Lễ Bái: Vì sao phải lễ bái?
Lễ bái là để tỏ lòng cung kính và biết ơn đối với chư Phật, chư Bồ Tát và Hiền, Thánh, Tăng. Lễ bái còn là phương pháp tiến đức, tiêu nghiệp và diệt trừ cống cao ngã mạn. Con người ở đời có nhiều lý do, và nhiều phương diện mà sinh ngã mạn: Hoặc cậy mình là quý phái mà ngã mạn; hoặc cậy mình là bực cao mà ngã mạn; hoặc cậy mình học rộng mà ngã mạn; hoặc cậy mình nhiều tài mà ngã mạn; hoặc cậy mình giàu có mà ngã mạn v. v… Ngã mạn là một căn bệnh phổ thông mà trầm trọng của mọi người, nên đức Phật đặt tên nó là Mạn sơn, nghĩa là sự kiêu mạn của con người cao to như quả núi.
Không những người thế gian, mà đến ngay những vị tu hành cũng khó thoát khỏi được ngã mạn. Kinh Dược su nói: “…cũng có người giới đức hoàn toàn, oai nghi đầy đủ, học rộng biết nhiều, có đủ chính kiến, mà mắc phải tăng thượng mạn!.
Vì tăng thượng mạn nên thân tâm mờ tối, ỷ mình chê người hủy báng chánh pháp. Kẻ ngu si ấy tự tạo tà kiến, lại còn dắt dẫn biết bao người lăn xuống hố sâu! Cũng vì thế mà họ chịu luân hồi nơi địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ đau khổ không biết ngày nào thoát được!”
Chính muốn phá trừ ngã mạn cho chúng sinh, nên trong Phật pháp có đặt thành sự lễ bái. Nhưng xin nhớ rằng, lễ bái đây là lễ bái Phật, pháp, Tăng, Tam Bảo, chứ không phải gặp đâu lễ đấy, bất kể gốc mít cây đa!. . .
Kinh Nghiệp báo sai biệt nói: “ lễ Phật một lễ, từ chổ quỳ gối xuống đến kim cang tế, cứ mỗi hạt bụi là một ngôi Chuyển luân vương; lại được thêm mười công đức: 1. Sắc thân tốt đẹp, 2. Nói ai cũng tin, 3. Ðối với đại chúng không sợ sệt, 4. Ðược Phật thường hộ niệm cho, 5. Có oai nghi đầy đủ, 6. Mọi người thân thiện, 7. Các vị trời kính yêu, 8. Phúc đức ngày càng lớn, 9. Lúc mệnh chung được vãng sinh, 10. Chóng được đạo quả Niết bàn.
Vì thế nên nói rằng lễ bái là một phương pháp tiến đức tiêu nghiệp.
VUA A DỤC LỂ TĂNG: Vua A Dục là một ông vua tàn bạo, nhưng khi đã thấm nhuần ân đức Tam Bảo, ông lại là một người nhân từ và thâm tín Phật pháp. Ông nghĩ rằng cũng là con người, mà có người sinh ra bị bần cùng, hèn hạ, ngu si đần độn bị người đời khinh bỉ…; có người thì tôn vinh sung sướng, thông minh trí tuệ, được người kính yêu. Tại sao có sự chênh lệch khác nhau như vậy, nếu không phải do thiện, ác nhân quả của mỗi người như lời của đức Phật đã dạy? Thực vậy, ta được sinh vào dòng quốc vương đế chúa, phúc như bốn biển, mọi người bái phục, dĩ nhiên đời trước ta đã trống nhân lành nên nay mới được quả phúc như vậy. Từ nay ta phải thực hành tu phúc nghiệp.
Ông chăm bố thí cúng dàng, tôn kính Tam Bảo. Mỗi khi ra đường gặp các vị Tăng, ông quỳ bên đường, đợi cho các Ngài đi qua rồi ông mới đứng dậy. Khi đến chùa, ông lễ các vị sư một cách rất cung kính, và cứ thường thường như vậy.
Một hôm ông có một ông quan đại thần tâu với vua rằng:
Tâu Bệ hạ, các vị sư có người con nhà quý phái, cũng có người con nhà nghèo hèn, xin Bệ hạ đừng lễ bái như vậy. Bệ hạ là một vị vua cao cả, một người cha của tất cả bá quan và thần dân, nay Bệ hạ lễ các vị sư, hạ thần tự thấy nhục cho bá quan và thần dân lắm.
Vua A Dục nghe nói, Ngài mỉm cười làm thinh. Qua ngày sau, vua ra lệnh cho bá quan văn võ, hạn trong ba ngày, mỗi ông phải dâng một đầu con thú, riêng ông Ðại thần nói trên, vua bắt phải tìm dâng một cái đầu người mới chết.
Sau khi các quan đã dâng đủ số đầu, vua hạ lệnh đem bán. Các quan đều bán được đầu thú phần mình, duy ông Ðại thần đi bán đầu người đi bán mãi không ai dám mua; bất đắc dĩ ông phải đem về, tâu vua rằng:
Tâu Bệ hạ, hạ thần đi bán mãi không ai dám mua, mà còm ghê tởm, la ó là đằng khác.
Cái đầu người này không ai thèm mua, chứ những đầu người khác, nếu có chắc bán được chứ?
Tâu Bệ hạ, không phải chỉ đầu này mà những đầu người khác nếu có, cũng chẳng ai thèm mua.
Thế đầu ta đây, nếu bán cũng không ai them mua sao?
Ông Ðại thần bối rối và sợ hãi không dám trả lời.
Vua truyền:
Ông cứ việc nói, ta cho phép.
Tâu Bệ hạ, thật thế. Ðầu Bệ hạ giả sử đem bán cũng chẳng ai mua.
Bấy giờ vua A Dục nghiêm giọng phán bảo ông Ðại thần:
Cái đầu ta đây, cũng là một vật tầm thường, vô giá trị như tất cả những đầu người khác. Vậy ta đem cái đầu này lễ bái các vị sư để tiêu tội, tăng phúc, là một việc làm có ý nghĩa và hữu ích, sao ngươi lại can ta?! Ðức Phật có dạy “ Người có trí, thì vật không giá trị, cũng làm nên có giá trị”.
Vậy từ nay ông không nên khuyên can ta nữa.
Ông Ðại thần vội vàng quỳ xuống tạ tội, và từ đấy ông phát tâm tôn sùng Tam Bảo…
TỤNG KINH:
Ta tụng kinh, Phật có nghe biết không? và sự tụng kinh đem lại cho ta những lợi ích gì?
Sự ta tụng kinh Phật nghe biết hay không chúng ta hãy dùng trí tuệ để nhận xét. Ðức Phật có dạy rằng: “Âm thinh chu biến pháp giới”, không còn là vấn đề nan giải nữa.
Vấn đề thứ hai, đức Phật đã thành tựu trí tuệ viên mãn, sự thấy, nghe, hiểu biết của Ngài quán triệt mười phương thế giới. Kinh Bảo Tích nói: “ từ một tư tưởng hoặc một lời nói của chúng sinh, chư Phật ở mười phương đều hiểu biết”. Kinh Pháp Hoa cũng nói: “chúng sinh có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều thấy hết biết hết”. Vậy thì ta tụng kinh, lời cầu nguyện rung cảm, dâng lên pháp giới, lẽ nào đức Phật lại không nghe thấy?
Và đây là một chứng nghiệm: Ngài Xá Lợi Phất là một đệ tử bực nhất của đức Phật. Muốn thí nghiệm âm thinh chu biến thế nào, Ngài hiện thần thông bay sang một thế giới cách cõi ta vô biên vô số quốc độ. Ở đấy Phật và chúng Tăng (con người) to lớn lắm, đến nỗi ông đi trên cái miệng bát của chúng Tăng, và các vị bên ấy chỉ thấy ông như một con kiến mặc cà sa! Các vị hỏi Phật, Phật nói: “đó là đệ tử của Ðức Phật Thích Ca ở thế giới ta bà”.
Phật bảo ông hiện thần thông, ông liền hiện thân to lớn hơn các vị Bồ Tát bên đó nữa.
Trong khi ở đấy, ông vẫn nghe tiếng thuyết pháp của đức Phật ở cõi này, và chứng nghiệm thật âm thinh chu biến như lời Phật dạy.
Còn tụng kinh được lợi ích gì? Thì, mỗi khi ta tụng kinh ta cầu gì hơn là được thấm nhuần lời Phật dạy, rõ sự lý tu hành, nhân quả tội phúc, minh tâm kiến tánh giác ngộ thành Phật.
Tụng kinh lại có thể tiêu trừ nghiệp chướng từ bao kiếp dẫn lại.
Tụng kinh cũng tức là chuyển pháp luân cho chúng sinh trong muôn nghìn triệu thế giới…
Phật là một vị đại sư của cả ba cõi, là đấng cha lành của bốn loài, hết thảy trời, người, phàm, thánh đều quy kính. Mỗi khi ta tụng những lời của Ngài, âm thinh rung động, thì tất cả thiên long bát bộ, Hộ pháp thiện thần đều tới chầu nghe và phù trì, ủng hộ cho ta những điều sở cầu được như ý…
NIỆM PHẬT:
Vì sao phải niệm Phật?
Vì muốn nhớ đến Phật, muốn cho tâm ta và tâm Phật không bao giờ xa cách nhau, và muốn một ngày kia ta sẽ được gặp Phật, giải thoát mọi sự đau khổ ràng buộc, nên phải niệm Phật.
Trong hội Lăng nghiêm, Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát có bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, con nhớ vô số kiếp trước ( như cát sông Hằng) có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Trong một kiếp có mười hai đức Phật nối tiếp nhau ra đời. Ðức Phật cuối cùng hiệu là Siêu Nhựt Nguyệt Quang. Ngài dạy con phép niệm Phật tam muội. Ví như có hai người, quan hệ với nhau, mà một người thì hữu tâm nhớ bạn, người kia thì vô tình lãng quên. Như vậy, giữa hai người đó, hoặc họ gặp nhau, hoặc không thấy nhau. Nếu hai người đều nhớ nhau, như hình với bóng.
Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh, như mẹ nhớ con; nếu con bỏ trốn đi, thì dù mẹ nhớ cũng chẳng ích gì. Bằng con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không bao giờ xa cách. Nếu lòng chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật, thì đời này hay đời sau, quyết định thấy Phật, cách không xa, không cần phương tiện mà lòng tự khai giải…
Ðức Phật Di Ðà có nguyện rằng: “Nếu chúng sinh nào muốn sinh sang nưóc ta, một lòng chí thành, niệm danh hiệu ta, cho đến chỉ được mười niệm, nếu chúng sinh đó không được vãng sinh, ta thề không thành Phật”.
Còn nhiều lời dạy quý giá nữa, đại khuyên người niệm Phật. Vì thế nên ta niệm Phật và khuyên mọi người đồng niệm Phật như ta.
Những kẻ ác nghiệp, tội lỗi đầy trời, niệm Phật cũng được vãng sinh sao?
Nếu họ chí thành mong mõi được gặp Phật, được vãng sinh, như đói mong cơm, như khát mong nước, như lữa cháy mong người cứu, như té nước mong người vớt lên… thì họ cũng sẽ được vãng sinh.
Chúng ta hãy xem hòn đá kia. Hòn đá tuy nặng, nhưng nhờ sức thuyền chuyên chở, cũng được qua sông. Người niệm Phật cũng thế, tuy có tội nặng, nhờ uy thần Phật tiếp dẫn, cũng được vãng sinh. Trái lại, những kẻ ít tội, mà không niệm Phật, dĩ nhiên không được vãng sinh, cũng như cái kim tuy nhẹ, mà không người mang vẫn chìm xuống nước.
Nếu vậy, người đời cần gì phải làm lành lánh dữ, cứ chờ đến lúc gần lâm chung niệm ít câu Phật có hơn không?
Những người tội lỗi nhiều, chưa biết công đức Tam Bảo và chưa hiểu tội phúc ra sao, khi được nghe thấy công đức niệm Phật, và công việc làm của mình toàn là ác nghiệp, bấy giờ họ hồi tâm sám hối, và chí thành niệm Phật nên được Phật lực tiếp dẫn. Còn những kẻ chủ tâm tạo ác, không chút hối lỗi, lại suy tính hơn thiệt, lợi hại trong sự niệm Phật, thì đủ thấy họ không thành tâm thực ý; mà đã không thành tâm thực ý thì làm sao được Phật tiếp dẫn vãng sinh.
Những người sát sinh hại mạng, Phật lại xá tội mà độ cho họ, chả hóa ra Phật bất công lắm ư?
Trước kia họ tạo tội là vì mê lầm không biết; ngày nay họ niệm Phật là do thành tâm thực ý, cầu tiêu tội đặng phúc, nên Phật chứng cho.
Trên thế gian, những vụ ngộ sát, một là bị án nhẹ, hai là bồi thường phần nào, ba là được tha bổng, là vì sao? Là vì đương sự lầm, không biết, chứ không phải cố ý, nên được xử nhẹ, hoặc tha. Người tạo ác niệm Phật ở đây cũng thế. Trước kia họ tạo ác, sát sinh hại mạng là vì mê lầm không biết.
Ngày nay hồi tâm niệm Phật, là có ý hối ác tu thiện, thì lẽ nào Phật không độ họ được vãng sinh.
Trong phẩm công đức niệm Phật, điều thứ sáu nói: “Chúng sinh nào phát tâm niệm Phật, thì những oan mạng họ đã sát hại đời này hoặc bao đời trước, nhờ công đức ấy mà những oan mạng được giải thoát; Vì được giải thoát nên không theo giỏi báo thù, nên đôi bên đều được lợi ích cả”.
Như vậy, niệm Phật không những được tiêu tội mà còn giải oan là khác.
Niệm Phật phải thế nào?
Niệm Phật phải:
1. Miệng niệm (Nam mô A Di Ðà Phật), tai cần nghe rõ sáu chữ, tâm phải tư tưởng sáu chữ, đừng hoan mang tạp loạn, nghĩ chuyện này sang chuyện khác, đó là chính niệm. Nếu trái lại miệng niệm Phật mà ý nghĩ xằng, tức là tà niệm và không thành công.
2. Miệng niệm Phật, tâm tưởng tượng hình tướng đức Phật A Di Ðà, không tưởng hình tướng gì khác, đó là chính niệm, Nếu miệng niệm mà tâm tưởng niệm những hình tướng khác là tà tưởng, và không thành công. Tuy nhiên, nếu lònh tha thiết với Phật, thì lâu ngày cũng được Phật chứng cho và được thành công.
SÁM HỐI: Sám hối là gì?
- “sám” là tiếng Ấn Ðộ, nghĩa là ăn năn, hối hận những tội lỗi đã tạo từ trước. “hối” là tiếng Trung Hoa, nghĩa là chừa bỏ, không dám làm những ác nghiệp về sau. Sám tức là hối, nói chung hai thứ tiếng, là sám hối.
Tội lỗi từ đâu mà có?
Tội lỗi từ thân, miệng, ý ba nghiệp phát sinh.
Kinh sám nói:
“ Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thỉ tham, sân, si.
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối”.
Nghĩa là:
Con trước gây bao ác nghiệp,
Ðều do vô thỉ tham, sân, si.
Từ thân miệng, ý phát sinh ra,
Tất cả con nay xin sám hối.
Lại có bài kệ:
Giả sử bách thiên kiếp,
Sở tác nghiệp bất vong,
Nhân duyên hội ngộ thời,
Quả báo hoàn tự thụ.
Tạm dịch:
Dầu cho trăm ngàn kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên gặp thời,
Quả báo tự chịu tất.
Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo nói: tất cả chúng sinh tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp cũng khác nhau, vì thế phải luân chuyển trong các nẻo.
Chúng ta hãy để mắt xem: trên thế gian, không những một loài người, mà còn rất nhiều loài khác: chim bay trên không (không hành), cá lặn dưới nước (thủy hành), thú chạy trên đường (lục hành), cho đến thảo mộc, côn trùng…muôn loài hình tướng khác nhau, vì sao như vậy? Ðó là nghiệp của mỗi loài khác nhau, nên thụ báo cũng khác nhau.
Ðức Phật có 32 tướng, 80 vẽ đẹp quang minh chói sáng mười phương, cũng do nghiệp tạo thành. Các vị Bồ Tát thân tướng trượng phu, tươi đẹp, cũng do nghiệp sinh ra. Cho đến những kẻ nghèo hèn, tàn tật, thân thể xấu xa; loài ngạ quỷ; đói khát; kiếp cầm thú đọa đày cũng đều do nghiệp mà chịu quả báo.
Vậy chúng ta muốn thoát khỏi ác báo, được phúc báo trang nghiêm thì phải thành tâm tha thiết sám hối, nguyện xả tà quy chính, bỏ ác làm lành.
Tội có thể rửa được không?
Muốn biết có rửa được không, ta thử hỏi: tội có hình tướng không? Và tội ở chổ nào? Nếu tội không hình tướng, và không chổ ở, thì rửa vào đâu và rửa sao cho sạch được?
Ví như kẻ cầm dao chém người, là kẻ có tôi; vậy thì cái tội ấy ở tay, ở đầu hay ở toàn thân? Nếu tội ở tay, chỉ riêng cái tay chịu trách nhiệm, thì cũng chưa phải, vì tay còn phải có thân thể mới hành động được. Nếu là tội ở đầu, thì vô lý quá, vì cái đầu có cầm dao chém người đâu? Nếu tội cả toàn thân, thì chả hóa ra da thịt đều là tội cả sao? Như vậy thì biết rửa ở đâu, và rửa làm sao cho sạch được?
Theo Phật pháp, có một cách làm cho sạch tội sinh phước. Chúng ta hãy thành kính đọc những lời sau đây: “Bồ Tát có một phép tiêu diệt được tất cả các tội ác đạo, làm cho ba nghiệp được luôn luôn trong sạch, làm cho pháp lành luôn luôn xuất hiện; không cho một ác nghiệp nào xen vào, thì ác pháp sẽ tiêu diệt và thiện pháp được viên mãn thì được thân cận chư Phật, chư Bồ
Tát và hiền thánh Tăng”.
CÚNG DÀNG:
Cúng dàng là gì? Cúng dàng là đem các món nhu cầu dâng lên Phật,
Pháp, Tăng, Sư trưởng, Cha Mẹ; hoặc cung cấp cho chúng sinh, là cúng dàng.
Có mấy cách cúng dàng?
Có hai cách cúng dàng: Tôn king Tam Bảo, thành tâm lễ bái, hiếu thảo cha mẹ, thương xót chúng sinh, là cúng dàng tinh thần. Ðem các món nhu cầu cơm áo, thuốc thang…dâng cúng, cung cấp như đã nói trên, là cúng dàng vật chất.
Lại có một lối cúng dàng cao thượng hơn hết. Kinh nói: “trong các lối cúng dường, pháp cúng dường là bậc nhất”. Pháp cúng dường tức là thâm tín Phật pháp, nghiên cứu Phật pháp, đọc tụng Phật pháp, thụ trì Phật pháp, giảng diễn Phật pháp, làm cho Phật pháp lan tràn khắp mọi nơi, người người đều thấm nhuần ân đức của Phật, xây dựng bản thân, gia đình, quốc gia, xã hội trong tinh thần giác ngộ, an lạc và hòa bình…
Ðứng về mặt tu thân, sửa tính, đoạn vọng, chứng chân, cúng dàng còn có nghĩa là trừ sạch ba nghiệp, không sân, không nhiễm, toàn thân thanh tịnh, chói sáng, chí thành dâng lên Tam Bảo.
Kệ rằng:
Diện thượng vô sân cúng dàng cụ,
Khẩu lý vô sân thổ diệu hương,
Tâm lý vô sân chân dị bảo,
Vô sân vô nhiễm thị chân thường.
Tạm dịch:
Trên mặt không sân: phẩm cúng dàng,
Giận không xuất khẩu thổ hương đàn(chiên đàn)
Tâm không sân nộ là trân bảo,
Không sân, không nhiễm đạo chân thường.
TRÌ CHÚ: Trì chú để làm gì?
Trì chú để cầu trí tuệ, tiêu nghiệp chướng, diệt tội khiên, giải oan kết, ngày đêm an lành, vãng sinh cực lạc…
Xin cắt nghĩa thêm?
Chú là một bí ngữ, bí quyết của chư Phật, nghĩa lý nhiệm mầu vô biên, dù cho các trời, người, quỷ, thần cũng không thể nào hiểu thấu được. Nếu ai chí thành trì tụng, giữ đúng phương pháp, nghi thức thì quyết định được hiệu nghiệm vô cùng. Cho nên trì chú cũng là một môn tu trong đạo Phật, thuộc về Mật Tông, cũng gọi là Chân ngôn tong, Phật giáo Tây Tạng thiên trọng về tông này.
Thần chú có nhiều bài, mỗi bài có mỗi hiệu nghiệm, linh ứng khác nhau. Như chú thất Phật diệt tội chân ngôn để cầu diệt tội sinh phúc; chú vãng sinh để cầu sinh sang cực lạc v. v…
Trên hội Ðại bi, đức Bồ Tát Quan Thế Âm bạch Phật rằng: “bạch đức Thế Tôn, nếu chúng sinh nào trì tụng thần chú đại bi, mà sau khi chết phải đọa vào ba đường ác, con thề không thành Chánh giác…”. Thần chú Ðại bi có rất nhiều hiệu nghiệm thiêng liêng, vì thế rất nhiều người thụ trì chú này.
CHÚ ÁN XỈ LÂM, BỘ LÂM: Chú Án xỉ lâm, Bộ lâm có thần hiệu hàng phục được tám bộ chúng, và tiêu diệt được tất cả tà chú, ác chú của ngoại đạo. Chú này là đỉnh đầu của chư Phật, là tâm của đức Văn Thù Bồ Tát, phá tan được tất cả sự sợ hãi của chúng sinh, và làm cho chúng sinh được an vui. Nếu ai tụng chú này bốn phương, trong năm trăm do tuần, những ác thần ác quỷ đều phải lẫn trốn, các ác tinh và thiên ma không dám đến gần.
Theo lời kinh dạy, chúng ta trì tụng chú này sẽ trừ được các tai nạn, không cần phải giải sao, giải hạn, bùa yểm trạch, bùa yểm trùng… là các phù phép ngoại đạo xen trộn vào Phật giáo, làm sai lạc chánh giáo của Phật. Mong các hàng Phật tử chân chánh lưu tâm.
Cách trì chú: Thành tâm đọc: “Án Xỉ Lâm”, càng nhiều càng tốt.
Rồi đọc qua: “Án Bộ Lâm”, cũng như cách trên.
BIỆN MINH TÀ CHÁNH
Cúng nhương tinh giải hạn.
Trước hết xin nói ngay rằng môn cúng này không phải của Phật giáo. Tuy không phải của Phật giáo, nhưng từ lâu bị một số người đưa vào đạo Phật, trộn lẫn với chánh pháp, làm cho số đông người không hiểu Phật giáo, tưởng lầm rằng đó là đạo Phật. Tai hại nhứt, là những khi cúng, thầy cúng cũng như tín chủ, không hiểu khấn vái thế nào, mà cứ niệm A Di Ðà Phật, hay mô Phật… cho nên nhiều người mới dễ bị lầm!
Theo thế gian, mỗi năm có ba tiết lớn là thượng nguyên, trung nguyên và hạ nguyên. Thượng nguyên vào rằm tháng giêng, để cầu Thiên Quan giáng phúc. Trung nguyên vào ngày rằm tháng bảy, để cầu Ðịa Quan xá tội, Hạ nguyên vào rằm tháng mười, để cầu Thuỷ Quan giải ách.: Vì thế, ngày rằm tháng giêng dân gian cúng rằm tháng giêng để van vái, cầu xin Thiên Quan ban phúc cho họ. Lắm nhà không đợi đến rằm, cứ đầu năm đã xin lá bùa để dán nhà đề bốn chữ “Thiên Quan Tứ Phúc”. Vì có lệ cầu phúc đầu năm, nên cũng trong dịp đó người ta làm lễ nhương tinh, giải hạn, nghĩa là nhương trừ những sao xấu, cầu đảo những sao tốt xóa bỏ hoặc làm nhẹ những tai nạn, và ban cho họ những điều may mắn tốt đẹp.
Cũng có nhiều người không cúng sao trong ngày rằm mà lại cúng trong ngày mồng tám tháng Giêng, vì ngày mồng tám là ngày vía Ngọc Hoàng. Tục này chỉ người Trung Hoa và người Việt Nam có, còn các nước Âu Tây thì họ quan niệm về sao khác hơn.
Theo Phật giáo, con người còn mắc trong vòng sinh tử luân hồi, dĩ nhiên chịu sự kết phọc của nghiệp, và do đó có những sự tai nạn, đau khổ. Muốn tránh những sự không may, ta phải thành tâm, thiểu dục, bỏ ác, làm lành, và phải trì tụng kinh chú để cho tiêu trừ các nghiệp chướng và ác quả.
Kinh tiêu tai nói: “Nếu có vị quốc vương, đại thần hoặc nhân dân bị năm sao áp bức, hoặc sao La Hầu, sao Tuệ, sao Bột… chiếu cung bản mệnh, nên tụng chú tiêu tai thì tất cả tai nạn sẽ tiêu diệt hết. Chú này có năng lực thần hiệu trừ diệt tám muôn hung nghiệt và thành tựu tám vạn cát tường…”.
Là Phật tử, chúng ta nên thực hành theo lời Phật dạy, và như thế tức là chúng ta làm đúng chánh pháp, loại ra những cái gì không phải Phật pháp.
GIẢI OAN, THÍCH KẾT
Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp,
Giai do phiền não bất giải thoát,
Ngã kim đoạn trừ phiền não căn,
Lục ba la mật vi giải kết.
Tạm dịch:
Vô thủy luân hồi ngàn muôn kiếp,
Ðều do phiền não không giải thoát,
Tôi nay đoạn trừ phiền não căn,
Sáu Ba la mật làm giải kết.
Bài trên đây trong khoa oan kết. Chúng sinh sinh tử luân hồi trong ngàn muôn kiếp, khi làm trời, khi làm người, khi làm súc sinh, ngạ quỷ, v. v… đều do thiện nghiệp hay ác nghiệp mà chiêu cảm. Nghiệp do đâu mà có? Do phiền não mê lầm không thoát ra được. Vậy muốn thoát luân hồi nặng khổ đau, thì phải đoạn trừ phiền não, giải thoát phiền não. Nhưng làm sao đoạn trừ phiền não được, nếu không có phương pháp hành trì? Thì đây: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ Lục Ba la mật, Lục độ là phương pháp để giải trừ phiền não.
Bản tính chúng sinh vốn sáng suốt, vì vô minh vọng động mà thành chân động nan phân, do đó hiện ra có nội tâm ngoại cảnh tất nhiên phát sinh phân biệt, rồi tạo nghiệp, thụ khổ, nên khoa có câu: “Nghiệp, chuyển, hiện biến vi tam tế; trí, hệ, khổ biến vi lục thô”.
Con người sinh ra ở đời có thân tất nhiên có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt trông sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, ý duyên pháp. Ấy là lục căn đối với lục trần. Mà căn trần đối nhau, tất nhiên sinh phân biệt, khởi phiền não. Ví như: Mắt trông thấy nữ sắc sinh tham, nhân tham sinh ái, nhân ái sinh dục; nếu ái, dục không được thỏa mãn tức sinh thù oán, như bao nhiêu việc xảy ra trên trường tình ta đã nghe thấy hoặc trông thấy. Ái dục oán thù đeo đuổi nhau đời này qua đời khác, lăn lộn mãi trong bể thảm sầu không bao giờ thoát ra được, nên khoa có câu: “Thức y căn, căn y trần, tam duyên hòa hợp; tình sinh ái, ái sinh dục, vạn kiếp luân hồi; nhứt nhựt kết vi oan gia hỷ, kiếp kiếp nan ư giải thoát”.
Vậy muốn thoát vòng oan kết, thì phải thật hành Lục Ba la mật, trở lại ý nghĩa bài kệ nói trên.
Hiện nay ta thấy có khoa cúng này, tức là do ý nghĩa trên mà lập ra. Tuy nhiên muốn được lợi ích thiết thực và đúng chánh pháp, phải thỉnh cầu chư Tăng chú nguyện Nhờ sức Tam Bảo mới có thể giải trừ mọi oan kết. Ðiều đó cần nhứt trong sự thanh tịnh, thành tâm, nếu xen vào những vọng niệm thế gian, thì không những không lợi ích mà còn đắc tội với Tam Bảo nữa.
CÚNG PHÁ NGỤC
Trước hết xin nói về địa ngục. Ðịa ngục là một khu vực, một cảnh giới, trong đó những chúng sinh tạo ác nghiệp phải chịu những sự hình phạt xứng đáng, khi thời tiết nhân duyên đã đến.
Ðịa ngục có tính và tướng.
Tính địa ngục là con người có thân ngũ ấm: Sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Ngũ ấm là lao ngục, tù hình, giam hảm, đày đọa con người phải chịu bao nhiêu sự đau khổ.
Tướng địa ngục là địa ngục có thành quách bằng sắt bao quanh, đủ những hình phạt lửa cháy, nước sôi, đao sơn, kiếm thụ, v. v…
Phá ngục tức là phá tan địa ngục, để cứu vớt những chúng sinh bị đọa đày, hình phạt ra khỏi cảnh đau khổ và được an vui tự tại.
Kinh dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo”. Khoa phá ngục nói: “Pháp giới không có chúng sinh; chúng sinh thấy có là do vọng kiến biến thành”.
Ðạo Phật vốn không có ngôn thuyết; ngôn thuyết là vì chúng sinh mà kiến lập. Trong giới chân như bình đẳng, vốn không có Phật và chúng sinh; Phật với chúng sinh đã không thì làm gì có thiên đường địa ngục.
Sở dĩ có địa ngục là do chúng sinh vọng kiến. Lục căn là thân chúng sinh; lục thức là tâm chúng sinh; lục trần là thế giới chúng sinh. Căn, Trần, Thức hòa hợp thành mười tám giới; mười tám giới thành mười tám tưởng tư; mười tám tưởng tư thành mười tám địa ngục.
Nếu chúng sinh giác ngộ, nhận thức thân, tâm, thế giới là vô thường, là khổ, là không thù vạn duyên dứt sạch, tư tưởng như không, đạt được một niệm không sinh, tức là chuyển mười tám giới thành mười tám La Hán…
Cũng như giải oan thích kết, phá ngục cần phải thực tu, thực chứng, thành ý, khổ công mới có kết quả, chớ không phải chỉ căn màn, che vải, đập bát, tiếp vong… mà gọi là đầy đủ nghi thức đàn tràng.
Các hàng Phật tử chân chính, xin hãy lưu tâm. ^