Home > Linh Cảm Ứng
Phùng Nghi Nhơn
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Phùng Nghi Nhơn pháp danh Diệu Hòa, nguyên là vợ của cư sĩ Bao Bồi Trai. Tánh bà chán sự ồn ào ưa sạch sẽ vắng lặng. Năm 21 tuổi, sau khi vu quy, bà khéo thờ kính cha mẹ chồng, được tiếng khen là hiền hòa hiếu thuận.

Một đêm Nghi Nhơn nằm mơ thấy nhà hàng thịt trong xóm giết heo. Con vật bị giết đầu tiên là heo, kế đó lại là một phụ nhơn. Bên cạnh có bà lão giúp cởi đồ trang sức và áo của phụ nhơn, để tên đồ tể hành quyết. Nghi Nhơn quở rằng: "Tại sao dùng người làm heo để giết ăn thịt?". Bà lão Đáp: "Chúng ta thấy là người, nhưng kẻ hàng thịt nhìn là súc thú!". Tỉnh giấc hỏi thăm thì nhà hàng thịt vừa giết hai mạng sanh vật, con sau là heo cái, đúng như điềm mộng. Nghi Nhơn hoảng hốt chợt tỉnh ngộ bảo: "Người cùng heo luân hồi đổi lớp mau lẹ thật không ngờ!". Từ đó bà thề không ăn thịt heo, hằng ưa chay tịnh và giữ giới sát, Nghi Nhơn lại chiêu tập hàng phụ nữ cùng nhau lập ra Phóng Sanh hội. Cứ mỗi nửa tháng, cùng vào những ngày vía Phật, Bồ Tát, hội viên đều đóng góp tiền mua sanh vật để thả. Kế tiếp Bao Bồi Trai nghe hiểu chánh pháp, ăn chay trường thờ Phật, Nghi Nhơn cũng nối chí theo chồng. Cả hai đều tích cực tu phước làm lành, thường cứu giúp các nạn dân trong cảnh chiến tranh, bão lụt.

Mùa thu năm Mậu Ngọ thời Dân Quốc, Nghi Nhơn thọ Tam quy với Vi Quân hòa thượng, kiêm giữ giới

Bát Quan Trai. Từ đó bà chuyên niệm hồng danh A Di Đà, phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc. Lúc rảnh lại trì chú tả kinh, mạnh mẽ tinh tấn, sớm hôm chẳng dừng nghỉ. Thường khi hành lễ, bà thấy tượng Phật lần lần cao lớn, thánh tượng Quán Thế Âm chớp chớp như muốn phóng ánh hào quang. Ngoài ra, còn nhiều điềm lành khác không thể thuật hết.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất, Nghi Nhơn vương bịnh. Đến tháng 5 nhuần, Bao cư sĩ thỉnh Toàn Lãng hòa thượng tới nhà truyền Ngũ giới. Trong khi thọ giới,

Nghi Nhơn thầm tưởng Thánh chúng khắp mười phương vây quanh đạo tràng. Cuộc lễ xong, bà cảm thấy thân tâm thơ thới, gọi người nhà bảo: "Thọ giới đã xong, tôi có thể chuẩn bị sanh về Tây Phương!". Lại dặn Bao cư sĩ sau khi mình mạng chung nên liệm với áo vải thô, dùng quan tài bằng thứ gỗ xấu. Từ hôm đó, Nghi Nhơn bịnh lần thêm nặng. Người nhà thỉnh chư tăng đến trợ niệm, bà một lòng lắng nghe thầm niệm, mặt lộ sắc tươi vui. Sau khi ấy, Nghi Nhơn bảo nấu nước cho mình tắm gội thay y phục. Mọi việc xong, bà nhờ gia nhơn đỡ lên ngồi kiết già ngay thẳng. Kế đó đôi mắt chăm chú nhìn về Tây Phương như thấy cảnh tượng chi khác lạ. Giây phút hai tay Nghi Nhơn kết ấn Di Đà tam muội, rồi lặng lẽ mà thoát hóa.

Sau chín giờ toàn thân bà mới lạnh hẳn, riêng đảnh đầu còn nóng, tay chân mềm dịu, sắc mặt tươi vui. Bấy giờ nhằm tháng 6 năm Dân Quốc thứ 11. Nghi Nhơn hưởng dương được 51 tuổi.