Home > Linh Cảm Ứng
Đơn Đức Tôn
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Đơn Đức Tôn tự Ngưỡng Đình, ở huyện Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang. Tánh ông cương trực, mạnh mẽ trong việc làm nghĩa. Ngưỡng Đình cùng cư sĩ Lạc Quý Hòa là bạn đồng học, sau khi chia tay nơi trường ốc, suốt mười mấy năm hai bên không gặp mặt nhau.

Tháng 8 năm Quý Hợi thời Dân Quốc, Đức Tôn từ Thanh Đảo mang bịnh trở về, rồi nằm liệt giường chiếu. Được biết Lạc Quý Hòa hiện đang là y sĩ nổi danh, ông cho người mời tới điều trị. Lạc vội đến nơi, thấy bịnh còn có thể cứu chữa, liền tận tâm chăm sóc hơn một tháng, ông bạn cũ mới được an lành. Sau cơn đau nặng, túc huệ của Đức Tôn bộc phát, ông thường than thở với Quý Hòa rằng: "Thân thế và cảnh vật giữa đời đều hư huyễn, kiếp người bị vô lượng nỗi khổ buộc ràng!”. Nhân cơ hội đó, Lạc liền đem pháp môn Tịnh Độ ra giảng giải khuyên tu. Ông nghe xong lãnh hội vui mừng, nhờ bạn chỉ định cho khóa trình hành trì và những kinh sách nào nên đọc, Quý Hòa tùy hỷ theo, mỗi mỗi đều tỏ bày rành rẽ.

Lần lần thân thể kiện khang, Đức Tôn sửa sang một gian phòng nơi nhà làm tịnh thất, thờ Phật và Bồ Tát rất trang nghiêm. Theo thời khóa đã quy định, ông đến trước bàn Phật trì niệm không trễ sót. Cô con gái là Ái Châu vừa 17 tuổi, cũng phát tâm mỗi ngày đều theo cha tu hành. Từ đó bước tu học của Đức Tôn càng lúc càng tiến xa. Ý ông muốn rủ bỏ hết việc đời để ẩn tu nhưng vì chức vụ giữ văn thư ở Trung Quốc Ngân Hàng tại Thanh Đảo, ngoài ông ra không tìm được người thay thế. Hơn nữa vị trưởng Ngân Hàng còn gởi thư đánh điện thôi thúc nhiều phen, bất đắc dĩ lại phải lên đường phó nhậm. Bởi cuộc hành trình xa xôi mỏi nhọc, sau khi tới Thanh Đảo, Đức Tôn vướng phải chứng sán khí. Lần hồi bịnh càng tăng thêm, ông chỉ còn cách tạm xin nghỉ việc, trở lại quê nhà an dưỡng một phen nữa.

Ngày mùng 1 tháng 4 năm Giáp Tý (1924), bịnh thế nguy kịch, tự biết khó qua khỏi. Đức Tôn xếp đặt hậu sự rành rẽ. Ông dặn dò sau khi mình mãn phần, chớ nên làm pháp sự long trọng, chỉ thỉnh một vị tăng thường ở trước linh sàng niệm Phật là đủ. Người nhà vây quanh lộ vẻ thương khóc, ông bảo: "Tôi đang chú tâm hướng về Tây Phương, xin đừng làm loạn chánh niệm, nên thay phiên nhau xưng hồng danh Phật để hộ trợ là cần thiết và tốt hơn. Tôi đi phen này sẽ thẳng về thế giới Cực Lạc, thật ra chẳng phải chết mất xa lìa. Lý ấy rất thâm, vì trong thân quyến chưa hiểu Phật pháp nhiều, nên không thể nói ra kỹ hết. Đêm hôm qua Bồ

Tát đã hiện thân mách bảo thời khắc vãng sanh. Lần đi này tôi có chỗ nương về, sự vui còn thắng hơn cõi trần vạn bội. Đó chính là điều đại hạnh, xin đừng lộ vẻ bi thương!". Lúc ấy người nhà xin cho thay đổi y phục, ông ngăn lại bảo: "Vào giờ Mùi ngày mùng 3 mới đến lúc vãng sanh, hiện thời hãy còn sớm, việc đó chưa vội, nên vì tôi trợ niệm là tốt hơn".

Tới ngày mùng 2, Đức Tôn nhờ cạo tóc và nấu nước thơm tắm gội, cùng thay đổi y phục. Đến giờ Ngọ ngày mùng 3, ông bảo: "Đã gần tới thời khắc vãng sanh, xin đỡ dậy ngồi kiết già". Vừa sang đầu giờ Mùi ông liền nhắm mắt an lành thoát hóa. Ba hôm sau, thân thể của Đức Tôn vẫn còn mềm dịu nóng ấm, nhan sắc tươi tỉnh không thay đổi. Ông hưởng dương được 58 tuổi.

o0o