Home > Linh Cảm Ứng
Lâm Thị
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Lâm thị pháp danh Tánh Ngộ, nguyên là kế thất của cư sĩ Hứa Bình Trọng. Mẹ cô họ Uông, thờ đức Quán Thế Âm rất thành kính. Từ thuở bé cô đã theo mẹ giữ Quán Âm trai, đến năm 24 tuổi mới về nhà họ Hứa. Hứa Quân làm quan từ Chương Châu, rồi thuyên chuyển sang Giang Tô, Lâm thị cũng theo chồng.

Mùa xuân năm Quý Hợi thời Dân Quốc, Hứa Bình Trọng nhận lời mời của cư sĩ Mã Ký Bình, đến Vu Hồ nghe Đế Nhàn pháp sư giảng kinh. Do cơ hội đó, Lâm thị cũng được đi theo. Sau khi giảng kỳ hoàn mãn, vợ chồng đều quy y với Đế lão. Lúc trở về Nam Kinh, Lâm thị đóng cửa chuyên tu Tịnh Độ. Cô đốc suất con cái trong nhà đều trường trai niệm Phật, mỗi ngày giữ thời khóa nhất định. Riêng con gái kế của cô phát tâm xuất gia, thế độ với Giác Minh đại sư ở Vu Hồ, được pháp danh là Phổ Huệ. Thiếu nữ này ngôn hạnh đoan trang, tu hành tinh tấn, nên hơn một năm sau được thầy cho thọ giới sa di ni.

Tháng 6 năm Bính Dần, Phổ Huệ vương bịnh rồi viên tịch. Khi lâm chung, được Lâm thị cùng đồng bạn xưng hồng danh hộ trợ, cô giữ vững chánh niệm đến phút chót, và vãng sanh trong trạng thái rất an lành. Hôm sau tẩn liệm, tay chân của Phổ Huệ đều dịu mềm, đảnh đầu hãy còn nóng ấm.

Mục kích sự vãng sanh của con, Lâm thị càng phát tâm tinh tấn mạnh mẽ. Từ trước mỗi ngày cô giữ định khóa tụng một quyển kinh Kim Cang, niệm hai muôn câu Phật hiệu, dù lúc công việc bận rộn hay mỏi mệt đau yếu, cũng gắng hết sức không dám trễ bỏ. Lúc sau này, lại trì niệm cực kỳ chuyên thiết. Cô tự nói: “Những khi mình niệm Phật đến mức rất thành khẩn, liền thấy đức A Di Đà ngồi trên hoa sen, cảnh ao báu lâu đài hiện rõ ràng trước mắt”. Bình nhựt Lâm thị ưa đọc quyển Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, rất tôn sùng các ngài Đế Nhàn, Ấn Quang cùng Giác Minh đại sư. Cô thường nói với đồng bạn: "Tuy tôi chưa có duyên lành diện kiến Ấn Quang pháp sư, song đã được thấy văn cũng đồng như thấy người. Yếu điểm về hai chữ Thành Kính trong tập Văn Sao của ngài, nếu hành trì một cách thiết thật, có thể chứng được Niệm Phật tam muội!". Lại nói: "Thân này là nơi tập trung của mọi nỗi khổ, mà nghiệp ái lại là cội rể của sự khổ. Nếu không trừ gốc ái, làm sao dứt được khổ căn?". Do đó sau khi quy y không bao lâu, Lâm thị ước hẹn với chồng cùng tu hạnh thanh tịnh, dứt sự ái ân, xem nhau như bạn đạo.

Sau thời gian Phổ Huệ vãng sanh, từ tháng 7 năm Bính Dần trở đi, Lâm thị cũng đau yếu dây dưa, nằm trên giường bịnh hơn ba tháng, song vẫn không rời câu Phật hiệu. Đến ngày mùng 6 tháng 10, vào tuần bá nhật của con, do cô gia công trì niệm, nên bịnh lại tăng thêm. Tới ngày 27, Lâm thị bảo người nhà lau dọn trong phòng cho sạch sẽ, và xông đốt trầm hương. Mọi việc xong, cô bỗng chấp tay nói: "Tam Thánh hiện thân vàng nghiêm đẹp, ngỏ lời khuyên nhắc, quang minh chiếu sáng rực cả phòng!". Ngày 28, cô bảo nấu nước ngải diệp cho mình tắm gội để tiện ra mắt Tam Thánh. Sang chiều tối ngày 29, Lâm thị dạy con cái vây quanh mình niệm Phật và nói: "Vài hôm nay, mẹ đã có thể tự chủ, câu hồng danh chẳng giây phút nào rời nơi tâm!" Sáng ngày 30, vào lúc 7 giờ, cô bỗng nói: "Tây Phương Tam Thánh đã quang lâm!". Nói xong yên lặng, Hứa Quân bảo người nhà đồng chấp tay trợ niệm. Tới 9 giờ sáng, hơi thở của Lâm thị lần lần yếu, một đứa con Hỏi: "Mẹ có nghe niệm Phật chăng?". Cô không đáp, sẽ gật đầu. Kế đó Hứa Quân đem tượng Phật tiếp dẫn để trước mặt. Lâm thị liền mỉm cười nhắm mắt mà đi thẳng.

Hai giờ chiều đảnh đầu cô còn nóng. Sang 5 giờ tẩn liệm, tay chân vẫn mềm dịu như bông, nhan sắc tươi sáng. Vài hôm sau, làm lễ thiêu hóa, khói trắng bốc lên bay xuôi về hướng Tây. Đêm ấy bà nữ bộc họ Hoàng nằm mơ, thấy Lâm thị hiện thân tướng tốt đẹp, chấp tay niệm Phật càng lúc càng cấp thiết, rồi bay thẳng về Tây Phương.