Home > Khai Thị Phật Học > Thien-Thu-52-Boi-An
Thiên Thứ 52: Bội Ân
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, Việt Dịch


Thiên này có 2 phần: Thuật ý, dẫn chứng.

Thứ nhất PHẦN THUẬT Ý

Bởi vì nghe Tứ sanh chìm đắm ắt phải nhờ thuyền cứu giúp, Lục thú hôn mê vốn dựa vào khuyến khích dẫn dắt, vì vậy Tam bảo Đại từ nhìn xuống mà thuận theo chúng sanh, rủ lòng dẫn lối khiến cho thoát khỏi hoạn nạn khổ đau; ví như lại làm trái ân tình sâu nặng, lẽ nào không mãi chìm trong biển khổ đau? Vì vậy người vợ hiểm độc mà người chồng được vua ban thưởng, tiều phu hại gấu báo ứng hiện tại đứt cánh tay. Bởi vì làm trái ân tình nghiệp lực sâu nặng, hiện tại nhận chịu báo ứng đan nhau. Do đó trong Trí Độ Luận nói: Người biết ân tình sanh trưởng gốc rễ của Đại bi, mở thông cánh cửa của Thiện Nghiệp, mọi người đều kính mến, danh tiếng truyền khắp nơi, chết được sanh cõi Trời, cuối cùng thành Phật đạo. Người không biết ân tình khác gì với súc sanh!

Thứ hai PHẦN DẪN CHỨNG

Như Kinh Bách Dụ nói: Xưa có một người vợ hoang dâm vô hạn độ, dục tình đã hừng hực mà căm ghét cả chồng mình. Thường nghĩ kế sách tìm cách muốn làm thương tổn, nhưng các loại mưu kế không thể nào có dịp thuận tiện. Đúng lúc gặp người chồng đi làm sứ giả ở nước láng giềng, người vợ bí mật thực hiện kế sách, làm thuốc độc vo tròn muốn dùng để hại người chồng. Nói lời phỉnh nịnh với chồng rằng: Nay anh đi làm sứ phương xa nghĩ rằng có điều thiếu sót xảy ra, bây giờ em làm sẵn năm trăm viên thuốc hoan hỷ, dùng làm lương thực để tiễn đưa anh, nếu anh ra khỏi đến cảnh giới khác, lúc đói khát mệt mỏi mới được lấy ăn. Người chồng ghi nhớ lời vợ mình. Đến địa phận nước khác rồi nhưng chưa kịp ăn, dừng lại giữa rừng ở trong đêm tối, sợ hãi thú dữ nên leo lên cây mà tránh, gói thuốc hoan hỷ bỏ quên dưới cây. Cũng ngay đêm đó gặp năm trăm tên giặc cắp, trộm của vua nước ấy năm trăm con ngựa cùng với nhiều vật báu đến dừng lại dưới tán cây. Bởi vì chạy trốn đột ngột nên tất cả đều đói khát mệt mỏi, ở dưới tán cây ấy trông thấy gói thuốc hoan hỷ, bọn giặc lấy rồi mỗi tên ăn một viên, thuốc độc phát tán rất nhanh làm cho năm trăm tên giặc trong chốc lát đều chết. Lúc ấy người trên cây đến lúc Trời sáng tỏ, thấy bọn giặc này chết ở dưới tán cây, giả lấy dao tên đâm chém vào xác chết, thu lấy yên cương cùng các thứ châu báu tiền của chạy hướng về nước kia. Lúc ấy vua nước kia dẫn theo nhiều binh lính tìm dấu vết đuổi đến, đúng lúc ở giữa đường gặp vị vua ấy. Vị vua ấy hỏi rằng: Ông là người ở đâu lấy được ngựa nơi nào? Người ấy đáp rằng: Tôi là người nước ấy, mà trên đường đi gặp bọn giặc này cùng đánh chém nhau, năm trăm tên giặc này đều chết một chỗ ở dưới tán cây, vì vậy cho nên tôi lấy được ngựa và đem châu báu tìm đến đất nước của nhà vua, nếu không tin chắc thì đến nơi đó sẽ thấy bọn giặc bị giết hại thế nào! Vị vua này lập tức sai người thân tín đến xem rõ thực hư, quả nhiên như lời người ấy nói. Lúc ấy nhà vua vui mừng ca ngợi là chưa từng có. Đã về đến đất nước rồi ban thưởng tước vị rất nồng hậu, phong cho đất đai cai quản. Bề tôi của nhà vua ấy đều sanh lòng ganh ghét, bèn thưa với nhà vua rằng: Người kia là người phương xa không đáng tin phục, làm sao lại vội vàng sủng ái đối đãi quá nồng hậu như vậy, đến mức ban thưởng tước vị vượt quá bề tôi kỳ cựu. Người phương xa nghe rồi bèn dấy lên nói rằng: Ai có sức mạnh có thể cùng tôi thử xem, xin mời đến nơi rộng rãi để so tài cao thấp. Người trong triều ngạc nhiên không có ai dám so tài. Về sau trong vùng hoang vu bát ngát của nước ấy có con sư tử dữ tợn, chặn đường giết người, cắt đứt đường đi của nhà vua. Lúc ấy các quan kỳ cựu trong triều cùng nhau bàn bạc kỹ càng rằng: Người phương xa kia, tự mình nói là khỏe mạnh không ai có thể địch nổi, nếu như bây giờ lại có thể giết con sư tử kia trừ hại cho đất nước, thì thật sự là đặc biệt vô cùng. Bàn bạc như vậy rồi liền thưa với nhà vua. Nhà vua nghe vậy rồi ban cho dao kiếm lập tức phái đi. Lúc bấy giờ người phương xa đã tiếp nhận sắc lệnh rồi, ý chí kiên cường hướng về nơi sư tử. Sư tử trông thấy lập tức gầm lên nhảy chồm về phía trước. Người phương xa kinh hãi liền leo lên cây, sư tử há miệng ngước đầu hướng lên cây. Người ấy sợ hãi trong lúc cấp bách làm rơi cây dao đang cầm lọt vào miệng sư tử. Sư tử liền chết ngay. Lúc bấy giờ người phương xa vui sướng nhảy múa, về thưa với nhà vua. Nhà vua sủng ái khoản đãi gấp bội. Lúc ấy người trong nước vô cùng kính phục, tất cả đều ca ngợi vui vẻ.

Lại trong Chư Kinh Yếu Tập nói: Có người đi vào rừng đốn gỗ, mê hoặc nên bị lạc đường, lúc ấy gặp mưa to Trời đã chiều vừa đói vừa lạnh, thú dữ trùng độc muốn đến xâm hại, người này lần tìm đi vào trong hang đá, thấy có một con gấu lớn nên sợ hãi đi ra. Con gấu nói rằng: Ông đừng sợ hãi, ở đây ấm áp, nên vào trong ở lại qua đêm. Lúc ấy mưa liên tục bảy ngày, con gấu thường lấy trái ngọt nước thơm cung cấp cho người này. Sau bảy ngày mưa tạnh, con gấu dẫn người này chỉ rõ đường đi ngắn nhất. Con gấu nói với người ấy rằng: Tôi là thân mang tội bị nhiều người oán hận, nếu có ai hỏi thì đừng nói là gặp tôi! Người ấy đáp rằng: Như vậy. Lúc người này đi về phía trước gặp những thợ săn, hỏi rằng ông từ đâu đến, thấy có những loài thú nào không? Đáp rằng: Gặp một con gấu to lớn có ân tình đối với tôi, không thể chỉ cho các ông được. Những thợ săn nói: Ông là con người nên có cách nhìn như loài người, tại sao tiếc con gấu, nay một khi lạc đường biết lúc nào trở lại, ông chỉ chỗ cho chúng tôi, chúng tôi sẽ cho ông phần nhiều. Tâm người này thay đổi, liền dẫn thợ săn chỉ rõ nơi con gấu ở. Thợ săn giết chết con gấu, liền lấy phần nhiều đưa cho. Người này đưa tay ra lấy thịt, hai khuỷu tay cùng rơi xuống. Thợ săn nói: Ông có tội gì vậy? Đáp rằng: Con gấu này chăm sóc tôi giống như cha đối với con, nay tôi làm trái ân tình chuốc lấy tội báo này. Thợ săn kinh sợ không dám ăn thịt, mang đến bố thí chúng Tăng. Thượng tọa là vị La hán, nói với các vị Tăng rằng: Đây là Bồ tát, xuất thế trong thời vị lai sẽ được làm Phật, đừng ăn thịt này, hãy lập tức xây tháp để cúng dường! Nhà vua nghe sự việc này sắc lệnh trong cả nước, người làm trái ân tình không cho phép ở lại nơi này.

Trong Tân Bà Sa Luận nói: Lúc ấy vị Thượng Tọa quán xét thịt này là thịt Bồ tát, nên cùng lấy hương đốt củi thiêu cháy thịt ấy, thâu nhặt xương cốt còn lại đó xây tháp lễ bái cúng dường giống như tôn kính tháp thờ Đức Phật.

Lại trong Kinh Cửu Sắc Lộc nói: Xưa có Bồ tát thân làm loài hươu chín màu, bộ lông có chín loại màu sắc sừng trắng như tuyết, thường ở bên bờ sông Hằng ăn cỏ uống nước, thường cùng với một con quạ làm tri thức gần gũi. Lúc ấy giữa dòng sông có một người bị chìm trôi theo dòng xuống phía dưới, lúc chìm lúc nổi, ngẫng đầu gọi Trời, Thần núi Thần cây chư Thiên Long, Thần, sao không thương xót tôi! Hươu nghe thấy bèn xuống dòng nước cứu giúp mà nói rằng: Ông hãy cưỡi trên lưng tôi nắm lấy sừng tôi. Cõng vượt lên trên bờ, người bị chìm bước xuống đất đi quanh hươu ba vòng, đến trước hươu rập đầu cầu xin làm tôi tớ cho người vĩ đại, làm kẻ sai bảo để hái cỏ lấy nước phục vụ bên cạnh. Hươu nói: Không cần đâu, hãy đường ai người ấy đi, muốn đền đáp ân tình thì đừng nói là ở bên tôi. Hươu nghĩ rằng: Người này tham bộ da và sừng của mình ắt sẽ đến giết mình. Lúc ấy phu nhân của Quốc vương trong đêm mộng thấy loài hươu chín màu, liền giả vờ bệnh không dậy được. Nhà vua hỏi tại vì sao? Đáp rằng: Đêm qua thiếp mộng thấy loài hươu kỳ lạ, bộ lông hươu có chín loại màu sắc, sừng hươu trắng như tuyết, thiếp nghĩ và mong có được bộ da đó làm đệm ngồi có bộ sừng đó làm cán quạt, nhà vua nên cho thiếp đạt được ước muốn, nếu nhà vua không vừa lòng thì thiếp sẽ chết mất. Nhà vua liền chiêu mộ trong nước, nếu ai có thể bắt được loài hươu chín màu thì sẽ phân cho đất nước để cai quản, ban cho người đó bát vàng chứa đầy thóc bạc, ban cho người đó bát bạc chứa đầy thóc vàng. Người bị chìm nghe tin, mong muốn đạt được phú quý, nghĩ rằng: Hươu là súc sinh thì sống chết nào can hệ đến mình. Thế là đi đến nơi vua nói rằng biết chỗ của hươu. Nhà vua vô cùng mừng rỡ nói: Nếu ông có thể lấy được da và rừng hươu mang đến, Ta sẽ đền đáp một nửa đất nước cho ông. Trên mặt người bị chìm liền mọc ra những mụn nhọt. Người bị chìm nói: Đại vương ơi, con hươu này tuy là súc sinh nhưng có uy thần to lớn, Đại vương nên điều động nhiều binh lính mới có thể bắt được. Nhà vua liền huy động rất nhiều binh lính, theo đường tắt đến bên bờ sông Hằng. Con quạ ở trên ngọn cây trông thấy binh lính xuất hiện liền gọi hươu nói rằng: Này bạn tri thức hãy dậy đi, binh lính nhà vua đến kìa! Hươu nằm ngủ say không hay biết, quạ sà xuống mổ vào tai, hươu mới giật mình tỉnh giấc, quay nhìn bốn phía không có nơi nào thoát được, thế là đi đến bên cạnh xe vua. Cận thần muốn bắn, nhà vua bảo: Đừng bắn, con hươu này thật kỳ lạ, mong chính là Thiên Thần! Hươu nói: Thưa Đại vương, hãy đừng bắn tôi, trước đây tôi là người sống trong đất nước của Đại vương. Hươu lại quỳ thẳng hỏi nhà vua rằng: Ai nói tôi ở đây? Nhà vua liền chỉ cho biết chính là người mặt bị hủi đứng bên cạnh xe. Hươu liền ngẫng đầu nhìn mặt người này, trong mắt trào lệ không thể nào kềm lòng được, người này trước đây bị chìm ở giữa dòng sông, tôi không tiếc thân mạng, tự lao vào tro dòng nước cõng này này thoát ra, hứa là không nói gì với ai, người không giữ chữ Tín mà hay tráo trở, không bằng khúc gỗ trôi nỗi giữa dòng nước bập bềnh. Nhà vua có vẻ mặt xấu hổ, nói rằng: Ông nhận ân tình cứu mạng của hươu tại sao lại tráo trở muốn giết hại hươu? Lập tức hạ lệnh truyền khắp trong nước: Nếu có ai đuổi bắt hươu này, sẽ bị tru di năm họ! Các loài hươu mấy ngàn con đều đến nương tựa, ăn cỏ uống nước không xâm phạm lúa má của người, mưa gió thuận theo thời tiết thóc lúa đậu mè được mùa, người không bệnh tật khắp nơi hưởng phúc thái bình.

Đức Phật bảo rằng: Hươu chín màu lúc ấy chính là thân Ta bây giờ. Con quạ lúc ấy nay chính là A nan. Quốc vương lúc ấy nay chính là vua Duyệt Đầu Đàn cha Ta. Phu nhân nhà vua lúc ấy nay chính là Tôn Đà Lợi. Người bị chìm lúc ấy nay chính là Điều Đạt. Tuy Ta có thiện tâm giúp đỡ, nhưng cố tình muốn hãm hại Ta, khó mà có thành ý.

Lại trong kinh Tước Vương nói: Xưa có Bồ tát thân làm chúa chim Tước, chúa tâm yêu thương giúp đỡ mọi loài, bởi vì bảo vệ thân mạng bị thương cho con hổ ăn thịt thú rừng, xương thú mắc vào răng hổ khốn khổ đói khát gần chết, chim Tước chúa bay vào miệng mổ xương, ngày ngày như vậy, miệng chim Tước sanh ra lở loét thân hình trở nên gầy ốm, xương kéo ra con hổ sống bình yên. Chim Tước bay lên cây giải thích về kinh Phật rằng: Giết hại là hung ác bạo ngược, tội ác đó không có gì lớn hơn. Con hổ nghe chim Tước khuyên nhủ, nghiêm giọng hầm hầm tức giận nói: Ngươi mới rời miệng ta, mà dám lắm lời! Chim Tước nhìn thấy điều ấy không thể cảm hóa được liền nhanh chóng bay vút đi. Đức Phật dạy: Chim Tước chúa lúc ấy nay chính là thân Ta, con hổ lúc ấy nay chính là thân Điều Đạt.

Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: Lúc ấy Đề bà đạt đa, tâm thường ôm ấp điều ác muốn làm hại Thế tôn, thế là mướn năm trăm Bà la môn thiện xa, khiến mang cung tên, đến nơi Thế tôn giương cung bắn Phật. Mũi tên đã bắn ra biến thành những đóa hoa, năm trăm Bà la môn trông thấy thần biến như vậy đều vô cùng sợ hãi, liền vất cung tên lạy Phật xin sám hối. Đức Phật thuyết pháp cho nghe đều đạt được quả vị Tu đà hoàn. Lại thưa với Đức Phật rằng: Nguyện cầu cho phép chúng con xuất gia học đạo. Đức Phật dạy Tỳ kheo hãy cố gắng! Tức thì râu tóc tự nhiên rụng hết, pháp phục khoác trên thân, Ngài tiếp tục thuyết pháp cho nghe đạt được quả A la hán. Các Tỳ kheo thưa với Đức Phật rằng: Thần lực của Thế tôn thật là hiếm có, Đề bà đạt đa thường muốn làm hại Đức Phật, mà Đức Phật luôn luôn sanh lòng Đại Từ. Đức Phật dạy: Không những ngày nay vẫn như vậy, mà ở thời quá khứ, trong nước Ba la nại có một người chủ buôn, tên gọi Bất Thức Ân, cùng năm trăm khách buôn đi vào biển thu thập vật báu, có được vật báu quay trở về đến chỗ có dòng nước xoáy, gặp phải La Sát trong nước giữ thuyền đó lại nên không làm sao tiến lên được, những người buôn đều vô cùng kinh hãi, đều cùng nhau nói to rằng: Thiên thần Địa thần và các vị thần mặt trăng mặt Trời, ai có thể Từ bi cứu giúp chúng tôi! Có một con rùa to lớn lưng rộng một dặm, tâm sanh thương xót hướng đến nơi thuyền, chở mọi người nhanh chóng được vượt qua biển lớn. Lúc ấy con rùa ngủ một lát, Bất Thức Ân thì muốn dùng đá lớn đánh chết con rùa. Những người buồn nói rằng: Chúng ta nhờ rùa cứu nạn mà tính mạng được sống, giết chết rùa không tốt đâu Bất Thức Ân! Bất Thức Ân nói: Tôi dừng lại đây đói khát vô cùng thì ai có thể nghĩ đến ân tình? Nhất định phải giết rùa mà ăn thịt của rùa. Ngay trong đêm ấy có bầy voi lớn xuất hiện chà đạp giết chết mọi người. Đức Phật dạy: Rùa lớn lúc bấy giờ nay chính là thân Ta. Bất Thức Ân lúc bấy giờ chính là Đề bà đạt đa. năm trăm người buôn lúc ấy nay chính là năm trăm Bà la môn xuất gia đắc đạo. Ta ở đời kiếp xưa kia cứu giúp ách nạn ấy, nay lại bạt trừ tai họa sanh tử cho họ.

Lại trong kinh Phật thuyết Chiên Đàn Thọ nói: Đức Phật bảo với A nan: Lắng nghe kỹ càng mà tiếp nhận giữ gìn! Lúc ấy ở nước Duy Da Lê có năm trăm người, đi vào biển thu thập vật báu, bỏ thuyền đi bộ trở về. Trải qua núi sâu tối ngày dừng chân nghỉ lại, chuẩn bị nghiêm túc sáng sớm lên đường. Sáng sớm bốn trăm chín mươi chín người đều đã ra đi, một người ngủ say lạc mất bè bạn, lại gặp Trời mưa tuyết phủ lấp mất đường đi, giửa núi nguy hiểm vô cùng bèn khóc nức nở kêu Trời gọi đất. Có vị Thọ thần ở cây Chiên Đàn Hương to lớn nói với người khốn cùng rằng: Hãy ở lại nơi này, tự tôi sẽ cung cấp cơm ăn áo mặc đến mùa xuân mới có thể đi được. Người khốn cùng bèn ở lại. Đến ba tháng sau trình bày với Thọ thần rằng: Nhờ ân mà được toàn vẹn thân mạng, không có chút gì đền đáp nhưng có cha mẹ ngay ở quê nhà, thật sự nghĩ rằng cần phải trở về, nguyện xin chỉ đường cho! Thọ thần nói rằng: Tốt! Liền tự nhiên thuận theo ý muốn, lấy một chiếc bánh bằng vàng tặng cho, và nói: Cách đây không xa sẽ được lối trở về phố thị. Người khốn cùng sắp đi lại hỏi Thọ thần rằng: Cây này thơm tho thanh khiết hiếm có ở thế gian, nay sẽ trở về, xin biết tên gọi của cây! Thọ thần nói: Không cần phải hỏi. Người khốn cùng lại nói: Nhờ bóng cấy này che chở trải qua 3 tháng, nếu về đến đất nước mình sẽ nói về ân nghĩa của cây. Thọ thần bèn đáp rằng: Cây này tên gọi Chiên Đàn, thân rễ cành lá chữa trị mọi bệnh tật của con người, hương thơm tỏa xa hiếm có ở thế gian, mọi người vốn tham cầu, không nên nói cho họ biết! Người khốn cùng về đến trong nước, bà con thân thích đều mừng rỡ. Chẳng bao lâu sau Quốc vương mắc bệnh đau đầu, cúng tế cầu xin các vị thần Trời, đất, núi, sông, nhưng bệnh không hề giảm bớt, danh y thăm viếng nói rằng: Chỉ cần có loại cây Chiên Đàn Hương để bảo vệ thì căn bệnh được chữa lành. Nhà vua liền chiêu mộ tìm kiếm khắp dân gian mà không có, bèn truyền lệnh trong nước có ai tìm được cây Chiên Đàn Hương, sẽ bái làm phong hầu, gả công chúa làm vợ. Lúc ấy người khốn cùng nghe thưởng bổng lộc nồng hậu, liền đến chỗ vua thưa rằng: Tôi biết chỗ có cây Chiên Đàn Hương. Nhà vua liền lệnh cho quan quân đi theo người khốn cùng đến chặt lấy cây Chiên Đàn Hương. Đi đến nơi cây, quan quân trông thấy cây to lớn thẳng tắp, cành lá tươi tốt hoa trái sum sê, bởi vì hiếm thấy cho nên tâm không nỡ nào chặt phá, không chặt thì làm trái mệnh lệnh của nhà vua. Chần chừ lưỡng lự không biết phải làm sao! Thọ thần ở giữa hư không nói rằng: Cứ chặt đi, chỉ giữ lại gốc cây chặt rồi dùng máu người bôi vào, gan ruột phủ bên trên, cây tự nhiên sẽ mọc trở lại như cũ! Quan Quân nghe thần linh nói như vậy, liền sai người chặt cây. Người khốn cùng đứng ở bên cây, cành cây rơi xuống đất đâm chết người khốn cùng. Quan quân liền cùng nhau bàn luận rằng: Trước đây Thọ thần nói nên lấy máu người bôi vào, gan ruột phủ lên trên để thờ tâm của cây, không biết nên dùng ai để tế rạ ơn thần, người này bây giờ chết rồi, tiện thể lấy mà làm lễ tạ, vậy thì cắt mổ lấy gan ruột máu huyết người đó như lời thần linh đã chỉ bày. Cây lập tức mọc lại như ban đầu không có gì sai khác. Xe chở cây đã chặt trở về trong nước, thầy thuốc lập tức dâng thuốc lên và bệnh nhà vua được chữa lành. Cả nước vui mừng, nhà vua truyền cho nhân dân trong nước người nào có bệnh, đều xuất Chiên Đàn Hương cung cấp chữa bệnh đều được lành bệnh, cả nước hớn hở thỏa lòng vui sống thái bình.

A nan rời chỗ ngồi cúi rập đầu chất vấn rằng: Người khốn cùng này, sao không giữ lời mà lại tráo trở, làm trái lời thề sâu nặng với Thọ thần? Đức Phật trả lời rằng: Vào thời xa xưa lúc Đức Phật Duy Vệ tại thế, có ba cha con, người cha phụng hành trai giới chưa hề lơi lỏng lười nhác, người con lớn thường ở trong nhà thắp hương giữa hư không cúng dường chư Phật mười phương, người em nhỏ ngu si không biết gì Tam bảo, nhất định dùng áo che phía trên hương. Người anh nói với em rằng: Việc này rất quan trọng, vì sao em xâm phạm? Người em khởi lên tâm ác nói rằng: Thề sẽ chặt đứt hai chân anh. Người anh lại dấy lên nghĩ rằng: Nên đánh chết em. Người cha nói: Hai con tranh cãi khiến cho cha đau đầu. Người con lớn trả lời rằng: Nguyện phá nát thân con làm thuốc khiến cho cha dẹp yên những bệnh tật làm hại. Miệng không nói xằng bậy, cho nên đời đời chịu tội. Người em phát khởi Ác ý muốn chặt đứt chân anh, quả về sau dẫn người đến chặt thân cây. Người anh muốn đánh chết em, nay làm Thọ thần, quả nhiên vì cây làm Thể đánh chết thân em. Quốc vương đau đầu lúc ấy là người cha xưa kia, phụng trì trai giới tinh tiến cho nên được báo ứng tôn quý. Lúc ấy nói khiến cho cha đau đầu, sau gặp quả báo đau đầu. Tất cả đều nhận chịu tai ương của chính mình. Đức Phật dạy: Báo ứng tội phước như bóng theo hình.

Tụng rằng:

Đại bi thương xót cứu giúp,
Đức nặng sánh tựa đất trời,
Ân sâu ví như cha mẹ,
Nghĩa vượt quá xa vua tôi,
Dù cho trung hiếu suốt đời,
Hãy còn khó mà báo ân,
Nếu như làm trái lý đó,
Qua lại đánh mất thân mình.