh chinh phục được Quy Tư, hãy lập tức đưa ngài về nước!” Quân của Lữ Quang chưa đến, ngài bảo nhà vua Quy Tư là Bạch Thần rằng: “Thế nước suy yếu quá, nay mai sẽ có quân địch hung mạnh từ phương đông kéo đến. Nên quy thuận họ, đừng chống cự lại”. Nhà vua không nghe lời, cố tâm quyết chiến. Lữ Quang đánh bại Quy Tư, giết chết vua Bạch Thần, lập người em tên Chấn lên thay. Lữ quang bắt được ngài, chưa lường nổi trí tuệ siêu phàm, phần thấy ngài còn nhỏ tuổi nên hay nói đùa coi thường. Lữ Quang đem quân về nửa đường, dừng lại dưới chân núi, tướng sĩ đều nghỉ ngơi. Ngài bảo: “Không thể ở đây, chắc chắn sẽ bị khốn đốn. Phải mau dời lên gò cao”. Lữ Quang không nghe lời. Nửa đêm, quả nhiên mưa lớn ầm ầm trút xuống, lũ quét dâng cao mấy trượng. Quân sĩ chết đuối vài nghìn người. Bấy giờ, Lữ Quang mới âm thầm tin ngài là bậc dị nhân. Ngài bảo: “Đây là chốn ngay hiểm, không nên dừng lâu. Mau thúc quân về. Giữa chừng ắt sẽ có đất tốt có thể đóng quân”. Lữ Quang nghe lời. Tới Lương Châu, hay tin vua Phù Kiên đã bị Diêu Trường ám hại, Lữ Quang cùng ba quân để tang, dàn quân tại phía nam thành và tự tiện đổi niên hiệu Thái an (386). Tháng giêng năm, vùng Cô Tang có bão lớn, ngài bảo: “Gió dữ nổi lên, ắt có phản loạn, nhưng không đáng lo, rồi sẽ yên đâu vào đấy”. Về sau quả thấy lời ngài nói đúng. Ngài dừng chân ở Lương Châu nhiều năm, cha con Lữ Quang không có tâm hoằng đạo, ngài đành ôm kín sở học uyên thâm, không thể đem ra thi thố. Vua Phù Kiên cũng đã chết, không được gặp gỡ. Khi Diêu Trường chiếm cứ Trung nguyên, rất mến mộ ngài, dốc lòng mời mọc, bọn họ Lữ thấy ngài tài cao vọng trọng, sợ Diêu Trường rước mất, nên không cho ngài đi. Diêu Trường chết, con là Diêu Hưng kế vị, cũng ân cần mời mọc. Tháng ba năm Hoằng Thủy thứ ba đời vua Diêu Hưng nhà Hậu Tần (401) có cây mọc liền cành tại sân chầu, cọng hành hoá thành hẹ ở vườn Tiêu Diêu. Đây là điềm lành báo hiệu có bậc trí giả đến. Tháng năm, vua Diêu Hưng sai Lũng Tây công Thạc Đức chinh phạt Lữ Long, được đại thắng. Tháng chín, Lữ Long dâng biểu xin hàng. Bấy giờ ngài mới vào được cửa ải. Ngày hai mươi tháng mười năm ấy, ngài đến kinh đô Trường An, vua Diêu Hưng long trọng mời ngài làm quốc sư, đối đãi hết sức ưu ái. Mỗi lần cùng ngài trò chuyện thường kéo dài suốt ngày. Gặp lúc cùng nghiên cứu diệu lý cao thâm, lưu liên trọn năm không mỏi mệt.

Từ khi chánh pháp bắt đầu truyền sang Trung Quốc vào đời vua Hán Minh đế, trải qua các đời Ngụy, Tấn, kinh điển ngày mỗi nhiều hơn, đa số do các pháp sư Chi Pháp Độ và Trúc Pháp Hộ dịch ở Phạm văn ra. Lời lẽ lắm chổ lủng củng nặng nề, vì chấp chặt theo văn tự để giải thích ý nghĩa. Vua Diêu Hưng thuở nhỏ đã tôn sùng Tam bảo, nuôi chí kết tập kinh điển. Nhân có ngài đến, bèn mời vào Tây minh các và Tiêu Diêu viên để dịch kinh. Phần đông, ngài đã làu thông và hiểu trọn ý nghĩa, lại giỏi Hán ngữ, nên phiên âm dịch nghĩa lưu loát rõ ràng. Xét các bản dịch cũ, nghĩa lý sai lầm, do trước đêy không dịch đúng với Phạm văn, vua Diêu Hưng sai các Sa môn Tăng Lược, Tăng Thiên, Pháp Khâm, Đạo Lưu, Đạo Thường, Đạo Tiêu, Tăng Duệ, Tăng Triệu v.v... gồm hơn tám mươi tám vị thỉnh thị ý kiến của ngài để tu chỉnh lại. Ngài cầm nguyên bản Phạm văn, nhà vua cầm bản dịch cũ, cùng đối chiếu, hiệu đính. Những chổ lầm lẫn, sai khác trong kinh cũ đều được sữa chữa hoàn thiện. Mọi người đều hoan hỷ tín phục. Nhà vua cho rằng Đạo Phật rất thâm thúy, cốt ở làm thiện và tin rằng đây là phương tiện để giải thoát khổ đau, đồng thời cũng là phép tắc trị thế. Vì vậy, nhà vua lấy cảm hứng từ pháp bảo, soạn ra Thông Thiên Tam Thế Luận để giúp vào việc chỉ dạy lý nhân quả. Từ hàng vương, công trở xuốngđều phát thành tâm mến mộ đạo huyền. Đại tướng quân Thường Sơn Công tên Hiển, tả tường quân An Thành hầutên Tung đều dốc lòng tin tưởng vào nghiệp quả, lắm phen mời ngài giảng thuyết kinh điển mới dịch ra tại chùa cả ở Trường An và xin ngài tiếp tục dịch kinh điển đại, tiểu thừa. Trước sau, ngài dịch hơn ba trăm chín mươi quyển, có nội dung xiển dương nguồn đạo và phát huy diệu chỉ. Số lượng kinh điển này được liệt kê đầy đủ ở Biệt truyện. Bấy giờ, những nghĩa sĩ khắp bốn phương quy tụ về, công nghiệp vĩ đại ấy đến nay còn được ngưỡng mộ. Các vị Tăng tục đức cao vọng trọng như Sa môn Tuệ Viễn, là rường cột của Phât giáo đương thời, học hỏi thấu suốt tam tạng, nhưng lắm chổ ý nghĩa mù mờ khó quyết, phải ghi chú lại để hỏi ngài, do thời gian diên cách đức Phật đã quá lâu. Thông thường, triều kiến nhà vua, ắt có lời ca tụng uy đức, nghi lễ chiêm bái đức Phật, chú trọng ở lối tán thán. Kệ, tụng trong kinh đều theo cách này. Khi chuyển dịch phạm văn ra Hán ngữ, lời văn hay mất cốt cách hoa mỹ. Dẫu diển tả đủ Đại Ý, nhưng văn thể trở nên khác xa. Giống như nhai cơm cho kẻ khác ăn, không những lạt đi ý vị, còn khiến người phải nôn ra!

Ngài có làm bài kệ tặng Sa môn Pháp Hòa:

Núi tâm di dưỡng đức trong sáng, Tỏa ngát hương thơm vạn dặm bay.

Trơ trọi cành ngô, loan ủ rủ, Tiếng kêu trong suốt chín tầng mây.

Lại còn mười bài kệ lời đều bóng bẩy như thế. Vốn hâm mộ đại thừa, tha thiết giảng diễn, ngài thường thở than: “Nếu ta cầm bút viết lu ận đại thừa, Ca chiên diên cũng không sánh kịp! Nay ở đất Tần, người hiểu rõ ta quá ít, đành chịu bó cánh gãy tay, còn giảng luận gì được!” Ngài phải sống lặng lẽ qua ngày. Đáp lòng tri ngộ của vua Diêu Hưng, ngài có soạn bộ Thật Tướng luận gồm hai quyển và bộ Chú Duy ma kinh. Văn từ hoa mỹ tự nhiên xuất khẩu thành chương, không cần sửa chữa, vẫn khớp với diệu lý. Ngài là bậc thiên tài lổi lạc, xuất chúng phi phàm, ứng cơ nhạy bén, ít ai sánh kịp. Bản tính nhân hậu, tâm địa Từ bi rộng lòng giáo hóa, không biết mệt mỏi. Vua Diêu Hưng thường bảo: “Đại sư thông minh siêu việt, thiên hạ có một không hai. Nếu mai kia viên tịch, lẽ nào không có người nối dõi?” Khi Tỳ kheo Bôi Độ tại Bành Thành nghe tin ngài ở Trường An liền cảm thán: “Ta cùng ông ấy cười đùa Từ biệt nhau đã quá ba trăm năm, mịt mờ chưa hẹn ngày gặp lại. Chắc phải đợi đến kiếp mai sau!” Biết thân tứ đại không qua khỏi, sắp lâm chung, ngài bảo: “Ước mong sao tất cả kinh điển do ta dịch thuật đều được lưu truyền rộng rãi mãi mãi về sau. Nay trước đại chúng, ta phát thệ rằng, nếu kinh điển ấy không bị dịch sai thì lưỡi ta vẫn còn, không cháy nát sau khi hỏa thiêu thân ta”. Ngài viên tịch tại Trường An ngày hai mươi tháng tám năm Hoằng Thủy thứ mười hai đời vua Diêu Hưng nhà Hậu Tần (409) (nhằm năm nghĩa Hy thứ năm đời vua An đế nhà Đông Tấn). Liền đó, theo phép ngoại quốc, di thân ngài được hỏa thiêu tại Tiêu Diêu viên. Củi tàn, di thân cháy hết, nhưng lưỡi vẫn còn, không nát thành tro.

2 Đời Tống Sa môn Thích Pháp Hiển vốn người làng Vũ Dương, huyện Bình Dương thuộc quận Giang Lăng, tâm chí minh mẫn, phong thái trang nghiêm. Ngài thường thở than kinh điển thiếu thốn có chí muốn sưu tầm. Năm Long An thứ ba đời vua An đế nhà Đông Tấn (399) ngài cùng các pháp lữ Tuệ Cảnh, Đạo Cảnh, Tuệ Ứng, Tuệ Ngỗi khởi hành từ Trường An vượt qua sa mạc vùng Tây Vức, giữa Trời không thấy bóng chim, trên cát không in vết chân thú, bốn bề mênh mông vô tận, không định được hướng đi, chỉ nhìn mặt Trời để ước lượng phương đông tây, xem xương người làm mốc đường đi. Thường có gió nóng và quỷ dữ xuất hiện hại người. Ngài đành phó thác cho cơ duyên và số phận, quyết vượt mọi hiểm nguy. Chẳng bao lâu đến Thông Lãnh. Đỉnh núi này phủ tuyết quanh năm, có rồng dữ phun hơi độc, bão cát mưa đá nổi lên. Đường núi cheo leo, vách đá cao nghìn dặm. Người xưa đã tạc đá thông đường, đặt thành sạn đạo hơn bảy trăm đoạn, lại phải đi trên cầu treo qua hơn mấy chục con sông. Đều là những chổ mà Trương Khiên, cam phủ đời Hán chưa từng đặt chân đến. Kế đó vượt núi Tuyết Sơn; gặp bão tuyết nổi lên dữ dội. Sa môn Tuệ cảnh bị rét run cầm cập, không thể đi nữa, bảo ngài: “Chắc ta chết mất, pháp lữ cứ tiếp tục, đừng để cả hai cùng chết!” Trăn trối xong, liền tắt thở. Ngài vô cùng thương tiếc, òa khóc nói rằng: “Tâm nguyện không thành là do số mệnh. Biết nói gì nữa đây!” Còn lại một mình, ngài tiếp tục lên đường, vượt núi Tuyết Sơn nguy hiểm ấy. Phải đi qua hơn bốn mươi nước mới đến gần Thiên Trúc. Trời gần tối, ngài đến một ngôi chùa cách thành Vương xá hơn ba mươi dặm, nôn nóng muốn lên hành hương núi Kỳ xà quật, tọa chủ chùa ấy bảo: “Đường rất hiểm trở lại có nhiều Sư tử đen hung dữ thường hai người, làm sao đi được?” Ngài đáp: “Ta vượt mấy vạn dặm đường xa, thề quyết đến Linh Thứu. Thân mạng vốn vô thường, tắt hơi thở là hết. Chẳng lẽ nửa chừng bỏ dở thành tâm nung nấu đã nhiều năm? Dẫu có nguy hiểm, ta chẳng hề sợ!” Không can gián nổi, tọa chủ cho hai vị Tăng đưa ngài đi. Vừa đến núi ấy, Trời đã sẩm chiều, ngài muốn nghỉ lại nơi đây. Hai vị Tăng sợ quá bỏ về, một mình ngài thắp nhang hành lễ. Lâng lâng trước Thánh tích linh thiêng, ngài như mường tượng thấy lại kim dung của đức Phật. Có ba con Sư tử đen đến ngồi xổm trước mặt ngài, vẫy đuôi liếm mép. Ngài nhất tâm tụng kinh niệm Phật không dứt, lũ Sư tử cúi đầu buông đuôi nằm mẹp dưới chân. Ngài đưa tay vuốt đầu căn dặn: “Nếu muốn làm hại, hãy chờ ta tụng kinh xong. Nếu muốn thử ta thì hãy rút lui!” Một hồi lâu, lũ Sư tử cùng bỏ đi. Sáng mai trở về, đướng tắt rậm rì chật hẹp, chỉ vừa lọt người. Chưa quá một dặm, bỗng gặp vị trưởng lão tuổi chừng chín mươi, dung nhan đạo phục tuy thô thiển nhưng thần thái rất siêu thoát. Ngài đoán là vị cao Tăng, nhưng chưa biết chính là bậc Thánh Tăng nổi tiếng. Một lát sau, lại gặp vị Tăng trẻ tuổi, ngài hỏi: “Vị trưởng lão vừa đi qua là ai thế?” Vị Tăng ấy đáp: “Chính là đại đệ tử đầu đà Ca Diếp”. Ngài vô cùng ân hận tiếc nuối, cố theo dấu đi tìm. Đến chổ núi kia, gặp tảng đá chận ngang cửa hang, không thể vào được, ngài đành rơi lệ quay về.

Đến nước Ca thi, có con rồng tai trắng thường giao ước với chư Tăng, nếu trong nước được mùa, sẽ báo điềm lành. Chư Tăng dựng phòng cho rồng ở và cho ăn cầu phúc. Hết mùa an cư, rồng hóa thành rắn nhỏ, hai tai màu trắng. Chư Tăng đều biết đó là rồng, lấy bát đựng đầy sữa, bỏ rồng vào. Từ hàng thượng tọa trở xuống đều làm như thế. Hết lượt, rồng lại bay đi. Cứ thế mỗi năm rồng lại hiện ra một lần. Ngài cũng tham dự lễ ấy và tận mắt thấy rồng.

Sau đó, ngài sang Trung Thiên Trúc, đến chùa Nam Thiên vương tại tháp A dục vương ở ấp ba liên phất thuộc nước Ma kiệt đề, sưu tầm được các bộ luật Ma ha Tăng kỳ tát bà đa luật sao, các bộ kinh tạp A tỳ đàm tâm tuyến và Phương đẳng nê hoàn. Ngài ở lại đây ba năm học Phạm văn và Phạm ngữ mới viết và nói được thông thạo, rồi ôm kinh tượng theo đoàn thương khách đến nươc Sư tử. Hơn mười pháp lữ hoặc đã mất, hoặc ở lại, chỉ còn một mình ngài, nên thường đâm ra buồn thảm. Chợt ngài thấy chiếc quạt bằng lụa trắng Trung Quốc do thương nhân cúng dường trớc đây, hiện được treo trước pho tượng ngọc, bất giác rơi lệ bi thương. Ngài nán lại thêm hai năm, sưu tầm được các bộ di sa tắc luật, Trường a hàm, Trung a hàm và các bộ thuộc tạp tạng chưa có bên Trung Quốc. Ngài bèn theo tàu lớn của thương khách trở về bằng đường biển. Trên tàu chừng hai trăm người, gặp bão, nước ùa vào. Mọi người kinh hoảng, ném bớt đồ đạc xuống biển. Ngài sợ kinh tượng bị liệng, nhất là tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm và các cao Tăng Trung Quốc. Tàu theo gió trôi đi bình yên, không bị nạn. Hơn mười ngày đến nước Da bà đề. Dừng chân năm tháng, ngài lại theo đoàn thương nhân khác thuận hướng đông về Quảng Châu. Giong buồm hơn hai mươi ngày, nửa đêm bỗng nổi bão lớn. Cả tàu đều rúng động hoảng loạn bàn rằng: “Bởi chở Sa môn này nên bọn ta mới bị khốn đốn. Đừng vì một người khiến cả tàu đều mất mạng”. Mọi người toan xúm lại đẩy ngài xuống biển. Thí chủ của ngài nạt lớn: “Bọn ngươi muốn đẩy vị Sa môn này xuống biển phải đẩy ta luôn! Nếu không sẽ bị xử tử. Vua Hán rất kính Phật trọng Tăng, ta sẽ đến tố cáo bọn ngươi, chắc chắn nhà vua sẽ bắt tội!” Bọn thương khách nhìn nhau thất sắc, lập tức dừng tay. Đến lượt hết nước cạn lượng, thuyền mặc gió đưa đi, tấp vào bờ có rau lê rau hoắc. Đúng là đất Trung Quốc, nhưng không biết chổ nào. Một số người dùng thuyền nhỏ chèo vào bến tìm làng xóm. Gặp hai người thợ săn, ngài hỏi: “Đây thuộc địa phương nào?” Thợ săn đáp: “Đây là phía nam núi Lao sơn, quận Trường Quảng thuộc Thanh Châu”. Khi về bọn thợ săn báo lên thái thú Lý Nghi. Vốn sùng đạo, nghe tin có vị Sa môn từ xa đến, thái thú thân hành nghinh đón, ngài ôm kinh tượng về quận. Được một thời gian ngài muốn xuôi xuống miền Nam, thứ sử Thanh Châu xin ngài nán lại qua mùa đông, ngài bảo: “Bần đạo liều thân đến chốn hiểm nguy chỉ vì sự nghiệp hoằng pháp. Nay tâm nguyện chưa thành, sao dám nấn ná ở lâu?” Bèn lên đường về kinh, tới chùa Đạo Trường của Thiền sư Phật đà Da xá người ngoại quốc để phiên dịch tam tạng, được hơn trăm vạn chữ, lưu hành giáo hóa khắp nơi.

Có một cư sĩ, đã thất lạc họ tên, ở gần cửa Châu Tước, gia đình thờ Phật, phát tâm sao chép một bộ để trì tụng, cúng dường. Cư sĩ không tôn trì kinh vào phòng riêng, lại xếp chung với các sách khác. Sau gặp gió to, hỏa tai nổi lên, cháy lan sang nhà. Mọi thứ đồ đạc đều bị thiêu rụi, chỉ còn lại bộ kinh Nê hoàn. Lửa than không bén, màu sắc vẫn y nguyên. Khắp kinh thành đồn ầm lên, cho là điều thần dị.

Về sau, ngài sang Kinh Châu, viên tịch tại chùa Tân Tự, thọ 86 tuổi. Tứ chúng vô cùng thương tiếc. Chuyện hành hương các nước của ngài có chép đầy đủ thành sách. (Hai chuyện linh nghiệm trên đây rút từ sách Lương cao Tăng truyện).

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thiên Thứ 17: Kiến Giải