Home > Linh Cảm Ứng > Tram-Thi
Trầm Thị
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Trầm thị người ở huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Bình sanh tâm của bà rất tốt, đủ những tánh đức: ngay thật, hòa nhã, thành khẩn, nhân từ. Thấy các việc nghĩa bà liền gắng làm tận lực, lại ưa thành tựu điều tốt cho người. Bởi thế kẻ chung quanh vùng đều mến ưa kính trọng.

Căn lành đã sẵn, nhưng tiếc vì thiếu bậc trí thức chỉ dạy rành rẽ cho phương thức tu hành, Trầm thị chỉ nghe người nói qua pháp môn Thập Niệm cầu sanh về Tịnh Độ. Tuy nhiên bà rất lấy làm hoan hỷ, phát lòng tin chắc không nghi, và chí thiết thật hành. Sự tu trì của bà rất bền bỉ tinh tấn, không lúc nào trễ sót, hơn hai mươi năm như một ngày.

Niên hiệu Dân Quốc thứ 15, Trầm thị bỗng cảm bệnh nhẹ rồi mãn phần. Khi bà sắp mạng chung, đứa con út mới hơn mười tuổi đang chơi đùa bên ngoài, chợt thấy từ giữa hư không vô số chư tăng bay xuống vị nào cũng có hoa sen đỡ gót, tướng tốt cao lớn trang nghiêm, nơi thân có ánh sáng phóng ra rực rỡ chói mắt. Trong ấy có một vị tăng cao lớn khác thường, tay cầm hoa sen to đẹp trao cho mẹ mình. Chợt một thoáng, cậu bé thấy mẫu thân đã vào ngồi nơi hoa sen. Đang lúc nó kinh lạ nhìn ngơ ngẩn xuất thần, bỗng nghe cô chị đứng ngay cửa sổ gọi to bảo mẹ đang hấp hối, hãy mau vào tống chung. Khi đứa bé vào đến bên giường, thì Trầm thị đã nhắm mắt qua đời, trong nhà hương lạ tỏa bay bát ngát. Hơn mấy hôm sau, mùi thơm ấy mới tan. Gia nhơn tìm mãi không biết hương đó phát ra từ đâu.

Về sau, cậu bé thường đem chuyện ấy thuật lại với mọi người, và nói: “Lúc mẹ đã ngồi trong hoa sen, vì bị chị gọi vào nhà, nên không được nhìn thấy mẫu thân và chư tăng bay về Tây Phương như thế nào”. Cậu tỏ vẻ tiếc mãi về việc ấy.

Lời bình:

Trong 48 Đại nguyện, Đức A Di Đà Thế Tôn có lời phát thệ: “Như chúng sanh nào muốn về nước ta, chí tâm xưng danh hiệu ta cho đến mười niệm, nếu chẳng được vãng sanh, ta thề không thành Chánh Giác”. Nay Ngài đã thành Phật, tất biết điều nguyện ấy không hư dối. Trầm Thị chỉ tu theo pháp Thập Niệm, nghĩa là mỗi ngày đều chấp tay hướng về Tây xưng Nam Mô A Di Đà Phật mười hơi, kết quả được sanh về Cực Lạc. Sự vãng sanh của bà yếu ước do ba điểm: Lòng tin chắc chắn; tâm nguyện chí thiết; sự hành trì vững bền. Khi đã vãng sanh, tức chẳng còn nỗi khổ luân hồi, thuần hưởng những đều vui, lần lần tiến chứng đạo phẩm, không bị thối chuyển và kết cuộc sẽ thành Phật. Sự việc trên cho ta thấy điểm đặc biệt của môn Tịnh Độ: “Nhân hành trì rất dễ, quả thành tựu cực cao”.