Thích Đàm Giám, họ Triệu, người thời Nam Bắc Triều, ở Ký Châu. Ông xuất gia thuở bé, thờ ngài Trúc Đạo Tổ làm thầy. Tánh thanh đạm, pháp sư ăn cơm rau, mặc áo vải, giữ luật hạnh rất tinh khổ. Sau lại du phương đi khắp nơi hoằng pháp độ người. Khi tới Kinh Châu, ngài dừng bước tịnh tu ở ngôi Tân tự tại Giang Lăng. Bấy giờ xuân thu đã hơn sáu mươi tuổi.
Bình sanh, nếu có làm chút điều lành, pháp sư đều hồi hướng cầu về Tây phương, nguyện được thấy Phật. Một hôm, trong khi thiền định, ngài thấy Phật A Di Đà thân tướng rất cao đẹp trang nghiêm, cầm hoa sen rưới nước nơi đầu và mặt, dùng Phạm âm trong thanh vi diệu bảo: "Ta rưới pháp thủy gội rửa trần cấu, làm cho tâm ngươi thanh tịnh, khiến cả ba nghiệp đều được nghiêm sạch!". Nói đoạn, lại lấy một cành hoa sen trong bình báu trao cho.
Sau khi xuất định, pháp sư tỏ bày sự sống chết vô thường cùng đại chúng, và dặn dò hậu sự. Đêm đã khuya, chư tăng đều lui về liêu phòng, ngài đi chậm rãi nơi hành lang niệm Phật đến canh năm, tiếng càng lúc càng khẩn thiết. Đến sáng, đệ tử y thường lệ vào phòng thăm hỏi, thấy pháp sư ngồi ngay thẳng bất động, lại gần xem thì đã viên tịch. Lúc ấy ngài hưởng thọ được bảy mươi tuổi.
Thời bấy giờ, lại có Thích Đạo Hải ở Giang Lăng, Thích Huệ Khám ở Bắc Châu, Thích Đàm Hoằng ở Hoài Nam, Thích Huệ Cung ở Đông Châu, Thích Đạo Quảng ở Đông Viên, Thích Đạo Quang ở Hoằng Nông, cùng phát nguyện cầu sanh Cực Lạc, khi lâm chung đều có điềm lành. Sự vãng sanh của chư đại đức kể trên, gây rất nhiều tín tâm cho hàng đạo tục.