Home > Khai Thị Phật Học > Thien-Thu-58-Co-Bien
Thiên Thứ 58: Cơ Biện
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, Việt Dịch


Thiên này có ba phần: Thuật ý, Bồ tát, La hán.

Thứ nhất PHẦN THUẬT Ý

Nghĩ rằng Tam tạng mênh mông mà Thất chúng rối rắm, thiết giáo đủ cơ hiểu thông suốt rõ ràng, nghe thấy Khổ Tập thì đau xót theo tình, thuận theo Diệt Đạo thì vui mừng tỏ ngộ, âm vận trong trẻo phát ra như Chi Lan, Cung Thương cao vút dẫn lối cho tai mắt. Vì lẽ đó Mã Minh mở đường cho tông chỉ sâu xa, Long Thọ làm rung động tận cùng đầu mối, Đề Bà quay trở lại danh số vốn có, La hán tổng hợp lại mạch lạc rõ ràng; đồng thời giúp đỡ về Diệu Điển cắt bỏ những Ngoại Học, lạc hướng thấy đường đi đêm dài gặp ánh sáng, nối tiếp mô phạm cao xa của Thích Điển, bày tỏ kỹ thuật chuẩn mực của Sư Tư, thuộc về điểm này vậy. Có thể nói là to lớn thay! Kỳ Viên giống như tồn tại, Lộc Uyển dường như trông thấy, quả thật chưa chứng quả mà hướng về gần với Phật rồi.

Thứ hai PHẦN BỒ TÁT

Trong Mã Minh Bồ tát truyện nói: Hơn ba trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn (Trong kinh Ma gia nói là sáu trăm năm), Mã Minh ra đời tại nước Tang Kì Đa ở phía Đông Thiên Trúc, thuộc giòng Bà la môn. Hình dáng nhỏ bé nhưng rất thông minh, dùng văn chương bàn luận để tìm người tương xứng. Các Luận sư văn sĩ giỏi pháp thế gian vùng Thiên Trúc, đều giữ lấy tướng thù thắng để biểu hiện phẩm đức của mình. Mã Minh sử dụng cách thông thường ấy, lấy dao sắc khắc vào cây gậy lời minh rằng: Trí sĩ trong thiên hạ có ai có năng lực dùng một lý lẽ mà khuất phục được một lời văn mà thắng được, thì sẽ dùng dao này tự cắt đầu mình! Thường cầm dao này đi khắp các nước, hàng học thức văn chương lý luận không có ai có năng lực chống cự. Lúc này

trong núi Vận Đà có một La hán, tên là Phú Lâu Na, ngoại đạo nói lý lẽ không có gì không thông hiểu. Thế là Mã Minh đến nơi ấy thăm hỏi, thấy vị ấy ngồi nghiêm trang cuối rừng, chí khí xa vời dường như không thể biết được, thần sắc khiêm tốn giống như có thể khuất phục, liền đi lại trò chuyện với Sa môn. Dám phát ra lời thề, nhất định phải làm cho ông khuất phục, nếu tôi không thắng được thì cắt cổ tạ lỗi với ông. Sa môn im lặng không nói gì, vẻ mặt không có gì chịu thua, cũng không tỏ ra thắng cuộc. Nhiều lần như vậy nhưng không hề biểu lộ tình ý thế nào. Mã Minh rút lui tự suy nghĩ: Mình thua rồi, ông ta thắng rồi, ông ta im lặng không nói cho nên không thể khuất phục được, vì mình đã nói, tuy người biết nói có thể làm cho khuất phục, mà tự mình không thể tránh được lời nói, thật sự đáng hổ thẹn quá! Rút lui nhận lỗi mình đã bị khuất phục, thế là muốn tự cắt đầu mình. Sa môn ngăn lại: Ông dùng sự tự cắt đầu để nhận lỗi với Ta, thì nên thuận theo ý Ta mà cạo đầu, ông đi khắp nơi làm đệ tử của Ta! Liền dùng lý làm cho phải khuất phục, cạo tóc bỏ trâm cài thọ cụ túc giới, ngồi thì dùng văn chương nói về Phật pháp, đi lại thì xiển dương hóa đạo, soạn ra các luận Trang Nghiêm Phật pháp hơn trăm vạn chữ, lưu hành khắp Thiên Trúc, cả thế gian đều tôn sùng, lấy làm phương thức tạo tác. Tuy rằng gặp loạn Khổng Phụ của Tây Hà, nghi ngờ Thánh Sư của Thân Tử, mà giống như tre nứa đều bị gạt xa. Sau đó Long Thọ cảm nhận văn chương mới bắt đầu biên soạn các bộ luận, đã từng cúi rập đầu làm bài kệ tự trở về với Mã Minh, khiêm tốn dựa vào sự soi chiếu sâu xa mà tự tỏ ngộ. Nay các hàng vua chúa văn sĩ trí thức ở Thiên Trúc, đều vì Mã Minh lập miếu thờ phụng như đối với Đức Phật, có thời gian bình luận hẳn hoi.

Long Thọ Bồ tát Truyện và Phú Pháp Tạng Truyện nói: Có một Đại sĩ, tên gọi là Long Thọ [ Y theo Tryuện nói: Xuất hiện ở thế gian trong bảy trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Dựa theo Huyền Trang Pháp sư Truyện nói: Chính âm của Tây Phạn gọi là Long Mãnh, xưa kia phiên âm hơi sai, cho nên gọi là Long Thọ. Xuất hiện ở thế gian ba trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, hưởng thọ bảy trăm tuổi, vì vậy người ta nói sai là xuất hiện ở thế gian trong bảy trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt]. Tự nhiên thông minh tỏ ngộ lạ thường, việc gì nghe qua không hề hỏi lại, dựng lên pháp tràng làm cho các ngoại đạo phải khuất phục. Đầu thai vào nước phía Nam Thiên Trúc, xuất thân từ dòng dõi Phạm Chí, trong nhà giàu sang vô cùng. Lúc mới sinh ra nằm ở dưới tán cây, nhờ loài rồng mà thành đạo, vì vậy có hiệu là Long Thọ. Thưở bé thông minh trí tuệ có tài năng và học vấn vượt xa thế gian. Lúc còn thơ ấu đang nằm ở trong tả lót, nghe các Phạm Chí tụng Tứ Vi Đà Luận, bộ Luận chuẩn mực ấy sâu rộng gồm có bốn vạn bài kệ, mỗi bài kệ có ba mươi hai chữ, đều lập tức hiểu rõ thông suốt ý vị của từng câu. Đến lúc xấp xỉ tuổi hai mươi nổi tiếng khắp các nước lân cận, thiên văn địa lý tinh vĩ đồ sấm và đạo thuật khác không có gì không thông thạo. Bạn bè có ba người tư chất tự nhiên thanh tú lạ kỳ, cùng nhau bàn luận rằng: Nghĩa lý trong thiên hạ làm thông suốt thần minh, gợi mở cùng tận tôn chỉ sâu xa tăng thêm trí tuệ, dường như điều này chúng ta đều đạt được, lại lấy gì để tự làm thú vui đây? Lại dấy lên nói rằng: Thế gian chỉ có theo đuổi sắc đẹp tràn trề dục vọng, thật là khoái lạc tuyệt vời nhất của một đời, nên có thể cùng nhau tìm cầu phương thuốc ẩn thân, sự việc nếu quả nhiên như vậy thì nguyện này chắc chắn thành tựu! Tất cả đều nói: Tốt lành thay, lời này thật thẳng thắn! Liền đến nơi vị thầy giỏi về pháp thuật cầu học pháp ẩn thân. Thuật sư nghĩ rằng: Bốn Phạm Chí này tài trí cao xa sanh tâm rất kiêu mạn, coi chúng sanh như cỏ rác, nay vì pháp thuật cho nên cúi mình chịu nhục đến tìm mình, nhưng hạng người này nghiên cứu cùng tận hiểu biết nhiều những điều không biết, chỉ riêng pháp thuật hèn mọn này là không biết đến, nếu truyền dạy phương pháp ấy thì vĩnh viễn bị coi như là bỏ đi, tạm thời cho họ phương thuốc khiến không biết gì, khi hết thuốc nhất định phải đến. Thuật sư hỏi han thật là sâu, sau đó trao cho mỗi người một viên thuốc màu đen, mà nói cho biết rằng: Các người mang viên thuốc này lấy nước mài rồi dùng để xoa vào đôi mắt, thân hình sẽ tự nhiên ẩn đi. Lập tức tiếp nhận lời dạy của thuật sư, tất cả đều mài viên thuốc này. Long Thọ ngửi mùi hương lập tức nhận biết, phân biệt số lượng nhiều ít chi li không sai, liền hướng về thuật sư ấy trình bày đầy đủ sự việc này, vị thuốc này đầy đủ có bảy mươi loại, tên gọi số lượng đều giống như phương pháp ấy. Thuật sư nghe nói kinh ngạc hỏi nguyên cớ do đâu? Long Thọ đáp rằng: Đại sư nên biết, tất cả các phương thuốc tự nhiên có mùi vị của nó, vì vậy mà biết thôi, đâu đáng để ngạc nhiên! Thuật sư nghe lời ấy ca ngợi là chưa từng có, liền dấy lên nghĩ rằng: Nếu như người này thì nghe tiếng họ hãy còn khó, huống gì mình đích thân gặp mà tiếc rẻ pháp thuật này! Lập tức đem pháp thuật truyền cho cả bốn người. Bốn người y theo phương pháp hòa hợp vị thuốc này, tự che kín thân hình đi lại tự do. Thế là cùng nhau đi vào Hậu cung của nhà vua, người đẹp trong cung đều bị xâm phạm, hơn một trăm ngày sau người mang thai rất nhiều, liền kéo nhau đến thưa với nhà vua mong tha cho lỗi lầm. Nhà vua nghe vậy rồi trong lòng thật không vui, điều này chẳng lành làm sao, vì yêu quái mới như vậy! Nhà vua triệu tập các quan có trí tuệ cùng nhau bàn tính sự việc này. Lúc ấy có một vị quan liền thưa với nhà vua rằng: Những sự việc như vậy phải có hai loại, một là do quỷ mị, hai là do phương thuật, có thể dùng đất mịn đặt trong các cửa sai người canh phòng ngăn cấm mọi người qua lại, nếu là phương thuật thì dấu vết tự nhiên hiễn rõ ra, nếu là quỷ mị đi vào thì chắc chắn không có dấu vết để lại, người thì có thể dùng binh lính trừ diệt, quỷ thì nên dùng bùa chú để loại trừ. Nhà vua dùng kế ấy y theo pháp mà tiến hành. Trông thấy bốn người từ cửa mà đi vào, lúc ấy người canh phòng lập tức báo tin cho nhà vua, nhà vua dẫn theo dũng sĩ gồm mấy trăm người, vung dao giữa hư không chặt đầu ba người, gần nhà vua trong vòng bảy thước là nơi dao kiếm không đến được, Long Thọ thu mình lại mà đứng cạnh nhà vua, thế là mới hiểu rằng Dục là nguồn gốc của khổ đau, bại hoại đạo đức tổn hại thân mạng ô nhục phạm hạnh cũng do Dục vọng mà phát sinh, liền tự thề rằng: Nếu tôi thoát được ách nạn này, sẽ đến nơi Sa môn thọ pháp xuất gia! Đã thoát ra rồi liền đi vào núi đến một tháp thờ Phật, lìa bỏ dục ái xuất gia vì đạo, trong chín mươi ngày tụng tất cả kinh luận mà cõi Diêm phù đề có, đều thông suốt hết thảy. Lại cầu tìm kinh điển khác nhưng cũng không có nơi nào tìm được, liền hướng về núi Tuyết gặp một Tỳ kheo, lấy pháp Ma ha Diễn mà giảng dạy cho, nên rất vui mừng đọc tụng kính cúng dường, tuy thông hiểu thật nghĩa mà chưa chứng được đạo quả. Biện tài vô tận có năng lực luận bàn khéo léo, ngoại đạo và các học phái khác thảy đều làm cho phải khuất phục, thỉnh cầu làm bậc Thầy mẫu mực. Thế là tự nói mình là người đầy đủ mọi trí tuệ, tâm sinh ra kiêu mạn cao ngạo quá mức, liền muốn đi đến bước vào cánh cổng của Sa môn Cù Đàm kia. Lúc bấy giờ vị thần giữ cổng bảo với Long Thọ rằng: Nay trí tuệ của ông giống như ruồi muỗi, so với Như lai không phải ngôn ngữ mà có thể biện giải được, chẳng khác gì ánh lửa đom đóm mà sánh với ánh sáng chói chang của mặt Trời mặt trăng, lấy núi Tu di làm cho bằng hạt cây Đình Lịch, thật là hiếm có! Tôi nhìn Nhân giả không phải là người đầy đủ mọi trí tuệ, tại sao mong muốn đi vào từ cánh cổng này? Nghe nói vậy rồi mà thẹn thùng xấu hổ vô cùng. Lúc ấy có đệ tử thưa với Long Thọ rằng: Sư luôn luôn tự cho mình là người đầy đủ mọi trí tuệ, nay đến hạ mình chịu nhục làm đệ tử Phật, pháp tắc của đệ tử là hỏi han thuận theo với Sư, hỏi han kế thừa không đầy đủ thì không phải là đầy đủ mọi trí tuệ. Thế là Long Thọ đuối lý không nói gì được nữa, tâm tự suy nghĩ rằng: Trong pháp thế gian có vô lượng cách thức để vượt qua, kinh Phật tuy vi diệu mà câu nghĩa chưa đạt đến tận cùng, nay mình nên tiếp tục phát triển rộng ra, khai ngộ cho hàng hậu học làm lợi ích cho chúng sanh!

Dấy lên lời này rồi ở một mình trong căn phòng thủy tinh, tĩnh thất vắng lặng. Bồ tát Đại Long thương cho tình cảnh như vậy, liền dùng thần lực tiếp nhận đưa vào biển rộng, đến cung điện của mình mở hòm bảy báu ra, để chỉ cho các kinh điển Phương Đẳng sâu sắc, trao cho Long Thọ vô lượng diệu pháp, trong chín mươi ngày thông hiểu rất nhiều, tâm tư đi sâu vào lĩnh hội được lợi ích chân thật. Tâm niệm của Đại Long biết rõ nên hỏi rằng: Nay ông xem kinh đã hết chưa vậy? Long Thọ đáp rằng: Kinh của ông vô lượng xem không thể nào hết được, kinh tôi đã đọc đầy đủ gấp mười lần kinh đã đọc ở cõi Diêm phù đề. Long Vương hỏi rằng: Tất cả kinh điển có trên cõi Trời Đao Lợi và Thích Đề Hoàn Nhân gấp trăm ngàn vạn lần kinh điển có ở cung này, các nơi so với cung này dễ dàng biết được số lượng. Lúc bấy giờ, Long Thọ đã có được các kinh, bỗng nhiên thông suốt hiểu rõ Nhất Tướng, đi sâu vào Vô Sanh đầy đủ hai Nhẫn. Đại Long biết đã ngộ đạo nên đưa ra khỏi cung. Lúc ấy vua nước Nam Thiên Trúc, vốn là người rất tà kiến, tôn sùng ngoại đạo hủy báng chánh pháp, thấy Long Thọ là người đầy đủ mọi trí tuệ bèn cùng với Đại Luận sư chất vấn mà không sánh kịp, nên cúi đầu lễ lạy cung kính cạo bỏ râu tóc, cầu xin xuất gia. Vô lượng tà kiến như vậy đã được hóa độ, nhà vua thường xuyên chuyển đến mười xe y bát, cuối cùng chỉ trong một ngày đều đã hết sạch. Như vậy lần lượt cho đến vô số, mở rộng phân biệt về nghĩa lý của Ma ha Diễn, tạo luận Ưu Ba Đề xá mười vạn kệ Trang Nghiêm Phật Đạo Đại Từ Phương Tiện, các luận như vậy đều có mười vạn kệ, làm cho Ma ha Diễn truyền bá ở thế gian. Tạo luận Vô Úy đủ mười vạn kệ, Trung Luận sản sinh ra từ trong bộ Vô Úy, gồm có năm trăm kệ, luận ấy phô diễn nghĩa lý sâu sắc, phá tan tà kiến của tất cả ngoại đạo. Lúc ấy có một Pháp sư thuộc phái Tiểu Thừa, thấy Long Thọ tài năng lừng lẫy nên thường ôm lòng căm ghét. Bồ tát Long Thọ đã làm xong công việc cần làm, nên đi đến cõi ấy hỏi Pháp sư rằng: Nay ông muốn tôi tồn tại lâu dài giữa thế gian không? Đáp rằng: Nhân giả thật sư không mong như vậy. Liền đi vào phòng kín suốt ngày không xuất hiện. Đệ tử đều cảm thấy kỳ lạ, phá cửa xem sao, thì trông thấy Thầy mình lột xác mà đi. Các nước vùng Thiên Trúc đều lập miếu thờ, cúng dường các thứ, tôn kính phụng thờ giống như Đức Phật vậy.

Phần thứ ba: La hán.

Như trong Trí Độ Luận nói: Xá lợi phất ở trong tất cả các đệ tử của Phật được tôn xưng là Trí tuệ bậc nhất, như Đức Phật thuyết kệ rằng:

Ở trong tất cả các chúng sanh,
Chỉ ngoại trừ Đức Phật Thế tôn,
Ai muốn sánh với Xá lợi phất,
Về trí tuệ cùng với đa văn,
Thì ở trong mười sáu phần ấy,
Một phần hãy còn không sánh kịp.

Xá lợi phất có trí tuệ đa văn, năm mới 8 tuổi tụng làu 18 bộ kinh, hiểu thông suốt tất cả nghĩa lý. Lúc ấy nước Ma Già đà có hai anh em Long Vương, một tên là Khiết Lợi, một tên là A già la, tuôn mưa theo mùa nên đất nước không năm nào mất mùa, dân chúng cảm ơn sâu sắc, thường vào tháng Trọng Xuân cùng quy tụ ở chỗ của Long Vương để tổ chức Đại hội, trỗi các thứ âm nhạc bàn luận về nghĩa lý suốt cả ngày này. Từ xưa đến nay sự quy tụ ấy không hề thay đổi. Vào ngày này theo lệ thường đặt bốn tòa cao, một là tòa cao của Quốc vương, hai là tòa cao của Thái tử, ba là tòa cao của Đại Thần, bốn là tòa cao của Luận Sĩ. Lúc bấy giờ Xá lợi phất, vì mình mới tám tuổi bèn hỏi mọi người rằng: Bốn tòa cao này là dành cho ai? Mọi người đáp rằng: Dành cho Quốc vương Thái tử Đại Thần của Luận Sĩ. Lúc ấy Xá lợi phất quan sát người đương thời không ai thắng được mình, liền bước lên chỗ ngồi của Luận sĩ ngồi xếp bằng tròn, mọi người cảm thấy thắc mắc vô cùng, có người nói là trẻ con khờ dại không biết, có người nói là hiểu biết hơn người, tuy rằng khen ngợi sự thần dị ấy mà mọi người hãy còn trách là tự kiêu căng, khinh chê tuổi nhỏ không cho phép tự nhiên mở lời, đều sai người trẻ tuổi cất tiếng hỏi mọi việc, đáp lại những câu hỏi là ý nghĩa văn từ lý lẽ rất siêu việt. Lúc ấy các Luận sư khen ngợi là chưa hề có, tất cả mọi người ngu trí lớn nhỏ đều khuất phục. Nhà vua rất hoan hỷ, lập tức trong lệnh cho cận thần phong tặng một nơi tụ cư, thường đem mọi thứ cung cấp đầy đủ, nhà vua ngồi trên xe voi rung không tuyên lệnh, công khai truyền đi tất cả mười sáu nước lớn, không nơi nào không chúc mừng vui vẻ.

Như trong Tứ Phần Luật nói: Xá lợi phất đầy đủ bốn biện tài: 1. Biện giải về pháp; 2. Biện giải về nghĩa; 3. Biện giải về từ ngữ; 4. Biện giải sáng tỏ. Nếu đầy đủ biện tài như vậy mà ngoại đạo không khuất phục, thì điều này thật vô lý. Còn trong Thắng Tư Duy Luận nói: Bồ tát có 7 loại đức, đều dựa vào Lạc Thuyết Biện Tài. Những gì là bảy loại? Đó là: 1. Các loại Lạc thuyết biện tài; 2. Lạc thuyết biện tài không vướng mắc; 3. Lạc thuyết biện tài kiên cố; 4. Lạc thuyết biện tài sáng tỏ; 5. Lạc thuyết biện tài không yếu hèn; 6. Lạc thuyết biện tài tương ưng; 7. Lạc thuyết biện tài bất cứ chỗ nào. Đây là thành tựu của Bồ tát Địa thứ tám.

Lúc ấy Cát Cổ Sư Tử, tên gọi Câu Luật Đà, dòng họ Đại Mục kiền liên, là bạn của Xá lợi phất, tài trí và đức hạnh của hai người như nhau, đi thì cùng đi, ở thì cùng ở, từ nhỏ lớn lên kết bạn với nhau giao ước cần phải có trước có sau. Về sau hai người đều chán ngán thế gian mà rời nhà đi xa học đạo, làm đệ tử của Phạm Chí, tâm nguyện mong cầu tiến vào cửa đạo đã lâu mà không có biểu lộ gì, vì vậy thưa hỏi với Thầy, Thầy tên là Sán Xà Da, bèn trả lời rằng: Từ khi Ta cầu đạo đến nay trải qua nhiều năm tháng, nhưng không biết đến đạo quả, không phải là của con ngươi chăng? Ngày nọ Thầy lâm bệnh, Xá lợi phất đứng ở đầu, Đại Mục kiền liên đứng ở phía chân, hai người vô cùng buồn lo. Vị Thầy sắp mất mới thương xót mà cười, hai người chung lòng đều hỏi ý Thầy cười. Thầy trả lời rằng: Thế tục không có mắt nên bị ân ái làm cho tổn hại, Ta thấy Quốc vương chết nơi cung vàng điện ngọc, Đại phu nhân của nhà vua tự mình nhảy vào ngọn lửa cầu mongcùng ở một nơi, mà hành nghiệp báo ứng của hai người này đều khác nhau thì nơi sanh ra hoàn toàn cách biệt. Lúc ấy hai người ghi lại lời nói của Thầy, muốn dùng nghiệm xét thực hư thế nào? Sau đó có người buôn xứ Kim Địa từ xa đến nước Ma già đà, đem lời nghiệm xét sơ lược thì quả nhiên như lời Thầy nói, mới quay lại than rằng: Xưa kia mình không phải là người ấy chăng, hay là Thầy che dấu mình chăng? Hai người thề rằng: Nếu ai gặp được cam lộ trước, thì cần phải báo cho nhau biết!

Vì vậy trong kinh Phật Bổn Hạnh nói: Lúc ấy Xá lợi phất gặp Tỳ kheo Mã Túc đi vào thành khất thực, tất cả dân chúng trong thành đều cùng nhau bình luận nói kệ rằng: Khéo léo thâu nhiếp các Căn Thức, tiến tới dừng lại luôn vắng lặng, mỉm cười phát ra lời tốt đẹp, đây ắt là người dòng họ Thích.

Lúc ấy Xá lợi phất liền thưa thỉnh rằng: Đại Sư của ông đức hạnh và pháp thuật cũng hơn hẳn ông chăng? Lúc bấy giờ A thấp ba Du bạt đa (Thời Tùy gọi là Mã Túc) liền nói kệ trả lời rằng:

Như hạt cải so với Tu di, dấu chân trâu so với biển rộng,

Ruồi muỗi sánh với chim cánh vàng, tôi và Thầy tôi cũng như vậy.

Giả sử Thanh Văn vượt qua bờ bên kia, thành tựu các Địa hãy còn là đệ tử, ở bên bật Thầy không đáng để tính đếm, so với Đức Thế tôn uy đức trọn vẹn.

Ngay sau đó Xá lợi phất lại nghe nói kệ rằng:

Các pháp từ nhân duyên sanh ra, cũng từ nhân duyên mà diệt đi, Thầy tôi là bậc Đại Sa Môn, luôn luôn thuyết pháp vốn như vậy.

Xá lợi phất nghe rồi, ngay lúc ấy thấy được chân lý đạt được Pháp Nhãn Tịnh. Xá lợi phất đã đạt được quả vị Tu đà hoàn, tiếp tục hướng về Mục kiền liên cũng nói kệ này, Mục kiền liên nghe Xá lợi phất nói, cũng đạt được quả vị Tu đà hoàn. Thế là Xá lợi phất và Mục kiền liên, cả hai người dẫn theo năm trăm quyến thuộc cùng đi đến nơi Đức Phật, đều đạt được quả vị A la hán.

Y theo Tứ Phần Luật và các kinh khác, đều nói: một ngàn hai trăm năm mươi người, đến nơi trú xứ của Đức Phật đạt được quả vị A la hán.

Y theo Luận hỏi rằng: Vì sao gọi là Xá lợi phất? Đáp rằng: Là do mẹ mà làm tên gọi. Trong nước Già đà này có thành quách rộng lớn, gọi là thành Vương xá, nhà vua tên gọi Tần Bà sa la. Có Luận sư Bà la môn, tên gọi Ma đà la. Nhà vua vì người ấy có sở trường năng lực luận bàn, cho nên phong tặng một khu vực, cách thành không xa. Ma đà la này liền có nhà ở, vợ sinh được một cô con gái, mắt giống như mắt chim Xá lợi, thế là gọi cô con gái này là Xá lợi. Sau đó sanh được một cậu con trai, đầu gối khá to nên gọi là Câu hy la (Thời Tần nói là Đại Tất). Đã có nhà ở nuôi dượng con cái, kinh thư đã học đều đã lâu năm cho nên không tiếp tục sự nghiệp mới. Lúc này phía Nam Thiên Trúc có một Bà la môn là bậc thầy giỏi về luận nghị, tên là Đề xá, đối với 18 loại Đại Kinh thảy đều thông suốt lưu loát. Người này đi vào thành Vương xá, trên đầu đội ngọn đèn dùng lá đồng mỏng bao quanh bụng. Người ta hỏi đến nguyên cớ ấy, thì nói rằng mình đã học rất nhiều kinh thư sợ rằng bụng sẽ toác ra, vì vậy phải bao bọc lại. Lại hỏi: Vì sao trên đầu đội ngọn đèn? Đáp rằng: Bởi vì quá tối tăm. Mọi người nói rằng: Mặt Trời mọc chiếu sáng khắp nơi, vì sao nói là tối tăm? Đáp rằng: Tối tăm có hai loại, một là ánh sáng mặt Trời không soi chiếu, hai là ngu si cho nên tối tăm, nay tuy có ánh sáng mặt Trời mà ngu si hãy còn tối mịt. Mọi người nói: Ông chỉ chưa gặp Bà la môn là Luận sư Ma đà la, nếu ông gặp rồi thì bụng sẽ co lại ánh sáng sẽ mờ tối. Bà la môn này từ xa đi đến bên cạnh chiếc trống đánh lên tiếng trống muốn luận nghị. Quốc vương nghe tiếng trống, hỏi là ai vậy? Các quan thưa rằng: Phía Nam Thiên Trúc có một Bà la môn, tên gọi Đề xá, là Đại Luận sư muốn tìm nơi tranh luận, cho nên đánh trống luận nghị. Nhà vua rất hoan hỷ, liền tập trung mọi người mà nói cho biết rằng: Có ai có năng lực chất vấn thì cho phép tranh luận. Ma đà la nghe rồi tự nhiên nghi ngờ, mình vì lâu năm cho nên không tiếp tục sự nghiệp mới, không biết bây giờ mình có thể tranh luận được hay không? Thế là gắng gượng đứng lên mà đến, ở giữa đường đi thấy hai con trâu nghé đang muốn húc nhau, trong lòng nghĩ rằng: Con trâu này là mình con trâu kia là người ấy, lấy cảnh tượng này để xem thì biết ai sẽ giành được thắng lợi. Con trâu này không chịu nổi, thì rất ưu sầu, mà tự mình nghĩ rằng: Cảnh tượng như vậy thì mình sẽ không sánh bằng. Lúc sắp đi vào giữa mọi người, thấy có người mẹ ôm bình nước đang ở phía trước mặt, ngã nhào xuống đất làm vỡ chiếc bình, lại dấy lên nghĩ rằng: Điều này cũng không tốt, thật là không vui lắm! Đã đi vào giữa mọi người trông thấy Luận sư kia, dung mạo tâm ý thể hiện đầy đủ tướng trạng thắng lợi, tự biết mình không sánh bằng, tham gia không được kết quả gì, nhưng vẫn cùng nhau luận nghị. Luận nghị đã bắt đầu thì thuộc về phần thất bại. Nhà vua rất hoan hỷ, người Đại Trí sáng suốt từ xa đến nước mình mà giành phần thắng, lại muốn vì vậy mà phong cho một nơi tụ cư. Các quan bàn với nhau rằng: Một người thông minh đến thì phong cho một khu vực, bề tôi có công không ban thưởng mà chỉ sủng ái lời lẽ tranh luận, sợ rằng trái với đạo lý xây dựng lẽ sống an lành cho quốc gia, nay Ma đà la tranh luận không bằng, nên dùng đất đai đã phong tặng trước kia mà ban cho người thắng cuộc, nếu như lại có người thắng cuộc thì tiếp tục lấy đó mà ban cho. Nhà vua nghe có lý nên sử dụng lời này, liền quyết định ban cho người thắng cuộc. Lúc này Ma đà la nói với Đề xá rằng: Ông là người thông minh nên tôi đem con gái gả cho ông. Chí nam nhi đã mệt mỏi, nay muốn đi đến đất nước khác để tìm lại chí hướng vốn có. Đề xá tiếp nhận cô gái ấy làm vợ, người vợ mang thai mộng thấy một người, thân khóac giáp trụ tay cầm chày Kim Cang, đánh sập các núi nhỏ mà đứng bên cạnh núi lớn. Tỉnh giấc rồi bày tỏ với chồng rằng: Thiếp mộng thấy như vậy. Đề xá nói: Nàng sẽ sinh con trai làm cho tất cả các Luận sư phải hàng phục, nhưng hơn được một người, mà luôn luôn làm đệ tử thôi. Xá lợi mang thai, nhờ vào thai nhi cho nên cũng thông minh, rất có năng lực luận nghị. Em trai của Xá lợi là Câu hy la cùng với chị bàn luận, đã từng bị đuối lý không hơn được, biết là đứa bé trong thai ắt là người Đại trí tuệ, chưa sanh mà như vậy, huống hồ đến lúc sanh ra! Thế là bỏ nhà đi đến Nam Thiên Trúc học đạo, không cắt móng tay mà chỉ đọc 18 loại kinh thư cho thông suốt lưu loát, vì vậy cho nên người đương thời gọi là Trường Trảo Phạm Chí. Chị đã sinh con, sau bảy ngày đặt trong vải bông trắng mà đưa cho cha đứa bé xem. Cha đứa bé suy nghĩ: Mình tên là Đề xá, theo tên gọi của mình, đặt tên là Ưu Ba Đề xá. Đây là lấy cha mẹ làm tên gọi. Mọi người cho rằng từ Xá lợi mà sanh ra, đều cùng nhau gọi là Xá lợi phất (bởi vì Phất nói là con, tức là con của Xá lợi). Vả lại, Xá lợi phất ấy là bổn nguyện đời đời làm đệ tử trí tuệ bậc nhất ở cạnh Đức Phật Thích Ca, có tên là Xá lợi phất, đây là bổn nguyện nhân duyên mà gọi tên là Xá lợi phất.

Hỏi rằng: Nếu là như vậy, tại sao không nói Ưu ba xá mà chỉ nói là Xá lợi phất? Đáp rằng: Người đương thời quý trọng bà mẹ, là người thông minh bậc nhất ở trong những người nữ, vì nhân duyên này cho nên gọi là Xá lợi phất.

Lại trong kinh Phật Bổn Hạnh nói: Đức Phật ở tại thành Xá bà, ở trong khu vực ấy có một cây lớn, tên là Thi xa ba, dưới bóng mát tán cây có nhiều Bà la môn dừng lại nghỉ ngơi dưới ấy. Các Bà la môn từ xa nhìn thấy A nan xuất hiện sắp đến gần, tất cả đều nói với nhau rằng: Các vị nên biết rằng, người này là đệ tử của Sa môn Cù Đàm, là người đứng đầu trong những người thông minh đa văn bậc nhất. Nói lời này xong, A nan liền đến và thưa rằng: Này vị Nhân giả, nay yêu cầu quan sát cây này có tất cả bao nhiêu ngọn lá? Lúc bấy giờ A nan quan sát cây đó rồi, bèn trả lời những người kia rằng: Cành phía Đông có tất cả mấy trăm ngọn lá mấy ngàn ngọn lá. Như vậy cành phía Nam cành phía Tây cành phía Bắc đều nói có tất cả mấy trăm ngọn lá mấy ngàn ngọn lá. Nói lời này xong lập tức bỏ đi. Bấy giờ những thế hệ Bà la môn kia, sau khi A nan rời xa liền lấy mấy trăm ngọn lá giấu kín một bên. A nan đã quay lại, các Bà la môn ngay lúc ấy lại hỏi: Nhân giả A nan, ông lại đến ư, xin tiếp tục quan sát cây này có bao nhiêu ngọn lá? Bấy giờ A nan ngước lên quan sát cây rồi, liền biết các Bà la môn đã hái và giấu đi mất trăm ngọn lá, bèn trả lời những Bà la môn kia rằng: Cành phía Đông có tất cả mấy trăm ngọn lá mấy ngàn ngọn lá; như vậy cành phía Nam cành phía Tây cành phía Bắc, cũng nói có tất cả mấy trăm ngọn lá mấy ngàn ngọn lá. Nói lời này xong lập tức đi qua. Lúc bấy giờ những thế hệ Bà la môn kia, sanh tâm hy hữu chưa từng có, tất cả cùng nhau nói rằng: Sa môn này thật vô cùng thông minh có trí tuệ to lớn. Những Bà la môn vì nhân duyên này mà tâm có được niềm tin đích thực. Có được niềm tin đích thực rồi sau đó không bao lâu tất cả đều xuất gia thành tựu đạo quả La hán. (Sơ lược thuật lại đôi điều, còn lại đầy đủ như trong kinh văn).

Tụng rằng:

Then chốt khéo đối đáp biện giải,
Giỏi dẫn dụ khiến tâm hàng phục,
Nước tám công đức thấm mầm khô,
Ba minh thần thông mở mắt mù.
Đến hỏi tất cả không giống nhau,
Trả lời dạy bảo đều vui lòng,
Mong xả bỏ nỗi sợ bốn rồng,
Cũng trừ diệt hai chuột bức bách.
Cây ý phát sinh hoa rỗng không,
Sen tâm nở ra thơm ngạt ngào,
Nói rõ biển xanh này thay đổi,
Ví như quả Am La chín muồi.
Trí vi diệu còn khéo ráng vàng,
Từ sâu sắc như sương lung linh,
Khéo học trái với người Phạm Trảo,
Lời thật khác xa kẻ bao bụng.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra bốn chuyện: 1. Thái Thú Triệu Chánh thời Tần; 2. Sa môn Thích Tăng Duệ thời Tấn; 3. Sa môn Chi Hiếu Long thời Tấn; 4. Sa môn Khương Tăng Uyên thời Tấn.

1. Thời Tần Phù Kiên có bề tôi là Triệu Chánh làm Thái Thú quận Vũ Uy, lập chí trung thành thẳng thắn làm cho Phật pháp lớn mạnh. Lúc Phù Kiên mới thất bại các hạng phản trắc tranh nhau dấy lên, chiến sự tàn khốc nổi lên khắp nơi làm cho dân chúng rơi vào cảnh đau thương ly loạn, mà có thể phiên dịch truyền bá kinh điển phần lớn là nhờ vào năng lực của Triệu Chánh. Lại là Hữu Chính tự Văn Nghiệp, là người vùng Thanh Thủy Lạc Dương, có nơi nói là người vùng Tế Âm, tuổi đến 18 làm quan Ngụy Tần Trước Tác Lang, sau chuyển đến Hoàng Môn Thọ Lang làm Thái Thú quận Vũ Uy, là người không có râu mà lại gầy ốm, có thê thiếp mà không có con, lúc ấy gọi là hoạn quan, nhưng mà tính tình khoan dung nhanh nhạy học thông cả trong ngoài, tánh thích châm biếm can gián không bao giờ tránh né. Những năm cuối củ Phù Kiên cưng chiều mê hoặc một nàng Tiên Ti mà lơi lỏng đối với sự cai quản triều chính, vì vậy ca hát can gián rằng:

Xưa nghe có Mạnh ở bến sông, ngàn dặm làm ra một ca khúc, dòng nước này vốn tự trong veo, là ai quấy động khiến đục ngầu?

Phù Kiên lộ vẻ xúc động nói: Chính là Trẫm, lại ca hát rằng:

Phía Bắc vườn có một cây táo, trải lá rủ bóng mát chập chùng, bên ngoài tuy rằng nhiều gai góc, bên trong quả có tấm lòng son.

Phù Kiên cười nói rằng: Mong rằng không phải là Triệu Văn Nghiệp, điệu hát đó đùa cợt thích ứng linh hoạt đều tương tự như vậy. Sau đó nhân tiện Phật pháp hưng thịnh ở vùng Quan Trung, nguyện vọng muốn được xuất gia, Phù Kiên luyến tiếc mà không đồng ý. Đến sau khi Phù Kiên qua đời mới toại nguyện với chí hướng của mình, lại đổi tên là Đạo Chỉnh, nhân đó làm bài tụngrằng:

Phật chúng sanh có gì là muộn,

Niết bàn như nhau sớm do đâu, Quay về nương theo Đức Thích Ca, Từ nay về sau tìm Đại Đạo.

Về sau ẩn tích trong núi Thương Lạc chuyên tinh với kinh luật. Thứ Sử Hi Khôi vùng Ung Châu thời nhà Tần, kính trọng phong cách cao thượng ấy nên đến tận nơi giao du cùng nhau. Tạ thế tại Tương Dương, hưởng thọ hơn sáu mươi tuổi.

2. Thời nhà Tấn ở Trường An có Sa môn Thích Tăng Duệ, người vùng Trường lạc quận Ngụy, thông suốt kinh luận biện giải linh hoạt khó mà sánh kịp, Diêu Hưng và Diêu Tung đối xử trọng hậu vô cùng. Diêu Hưng hỏi Diêu Tung rằng: Tăng Duệ như thế nào? Diêu Tung đáp: Thật là hàng tùng bách của nghiệp Vệ. Diêu Hưng sắc chỉ gặp mặt, muốn xem tài năng của Tăng Duệ. Phong Thái của Tăng Duệ mền mỏng như nước tìm chỗ thấp nói năng lịch sự nho nhã, Diêu Hưng rất vui lòng, lập tức truyền ban cho bổng lộc giúp đỡ rất nhiều. Sau đó Diêu Hưng nói với Diêu Tung rằng: Đây chính là tiêu điểm dẫn đường cho mọi nơi, đâu chỉ là hàng tùng bách của nghiệp Vệ thôi ư! Thế là danh tiếng lừng lẫy khắp nơi, xa gần đều tôn sùng phẩm đức cao đẹp. Kinh điển do La Thập phiên dịch đều có sự tham khảo cải chính của Tăng Duệ. Xưa kia Trúc Pháp Hộ phiên dịch bộ kinh Chánh Pháp Hoa, đến phẩm Thọ Quyết nói: Trời thấy người người thấy Trời. La Thập dịch kinh đến đây mới nói rằng: Lời này nghĩa giống với Tây Vức, nhưng bởi ngôn từ quá mộc mạc. Tăng Duệ nói: Mong rằng không phải là người và Trời giao tiếp mà cả hai có thể gặp nhau! La Thập hoan hỷ nói: Thật sự như vậy. Tiêu điểm dẫn đường ấy xuất hiện đều tương tự như vậy. La Thập khen ngợi rằng: Tôi phiên dịch truyền bá kinh luận được cùng với ông gặp nhau thật sự không có gì hối hận. Viết các bài tựa cho Đại Trí Luận Thập Nhị Môn Luận Trung Luận, và viết các bài tựa trong các kinh Đại Phẩm Pháp Hoa Duy Ma Tư Ích Tự Tại Vương Thiền Tam Muội, đều lưu truyền giữa thế gian. Tăng Duệ hoằng dương ca ngợi kinh pháp, luôn luôn hồi hướng nghiệp hạnh này nguyện sanh về cõi An Dưỡng. Thế là đến ngày sắp tạ thế đi vào phòng, tắm gội thắp hương lễ lạt xong trở về giường ngồi, mặt hướng về phía Tây chắp tay mà lìa trần. Ngày này cả chùa đều thấy khói hương ngũ sắc từ phòng Tăng Duệ tỏa ra. Hưởng thọ sáu mươi bảy tuổi.

3. Thời nhà Tấn ở vùng Hoài Dương có Sa môn Chi Hiếu Long, là người vùng Hoài Dương. Tuổi trẻ có phong độ và tư thái được coi là kính trọng, lại thêm thần thái siêu việt luận giải cao xa, dương thời không người nào có năng lực sánh bằng. Kết bạn tri âm cùng với Trần Lưu Nguyễn Chiêm Dĩnh Xuyên Dữu Khải, người thế gian gọi là Bát Đạt. Lúc ấy có người chế giễu rằng: Đại tấn có Hiếu Long hứng thú với thiên hạ làm tôn chỉ, Sa môn sao không cạo tóc khóac ca sa Thích Tử mà lại mặc áo quần toàn lụa là rực rỡ? Hiếu Long nói: Ôm ấp tất cả mà ung dung, chỉ có yên lặng mà chân thành, cắt tóc phá hủy dung mạo, đổi áo biến chuyển hình hài, người ta nói tôi nhục nhã tôi bỏ đi người ta vui, vốn vô tâm đối với cao quý mà càng cao quý hơn, vô tâm đối với đầy đủ mà càng đầy đủ hơn. Sự biện giải linh hoạt hơn thời của Hiếu Long đều tương tự như vậy. Cho nên Tôn Xước làm bài ca ngợi rằng:

Nhỏ bé mới dễ mô phỏng,
To lớn khó mà bắt chước,
Hiếu Long luôn như vậy,
Bước đến cảnh giới cao xa,
Vật tranh nhau đến tông quy,
Người nghĩ làm theo nương nhờ,
Suối mây bao phủ mịt mù,
Gió thơm rào rạt quẩn quanh.

4. Thời nhà Tấn có Sa môn Khương Tăng Uyên, gốc người Tây Vức, sanh ra tại Trường An, diện mạo tuy là người Hồ mà ngôn ngữ thật sự là Trung Quốc, dung mạo cử chỉ ngay thẳng, chí hướng sự nghiệp sâu xa. Thời nhà Tấn thành lập cùng với Khương Pháp sướng, Chi Mẫn Độ cùng nhau vượt sông. Pháp sướng cũng có tài trí qua lại làm chỗ thân thiết, gặp những nhân vật bắt đầu luận bàn nghĩa lý, Pháp sướng luôn luôn cầm cái chổi lông, đi lại mỗi lần gặp khách danh tiếng thì tán dóc suốt ngày. Dữu Nguyên Quy nói với Pháp sướng rằng: Cái chổi lông này vì sao luôn luôn cầm trên tay? Pháp sướng nói: người liêm khiết không cầu, người tham lam không cho, vì vậy cần phải luôn luôncầm trên tay. Tăng Uyên cũng biện giải linh hoạt càng vượt xa Pháp sướng. Lúc ấy Gia Vương Mậu Hoằng, vì thấy Tăng Uyên mũi cao mắt sâu, cứ đến là đùa cợt. Tăng Uyên nói: Mũi là núi của khuôn mặt, mắt là vực sâu của khuôn mặt, núi không cao thì không linh thiêng, vực không sâu thì không trong suốt. Người lúc ấy cho rằng có tài đối đáp nổi tiếng khó ai sánh bằng.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thiên Thứ 58: Cơ Biện