Home > Linh Cảm Ứng > Tri-Khai-Dai-Su
Trí Khải Đại Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Trí Khải đại sư, họ Trần, tự Đức An, quê ở Vĩnh Xuyên thuộc Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc. Đại sư ứng thế vào khoảng các đời Lương, Trần, Tùy. Bà mẹ mộng thấy mây thơm năm sắc hiện ra đoanh vây nơi thân rồi vào bụng, mà cảm mang thai ngài. Đêm đại sư đản sanh, trong nhà hương thơm bát ngát, thần quang chiếu sáng rực rỡ.

Ngài sanh ra đã bẩm tướng lạ: mày thanh tú, mắt dài sáng, mỗi tròng mắt có hai con ngươi nằm ngang. Nơi hai tay, mỗi cùi chỏ đều có bốn cục xương gu. Khi nằm tất nghiêng bên hữu, chấp hai tay. Lúc ngồi thì thường kiết già day mặt về Tây. Vừa hơi lớn, thấy tượng Phật liền lạy; gặp người xuất gia, tỏ dáng cung kính.

Năm lên bảy, ngài theo mẹ vào chùa Quả Nguyện, nghe một vị tăng tụng phẩm Phổ Môn, liền đọc lại thuộc lòng, như đã có học tập từ trước. Lúc mười bảy tuổi, đang khi lễ Phật rồi quỳ xuống thệ nguyện xuất gia, ngài bỗng như vào mộng, thấy cảnh giới biển rộng mênh mông, nước ngâm trong vắt. Gần mé biển có một tòa non cao chớn chở, mây phủ lưng chừng, mặt trời chiếu sáng. Khi ấy ngài thấy mình đứng dưới núi, trên đảnh có vị tăng cúi xuống đưa cánh tay dài kéo lên, dẫn vào một ngôi già lam, bảo: "Về sau, ông sẽ trụ nơi đây để hoằng hóa".

Năm mười tám tuổi, ngài nương theo Pháp Chữ thượng nhơn ở Quả Nguyện tự, tại Sương Châu xuất gia. Kế đó, lại đến chùa núi Đại Hiền học tập Luật tạng, tụng kinh Vô Lượng Nghĩa, kinh Pháp Hoa, và tu Phổ Hiền quán. Vào đầu niên hiệu Thiên Gia, nghe danh đức của Huệ Tư thiền sư ở núi Đại Tô tại Quảng Châu, đến tham bái. Huệ Tư vừa nhìn thấy ngài liền bảo: "Ta với ông xưa kia đồng nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở Linh Sơn đại hội, túc duyên đeo đuổi, nay lại gặp nhau!". Nhân đó thiền sư khai thị về Tứ an lạc hạnh, và dạy cách kiến nhập Phổ Hiền đạo tràng. Đại sư lãnh giáo, nương tại đây nhập quán tu Pháp Hoa tam muội. Vừa được hai thất, khi tụng kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương câu: "Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai...", thân tâm chợt rỗng không, lặng lẽ vào định. Trong định, ngài thấy hội Linh Sơn vẫn còn hiển hiện đông đảo chưa tan, liền thấu suốt ý chỉ Pháp Hoa và các pháp tướng, túc thông thầm phát. Đại sư đem sở chứng bạch với ngài Huệ Tư. Thiền sư than thở ngợi khen bảo: "Chỉ riêng ông mới chứng, duy có ta mới biết! Định cảnh ấy thuộc về tiền phương tiện và Pháp Hoa tam muội. Chỗ phát túc thông thuộc Sơ Triền Đà Ra Ni môn. Từ đây về sau, dù cho ngàn muôn văn tự pháp sự, cũng không thể làm cạn nguồn biện luận của ông được!".

Niên hiệu Đại Kiến năm đầu đời Trần, ngài đến chùa Ngỏa Quan ở Kim Lăng khai giảng Pháp Hoa. Vua sắc chỉ đình triều một ngày, bảo quần thần tề tựu lại chùa nghe giảng đề kinh. Năm Đại Kiến thứ bảy, đại sư đến núi Thiên Thai ở miền duyên hải để tránh duyên an dưỡng. Đi tới ngọn núi phía Nam, ngài trông thấy cảnh bỗng bồi hồi xúc động. Nơi đây có vị thần tăng hiệu là Định Quang đã cư ngụ từ ba mươi năm trước. Khi gặp nhau, thần tăng bảo: "Ông còn nhớ điềm ta đưa lên núi chăng? Ở sơn lãnh phía Bắc có một nơi ngân địa, hãy lên đó kiến lập già lam độ chúng". Đại sư y lời đến xem thấy cảnh đúng như điềm ứng trước, liền xây dựng chùa, trồng cây thông, dẫn nước suối, khiến cho ngôi tự viện càng thêm u nhã. Từ đó ngài giảng diễn các kinh giáo đại thừa như: Pháp Hoa, Kim Quang Minh, luận Ma Ha Chỉ Quán, rộng mở về thiền pháp, hàng tăng tục nương về ngày càng thêm đông. Về phần chư Thần quy hướng, như cha con Quan Thánh và Võ An Vương đều hiển linh cầu thọ giới, xin làm đệ tử hộ pháp.

Không bao lâu, đại sư lại nhận lời thỉnh của vua nhà Trần, trở về Kim Lăng giảng kinh Pháp Hoa Văn Cú tại chùa Quang Trạch. Nhà Trần mất, ngài vào Lô Sơn, kế lại châu du các miền Kinh, Dương hoằng pháp. Năm Khai Hoàng thứ mười bốn đời Tùy, lại trở về núi Thiên Thai.

Công nghiệp lợi sanh của đại sư rất nhiều, nơi đây chỉ thuật phần đại khái. Trước sau, ngài tạo 36 ngôi chùa lớn, tổ chức cho biên chép 15 pho đại tạng kinh, độ hơn 14.000 vị xuất gia, trong đó có 32 bậc cao đồ đắc pháp, tạo 800.000 tượng Phật, Bồ Tát bằng vàng, đồng, cây chiên đàn, hoặc những thứ gỗ khác, khai 63 ao phóng sanh ở các vùng Hộ, Khê, Lương dài khoảng 300 dặm, soạn thuật các tập Chư Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Ma Ha Chỉ Quán, Kim Quang Minh Văn Cú, Quán Kinh Sớ cùng nhiều kinh luận khác, mở những đàn truyền giới và các khóa diễn giảng khuyến hóa ngư dân miền duyên hải bỏ nghề chài lưới, cùng viết biểu tâu với vua nhà Trần xin xuống chỉ cấm việc sát sanh quanh vùng bờ biển núi Thiên Thai. Tóm lại, trong hai đời Trần và Tùy, ngài là bậc đại pháp vương hộ trì chánh giáo. Thái tử Tấn Vương Quảng (Dạng đế) từng thỉnh ngài đến hoàng cung cầu xin thọ giới Bồ Tát và tôn hiệu là Trí Giả đại sư. Sau ngài lại về quê cũ ở Kinh Châu, kiến thiết chùa Ngọc Tuyền, giảng dạy kinh pháp để báo ân người hương lữ.

Về ý nghĩa pháp môn Tịnh Độ, trong Thập Nghi Luận, đại sư đã khai thị yếu lược như sau:

“Muốn quyết định được sanh về Cực Lạc, phải có đủ hai hạnh: Yểm ly, Hân nguyện, nghĩa là chán bỏ và vui cầu.

Yểm ly là thế nào? Nên xét nghĩ: hàng phàm phu chúng ta từ kiếp vô thỉ đến nay, vì đắm say tự ràng buộc theo năm điều dục lạc là: sắc đẹp, tiền của, danh vị, ăn uống và ngủ nghỉ, mà bị luân hồi trong sáu đường, chịu đủ không ngằn sự khổ não. Nếu chẳng khởi tâm chán bỏ thì biết chừng nào mới được thoát ly? Phải quán xét thân giả tạm này, bề ngoài chỉ một lớp da mỏng manh che phủ, bên trong chứa đầy các thứ tanh hôi như: ruột, gan, óc, phổi, xương, thịt, máu, mủ, đàm, dãi, nước tiểu, phẩn uế. Cửu khiếu lại thường tiết ra những thứ không sạch, các lỗ chân lông hằng ra mồ hôi bợn nhơ. Kinh Niết Bàn nói: "Thân này như vòng thành nhơ uế, loài quỷ La Sát ngu si hằng tham trước nương ở trong đó. Người có trí ai lại đắm luyến huyễn thân?". Lại trong kinh bảo: "Thân này không bền lâu, là chỗ nhóm họp của các thứ khổ, các thứ nhơ nhớp; là nơi sanh khởi các thứ ung nhọt ghẻ lác, các bịnh trong và ngoài. Thân này do phiền não dâm dục sanh ra, là nghiệp chủng không sạch: do tinh cha huyết mẹ hòa hợp, là mầm giống không sạch. Ở trong thai mẹ chật hẹp tối tăm nhơ nhớp, là chỗ trụ không sạch. Khi còn trong thai dùng chất máu huyết để sống, là sự ăn uống không sạch. Do sản môn sanh ra, là chỗ sanh không sạch. Từ bé đến già bề ngoài bao lớp da mỏng, bên trong đầy thứ tanh nhơ, lại đủ các sự suy yếu bịnh khổ, là cả thân không sạch. Lúc chết rồi lại sình thối nát rã, vòi tửa lúc nhúc, là kết cuộc không sạch. Thường quán sát bảy điều không sạch như thế, tất sẽ sanh niệm chán lìa. Dù chưa thể liền dứt được nghiệp vợ chồng, thì phiền não ái dục cũng lần lần nhẹ bớt. Lại phát nguyện mong sớm bỏ thân nhơ nhớp khổ não, cầu sanh Cực Lạc, được thân bằng chất báu ngọc kim cương đủ 32 tướng tốt, lần lần tiến chứng vào thân pháp tánh sáng suốt lặng trong.

Còn Hân nguyện là thế nào? Nên nghĩ: nay ta cầu sanh Tịnh Độ, trước là để được sống trong cảnh lầu các, cây hoa, ao hồ, âm nhạc, chim lạ, đủ vô lượng thứ báu, vô lượng sự trang nghiêm vui đẹp ở Liên Bang. Sau đó, tiến tu để độ mình, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh trong vòng mê khổ. Nay ta nghiệp chướng nặng dầy, đạo lực yếu kém, nếu không biết tự lượng, mê ở cõi đời nhơ ác, cảnh duyên phiền não mạnh, tất sẽ bị sóng nghiệp cuốn lôi chìm đắm, sự độ mình không rồi, nói chi độ chúng? Như thế biết chừng nào mới thoát ly khỏi kiếp sa đọa luân hồi? Nếu được về Cực Lạc, tất cả ở cõi thơm sạch trang nghiêm, sống lâu vô lượng kiếp, gần gũi chư Phật, Bồ Tát, đủ các thuận duyên tiến tu, không còn lo thối chuyển. Khi đã chứng quả vô sanh, phân vô lượng thân vào các cõi trược, độ vô biên loài hàm thức, nào có muộn gì? Cho nên phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, tức là phát tâm Bồ Đề, tức là phát tâm cầu Phật quả, tức là phát tâm độ chúng sanh, tức là phát tâm nhiếp hóa chúng sanh về cõi Phật vậy”.

Năm Khai Hoàng thứ bảy đời Tùy, khi hóa duyên đã mãn, sắp nhập diệt, đại sư tập họp chúng bảo tụng các kinh Pháp Hoa, Vô Lượng Thọ, rồi khen ngợi rằng: "Lành thay Diệu Pháp Liên Hoa kinh, cha mẹ của pháp môn, bản tích rộng lớn, mầu nhiệm khó lường! Lành thay Vô Lượng Thọ kinh, 48 nguyện trang nghiêm Tịnh Độ, ao sen cây báu, dễ vãng sanh mà ít kẻ nguyện cầu! Người tạo ngũ nghịch thập ác tướng địa ngục hiện, một niệm cải hối còn được sanh về, huống là bậc giữ giới chuyên tu, tất công phu không luống uổng vậy!". Hàng đệ tử là Trí Lãng pháp sư thưa thỉnh rằng: "Xin mở lượng từ bi, giải tỏ niềm nghi hoặc. Chưa rõ tôn đức chứng đến ngôi vị nào và khi mạng chung sẽ sanh về đâu?" Đại sư Đáp: "Nếu ta không lãnh chúng, tất chứng vị Thanh tịnh lục căn. Vì tổn mình lợi người, nên chỉ đến ngôi Ngũ phẩm. Hiện thời các hàng thầy bạn theo hầu Phật và Đức Quán Âm, Thế Chí đến rước ta vãng sanh!". Nói xong, hướng về Tây chấp tay xưng niệm A Di Đà Phật, Bát Nhã, Quán Âm rồi lặng lẽ như vào tam muội mà tịch.

Lúc ấy, nhằm ngày 24 tháng 11, đại sư thọ được 67 tuổi. Khi sắp đưa linh quan về ngọn Phật Lũng để nhập tháp, mưa to xối xả không dứt. Các đệ tử cầu nguyện, mưa liền tạnh ráo, bầu trời trở nên trong sáng, gió thông vi vút tợ kêu thương, nước suối tràn reo như bi cảm. Lúc đưa linh quan đến tháp, trời mưa hương hoa lạ rơi lác đác, mọi người cầu nguyện đều được cảm ứng. Đại khái như Thích Huệ Diên ở chùa Thiên Hương, tả kinh Pháp Hoa cầu đại sư xin xác nhận đã sanh về cõi nào? Đêm lại, nằm mộng thấy ngài theo Đức Quán Âm từ phương Tây đi đến bảo: "Ta về cõi Cực Lạc ở Hoa Tạng thế giới, ông đã dứt hết lòng nghi chưa?". Đại sư là Sơ Tổ tông Thiên Thai, lịch đại truyền thừa, đến nay môn phong hãy còn thạnh.