Tào Nghi Nhơn, người ở Sào huyện tỉnh An Huy, nguyên là chị ruột của cư sĩ Tào Trạch Tây. Khi lớn lên, bà được cha mẹ gả về nhà họ Lý. Tánh Nghi Nhơn rất hiếu cẩn, vì muốn báo ân nặng song thân, bà phát nguyện trường trai giữ giới. Sau khi được nghe biết chánh pháp, lại nguyện chuyên tu Tịnh Độ, niệm Phật cầu về Cực Lạc, để cứu độ hàng thân thuộc và tất cả chúng sanh.
Nghi Nhơn tu niệm rất tinh cần, dù trải thời tiết lạnh nóng cũng không trễ bỏ. Khi gặp mọi người, bà đều khuyên họ ăn chay niệm Phật. Hạnh tinh tấn tự tu và khuyên người như thế, hơn 30 năm vẫn diễn tiến đều đều không thiếu sót. Mỗi ngày Nghi Nhơn niệm Phật theo định khóa ba muôn câu, và cũng hơn 30 năm chân không bước ra khỏi ngõ. Trong hàng nữ lưu, sự tu như thế cũng đặc biệt hy hữu, có thể dùng hai lời sau đây để khen ngợi:
Ba vạn câu sen, ba chục xuân
Gót chân chẳng đạp ngõ hồng trần!
Lúc tuổi hơn thất tuần, một hôm Nghi Nhơn bỗng cảm thấy bịnh. Vài ngày kế, bà tự nói thấy có hai đồng tử tay cầm tràng phan theo hầu Phật đến tiếp rước. Trong lúc đó gia nhơn cũng đều thấy tường quang chiếu sáng cả nhà, lại nghe tiếng nhạc thanh thao dìu dặt giữa hư không. Nghi Nhơn chấp tay hướng lên không trung vái lạy, rồi bảo người nhà rằng: "Giữa hư không, lưới báu hiện ra giăng khắp, mỗi mắt lưới đều có một hạt châu hoặc bảo vật. Tôi tự nghĩ bình sanh không làm công đức chi nhiều, chẳng qua niệm Phật khuyên người hiếu thuận với mẹ cha, thương giúp kẻ nghèo khổ và không vọng ngữ mà thôi. Nay được về cảnh đẹp vui là điều rất hân hạnh! Vậy mọi người phải cố gắng niệm Phật, cõi Cực Lạc quả có thật chớ nên nghi ngờ. Ngày rằm tới đây, tôi sẽ vãng sanh". Lúc đó chồng là Lý Quân đứng gần bên nói: "Xét theo âm lịch, ngày rằm này xung khắc với gia đình, không được tốt!". Nghi Nhơn bảo: “Thế thì hãy chọn cho tôi ngày khác”. Lý Quân nói: “Ngày mười tám chỉ khá. Hai mươi mốt mới là thật tốt”. Nghi Nhơn bảo: “Vậy ngày 18 tôi sẽ đi!".
Vừa hừng sáng hôm ấy, Nghi Nhơn vội gọi người nhà bảo: "Mau đốt hương nến tiếp rước, vì Phật và chư Thánh chúng đã quang lâm!". Hương trầm vừa nóng cháy, thì bà đã ngồi yên lặng vãng sanh. Bấy giờ nhằm tháng 11 năm Dân Quốc thứ 12, Nghi Nhơn thọ được
76 tuổi.