Home > Khai Thị Phật Học
Sự Điều Hòa Giữa Tâm Và Vật
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Khuyết Danh, Việt Dịch


Trong tiết học có nêu hai quan niệm gồm “duy tâm” và “duy vật”, nhưng thực ra tâm và vật là chỉnh thể thống nhất. Tâm con người thuộc tinh thần; thân thể, môi trường sống thuộc về vật chất. Sự tác động qua lại tương hỗ giữa môi trường hoàn cảnh tạo nên mối quan hệ giữa người với người, giữa người và vật. Thế nên con người vốn không thể tách rời khỏi vật chất, tâm vô hình nếu tách rời khỏi vật chất, tâm vô hình nếu tách rời khỏi vật chất hữu hình thì tâm không thể mượn một vật chất gì để biểu hiện. Tương tự, trong môi trường vật chất, nếu không có tâm làm chủ thì rất dễ bị vật chất làm mê hoặc, đánh mất bản thân.

Chúng ta không những không thể tách rời giữa tâm và vật để xem xét đánh giá đồng thời cũng không nên chỉ chú trọng một trong hai mặt: tâm và vật. Nếu nghiêng về một trong hai, cuộc sống chúng ta nhất định sẽ có sự xung đột, thông thường người ta thiên trọng về vật chất nhiều hơn. Nếu chúng ta đánh giá giá trị bản thân qua việc cân đo đong đếm những vật chất sở hữu bên ngoài; ví dụ: cách ăn mặc, xe cộ, số tiền gửi ngân hàng để cho rằng đó là vật bảo đảm cho tương lai mình. Nếu cho rằng địa vị và giá trị con người tỷ lệ thuận với vật chất sở hữu thì bạn là con người vật chất, giá trị của bạn bị phụ thuộc với những gì thuộc ngoại tại. Thực ra, bản chất của vật chất không phân biệt tốt xấu đến mức tuyệt đối nhưng chúng ta thường dùng chung để đánh giá giá trị bản thân, lấy giá trị vật chất để phán đoán địa vị cao thấp của một người trong xã hội: đây quả là một hiện tượng tâm lý kỳ quặc.

Nếu một người coi trọng vật chất, quên mất công năng nội tại của “tâm”, quên không dùng “tâm” để thể nghiệm cuộc sống mà chỉ biết theo đuổi vật chất, dựa vào vật chất thậm chí xem vật chất là một phần mạng sống của mình, như thế người đó chắc chắn là nô lệ của vật chất. Khi bạn thành người nô lệ của tiền tài, chú trọng hưởng thụ vật chất sẽ tạo nên tâm lý hư vinh hoàn toàn không có lợi cho sự thăng hoa của tinh thần và trưởng dưỡng nhân cách, điều này được người ta nói là “nhọc vì vật chất”.

Tuy chúng ta không nên theo đuổi vật chất thái quá nhưng cũng không nên phủ nhận giá trị của nó, hơn nữa càng không nên quá chú trọng, thiên hẳn về mặt tinh thần.

Theo tôi “tâm” trong quan niệm Nho giáo chính là “tâm” của chủ nghĩa nhân văn, “tâm” trong Đạo giáo thiên về chủ nghĩa tự nhiên còn chữ “tâm” trong Phật giáo là “tâm” của chủ nghĩa duyên sinh. “Tâm” theo chủ nghĩa nhân văn mà Nho giáo chủ trương có nội hàm là “nhân”, “nhân” trong nghĩa nhân ái, tình yêu thương con người và vạn vật; “tâm” theo chủ trương của Đạo giáo chỉ cho quan niệm về “đạo”; thông qua tâm để diễn dịch, phát huy ý nghĩa của Đạo.

Theo Phật giáo, “tâm” do nhân và duyên tạo nên, nó chứa đựng một sức mạnh thực tiễn, sức mạnh đó được gọi là Nghiệp. Nhưng muốn chuyển biến tâm phàm phu phiền não thành tâm trí tuệ giải thoát thì không phải “nghiệp” nữa mà gọi là “đạo” hay còn gọi là Bồ đề. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần hiểu chữ “đạo” trong Phật giáo không giống với “đạo” trong Đạo giáo. “Đạo” trong Đạo giáo chỉ tự nhiên, còn “đạo” trong Phật giáo chỉ trí tuệ, giải thoát.

Tuy Nho, Lão, Phật có cái nhìn, có quan niệm khác nhau về “tâm” nhưng mục tiêu và xuất phát điểm đều có điểm chung là mong muốn thay đổi khí chất của con người, chuyển động vật tính trong con người thành nhân tính, sau đó lại cần phải siêu việt lên cả sự đối lập giữa nhân tính và động vật tính. Quá trình siêu việt lên khỏi các phàm tục, đi vào cõi tịnh thánh đó được Phật giáo mệnh danh là giải thoát; Đạo giáo gọi là “trở về với tự nhiên”, Nho gia gọi là “thành thánh thành nhân”. Từ điểm này chúng ta thấy rằng, Nho, Lão, Phật tuy có nhiều danh xưng khác nhau về “tâm”, mục đích tối hậu có phần bất đồng, nhưng đều có một điểm chung đó là cực kỳ coi trọng “tâm”.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Sự Điều Hòa Giữa Tâm Và Vật