Khi niệm hồng danh Đức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Đem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Đức Quán Thế Âm. Đó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Nơi Viên Thông Chương của Ngài Đại Thế Chí dạy rằng : 'Thâu nhiếp sáu căn, xâu kết không gián đoạn chuỗi niệm thanh tịnh thì sẽ đắc được Tam-ma-địa. Đây là phương pháp hay nhất. 'Thật vậy đoạn kinh trên dạy mình đem sáu căn cột giữ vào một chỗ, không tán loạn, bắt chúng phải phục tùng theo, nghe lời mình. Khi đó mình biến sáu tên giặc (tức sáu căn) này thành sáu vị Hộ Pháp. Cho nên thâu nhiếp là làm cho sáu tên giặc chịu phép nhu thuận, biết nghe lời, không còn dám tác quái nữa.

Vì sao khi niệm Quán Thế Âm mình chẳng chuyên nhất đặng? Là bởi vì mình không chịu thâu nhiếp, không chế ngự sáu tên giặc này. Rồi cứ để chúng tạo sóng tạo gió, dẫn khởi vọng tưởng cuồn cuộn nổi lên.

Khi đã cột giữ được sáu căn thì mình phải xâu hết không gián đoạn chuỗi niệm thanh tịnh. Niệm thanh tịnh phải giữ nó liên tục như sóng nước : sóng sau sóng trước không ngừng nghỉ vậy. Chuỗi niệm thanh tịnh tức là niệm Đức Quán Thế Âm. Mình phải niệm không gián đoạn không ngừng nghỉ. Niệm cho tới lúc 'tương ưng' thì đó là đắc Tam-ma-địa. Tam-ma-địa nghĩa là Chánh Định Chánh Thọ.

Đây là pháp môn viên thông hay nhất vậy. Khi mình có trình độ cảm nghiệm cảnh giới như trên tức là mình có thể dùng sáu căn mà trì niệm đức Quán Âm vậy.

Khi cảm nhận đặng cảnh giới Tam-ma-địa thì mới gọi là đắc niệm Quán Âm Tam Muội. Kẻ được như vậy mới được gọi là đã Quán Âm Thất ! Chưa được Niệm Quán Âm Tam Muội, thì chưa là kẻ thật đả thất ! Kẻ nhập tam muội thì từ sáng đến tối, miệng niệm tâm trì danh hiệu Quán Thế Âm mà chẳng biết, chẳng hay gì đến quá khứ, hiện tại hay vị lai. Y hoàn toàn quên bãng, bặt mất ý niệm về thời gian.

Khi tinh thần tập trung niệm Quán Âm, mọi phiền não tự nhiên sẽ tiêu tan mất. 'Mình ăn cơm chưa hè? Không nhớ!' Vì sao thế? Vì y niệm Quán Âm mà! 'Mình mặc áo quần đàng hoàng chưa hè? Không nhớ nữa!' Vì sao thế? Vì y dốc lòng niệm Quán Âm đó!

Cho nên, nếu mình có thể quên bẵng đi 3 chuyện : ăn uống, áo quần, ngủ nghỉ thì tam muội sẽ hiện tiền. Vì tâm chẳng còn vô minh, phiền não, vọng tưởng. Do đó hãy niệm Quán Âm cho rõ ràng; lòng vui vẻ hoan hỷ coi niệm Quán Âm là việc sung sướng tự tại nhất. Được vậy thì dù bịnh, bịnh cũng lành; có đau, đau cũng hết. Dù bụng đói, cũng cảm thấy no; dù thiếu ngủ cũng thấy khỏe. Đây cũng chính là đi vào cảnh giới Niệm Quán Âm Tam Muội.

Niệm Quán Âm Nhiều Thêm

Vọng Tưởng Bớt Ít Đi

Niệm Quán Âm tức là quét dọn rác rưởi trong lòng mình.
Niệm một tiếng Quán Âm, thì bớt đi một vọng tưởng.
Niệm hai tiếng Quán Âm, thì bớt đi hai vọng tưởng.
Niệm vạn tiếng Quán Âm, bớt đi vạn vọng tưởng.

Có người hỏi : 'Thầy dạy sai rồi ! Khi tôi niệm Quán Âm lòng tôi vọng tưởng cũng dấy lên, e vọng tưởng còn nhiều hơn cả niệm Quán Âm.'

Bản lĩnh của vị này cao cường lắm ! Bởi vì y có thể vừa niệm Quán Âm vừa nghĩ loạn xạ. Kỳ thật, y chẳng phải niệm Quán Âm đâu, bởi vì tâm y nào có ở chỗ đó đâu. Tuy nhìn nhưng y chẳng thấy, tuy nghe mà y chẳng lắng. Tuy cùng đại chúng niệm Quán Âm nhưng y chẵng chú ý đến Quán Âm. Chính bởi do không chú ý, chú tâm đến Quán Âm nên vọng tưởng loạn lên. Khi vọng tưởng nổi dậy thì miệng cũng quên niệm Quán Âm. Hễ quên niệm Quán Âm thì vọng tưởng lại càng dấy khởi. Đó là thứ tu lấy lệ chớ không phải là tu chân thật.

Lúc nào mình không niệm Quán Âm thì lúc đó mình hòa với bụi bặm, trộn với bùn lầy : Cứ bị người xung quanh đủa đảy, chẳng có định tâm gì cả. Tới lúc niệm Quán Âm thì chẳng được tương ưng, tiếng niệm yếu ớt, khí lực bạc nhược.

Đây, lúc niệm Quán Âm mắt phải nhìn hướng tới Ngài, lòng tưởng nhớ Ngài, xem Bồ Tát thực sự luôn luôn hiện hình ở trước mặt mình. Đức Bồ Tát ngàn mắt ngó mình, ngàn tai nghe mình, ngàn tay hộ mình. Miệng niệm Quán Âm, tai phải nghe cho rõ ràng. Rồi lại đem tiếng niệm nghe nơi tai, chuyển đạt vô đáy lòng. Khi lòng tiếp nhận tiếng niệm Quán Âm thì tức là mình đã thỉnh Ngài Quán Âm vào tâm tư rồi đãy. Có Ngài Quán Âm ngự trong lòng thì sao mình có thể loạn tưởng, nghĩ xằng đặng! Cho nên niệm Ngài Quán Âm là phương thuốc thần trị bịnh vọng tưởng.

Hễ lòng thanh tịnh, thì mình tự tại.

Khuyến Tu Tịnh Độ Trung
Niệm Phật mà niệm không gián đoạn,
Miệng niệm Di-Đà lòng chuyên nhất,
Chẳng khởi tạp niệm đắc tam muội,
Chắc rằng cõi Tịnh có ngày về.
Trọn ngày nhàm chán cõi Ta Bà,
Lòng đối hồng trần thêm lạnh nhạt.
Cầu sanh Cực Lạc, ý sâu dầy,
Rũ sạch cấu nhơ, giữ trắng lòng.
Trích từ: Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 1, Linh Nham Tùng Thư Tải Về
2 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 2, Linh Nham Tùng Thư Tải Về
3 Chuyện Tình Của Liên Hoa Hòa Thượng, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về