Home > Khai Thị Phật Học
Làm Thế Nào Để Hàng Phục Dâm Dục
Pháp Sư Thích Định Hoằng | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Kính chào các vị pháp sư tôn kính, xin chào ông Hội Trưởng Lăng Tư tôn kính, xin chào cô giáo Đinh Gia Lệ tôn kính, các vị Đại đức, các vị khách quý, các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hôm nay, một vạn người chúng ta cùng nhau tụ họp nơi đây để thảo luận chủ đề: “Giới Tà Dâm Phản Đọa Thai”. Có thể nói vấn đề này là vô cùng cấp bách. Lần gặp gỡ này có quan hệ lớn đối với sự thay đổi của nếp sống xã hội. Ba ngày trước, ở nơi đây chúng tôi đã cử hành Pháp Hội Siêu Độ và Tế Tự Đại Điển Trung Hoa Dân Tộc Vạn Tánh Tổ Tiên. Hôm nay, chúng tôi đến để thảo luận về giới tà dâm.

Cổ nhân nói rất hay: “Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”. Nếu như xã hội đều bất hiếu, phương diện giới dâm xảy ra vấn đề, thì nhất định sẽ có động loạn, sẽ có thiên tai nhân họa. Cho nên bốn ngày gặp lần này, chúng ta xoay quanh hai chuyên đề lớn là: “Hiếu và giới dâm”. Đây là từ trên cơ bản thức tỉnh lòng người, làm pháp hội hộ thế tiêu tai, cộng thêm niệm Phật, pháp hội Tam Thời Hệ Niệm để hồi hướng cho tổ tiên, siêu độ cho hương linh hài nhi bị phá thai, âm dương lưỡng lợi, thực tại là công đức vô lượng.

“Giới Tà Dâm Phản Đọa Thai” của pháp hội siêu độ và giác ngộ ngày hôm nay, buổi sáng là để tỉnh giác cho người dương gian, chính là dùng giáo dục; buổi chiều là siêu độ cho người cõi âm, chính là hương linh thai nhi bị phá thai. Điều này có thể nói là trong lịch sử lần đầu tiên thử nghiệm, vô cùng có ý nghĩa. Đặc biệt, cảm ơn Sư phụ Thượng Nhân thượng Tịnh hạ Không tôn kính của chúng ta, bởi vì Ngài giảng trong “Đại Kinh Khoa Chú” đã nhiều lần kêu gọi. Pháp hội lần này thật sự là một duyên khởi. Cũng xin cảm ơn Cô giáo Đinh Gia Lệ đang ngồi phía dưới sân khấu. Khoảng thời gian trước cô đến Hồng Kông đã làm phóng sự với Sư phụ Thượng Nhân của chúng ta tại phim trường với chủ đề là “Quý Tiếc Mạng Sống Xin Đừng Phá Thai Giết Trẻ”. Sau khi đĩa này được phát hành đã tạo tiếng vang rất lớn. Tôi nghe có một đồng tu tự mình đã làm một triệu đĩa. Đĩa này hôm nay cũng có trong chiếc túi đựng pháp bảo tặng các vị. Rất nhiều đồng tu sau khi xem xong vô cùng cảm động, thậm chí đã chấn động, phải sám hối vì trong quá khứ đã hồ đồ tạo ra những tội nghiệp. Tình thế cấp bách này có thể làm pháp hội đặc biệt siêu độ hương linh hài nhi bị phá thai hay không? Kết quả bên ban tổ chức; vị đồng tu của chúng ta rất từ bi, Pháp sư Thượng Ngộ hạ Đạo từ bi ủng hộ, cho nên thành tựu được pháp hội lần này. Cũng đặc biệt cảm ơn sự từ bi của Sư phụ Ngộ Đạo đã kêu gọi, cầu nguyện cho hương linh hài nhi bị phá thai. Pháp sư Ngộ Đạo của chúng ta hôm nay phải đi, không thể tham dự, kết quả phút cuối của ngày hôm nay có sự thay đổi, Ngài vẫn ở lại, buổi chiều Ngài làm Tam Thời Hệ Niệm cho chúng ta. Cho nên, chúng ta cảm thấy dương gian, âm giới đều đang cầu nguyện. Đây là pháp hội lớn và trang nghiêm.

Vừa rồi, Sư phụ Ngộ Đạo đã giảng rất rõ cho mọi người sự nguy hại quả báo của tà dâm và phá thai. Mọi người cũng đều biết việc tà dâm, phá thai là đã phạm hai giới lớn trong ngũ giới trọng, một là giới dâm, một là giới sát sanh, quả báo vô cùng thảm khốc. Hiện giờ xã hội vô cùng ô nhiễm, chúng ta phải làm thế nào để đối mặt với đời ngũ trược ác thế như thế này, làm thế nào để bảo vệ cho mình không phạm giới tà dâm? Việc này xác thực cần phải có biện pháp.

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với mọi người bài “Giới Dâm Văn” của Đại Sư Ngẫu Ích, vị Tổ thứ chín của Tịnh Độ tông. Cả cuộc đời của Ngài chuyên về giới luật, trì giới tinh nghiêm. Đối với giới dâm Ngài vô cùng xem trọng và đề xướng. Cho nên vừa rồi Sư phụ Ngộ Đạo cũng đã giảng: “Ái dục là gốc rễ của sanh tử luân hồi”. Nếu như có một loại phiền não nào sánh bằng với việc dâm dục, thì trên cơ bản chúng sanh chẳng được cứu, chẳng ra khỏi luân hồi. Cho nên, phải đối trị như thế nào? Trên tay mọi người đều có quyển sổ nhỏ rồi, nó trong quyển sổ tay của pháp hội. Mọi người có thể xem trên màn hình, bởi vì liên quan với thời gian chúng tôi không thể nói tỉ mỉ, chỉ có thể chia sẻ phần trọng điểm. Chúng ta cùng nhau xem “Giới Dâm Văn” này.

Đoạn thứ nhất là nói tổng quát:

“Nhân tri sát sanh chi nghiệp tối thảm, bất tri tà dâm nghiệp vưu thảm dã, nhân tri sát sanh chi báo tối khốc, bất tri tà dâm báo vưu khốc dã”.

Bốn căn bản trọng giới: Sát, đạo, dâm, vọng. Mọi người đều biết nghiệp sát sanh rất nặng. Giết người thì phải đền mạng, sát sanh cũng phải đền mạng, thậm chí đời này ăn thịt nửa cân thì đời sau cũng phải trả lại tám lạng, chẳng có cách nào trốn thoát. Mọi người đều biết nghiệp sát sanh rất thê thảm, phải lấy mạng đền mạng, nhưng chẳng biết nghiệp tà dâm thì càng thảm khốc hơn. Tại vì sao lại nói như vậy? Bởi vì dâm trực tiếp tổn hại huệ mạng của chúng ta, tăng thêm nguồn gốc phiền não luân hồi, làm cho chúng ta vĩnh viễn không ra khỏi lục đạo, cũng chính là vĩnh viễn không ra khỏi địa ngục. Vả lại, sau nghiệp dâm thì hơn phân nửa đều phạm nghiệp sát. Như việc phá thai chính là nghiệp sát, hơn nữa lại là giết người. Hiện nay, hết thảy các tôn giáo cùng với nhân sĩ có lương tri trong xã hội đều hiểu rất rõ thai nhi cũng là mạng sống có máu, có thịt, có linh hồn, có cảm giác, nhưng chỉ do nó còn quá nhỏ yếu chẳng có cách nào kêu cứu. Con người chúng ta thì hồ đồ chẳng biết, hoặc biết mà vẫn cố ý phạm, chỉ vì ham muốn, vì lợi ích của cá nhân mình mà tàn nhẫn giết chết phần thân sinh cốt nhục trong bụng của mình, thậm chí là lăng trì xử tử. Phá thai là kéo xé thai nhi ra từng đoạn, từng đoạn.

Chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người là đại chiến thế giới lần thứ hai. Trong bốn năm số người bị giết là bao nhiêu? Năm mươi triệu người. Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, hiện nay mỗi năm số người phá thai là năm mươi triệu. Đối xử tàn nhẫn với phần thân sinh cốt nhục của mình như thế, tội nghiệp này thật sự là quá nặng, quá tàn nhẫn. Cho nên nói: “Sát sanh chi báo tối khốc, bất tri tà dâm chi báo vưu khốc”, so với giết người vẫn là tàn khốc hơn. Tại sao vậy? Vì họ giết là con ruột của họ. Thế chiến thứ hai giết người là giết kẻ địch, hai bên đối địch giết nhau; hiện nay chúng ta là tàn hại thân sinh cốt nhục của chính mình. Cho nên chúng ta nên tôn trọng quyền lợi được sống của thai nhi, các cháu không thể bị cướp đi mạng sống. Đương nhiên phải phản đối việc phá thai, hành động quan trọng nhất trên căn bản vẫn là đoạn trừ.

Vì sao lại có vấn đề phá thai? Bởi vì có dâm dục. Cái gốc này chưa đoạn, vậy tiếp theo đó thì sát nghiệp chẳng có cách nào diệt tận gốc. Cho nên, Đại Sư Ngẫu Ích vừa mở đầu đã nói tổng quát bốn câu “trúng tim đen của chúng ta”. Nghiệp dâm nặng hơn, tàn khốc hơn nghiệp sát. Tiếp theo, nói cho chúng ta tại vì sao như vậy. “Cái chủng chủng thọ sanh, triệu đoan dâm dục, chủng chủng tạo tội, thác nhân hữu sanh, dâm vi bổn sanh, sanh vi tội bổn”.

Chữ “cái” này là một từ ngữ khí, phía dưới có phần khai thị quan trọng. “Chủng chủng thọ sanh”, đây là nói con người tại sao thọ sanh trong lục đạo có được cái thân này. Nguồn gốc của nó chính là do có dâm dục. “Triệu đoan” chính là bắt đầu ở dâm dục, “triệu nghĩa” là lúc ban đầu. Vì sao lại thọ sanh trong lục đạo? Bởi vì có dâm dục. Mà ở trong lục đạo thì nhất định sẽ tạo tội nghiệp: “Chủng chủng tạo tội, thác nhân hữu sanh”. Ở trong lục đạo thọ sanh tạo tội nghiệp do nguyên nhân gì vậy? Do “hữu sanh”.

Ở đây nói Thập Nhị Nhân Duyên, đó là: “Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử”. Những điều này là danh tướng của Phật pháp, có nghĩa là gì? Chính là nói con người làm sao mà bị luân hồi.

Đầu tiên là do vô minh. Vô minh chính là điên đảo không giác ngộ, như vậy thì sẽ có hành. Hành chính là tạo nghiệp, tạo những nghiệp thiện ác, nên ở trong lục đạo có được cái thân thể thiện ác này. Đường thiện là cõi trời và người; đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Đã có hành thì sẽ có thức. Thức là gì? Vừa có tạo tác liền sanh ra ý niệm thọ thai, nên phải nhập vào thai ở trong lục đạo này. Cho nên, con người đầu thai như thế nào? Là điên đảo, hồ đồ, tùy theo nghiệp lực mà chiêu cảm cha mẹ của mình. Khi nhìn thấy cha mẹ gần nhau liền khởi ý niệm dâm, liền nhập thai.

Sau khi nhập thai thì có danh sắc. Chữ danh này chính là tâm. Sắc là thân, thân tâm liền có. Hay nói cách khác, thai nhi đã có đủ thân tâm, tức là mạng sống thể xác có đủ tinh thần và vật chất. Cho nên nó là một mạng sống hoàn chỉnh, tuy nó rất nhỏ nhưng không nên giết hại nó.

Sau đó thì có lục nhập. Lục nhập là từ từ; thai nhi ở trong bụng từ từ lớn lên, bắt đầu có tay, chân, thân thể. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) dần dần trưởng thành. Tiếp theo, có thể tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Sáu căn này bắt đầu tiếp xúc cảnh giới sáu trần thì sẽ sanh ra tác dụng, được gọi là nhập. Lục nhập thì có tri giác.

Lại dần dần trưởng thành thì có xúc. Cái xúc này là gì? Được sanh ra. Thai nhi mang thai đến mười tháng thì được sanh ra. Sau khi sanh ra thì sẽ có cảm xúc nóng lạnh, đau nhức. Trước ba bốn tuổi chủ yếu là xúc thọ; đứa bé tuy không thể phân biệt thiện ác nhưng nó có đủ xúc thọ. Lại tiếp tục lớn lên, từ năm sáu tuổi đến mười hai tuổi, thì sáu căn đối với sáu trần (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài liền sanh ưa ghét, sanh phân biệt. Từ mười lăm tuổi trở lên (chúng ta gọi là tuổi phát dục của thời kỳ thanh xuân), sẽ sanh ra ý niệm tham dâm. Cái tâm ái dục này là nguồn gốc của sanh tử, lúc này bắt đầu đã phát hiện.

Sau đó sẽ có thủ. Có ái rồi thì sẽ có thủ. Thủ chính là theo đuổi cảnh giới bên ngoài, đam mê thỏa mãn dục vọng.

Sau thủ thì có hữu. Hữu là do cái tham mà tạo ra nghiệp thiện ác, chủ yếu là ác nghiệp. Điều mà ác nghiệp này chiêu cảm là thọ sanh trong lục đạo tam đồ nên có duyên sanh. Có sanh thì có già, bịnh, chết.

Duyên sanh lão tử, ưu bi khổ não này chẳng cùng tận, đời đời kiếp kiếp đều là luân hồi như vậy. Cho nên Đại Sư Ngẫu Ích chân thật chỉ ra vì sao chúng ta luân chuyển trong lục đạo? Nguồn gốc vẫn là do cái tâm tham dâm. Có dâm tham thì sẽ có thọ sanh, có thọ sanh thì có già bịnh chết, ưu bi khổ não. Cho nên nói: “Dâm vi sanh vi bổn”, sanh là cái gốc của tội, sau khi sanh ra thì sẽ tạo tội.

Ki Tô giáo cũng nói con người vì sao phạm tội, đúng như vậy không? Từ lúc Thượng đế tạo ra con người, bị con rắn dụ dỗ mê hoặc ăn trái cấm, đã sanh tâm phân biệt thiện ác, sau đó thì bắt đầu tạo nghiệp. Điều này cùng với Thập Nhị Nhân Duyên nói vô cùng giống nhau, chỉ là họ nói trên sự, Phật pháp của chúng ta thì nói trên lý. Lý và sự chẳng có mâu thuẫn.

Ở đây nói: “Thị cố tam đồ kịch khổ, nhân thế dư ương, dâm ý tài manh, nhất thiết câu khởi”. Tam đồ là tam ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đây là kịch khổ. Kịch là vô cùng kịch liệt đau khổ. Địa ngục chúng ta vẫn chưa đi xem, thật là đáng sợ!

Có một vị A La Hán dạy đệ tử: “Các con nếu như không chăm chỉ tu hành, tương lai đi vào địa ngục thì rất khủng khiếp”. Giống như tiết thanh minh hôm kia mưa rất to, sau khi mưa thì cây cối được thấm nước. Vị A Lan Hán gọi đệ tử đi gom những cây bị ngã đổ lại, chất thành một đống gỗ lớn đã bị thấm nước mưa. Sau đó gọi đệ tử lại châm lửa đốt. Mấy vị đệ tử nói: “Làm sao có thể đốt được, củi bị thấm nước rồi!”. Vị A La Hán liền dùng thần thông lấy ngọn lửa từ trong địa ngục đặt vào trong đống củi đó. Vừa đặt vào thì đống củi thấm nước đó chỉ trong phút chốc hóa thành tro bụi. Mấy vị đệ tử nhìn thấy liền sững sờ. Lửa địa ngục chẳng phải lửa của nhân gian, thật đáng sợ! Thật ra, chúng ta ai ai cũng đã gặp địa ngục rồi, hơn nữa thời gian ở địa ngục là dài nhất. Tại vì sao nói như vậy? Bởi vì phiền não nặng nên không ra khỏi lục đạo, địa ngục thì khó tránh khỏi. Cho nên, Phật hết lòng khuyên bảo chúng ta nhất định phải ra khỏi lục đạo, nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ, nếu không tương lai luân hồi đau khổ, thê thảm vô cùng. Đời này của chúng ta rất may mắn gặp được pháp môn Tịnh Độ. Xin cảm ơn Sư phụ Thượng Nhân của chúng ta năm mươi mấy năm đã ân cần khuyên dạy!

Trong “Di Đà Yếu Giải”, Đại Sư Ngẫu Ích nói: “Duyên chi sở tại, ân đức hoằng thâm”. Cái ân đức này quá lớn, cho nên Ngài mới tăng thượng duyên tốt nhất cho chúng ta. Ngay trong đời này, chúng ta nhất định nắm chắc cơ duyên cầu sanh Tịnh Độ. Cầu sanh Tịnh Độ được Phật A Di Đà gia trì thì sự phiền não do việc dâm dục mới tương đối dễ dàng đoạn trừ. Nhưng chúng ta phải cẩn thận lưu ý, cẩn thận đề phòng, bởi vì đối với lòng ham muốn nam nữ của người thế gian vẫn còn tham chấp thì rất khó xử lý. Đây là ái dục, là cái gốc của sanh tử. Đại Sư Ngẫu Ích nhắc nhở chúng ta: “Tam đồ kịch khổ, nhân thế dư ương”, chính là nói: “Tích bất thiện chi gia tức hữu dư ương”. “Ương” là tai ương. Tai ương hơn phân nửa có liên quan với cái dâm này. “Dâm vi vạn ác chi thủ”. Cái ý dâm này chính là ý niệm, vừa chớm nở thì chúng ta phải cảnh giác, tất cả nghiệp lực của mọi tội ác sẽ trỗi dậy. Vì vậy, chúng ta cứ mãi lựa chọn về phía tam đồ. Cho nên, tâm cảnh giác rất quan trọng.

Cổ đức khuyên chúng ta: “Sanh tử tâm yếu thiết”, điều này mới có thể cắt đứt tập khí phiền não sâu nặng nhất từ vô thủy kiếp đến nay. Phải tin tưởng chính mình, phải phát đại Bồ Đề nguyện. Khó hành cũng có thể hành, khó nhẫn cũng có thể nhẫn.

“Dâm tập nan đoạn, như hỏa liêu nguyên, ư cực xú xứ, mậu vi hương mỹ, ư cực uế xứ, mậu vi khiết tịnh, tùy xứ cẩu hợp, hà dị súc sanh, phi đạo nhiễm xúc, quá ư kê khuyển”.

“Dâm tập”, cái tập khí này đã được nuôi dưỡng từ vô lượng kiếp đến nay, thật sự vô cùng khó đoạn. Khó đoạn nhất chính là điều này. Nhưng nếu chúng ta không cố gắng đoạn trừ thì việc sanh tử luân hồi rất khó thoát ra. Cho dù cầu sanh Tịnh Độ không yêu cầu bạn đoạn căn, nhưng cũng cần phải phục đoạn, chính là hàng phục tâm dâm dục lại. Lấy đá đè cỏ, đè nó xuống không cho khởi dậy, không hiện hành, không khởi tác dụng, các vị niệm “A Di Đà Phật” thì nhất định vãng sanh. Bởi vì dâm tập khó đoạn “như hỏa liêu nguyên”, giống như đốm lửa nhỏ vậy, chỉ một chút cũng có thể thiêu rụi cả đồng cỏ. Điều này Đại Sư Ngẫu Ích khuyên chúng ta phải vô cùng cẩn thận đề phòng, đến một đốm lửa nhỏ cũng chẳng nên nuông chiều dung túng, phải dập tắt nó liền.

Phía dưới nói làm sao dập tắt dâm dục. Cách cổ Đại đức dạy cho chúng ta về giới dâm này là quán bất tịnh. Nhà Nho thì đề xướng giáo dục luân lí đạo đức, đặc biệt là lễ giáo. Giáo chính là không được dâm, không được quá độ. Cái dâm này không chỉ là sự ham muốn của nam nữ, mà sự ham muốn quá độ cũng chẳng phù hợp với lễ. Cho nên nói: “Dục bất khả tung”, không nên phóng túng dục vọng. Không phải kêu các vị đoạn dứt mà các vị phải tiết chế. Mọi người đều có thể tiết chế dục vọng thì xã hội này sẽ vui vẻ hòa thuận. Đặc biệt xã hội hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều người bị bệnh về thân và tâm, đa số có liên quan tới dâm dục. Điều này năm xưa Đại Sư Ấn Quang có nêu ra.

Mọi người đều biết Bác sĩ Bành Tân. Ông là Bác sĩ Đông y đã tốt nghiệp Tiến sĩ, có chia sẻ chuyên đề này với chúng ta rồi. Ông nói: “Tôi có quen một số bịnh nhân còn rất trẻ, như là chủ của một xí nghiệp, ba mươi hai tuổi. Đúng lúc sự nghiệp của anh ấy thành công thì anh ấy bị trúng gió. Kết quả là phải ngồi xe lăn để sống cuộc đời còn lại”. Tại sao lại bị như vậy? Thật ra, một năm trước khi anh ấy bị trúng gió, anh ấy có đi thăm Bác sĩ Bành Tân. Bác sĩ nói với anh ấy: “Anh nhất định phải cấm dục, chuyện nam nữ đã quá độ rồi”. Thì ra anh ấy đã bao mấy cô tình nhân, cả ngày từ sáng đến tối buông thả cuộc sống dục vọng. Đến ngày đi gặp Bác sĩ Bành còn dắt theo một cô tình nhân. Bác sĩ Bành tân nhìn thấy cô gái này quá diêm dúa, lẳng lơ liền nghĩ ngay đến bốn chữ: “Hồng nhan họa thủy”. Cuối cùng anh chủ xí nghiệp này chẳng chịu hồi đầu, không nghe lời khuyên của Bác sĩ Bành, vẫn cứ sống buông thả dục vọng. Bác sĩ Bành nói với anh ấy: “Anh bây giờ có vấn đề nghiêm trọng về gan và thận”. “Thận vi tiên thiên chi bổn, tung dục thương liễu thận tinh”, gan thận cùng nguồn gốc; thận thuộc về thủy, gan thuộc về mộc, thủy không tốt thì mộc cũng không tốt. Vì vậy nói tương lai anh phải cẩn thận chuyện bị trúng gió, bởi vì Đông y chẩn đoán một trong ba nguyên nhân lớn bị trúng gió chính là gan và thận có vấn đề. Anh ấy chẳng chịu nghe, một năm sau quả nhiên bị trúng gió. Sau khi bị trúng gió thì khóe mắt, khóe miệng đều bị méo đi, nói năng chẳng được rõ ràng. Người giúp việc trong bệnh viện hàng ngày đẩy xe lăn ra ngoài cho anh ấy phơi nắng. Thật là đáng thương! Những tình nhân của anh ấy bỏ mặc anh, họ bỏ đi hết. Sự nghiệp của anh ấy cũng sa sút nghiêm trọng. Bởi vậy mới nói là dư ương. Thật sự chẳng cần xem con cháu đời sau, cũng chẳng cần xem kiếp sau của anh ấy, nhìn thấy quả báo nghiệp dâm đời này của anh ấy cũng vô cùng tàn khốc, cũng vô cùng nhanh chóng.

Tôi nghe một đồng tu nói, anh ấy có quen một đồng tu cũng học Phật. Việc sống phóng túng đối với đệ tử học Phật rất khó chống chọi lại sự mê hoặc, cám dỗ. Anh ấy nói: “Trong nhà có một thiếu niên mười mấy tuổi. Hằng ngày cả nhà tu học rất thành tâm, em này ở nhà lên mạng ineternet xem những trang web đen”. Đã vào xem thì dừng lại chẳng được, chẳng có cách nào để ngừng xem, thật sự đã bị ma dâm khống chế. Kết quả cuối cùng, nghe nói như thế nào? Đứng lên đi bộ cũng chẳng nổi. Vì sao vậy? Bởi vì cháu đó tự thỏa mãn cảm giác dục vọng cho mình, hàng ngày đều tự đày đọa thân thể của mình, chẳng có cách nào kiềm chế được. Một thiếu niên mười mấy tuổi cứ như vậy thì sẽ lãng phí cuộc đời sau này của mình, quá đáng thương, quá đau đớn thê thảm. Vì vậy, chúng tôi vô cùng hy vọng những vị trí thức có lương tri trong xã hội cùng nhau hành động, bắt đầu từ bản thân chúng ta, kêu gọi toàn xã hội cùng nhau hết sức phòng ngừa dâm dục.

Nhà Nho nói giáo dục luân lí đạo đức, bây giờ phải khẩn thiết phục hưng. So với giáo dục luân lí đạo đức thì giáo dục nhân quả có hiệu quả hơn. Giống như buổi sáng hôm nay Sư phụ Ngộ Đạo của chúng ta đã giảng giáo dục nhân quả. Sư phụ có nhắc đến “An Sĩ Toàn Thư”, đặc biệt trong đó có bộ “Dục Hải Hồi Cuồng” chuyên nói về giới dâm. Bộ sách này được Đại Sư Ấn Quang gọi là: “Thiện Thế Đệ Nhất Kì Thư”, nói Tiên sinh An Sĩ là Bồ Tát tái lai. Cho nên, những bộ sách như thế này chúng ta nên đề xướng. Trong túi pháp bảo cũng có một quyển sách “Quí Tiếc Sinh Mạng Xin Đừng Phá Thai Giết Trẻ”, những báo cáo khoa học này mọi người về nhà cố gắng đọc.

Về phương diện giới dâm này, giáo dục nhân quả có hiệu quả hơn so với giáo dục luân lí đạo đức. Tại sao vậy? Con người có thể hiểu về luân lí đạo đức, họ có tâm hổ thẹn, nghĩ tạo ác nghiệp là chuyện làm mất thể diện, nhưng mà có những lúc thiện căn không đủ, chẳng thể kiềm chế được hình ảnh trước mắt. Cổ nhân nói: “Anh hùng khó vượt qua ải mỹ nhân”. Tuyến phòng ngự luân lí đạo đức lúc này có thể là phòng ngừa không nổi. Tuyến phòng ngự thứ hai là giáo dục nhân quả. Con người hiểu được nhân quả thì có tâm lo sợ, chẳng dám tạo ác, biết có thiên ma quỷ thần, sau đó là có quả báo, có tam đồ lục đạo đang chờ đợi chúng ta. Tuyệt đối không nên thuận theo cái ham muốn nhất thời mà sau khi qua đời đoạn mất tiền đồ trong vô lượng kiếp, đem chôn vùi phước báo của con cháu, làm cho tổ tiên, cha mẹ xấu hổ. Cho nên những người hiểu được nhân quả thì họ sẽ có tâm kính sợ, họ có thể thận độc. “Quân tử thận kì độc dã”. “Thận độc” là những lúc chỉ có một mình cũng chẳng dám bừa bãi.

Có giáo dục nhân quả này, nhưng nếu như căn chẳng đủ thì phải làm sao? Tiên sinh An Sỹ đề xuất cách quán bất tịnh. Con đường thứ ba này, tuyến phòng ngự cuối cùng cũng rất có hiệu quả. Bản thân tôi cũng thường xuyên tu cách này. Đặc biệt là những người trẻ đang đối mặt với sự cám dỗ, mê hoặc của xã hội hiện nay, nếu như chẳng có định lực, chẳng trí huệ, chẳng có huệ lực, những hình ảnh trước mặt không nhìn thấu, chẳng buông xuống được, rất dễ phạm tội nghiệp. Quán bất tịnh là cách quán thứ nhất của Tứ Niệm Xứ trong Phật pháp. Quán thân bất tịnh, thân thể dơ dáy. Thiếu nữ thanh xuân có đẹp như thế nào đi chăng nữa nhưng thật sự chứa bên trong là những thứ dơ bẩn. Bên trong là cái gì vậy? Dưới lớp da là máu và thịt. Các vị xem, máu thịt này lấy ra ngoài để hai hôm là thối rồi phải không? Bên trong phần máu thịt này là cái gì? Là lục phủ ngũ tạng. Lục phủ ngũ tạng này chứa cái gì? Phân và nước tiểu, là những thứ xú uế. Đồ ăn vào rồi bài tiết ra đều hôi thối. Cho nên các vị xem, chúng tôi nói thân người là những thứ gì? Là một cổ máy chuyên môn sản xuất phân. Thức ăn có ngon, có tuyệt vời mấy đi nữa thì khi ăn vào rồi, lúc thải ra đều là hôi thúi. Bất luận là khuôn mặt của các vị có xinh đẹp bao nhiêu cũng chỉ là giả. Nếu các vị đi đến phòng giải phẩu để xem; những thiếu nữ tự tử vì thất tình có những người diện mạo xinh đẹp như thế nào đi nữa, bị bộ phận pháp y cắt từ trên đầu, cắt lồng ngực ra, lấy hết phần ruột ra... Các vị thấy cái thi thể này liền nghĩ cái diện mạo đẹp ngày nào giờ còn đâu, có cái gì đáng để ham thích chứ? Huống hồ tuổi thanh xuân của đời người không thể tồn tại mãi, nhất định sẽ già bịnh chết. Lúc bị bịnh toàn thân chỉ là da bọc xương, tóc tai rối bời, mắt thì lõm sâu, sắc mặt trắng bệch, nhìn thấy muốn buồn nôn, ngay cả đến gần cũng chẳng dám. Lại xem đến lúc chết thì càng đáng sợ hơn. Sau khi chết ba ngày, cái thi thể này thối chịu không nổi, vậy là ruồi bay đến, ấu trùng dòi bọ từ từ xuất hiện. Qua thêm mấy hôm nữa, chúng đục thành từng lỗ, từng lỗ, đến chó hoang cũng chẳng thèm ăn thịt cô gái này nữa. Các vị nói xem, cái thi thể này đáng yêu ở chỗ nào?

Cứ thường xuyên quán như thế này thì có lợi ích gì? Làm cho tâm dâm dục của chúng ta hạ xuống. Chính là ở nơi xú uế đó đừng cho nó là thơm tho đẹp đẽ, đừng cho nó là thanh khiết. Cô gái đó cũng hoàn toàn là một vật bất tịnh, phải tránh xa. Đây là khởi quán tưởng, dùng trí tuệ để quán sát.

Mọi người đừng sợ quán chuyện này thì cả ngày có phải là ác mộng không? Đảm bảo chẳng phải như vậy, việc này có lực gia trì. Phật dạy chúng ta làm như thế nào thì chúng ta làm như thế đó, nhất định là có Phật, Bồ Tát gia trì. Trong Kinh nói người tu hành phải thường quán bất tịnh thì trên thân sẽ có mùi thơm hoa Ưu Bát La, chính là hương thơm của hoa sen. Đây là mùi thơm gì? Ở trước mặt chúng ta có viết Giới Định Chân Hương, đó mới là mùi thơm chân thật, trời người đều cung kính. Vì vậy, phải trì giới. Ngay cả nhà Nho cũng nói: “Người biết giữ lễ thì trời thần bảo vệ”.

Tiếp theo là: “Tùy xứ cẩu hợp, hà dị súc sanh”. Nếu như quan hệ nam nữ bất chính tà dâm, thậm chí hiện nay gọi tình một đêm gì đó, có khác gì súc sanh? Loài heo chẳng phải là làm như vậy hay sao? Con người và súc sanh có gì khác nhau? Con người có quan niệm về lễ kính, về luân lí đạo đức, nên họ tự giữ mình trong sạch. Làm những việc chẳng biết xấu hổ như thế này, đó chính là súc sanh, hay còn gọi là “mặt người dạ thú”. Ngay cả loài chim mà còn tốt hơn. Các vị xem trong Thư Kinh có nói: “Quan quan thư cư, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Họ dùng từ “quan thư” là thí dụ cho loài chim có nghĩa. Loại chim này là chế độ một vợ một chồng. Một con đã chết thì con còn lại sẽ thủ tiết, sẽ không đi bước nữa. Loài chim này có nghĩa như vậy! Vì vậy nói con người không bằng loài chim.

“Phi đạo nhiễm xúc”, đây cũng là tà dâm. Cho dù là vợ chồng (đây là chánh dâm, trong năm giới có nó tà dâm, nhưng chánh dâm thì cho phép), giữa vợ chồng với nhau, “phi đạo” chính là nói đường miệng, đường hậu môn, đường tiểu tiện là không cho phép. Điều này “Quá ư kê khuyển, thử tại sảo lương tâm giả, tiện ứng thống tuyệt, nãi hà thông minh học thức chi sĩ, cam thử tang tâm vô sĩ da”. Cho nên, chúng ta cần phải phát tâm thống thiết, người đã phạm sau này sẽ không phạm nữa, sám hối nghiệp chướng vĩnh viễn không tái phạm; người chưa phạm phải cẩn thận tâm hạnh của chính mình. Đặc biệt là những người có học thức, đã học qua giáo dục của Thánh Hiền, đã học qua Phật pháp, làm sao có thể cam tâm vô sĩ làm chuyện giống như cầm thú vậy. Đây là khuyên chúng ta sửa đổi lỗi lầm trước tiên phải phát tâm hổ thẹn. Con người biết hổ thẹn, “tri sĩ cận hồ dũng”, họ có thể sửa đổi lỗi lầm.

Tiếp theo, dạy chúng ta phát tâm lo sợ quả báo.

“Nhất niệm dục tâm thị thiết sàng trụ nhân, nhất niệm ái tâm thị tích hàn kiên băng nhân”.

Đây là nói địa ngục Bát Nhiệt, địa ngục Bát Hàn. Khởi một ý niệm dâm dục là đã trồng hạt giống trong địa ngục rồi. Những hạt giống này tích lũy lại thì quả báo của địa ngục sẽ hiện hành. “Thiết sàng đồng trụ”, nam thì ôm cột sắt, nữ thì nằm giường sắt được thiêu cháy đỏ. Người nam nhìn thấy cột sắt thiêu cháy đỏ tưởng cô gái đẹp nên đến ôm vào, tại sao vậy? Do nghiệp lực sai khiến. Nhìn thấy cột sắt thì tâm dâm liền khởi, cho đó là cô gái đẹp, vừa ôm vào thì toàn thân bị cháy tan ra. Gió cõi âm vừa thổi thì liền tỉnh lại, lại ôm tiếp, bởi vì họ vẫn còn mê. Tập khí dâm quá nặng, lại ôm tiếp, rồi bị thiêu chết, một ngày một đêm vạn lần sống chết. Giường sắt dành cho các cô gái thì cũng như vậy. Vì vậy chúng ta phải đề phòng, không nên tạo nhân của địa ngục nữa. Cái tâm ái này là nghiệp nhân của địa ngục Bát Hàn, địa ngục Kiên Băng.

“Huống cụ hành phi pháp, diệt lí loạn thường, trần sa kiếp số, bất túc tận kì cô, thiên vạn ức ngôn, bất túc số kì ác”, hà huống còn phải “cụ túc phi pháp chi hạnh”.

Chính là tạo tội lỗi tà dâm cực kì hung ác. Thậm chí đạo lí lương tâm con người đều mất đi, đến cả luân thường cũng đảo lộn, người thân mà cũng chẳng kiêng cữ. Tội lỗi này thật sự là “trần sa kiếp số” đều chẳng thể “tận kì cô”. “Cô” nghĩa là tội lỗi ở trong địa ngục như trần sa, nhiều kiếp như vậy. Một kiếp là một tỷ hai trăm bảy chục triệu năm. Thời gian dài như vậy ở trong địa ngục chẳng thể nào tiêu hết tội của họ. “Thiên vạn ức ngôn” là tội ác của họ tính đếm chẳng xuể. Vì vậy, Đại Sư nhắc nhở chúng ta cần phải phát tâm sợ hãi, sám hối. Kinh sợ quả báo, chẳng dám tạo ác, phải phát Đại Thệ Nguyện. Đây là phát tâm đại dũng mãnh.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói với chúng ta: “Cải quá chi pháp tiên phát tam tâm”. Thứ nhất là sĩ tâm, thứ hai là úy tâm, thứ ba là dũng tâm. Dũng tâm chính là phát đại thệ nguyện.

“Ninh hỏa chích đao oản, chung bất dữ nhất thiết nam nữ dục tâm tương xúc, ninh toái thân phấn cốt, chung bất dữ nhất thiết nam nữ ô uế giao cấu”. Nghĩa là nguyện rằng dù có bị quăng lên núi đao, bị đẩy xuống biển lửa, ta cũng không phạm giới này, cùng với nam nữ không có dục tâm kề cận nhau, mà dùng tâm thanh tịnh để giao tiếp. Tất cả nam nữ, không chỉ là người, mà với tất cả chúng sanh, động vật. Có những người chừng như điên đảo rồi, với động vật mà cũng khởi niệm dục. Quan hệ đồng tính luyến ái giữa người nam với người nam, người nữ với người nữ, những chuyện này cũng là tà dâm, phải bỏ đi những ý niệm ô uế này. Cách buông bỏ tốt nhất là như thế nào? Tốt nhất là niệm Phật. Ý niệm vừa khởi thì lập tức “A Di Đà Phật”, “A Di Đà Phật”, “A Di Đà Phật”, “A Di Đà Phật”. Ý niệm khởi lên, niệm mười câu Phật hiệu đè xuống. Không đè xuống được thì niệm tiếp mười câu nữa, thêm mười câu nữa, niệm mười phút, nửa giờ đồng hồ…. Trong Tam Thời Hệ Niệm có nói: “Phật hiệu đưa vào tâm loạn, tâm loạn không thể không thành Phật”. Chuyển tâm của các vị thành “A Di Đà Phật” thì những ý niệm tội ác này tự nhiên tan thành mây khói. Đây là cách tốt nhất.

“Ninh toái thân phấn cốt, chung bất dữ nhất thiết nam nữ ô uế giao cấu, chung bất phạm giới”.

Vì sao vậy? Biết rằng tội dâm, tội phá thai, sát sanh là đại tội, biết đời sau sanh vào địa ngục khổ, lẽ nào lại đi tạo tội?

Tiếp theo dạy chúng ta giới dâm chi pháp.

“Thiết vọng chánh niệm, canh phạm tiền phi, tất tạo độc hại hoạnh tai, sanh thân hãm nhập địa ngục, dĩ từ mãnh quyết thiện tự yếu tâm, thời thời sám trừ vãn nghiệp, thiết thiết hối quá tự tân, thứ bạch pháp khả tu”.

Giả như đã quên đi chánh niệm, đã nhập vào cảnh giới ma, trong cảnh giới này đã động tâm, thậm chí đã phạm tội dâm, vậy thì tương lai sẽ bị quả báo ác. Hiện đời bị tai ương, đời sau đọa tam đồ. “Sanh thân” đời này coi như là xong rồi, rơi vào địa ngục thì quá khổ. Nhất định phải nhẫn một thời gian mới có thể giữ được niềm an lạc vĩnh viễn. Cho nên phải dũng mãnh quyết liệt: “Dĩ từ mãnh quyết”. “Từ” là hiện tại. “Mãnh nhiên hạ định quyết tâm, thiện tự yếu tâm”, chúng ta phải thu cái tâm này lại, giữ cho vững. Câu Phật hiệu đè phục ác niệm. Vọng niệm có khởi lên: “Sám trừ vãn nghiệp”, tức là sám trừ cho sạch sẽ những ác niệm này. Trong quá khứ đã từng phạm rồi thì sau này không tái phạm nữa, đây mới là chân thật sám hối. Sám hối chẳng phải cứ nghĩ trước đây đã làm những chuyện gì, cứ ở trước Phật, Bồ Tát thì thầm, đó không phải là đã sám hối. Các vị thì thầm một lần thì bằng với cái miệng đã làm, lại phạm thêm một lần nữa, trong tâm lại nghĩ đến một lần nữa. Quá khứ thì thân đã tạo, hiện tại thì miệng và ý đang tạo, thân khẩu ý đều đang tạo, tội nghiệp này của các vị có thể tiêu trừ được sao? Cho nên sám hối, xin đợi một tý, cô giáo Định Gia Lệ sẽ hướng dẫn mọi người cách sám hối. Điều quan trọng nhất của việc sám hối là sau này không tái phạm.

Không tạo gồm có thân không tạo, khẩu không tạo, ý cũng chẳng tạo, chẳng nghĩ đến nữa, chỉ nghĩ “A Di Đà Phật”, chỉ nghĩ đến việc xem trọng luân thường đạo đức, tin sâu nhân quả, chánh niệm rõ ràng. Đây gọi là thiện tự yếu tâm.

“Thiết thiết”, thống thiết “hối quá tự tân”, đã từng phạm rồi nhất định phải hối lỗi, sửa lỗi làm mới mình.

“Thứ bạch pháp khả tu”. “Bạch pháp” là thiện pháp. Người Ấn Độ gọi là đen trắng, người Trung Quốc gọi là thiện ác. Thiện pháp có thể tu hành. Vãng sanh Tây Phương là pháp thượng thiện. Người vãng sanh Tây Phương là người thượng thiện. Các vị muốn cầu sanh Tây Phương thì nhất định phải lực giới tâm dâm.

“Nhi hựu cần quán Kinh luận cách ngôn, dĩ sách phế vọng, dĩ tu đối trị quán hạnh, dĩ trừ độc bổn”. Đây là cách thứ hai, tu đối trị. Đối trị như thế nào? Tốt nhất tiếp nhận sự giáo dục của bậc Thánh Hiền, giáo dục luân lí, đạo đức, nhân quả. Người nữ tốt nhất học tập giáo dục nữ đức. Nữ đức từ xưa đến nay vô cùng xem trọng quan niệm về trinh tiết, rất hay. Đây là cái gốc hạnh phúc của người phụ nữ. Cô giáo Trần Tịnh Du nhiều năm nay đã phổ biến giáo dục đức hạnh phụ nữ, mọi người có thời gian nên nghe đĩa của cô.

“Kinh luận cách ngôn này” dùng để tự nhắc nhở bản thân mình, không nên bỏ qua. Chánh niệm này vừa quên mất, khi ma đến quấy nhiễu bản thân mình chẳng hay chẳng biết thì liền bị nó dắt đi. Nên phải “tinh tu đối trị quán hành”, tinh tấn mà tu hành, đối trị tập khí phiền não nặng nhất của chính mình.

“Căn trừ độc bổn”; “độc bổn” chính là tâm tham dâm.

“Bất nhiên tung hữu trí thiền định hiện tiền, tất lạc ma đạo, vĩnh vô xuất kì”.

Điều này dạy chúng ta thường xuyên nghĩ đến quả báo. Nếu như chúng ta (đây là nói những người học Phật) không đoạn tâm dâm, trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói: “Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất”, cho dù “Thiền định hiện tiền, tất lạc ma đạo”. Thiền định của các vị là các vị có phước báu, tương lai các vị trở thành ma vương. Ba Tuần là vua của trời lục dục, ông ấy cũng chưa đoạn tâm dâm. Phước báu lớn như vậy, tương lai ông ấy thành ma vương. Ma vương cũng tạo rất nhiều ác nghiệp, chướng ngại Phật pháp. Cái tâm đố kị này, “ngạo mạn tâm cường, khống chế dục cường”, quả báo cuối cùng là ở địa ngục. “Vĩnh bất xuất kì”, rất đáng sợ.

Cho nên: “Thẩn thế biện thông, tằng phi đại khí, tùy nghiệp trực trụy, bách kiếp thiên sanh, thọ chư thiêu chử, thượng bất thành ma, an năng thành Phật, thượng thấn nhân thân, an năng vãng sanh”.

Hơn nữa, những người thế trí biện thông chúng ta, ở đây chẳng phải nói người khác mà nói những người học Phật, những người nghiên cứu Phật học, có thể đem Phật pháp, Kinh Phật viết thành luận văn, thành trước tác, lấy được bằng cấp tiến sĩ, giáo sư, nhưng một phẩm phiền não cũng chưa đoạn được, chẳng thoát khỏi sanh tử, cái tâm dâm này chẳng thể nỗ lực đoạn trừ, thì đây chẳng phải là người có năng lực, họ chẳng phải là pháp khí. “Tùy nghiệp trực trụy tam đồ, bách kiếp thiên sanh, thọ chư thiêu chử chi khổ”, cũng chẳng thành được ma. Ma là ở cõi trời, vậy làm sao thành Phật? Mất thân người liền đọa tam đồ, làm sao có thể vãng sanh Tây Phương?

Cho nên cuối cùng Đại Sư khuyên dạy chúng ta:

“Thỉnh ư tĩnh thời, tử tế ân chi, ư đối cảnh nỗ lực phòng chi, bất nhiên chư Phật vô hạ thủ xứ, thiện hữu kì nại nhi hà tai”.

Chúng ta mỗi ngày phải có thời gian tĩnh quán. Cái tĩnh này, trong động cũng phải tĩnh, tâm của chúng ta ổn định. Quán tâm là quan trọng. Quán tâm của chính mình có quên câu Phật hiệu hay không. Quên câu Phật hiệu thì rất nguy hiểm, ma sẽ đến nhiễu loạn. “Đối cảnh” là đối với cảnh giới. Phương tiện truyền thông hiện nay, mạng internet, những thứ này có nội dung khiêu dâm mê hoặc dụ dỗ rất nhiều, bản thân chúng ta phải đề phòng. Đi trên đường nhìn thấy người đẹp, bản thân mình phải ngoảnh mặt, thu tâm mình lại, nếu không thì niệm niệm tạo nghiệp, bạn lành, thầy giáo không thể giúp được, chư Phật cũng chẳng cứu các vị được.

Cho nên, Đại Sư Ngẫu Ích trong phần thứ nhất “Giới Dâm Văn” đã khổ tâm khuyên dạy chúng ta nhất định phải giới trừ tà dâm. Đoạn được tâm dâm dục rồi thì chuyện phá thai tự nhiên chẳng còn là vấn đề. Đây là giải quyết từ gốc. Bao gồm hiện nay đất nước chúng ta đề xướng sinh đẻ có kế hoạch, sanh con ít nhưng nuôi dạy tốt. Thật ra bắt đầu làm từ gốc, là ra sức đề xướng giới tà dâm. Mọi người đều chẳng có dục vọng lớn thì tự nhiên sẽ không có vấn đề phá thai, tự nhiên sẽ sinh đẻ có kế hoạch. Hơn nữa, sanh con ít nhưng nuôi dạy tốt, tại sao vậy? Vì vợ chồng dục sự ít thì con sanh ra có trí tuệ cao, tố chất cao.

Hiện nay các nhà khoa học, nhà y học đều có cùng nhận thức. Một dân tộc coi trọng lễ giáo thì tố chất của dân tộc đó rất cao. Giống như người Do Thái đã xem trọng lễ giáo từ nhỏ, cho nên trí tuệ, chỉ số thông minh của họ rất cao. Họ lại quan sát người dân da đen ở châu Phi, mối quan hệ nam nữ thì tương đối dễ dãi, tương đối bừa bãi nên chỉ số thông minh của họ rất thấp. Chẳng những con người như vậy, các vị xem chó săn, chó nghiệp vụ chuyên đánh mùi ma túy, chỉ cần nó giao phối một lần thì khả năng về khứu giác của nó mất hơn phân nửa. Dục xác thực là chướng ngại khả năng tính cách của chúng ta. Cho nên, sanh con ít dạy con tốt thì phải hết sức đề xướng giới tà dâm.

Được rồi! Hôm nay thời gian đã hết, Định Hoằng xin báo cáo cùng các vị đến đây. Những chỗ nói chưa được thỏa đáng xin mọi người nhiệt tình góp ý sửa chữa. Xin cám ơn mọi người!

A Di Đà Phật!



Từ Ngữ Phật Học Trong: Làm Thế Nào Để Hàng Phục Dâm Dục