Home > Khai Thị Phật Học
Làm Thế Nào Để Tiêu Tai Miễn Nạn
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Giáo hội Thiên Chúa Giáo có lời tiên tri rằng năm 1999 thế giới sẽ có tai nạn lớn, khuyên các bạn đồng đạo nên đọc kinh, phải thật lòng sám hối, hy vọng có thể thoát khỏi tai nạn này. Và nói: tai nạn có thể xảy ra hay không còn dựa trên ‘nhân tâm’, nếu nhân tâm có thể hướng thiện thì tai nạn có thể hóa giải, có thể trì hoãn về sau. Cách nói này rất có lý.

Một ngày trước khi vãng sanh lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dặn dò các vị đồng học: ‘Thế giới đã loạn rồi, cho dù chư Phật, Bồ Tát, thần tiên trở lại cũng không cứu nổi. Chỉ có con đường sống sót duy nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ’, cho nên tai nạn càng ngày càng gần, chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, phải nên buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật.

Ðạo Thiên Chúa khuyên người ta cầu lên thiên đường, họ nói không có Cực Lạc thế giới, chỉ có thiên đường và địa ngục. Ngay cả người trên cõi trời cũng không có cách gì nhìn thấy toàn bộ tình huống phức tạp trong đại vũ trụ. Chúng ta hiểu rõ đích thật là có Cực Lạc thế giới, Hoa Tạng thế giới, cùng quốc độ của chư Phật. Làm thế nào để biết vậy? Ðó là ‘duy tâm sở hiện, duy thức sở biến’, nếu hiểu được đạo lý này thì sẽ tin ngay.

Thật ra y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới cũng không có, Phật pháp nói: ‘Tam tâm bất khả đắc’, ‘Chư pháp vô sở hữu’; nói có thì chỉ là tạm có, huyễn có, giả có, trong kinh dùng chữ ‘diệu hữu’. Thế nên thiên đường, địa ngục cũng là diệu hữu; cõi này, cõi nọ cũng là diệu hữu, Cực Lạc thế giới cũng không ngoại lệ. Nếu dùng ngôn ngữ hiện nay của khoa học gia thì đây chỉ là không gian duy thứ (duy có nghĩa là chiều, là phương vị) khác nhau mà thôi, thí dụ như không gian ba chiều [của loài người chúng ta], không gian bốn chiều, năm chiều. Khoa học gia đã chứng minh có mười một chiều không gian tồn tại, nhưng trên lý luận thì không gian có vô số chiều.

Những người vừa mới hiểu Phật pháp đều khẳng định có không gian vô số chiều tồn tại. Nếu bạn không thể đột phá những thời gian, không gian này thì không thể hiểu rõ sự thật. Vô số không gian có duy thứ không giống nhau tức là vô lượng vô biên thế giới, đức Phật nói [những thế giới này] đều từ tâm tưởng sanh. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến’ tức là từ tâm tưởng sanh. Vô lượng vô biên chúng sanh có vô lượng vô biên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến đổi ‘Nhất Chân pháp giới’ trở thành vô lượng vô biên không gian khác nhau, vô lượng vô biên cảnh giới, đạo lý là như vậy.

Ðức Phật dạy chúng ta có thể đột phá những không gian này bằng cách xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lục đạo [luân hồi] là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra; nếu buông bỏ chấp trước, chỉ còn vọng tưởng và phân biệt thì lục đạo luân hồi sẽ không còn nữa, tức là Tứ Thánh pháp giới. Nếu cả phân biệt cũng buông bỏ thì Tứ Thánh pháp giới (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật) cũng không còn, tức là không còn thập pháp giới nữa. Không còn thập pháp giới tức là Nhất Chân pháp giới. Do đây có thể biết thập pháp giới là từ phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Xa lìa phân biệt chấp trước thì thập pháp giới sẽ không còn tồn tại. Việc này cũng giống như nằm mộng, khi tỉnh dậy những cảnh giới trong mộng đều không còn. Người ta thường nói đến danh từ ‘tu hành chứng quả’, chứng quả nghĩa là chứng được Nhất Chân pháp giới, khế nhập vào Nhất Chân pháp giới. Tây phương Cực Lạc thế giới thuộc về Nhất Chân pháp giới. Do đó có thể biết nếu chúng ta còn phân biệt, chấp trước thì nhất định sẽ không nhìn thấy Nhất Chân pháp giới.

Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Nhất Chân pháp giới vẫn có bốn mươi mốt cấp bậc, đó là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðịa, đến Ðẳng Giác Bồ Tát, hết thảy đều là Pháp Thân Ðại Sĩ. Những cấp bậc này còn tồn tại là vì vọng tưởng chưa dứt trừ. Vọng tưởng tức là vô minh vi tế (vi tế nghĩa là nhỏ bé). Có câu nói: ‘phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân’, bốn mươi mốt phẩm vô minh tức là bốn mươi mốt phẩm vọng tưởng. Khi đoạn dứt hết bốn mươi mốt phẩm vô minh này, không còn vọng tưởng nữa thì chứng được rốt ráo, đây là Phật quả Viên Giáo, đây mới là quả vị cứu cánh.

Người Thiên Chúa Giáo chưa từng nghe những đạo lý này, thật đáng tiếc. Phật pháp trong thế gian và xuất thế gian đều vô cùng thù thắng, đáng tiếc là người truyền bá quá ít. Hoằng dương Phật pháp không dễ tại vì tự người đó phải khế nhập trước, nếu mình chưa khế nhập thì làm sao có thể nói được [một cách hoàn hảo và đúng đắn]? Làm sao có thể hiểu được? Nếu muốn lý giải, hiểu rõ thì phải tu học, có tu học thì mới khế nhập, sau đó mới có thể giải thích [tường tận], mới có thể giúp đỡ người khác.

Chúa Jesus nói: ‘Ngày nay người trong thế gian quên ân, phụ nghĩa, không biết ân đức’. Chúa Jesu, Thánh Mẫu Maria thiệt thương yêu người đời, người đời không những phản bội mà còn sỉ nhục, huỷ báng các Ngài và tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Trong thế giới hiện nay những chuyện này rất phổ biến. Con cái chịu ân đức dưỡng dục của cha mẹ, không biết báo ân mà còn bỏ rơi cha mẹ. Chúng tôi đi thăm viện dưỡng lão của những người đạo Hồi giáo (Islam), những người già ở đó đều bị con cái bỏ rơi, không nhà không cửa. Ngày nay con cái bỏ rơi cha mẹ, học sinh phản bội thầy giáo, không biết ân nghĩa, tạo ra vô lượng vô biên nghiệp tội, vì vậy nên chiêu cảm quả báo thế giới hủy diệt.

Cho nên lời tiên tri nói tai họa này là do chúng ta tự chiêu cảm lấy, không phải Thượng Ðế nổi giận trừng phạt chúng ta, Thượng Ðế rất không muốn nhìn thấy sự việc này xảy ra, nhưng không thể tránh khỏi, tạo ra nghiệp tội nhất định phải nhận lấy tai họa. Cách nói như vậy mới hợp tình hợp lý.

Những năm gần đây tôi khổ tâm mỏi miệng khuyên răn mọi người, nếu ba ngày không khuyên thì mọi người quên ráo trọi. Ðây đúng như kinh Ðịa Tạng nói: ‘Chúng sanh ở Diêm Phù Ðề ương ngạnh khó giáo hóa’, chúng ta thể hội câu này một cách sâu sắc. Nhưng chư Phật, Bồ Tát làm gương, làm mô phạm cho chúng ta noi theo, cho dù chúng sanh có cang cường khó giáo hóa đến đâu thì cũng không thể bỏ rơi. Ðây đúng như câu nói: ‘Trong nhà Phật không buông bỏ một ai cả’, đây mới là đại từ đại bi chân thật.

Kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta tự mình chân tu thì có thể ảnh hưởng đến người khác, làm cho người khác cảm động khi nhìn thấy tấm gương tu hành của chúng ta, họ sanh tâm xấu hổ nên tự nhiên sẽ học theo, được vậy thì có thể đem lại sự an định cho xã hội, hòa bình cho thế giới. Ðức Phật nói ‘tự hành hóa tha’ nghĩa là nhờ vào sự tu hành chân thật của mình [mới có thể cảm hóa người khác], tự mình không tu hành chân thật thì không có ích lợi gì cả. Cho dù biết nói, nói được hay đến đâu, khi tai họa xảy ra thì cũng không tránh khỏi, vốn phải sanh tử như thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế ấy, vẫn không ra khỏi luân hồi như cũ, và cũng không thể vãng sanh.

Chúng ta nhất định phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, tâm từ bi, chắc thật niệm câu Phật hiệu này. Câu Phật hiệu này nhất định phải tương ứng với ‘Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Giác’, và cũng là ‘một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật’; nếu không tương ứng, không phù hợp, câu Phật hiệu sẽ chẳng có công đức. Làm thế nào mới được tương ứng? Trong đời sống hằng ngày nhất định phải làm được ‘nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên’. Nhìn thấu nghĩa là hiểu rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh; buông xả tức là buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng dạy: ‘Nếu là người tu đạo chân chánh, không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian’, chỉ biết tu [sửa bản thân] mình, tự mình nỗ lực đoạn ác tu thiện. Kinh Vô Lượng Thọ dạy ba nguyên tắc của sự tu thiện:

Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, đừng chê bai lỗi của người khác.

Khéo giữ gìn thân nghiệp, chẳng hành động trái ngược với giới luật.

Khéo giữ gìn ý nghiệp, phải luôn thanh tịnh không nhiễm ô

Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ từng giờ từng phút, phải làm cho bằng được. Cả bộ Ðại tạng kinh trong nhà Phật và những gì đức Phật đã nói trong bốn mươi chín năm [tóm lại] tức là ba câu này. Chúng ta nhất định phải thực sự làm được thì mới có thể cứu mình và cứu chúng sanh.

Khi chúng ta tu [hành chân] thật thì tâm sẽ bình (phẳng lặng, yên ổn). Ngày nay khoa học gia nói về những làn sóng tư tưởng, tư tưởng của người thế gian rất phức tạp, đặc biệt những tư tưởng tà ác đều là những làn sóng lớn, [cường độ rung động] lên xuống rất lớn. Những người niệm Phật chúng ta tu ‘thanh tịnh, bình đẳng, giác’ nên làn sóng tư tưởng này đều bình phẳng, yên ổn. Niệm Phật Ðường ở Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba được chư Phật Như Lai gia trì, có Phật, Bồ Tát cùng chúng ta niệm Phật cho nên từ trường (hoàn cảnh, môi trường tu học) ở Niệm Phật Ðường vô cùng thù thắng. Từ trường của Niệm Phật Ðường tốt vô cùng, từ trường này an định, bình tịnh; những làn sóng tư tưởng phát ra từ nơi đây có thể điều hòa tư tưởng tà ác trong thế gian. Dùng làn sóng tư tưởng bình yên phẳng lặng của chúng ta để hóa giải những làn sóng tư tưởng tà ác to lớn của thế gian thì những làn sóng này có thể giảm bớt, yếu đi; đây là nguyên lý hóa giải tà ác, hóa giải tai họa.

Chúng ta ở nhà niệm Phật thì cũng có cống hiến cho xã hội, thế giới. Vì khi chúng ta niệm Phật phát ra những làn sóng tư tưởng thanh tịnh, bình đẳng, giác nên có thể điều hòa những làn sóng tư tưởng tà ác trong thế gian. Nếu hiểu rõ đạo lý này thì sẽ tin tưởng khi chúng ta tâm bình, khí hòa niệm Phật cũng có thể giúp đỡ cho thế giới hòa bình, xã hội an định.

Chân chánh phát tâm niệm Phật tức là tự độ, độ tha (độ mình, độ người); chân chánh phát tâm niệm Phật tức là cứu vãn kiếp nạn của thế gian, đừng tưởng là chúng ta không có năng lực này. Nếu chư vị đồng tu có thể chân chánh giác ngộ, chân chánh buông xuống hết thảy những điều thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn, làm theo lời dạy trong Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Ðộ của đức Thế Tôn thì sẽ có năng lực an định xã hội, duy trì hòa bình thế giới.

Chỉ cần chúng ta tâm ý chân thành, chư Phật, Bồ Tát ứng hiện khắp nơi, sẽ cảm ứng đạo giao. Ðặc biệt là trong lúc thế gian có tai nạn to lớn, chúng ta phải giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Niệm Phật không chỉ là vì chính mình, càng phải vì tất cả chúng sanh. Chúng ta nhất định phải làm, không làm thì không có tâm từ bi. Hy vọng chúng ta cùng nhau nỗ lực, tự độ và độ tha.